'Ma trận' mất tiền

03/10/2022 08:03
03-10-2022 08:03:50+07:00

'Ma trận' mất tiền

Người có tiền, đang đứng trước “ma trận” sử dụng đồng tiền để sinh lời: gửi tiền ngân hàng, mua trái phiếu doanh nghiệp, góp vốn hợp tác kinh doanh, tham gia bảo hiểm đầu tư… nhưng đều có thể quy về hai dạng chính là: cho vay hưởng lãi cố định và đầu tư kiếm lãi dựa trên kết quả kinh doanh.

Gửi tiền vào ngân hàng

Việc huy động vốn của các tổ chức tín dụng (sau đây gọi chung là ngân hàng) đều theo dạng vay tiền trả lãi (hay cho vay hưởng lãi). Ngân hàng huy động vốn phổ biến nhất dưới hai loại là nhận tiền gửi và phát hành giấy tờ có giá.

Tiền gửi của ngân hàng thường thấy là tiền gửi tiết kiệm theo quy định cụ thể tại Thông tư 48/2018/TT-NHNN và tiền gửi có kỳ hạn theo quy định cụ thể tại Thông tư 49/2018/TT-NHNN và các loại tiền gửi khác. Tiền gửi có thể là không kỳ hạn hoặc có kỳ hạn được tính theo ngày, tuần, tháng hoặc năm. Giấy tờ có giá của ngân hàng gồm chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu, trái phiếu ngân hàng, có thời hạn trên hoặc dưới một năm theo quy định cụ thể tại Thông tư 34/2013/TT-NHNN.

Các sản phẩm huy động vốn của ngân hàng luôn được ấn định một mức lãi suất cụ thể và không thay đổi trong suốt kỳ hạn, trường hợp điều chỉnh lãi suất các kỳ hạn tiếp theo thì cũng thường xác định trước bằng một công thức. Trên thực tế có chênh lệch lãi suất khá lớn giữa các ngân hàng, chẳng hạn cùng tiền gửi sáu tháng vào giữa năm 2022, bên cạnh ngân hàng chỉ trả lãi dưới 5% thì vẫn có ngân hàng trả lãi 7%/năm.

Tiền gửi tiết kiệm và tiền gửi có kỳ hạn có thể được rút trước hạn, được sử dụng để làm tài sản bảo đảm (cầm cố, đặt cọc, đặt cược, ký quỹ) và được chuyển giao quyền sở hữu cho người khác (tặng cho, trao đổi, thừa kế).

Khách hàng mua các loại giấy tờ có giá do ngân hàng phát hành thì cũng có các quyền tương tự như đối với gửi tiền ngân hàng, chỉ khác ở chỗ là không được rút tiền trước thời hạn và được thay thế bằng quyền được mua đi, bán lại.

Đặc biệt lưu ý để tránh nhầm lẫn trong trường hợp ngân hàng đứng ra bán các sản phẩm bảo hiểm đầu tư và sản phẩm khác của doanh nghiệp như trái phiếu doanh nghiệp. Trường hợp này thì nghĩa vụ trả nợ gốc và lãi là của doanh nghiệp, mà không phải của ngân hàng (ngoại trừ khi ngân hàng bảo lãnh thanh toán). Và mọi công ty tài chính không được phép huy động vốn của cá nhân hay nói cách khác, công ty nào đó đứng ra huy động vốn của cá nhân thì chắc chắn đó không phải là doanh nghiệp thuộc ngành ngân hàng.

Rót tiền vào chỗ khác

Việc huy động vốn của các cá nhân và doanh nghiệp phi ngân hàng có thể theo dạng vay tiền trả lãi (cho vay hưởng lãi) hoặc đầu tư kiếm lãi dựa trên kết quả hợp tác kinh doanh theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp năm 2020, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở năm 2014.

Tôi nhận thấy, dân ta rất mạo hiểm (chấp nhận rủi ro), rất chịu chơi (tiêu xài mua sắm) và rất ham giàu (sẵn sàng trả giá), nên cũng rất mạnh dạn, đôi khi là liều lĩnh cho vay và đầu tư, kinh doanh.

Nhà đầu tư có thể cho doanh nghiệp vay vốn bằng hợp đồng vay tiền hoặc mua trái phiếu doanh nghiệp (theo Nghị định 153/2020/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp (vừa được sửa đổi theo Nghị định 65/2022/NĐ-CP)). Hai loại vay vốn này được thỏa thuận một mức lãi suất cố định.

Ngoài hai loại này, các hoạt động khác như góp vốn, mua cổ phần hoặc tham gia đầu tư, kinh doanh trên các trên ứng dụng (app) của công ty, thì về nguyên tắc là lời ăn, lỗ chịu, có thể hưởng lãi cao nhưng cũng có thể mất trắng. Nếu ở đâu đó cam kết trả một mức lãi suất cố định thì 99% là hoạt động huy động vốn trá hình, có dấu hiệu phạm pháp. Nếu hứa hẹn trả lãi cao hơn 20%/năm thì vượt trần lãi suất theo luật định và mức lãi càng cao thì rủi ro càng lớn.

Riêng đối với việc tham gia bảo hiểm đầu tư (tức bên cạnh mục tiêu bảo hiểm rủi ro thì còn chịu rủi ro và hưởng lợi nhuận từ kết quả đầu tư) thì có sự hợp lý nhất định vì lãi suất cam kết khá thấp và được quản lý chặt chẽ, an toàn.

Ngoài ra, các cá nhân còn có thể dùng tiền vào hoạt động cho vay hay hợp tác kinh doanh hoặc vừa cho vay đồng thời đi vay giữa các cá nhân với nhau (họ, hụi, biêu, phường theo Nghị định 19/2019/NĐ-CP). Tuy nhiên, với hoạt động này, mọi thứ dựa vào lòng tin là chính, trừ trường hợp có biện pháp bảo đảm chắc chắn.

Rủi ro sử dụng đồng tiền

Gửi tiền ngân hàng thường chỉ được hưởng lãi suất thấp hơn tỷ suất lợi nhuận bình quân của nền kinh tế, thấp hơn lãi suất cho vay của ngân hàng và cũng thấp hơn việc huy động vốn của doanh nghiệp. Bù lại, thì mức độ an toàn rất cao, chỉ sau việc mua trái phiếu chính phủ. Trường hợp xấu nhất xảy ra rủi ro phá sản ngân hàng, thì sẽ được tổ chức bảo hiểm tiền gửi của Nhà nước chi trả tối đa 125 triệu đồng/ngân hàng theo Luật Bảo hiểm tiền gửi năm 2012.

Như vậy, nếu gửi ít hơn số tiền này thì sẽ bảo đảm được nhận lại đầy đủ, còn gửi nhiều hơn, thì phụ thuộc vào khả năng trả nợ của ngân hàng sau khi thu hồi nợ nần và thanh lý tài sản. Nếu có 1,25 tỉ đồng mà gửi tại 10 ngân hàng thì mức độ an toàn gần như tuyệt đối. Ngoại lệ là việc gửi đô la Mỹ không được trả lãi và cũng không được bảo hiểm, nhưng người dân vẫn gửi vào ngân hàng rất nhiều, vì giá trị đồng tiền này được bảo đảm.

Tiền gửi tiết kiệm và tiền gửi có kỳ hạn nếu rút trước hạn, thì chỉ được hưởng mức lãi suất không kỳ hạn thấp nhất theo Thông tư 04/2022/TT-NHNN (chẳng hạn gửi loại 6-7%/năm, nếu rút trước hạn thì có khi chỉ được hưởng 0,1-0,2% và tối đa là 0,5%/năm). Do đó, người gửi tiền thường tính toán vay vốn cầm cố bằng tiền gửi nếu có lợi hơn so với việc rút tiền trước hạn. Trường hợp này khách hàng luôn chịu thiệt, còn ngân hàng luôn có lợi. Đây cũng là một trong những yếu tố dẫn đến tình trạng khách hàng toàn gửi tiền ngắn hạn vì có lợi hơn dài hạn, đồng thời kéo dài tình trạng bất ổn về huy động, sử dụng và an toàn vốn của hệ thống ngân hàng.

Việc thỏa thuận trả lãi ngoài cao hơn giới hạn pháp luật cho phép (như trả lãi tiền gửi dưới một tháng cao hơn 0,5%/năm hoặc tiền gửi dưới sáu tháng cao hơn 5%/năm theo Quyết định 1607/QĐ-NHNN ngày 22-9-2022), nếu bị cơ quan chức năng phát hiện thì phần lãi vượt quá sẽ vô hiệu, còn phần lãi trong giới hạn vẫn được thừa nhận.

Về nguyên tắc, lãi suất tiền gửi ngân hàng hay cho cá nhân, doanh nghiệp khác vay (kể cả trái phiếu doanh nghiệp) thì không được vượt quá 20%/năm theo quy định tại điều 468 khoản 1, Bộ luật Dân sự năm 2020. Nếu huy động vốn theo kiểu hưởng hoa hồng đa cấp và lấy tiền của người sau để trả cho người trước thì vi phạm quy định về kinh doanh đa cấp, thậm chí mức độ nặng là tội phạm hình sự.

Quá nhiều phần mềm và trang web lôi kéo nhà đầu tư tham gia hội nhóm; giao dịch tiền ảo, ngoại hối; mua bán cổ phần, cổ phiếu; góp vốn hợp tác đầu tư kinh doanh…, bằng chiêu trò kinh điển kiếm lãi hàng chục, thậm chí hàng trăm phần trăm mỗi năm. Đó chỉ là ảo tưởng, trái với nguyên lý của hoạt động đầu tư, ngoại trừ sản phẩm bảo hiểm đầu tư.

Khi doanh nghiệp huy động vốn làm ăn thua lỗ, phá sản thì người cho vay khó có thể thu hồi được vốn, người góp vốn hợp tác đầu tư kinh doanh hay nắm giữ cổ phần còn chịu mức rủi ro cao nhất, nguy cơ mất tiền lớn nhất và tất cả đều có nguy cơ mất trắng.

Hiểu biết và tiết chế lòng tham

Tôi nhận thấy, dân ta rất mạo hiểm (chấp nhận rủi ro), rất chịu chơi (tiêu xài mua sắm) và rất ham giàu (sẵn sàng trả giá), nên cũng rất mạnh dạn, đôi khi là liều lĩnh cho vay và đầu tư, kinh doanh. Đó là yếu tố thúc đẩy đầu tư, kinh doanh, phát triển kinh tế. Tuy nhiên, muốn không bị lừa thì cần có hiểu biết nhất định và biết tiết chế lòng tham.

Về phía người có tiền hay nhà đầu tư, thì được trả lãi càng cao càng tốt, pháp luật không ngăn cấm. Nhưng không thể bỏ qua những vấn đề mấu chốt nhận diện rủi ro là người ta nhận tiền đầu tư vào dự án, sản phẩm, dịch vụ gì; kinh doanh theo phương án, cách thức nào; công nghệ, làm cái gì để có lãi “khủng”; có hợp pháp, hợp lý không; có huy động vốn kiểu đa cấp trái luật không; có khả năng hoàn trả cả gốc lẫn lãi hay không; giống và khác gì hàng vạn vụ vỡ nợ, lừa đảo đã xảy ra?

Chỉ cần giật mình nghiêm túc lưu ý về việc này thì không cần quá hiểu biết và không quá khó để phân biệt được giữa cái đúng, cái sai, giữa được phép và phạm pháp, giữa sự thật và sự mập mờ, nhập nhèm mà cá nhân, doanh nghiệp, kể cả ngân hàng tung hỏa mù.

Nhưng đừng bỏ qua một nguyên lý sơ đẳng rằng, sự rủi ro song hành với lãi suất và mối nguy hiểm tăng theo lợi nhuận. Người có nhiều hay ít tiền thì đều phải hết sức cân nhắc điểm tử huyệt giống nhau là tiết chế lòng tham, ham hố lãi cao

LS. Trương Thanh Đức

TBKTSG





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Hai người cùng nhận giải Jackpot 1 trị giá 314 tỷ đồng

Hai người đàn ông trẻ tuổi (khoảng dưới 40 tuổi) đã nhận giải độc đắc 314 tỷ đồng, mức cao nhất trong lịch sử giải Jackpot 1 tại kỳ quay thưởng ngày 11/04, “chia...

Người phụ nữ nghèo ở Kiên Giang trúng độc đắc Vietlott hơn 25 tỷ

Ở nhà làm nội trợ và chăm sóc con nhỏ bị bệnh, một phụ nữ ở Kiên Giang rất vui mừng khi trúng độc đắc Vietlott hơn 25 tỷ đồng. Từng được các mạnh thường quân giúp...

Giải độc đắc Vietlott đã “nổ” ở mức cao kỷ lục 314 tỷ đồng

Cuối cùng giải độc đắc Vietlott hơn 314 tỷ đồng, mức cao nhất trong lịch sử Jackpot 1 đã tìm được chủ nhân may mắn.

Giải Jackpot 2 Vietlott “nổ” lần thứ 2 liên tiếp

Sức nóng của Vietlott dường như vẫn chưa nguội. Kỳ quay thứ 2 liên tiếp, giải Jackpot 2 ở loại hình xổ số tự chọn Power 6/55 của Vietlott tìm ra chủ nhân. Giá trị...

Bắt 'bà trùm' vụ lừa 7.000 người mua điện thoại, chiếm đoạt hơn 90 tỷ

Công an Hà Tĩnh vừa bắt 'bà trùm' Bùi Thị Hương cùng nhóm đối tượng đã lừa khoảng 7.000 bị hại ở nhiều tỉnh thành, chiếm đoạt hơn 90 tỷ đồng.

Sau vỡ mộng '4.000 tấn vàng ở núi Tàu', lại rộ tin kho báu dưới sông Cà Ty

Nhiều năm trước, một người đàn ông sống tại TP.HCM được tỉnh Bình Thuận cho phép thăm dò “4.000 tấn vàng” nghi chôn giấu tại Núi Tàu, nhưng sau đó vỡ mộng. Nay, một...

Giải Jackpot 2 Vietlott đã “nổ”, trị giá gần 68 tỷ đồng

Trong lúc nhiều người đang ngóng chờ ai là người may mắn trúng giải độc đắc Jackpot 1 cao kỷ lục, thì bất ngờ giải độc đắc Jackpot 2 ở loại hình xổ số tự chọn Power...

Tránh bẫy lừa đầu tư vàng trên sàn quốc tế

Đầu tư vàng theo phương thức sao chép lệnh giao dịch do một công ty ở TP HCM mời gọi ẩn chứa nhiều yếu tố lừa đảo.

Trường Quốc tế Mỹ huy động ít nhất 3.600 tỷ đồng của phụ huynh

Khoảng 900 phụ huynh đóng gói tài chính với mức 4 tỷ đồng cho AISVN, để con học từ lớp 1 đến lớp 12 rồi nhận hoàn lại, theo Giám đốc Sở Giáo dục.

Bắt Giám đốc Công ty Tân Á Đại Thành chi nhánh Phan Thiết

Giám đốc Công ty Tân Á Đại Thành chi nhánh TP Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) Nguyễn Thành Duy bị cáo buộc dùng thủ đoạn giả chữ ký của các đại lý, lấy gần 1,4 tỷ đồng...


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98