Năm ác mộng của “dân chứng”
Năm ác mộng của “dân chứng”
Khi kỷ nguyên tiền rẻ kết thúc, chứng khoán không còn là con ngựa tốt nhất trên đường đua của năm 2022. Với những ai nuôi mộng làm giàu nhanh từ chứng khoán, cú bổ nhào gần đây của thị trường rõ ràng là gáo nước lạnh.
Sau tháng 9 đỏ lửa, sắc đỏ vẫn chưa buông tha giới đầu tư. Thị trường “đã nghèo còn mắc cái eo” khi những thông tin về Vạn Thịnh Phát và ngân hàng SCB như dội thêm lửa vào tâm trí nhà đầu tư. VN-Index đã hai lần rớt ngưỡng tâm lý quan trọng 1,000 điểm.
Nguồn: VietstockFinance
|
Vụn vỡ niềm tin
Đợt giảm mạnh vừa qua hay rộng hơn là cơn suy của thị trường trong năm 2022 bắt nguồn từ bối cảnh hoàn toàn khác hai năm trước: Dòng tiền không còn đổ dồn vào chứng khoán, các NHTW đồng loạt tăng mạnh lãi suất để chống lạm phát và nguy cơ suy thoái toàn cầu ngày càng lộ rõ.
Bên cạnh đó, vụ bê bối nổi tiếng gần đây liên quan đến các tập đoàn bất động sản và thao túng thị trường chứng khoán, cùng với việc siết chặt kiểm soát vốn đối với lĩnh vực bất động sản cũng khiến giới đầu tư “co rúm” lại.
Trong cơn hoảng loạn, chứng khoán Việt quay đầu giảm còn nhanh hơn lúc tăng nóng. Để dễ hình dung, VN-Index mất gần 1 năm rưỡi để đi từ 1,000 điểm lên kỷ lục mới 1,528 điểm, nhưng chỉ cần 6 tháng để làm điều ngược lại.
Hàng loạt cổ phiếu lơ lửng trên cao giờ đã bị kéo xuống mặt đất với mức giảm sâu 50-60%. Kéo theo đó, dòng tiền cũng vội vã rời thị trường, với thanh khoản có lúc rơi xuống mức 8,000-9,000 tỷ.
Sau quá nhiều đợt giảm sốc và tin đồn, niềm tin giờ chỉ còn là thứ xa xỉ trên thị trường. Trong một cuộc khảo sát nhà đầu tư cá nhân F0 và F1 gần đây của Vietnam Holding, chỉ có 7% người tham gia muốn rót tiền vào thị trường chứng khoán. Thậm chí, nhiều nhà đầu tư quá chán nản đã chọn cách tắt ứng dụng giao dịch để chờ “mùa đông chứng khoán” qua đi.
Năm thử tài chọn cổ phiếu của dân chứng
Nhìn vào dữ liệu thống kê, dễ hiểu tại sao giới đầu tư lại chán nản.
Hiện có tới 72% cổ phiếu (trên cả 3 sàn) giảm giá so với đầu năm 2022, dựa trên dữ liệu từ VietstockFinance. Điều này có nghĩa, nhắm mắt chọn đại 1 cổ phiếu trên cả 3 sàn từ đầu năm và giữ đến nay, bạn có tới 72% xác suất thua lỗ và 42% xác suất lỗ hơn 30%.
Đáng chú ý, xác suất bạn chọn được 1 mã tăng giá (23.5%) cũng gần bằng với xác suất chọn được mã giảm hơn 50% (23.1%).
Nguồn: VietstockFinance
|
Với những nhà đầu tư tay ngang, chuyện thua lỗ trong giai đoạn này cũng là điều dễ hiểu vì họ chưa được chuẩn bị tâm lý, kiến thức đầy đủ khi bước vào chứng khoán và cũng chưa từng trải qua bài học của quá khứ.
Tuy nhiên, khi nhìn về phía những anh chàng quản lý quỹ mặc vest chuyên nghiệp, kết quả cũng không quá khả quan.
Trong 9 tháng đầu năm, hầu hết quỹ đầu tư chứng khoán tại Việt Nam đều lỗ. Một số quỹ tên tuổi lớn như PYN Elite và DCDS của Dragon Capital cũng lỗ hơn 32%. Quỹ tỷ đô VEIL của Dragon Capital chứng kiến NAV “bốc hơi” 900 triệu USD và chỉ còn 1.7 tỷ USD vào trung tuần tháng 10/2022.
Bối rối trước đà giảm của thị trường, lãnh đạo của quỹ PYN Elite, ông Petri Deryng cho biết: “Chúng tôi không lường trước được những yếu tố khó đoán định tại thị trường nước ngoài, cùng với với một số động thái siết chặt quản lý của Việt Nam có thể tạo ra tình huống đầy thử thách đối với thị trường chứng khoán, nhất là khi lợi nhuận của các công ty vẫn còn tăng trưởng”.
Nói thế để thấy rằng, trong một năm thị trường lao đao, không lỗ đã được xem là thành công với những người tham gia thị trường. Còn với những ai vẫn còn lãi trong năm 2022, họ xứng đáng với hai chữ “xuất sắc”, nếu không cũng cực kỳ may mắn.
Ở nhiều góc của thị trường, những lời kêu gọi bắt đáy lại nổi lên như một thói quen khi thị trường đã giảm sâu. Hãy cứ thử, nếu bạn muốn, nhưng lịch sử cho thấy chẳng ai biết được đáy ở đâu.
Với những nhà đầu tư thực thụ, nhiệm vụ của anh ta không phải là đoán đáy, mà là mua được món hàng có giá trị cao hơn cái giá anh ta trả. Về dài hạn, thị trường sẽ trả về đúng giá trị của khoản đầu tư. Nhưng mấy ai đủ kiên nhẫn để chờ chuyện đó xảy ra.