Thị trường kim loại sẽ bị khuynh đảo ra sao nếu cấm Nga giao dịch

11/10/2022 07:40
11-10-2022 07:40:00+07:00

Thị trường kim loại sẽ bị khuynh đảo ra sao nếu cấm Nga giao dịch

Nếu Sàn giao dịch Kim loại London (LME) ra lệnh cấm đối với nguồn cung của Nga, đây sẽ là một cơn địa chấn đối với ngành kim loại vì nó khiến một số công ty khai khoáng lớn nhất thế giới bị loại khỏi thị trường toàn cầu.

Lý do LME muốn cấm kim loại của Nga

LME hiện vẫn chưa đưa ra quyết định, nhưng ngày 06/10, họ đã khởi động một vòng thảo luận chính thức kéo dài 3 tuần để bàn về khả năng cấm kim loại của Nga, bắt đầu sớm nhất từ tháng 11.

Trên thực tế, một lệnh cấm như vậy đồng nghĩa kim loại từ Nga - chiếm khoảng 9% sản lượng nickel, 5% sản lượng nhôm và 4% sản lượng đồng toàn cầu – không còn được đưa vào bất kỳ kho hàng nào trên thế giới thuộc hệ thống của LME – nơi lưu kho số kim loại được sử dụng để giao hàng khi các hợp đồng tương lai hết hạn.

Mặc dù là một công ty tư nhân thuộc sở hữu của Hong Kong Exchanges & Clearing Ltd., các quyết định của LME lại có tác động sâu rộng lên cách định giá và giao dịch kim loại trên toàn cầu.

Nhà giao dịch, nhà môi giới và nhân viên bán hàng trên sàn giao dịch LME.

Vai trò của LME

Phần lớn kim loại toàn cầu được bán từ các nhà sản xuất cho thương nhân và khách hàng mà không bao giờ được nhìn thấy bên trong nhà kho của LME. Và các nhà sản xuất lớn, bao gồm cả các tập đoàn hàng đầu của Nga như United Co. Rusal International PJSC và MMC Norilsk Nickel PJSC, hầu như không bao giờ bán kim loại của họ trực tiếp trên LME.

Tuy nhiên, sàn giao dịch này lại đóng một số vai trò quan trọng.

Thứ nhất, đó là nơi cung cấp sự lựa chọn cuối cùng cho những người tham gia giao dịch kim loại vật chất: dự trữ kim loại trong mạng lưới kho toàn cầu của LME có thể được giải phóng trong những thời điểm thiếu hụt. Và khi nguồn cung dư thừa, hàng có thể được chuyển đến lưu trữ ở LME.

Trong vài tháng gần đây, các nhà giao dịch luôn chuẩn bị tinh thần cho tình trạng dư thừa, đặc biệt là nhôm, do kinh tế toàn cầu có nguy cơ suy thoái. Khi một số người mua tránh nguồn cung kim loại của Nga, các thương nhân dự đoán rằng nhôm của Rusal sẽ là một trong những mặt hàng đầu tiên được chuyển đến LME, với số lượng dự kiến là hàng trăm nghìn tấn. Tuy nhiên, Rusal phủ nhận việc họ đang kế hoạch cung cấp số lượng lớn kim loại cho sàn giao dịch này.

Nếu LME cấm giao dịch nhôm của Nga, điều này sẽ loại bỏ khả năng dư thừa nguồn cung. Khi Bloomberg lần đầu tiên đưa tin về kế hoạch của LME, giá nhôm tăng 8.5%, mức tăng lớn nhất trong một ngày. Nguyên nhân là những nhà giao dịch, vốn đang dự đoán dư cung ở Nga, nhanh chóng đảo ngược vị thế bán của họ. Tính đến cuối tuần trước, giá nhôm tăng khoảng 10% từ đáy 19 tháng được ghi nhận vào tuần cuối cùng của tháng 9.

Tất nhiên, LME đang xem xét thực hiện bước đi quyết liệt này vì họ lo lắng về khả năng bị gián đoạn nguồn cung tương tự nếu họ không hành động. Tức là kim loại của Nga, do nhiều khách hàng từ chối nhận, sẽ đổ dồn vào sàn giao dịch này và khiến chỉ số giá của họ không còn được sử dụng như mức giá chuẩn cho thị trường toàn cầu.

Trên thực tế, một trong những lý do để LME xem xét phải nhanh chóng triển khai lệnh cấm là nó có thể khiến những người nắm giữ kim loại của Nga gấp rút giao hàng trên sàn giao dịch trước khi lệnh cấm có hiệu lực.

Bất kỳ động thái nào của LME cũng sẽ có tác động không mong muốn đến dòng chảy kim loại vào kho của họ. Ví dụ, một số hợp đồng giữa nhà sản xuất, thương nhân và khách hàng quy định rằng kim loại phải là hàng LME có thể giao được. Điều này có nghĩa nếu LME ban hành lệnh cấm, các hợp đồng trên sẽ bị phá vỡ.

Các ngân hàng cũng thường nhấn mạnh rằng kim loại mà họ cấp vốn phải là loại mà LME có thể giao được, bởi vì họ muốn chắc chắn rằng trong trường hợp xảy ra sự cố, kim loại đó vẫn có thể được bán dễ dàng trên sàn giao dịch. Nhiều nhà giao dịch cũng lợi dụng thực tế rằng, kim loại có thể được giao cho LME khi sử dụng hợp đồng của LME, để bảo vệ hàng tồn kho vật chất của mình. Họ có thể đóng giao dịch phòng vệ đó đơn giản bằng cách giao số kim loại đó đi.

Vì vậy, bất kỳ động thái nào của LME đều có thể khiến Rusal và Nornickel, cũng như những khách hàng lớn nhất của họ phải đau đầu. Riêng Glencore Plc đang có hợp đồng mua nhôm từ Rusal trong nhiều năm liền.

Tầm ảnh hưởng của LME đến Nga

Các công ty này đang dự báo rằng quá trình tham vấn của LME sẽ khiến khách hàng của họ gặp khó khăn hơn trong việc huy động vốn lưu động sử dụng kim loại làm tài sản thế chấp, Bloomberg dẫn lời các nguồn cận tin cho hay.

Việc LME thảo luận về khả năng cấm kim loại Nga có thể khiến doanh số bán hàng của Nornickel sang châu Âu giảm đáng kể. Điều này có nghĩa là lệnh cấm có thể buộc các công ty Nga phải chấp nhận bán với mức giá thấp hơn.

Nornickel đã cân nhắc các lựa chọn để chuyển hướng một số hoạt động bán hàng sang phía đông nếu các lệnh trừng phạt chống lại Nga không cho phép họ duy trì cơ cấu bán hàng hiện tại, giám đốc điều hành Vladimir Potanin cho biết trong một cuộc phỏng vấn với RBC TV vào tháng 9.

“Cuối cùng thì điều này sẽ không làm thay đổi cán cân cung - cầu, nhưng nó có nghĩa là một phần nguồn cung kim loại không có nơi để giao dịch. Ai đó sẽ mua được số kim loại đó với giá chiết khấu”, Colin Hamilton, giám đốc nghiên cứu hàng hóa tại BMO Capital Markets, cho biết.

Kim Dung (Theo Bloomberg)

FILI





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Xuất khẩu thép của Trung Quốc trong quý 1 tăng gần 30% so với cùng kỳ năm 2023

Trung Quốc đã xuất khẩu gần 26 triệu tấn thép trong quý 1/2024 - tăng 28% so với cùng kỳ năm trước đó - do cuộc khủng hoảng bất động sản làm giảm nhu cầu trong nước.

Yêu cầu rà soát tình hình gia tăng nhập khẩu thép cán nóng

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu các cơ quan liên quan rà soát, nắm tình hình gia tăng nhập khẩu thép cán nóng để chủ động thực hiện các biện pháp phù hợp.

Trung Quốc yêu cầu Mỹ dừng tăng thuế với các sản phẩm thép và nhôm của nước này

Sau khi Tổng thống Joe Biden kêu gọi tăng thuế mạnh đối với các sản phẩm kim loại của Trung Quốc, Bộ Thương mại Trung Quốc đã lên tiếng phản đối, kêu gọi Mỹ ngay...

Tổng thống Mỹ Biden kêu gọi tăng gấp 3 lần thuế đối với thép và nhôm Trung Quốc

Nhà Trắng khẳng định việc tăng thuế nhập khẩu đối với thép và nhôm Trung Quốc là điều cần thiết cho an ninh quốc gia bởi lĩnh vực sản xuất thép là "xương sống" của...

Trung Quốc: Xuất khẩu thép quý 1 đạt gần 26 triệu tấn, tăng hơn 30% so với cùng kỳ

Trong bối cảnh khủng hoảng bất động sản vẫn còn tiếp diễn và nhu cầu nội địa không hồi phục mạnh như dự báo, xuất khẩu các sản phẩm thép của Trung Quốc đạt mức cao...

Nhu cầu thép toàn cầu dự kiến tăng trở lại và ổn định trong năm 2024

Hiệp hội Thép Thế giới cho biết nhu cầu thép toàn cầu dự kiến sẽ tăng khoảng 1,7% lên 1,793 tỷ tấn trong năm 2024, và tăng 1,2% lên 1,815 tỷ tấn trong năm 2025.

Yêu cầu bổ sung thông tin hồ sơ chống bán phá giá với sản phẩm thép cán nóng

Sau khi doanh nghiệp bổ sung thông tin theo yêu cầu, Cục Phòng vệ Thương mại xem xét hồ sơ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá sản phẩm thép cán...

Giá thép xây dựng giảm lần thứ 3 từ đầu năm

Các doanh nghiệp thép xây dựng lại tiếp “bài ca” giảm giá, với đợt điều chỉnh khoảng 100,000 đồng/tấn.

Cạnh tranh với Trung Quốc, Hòa Phát hạ giá bán thép HRC xuống 550 USD/tấn

Mới đây, hãng thép Hòa Phát (HOSE: HPG) đã hạ mạnh giá bán thép cuộn cán nóng (HRC) trong bối cảnh nhu cầu yếu và áp lực phải cạnh tranh gay gắt với Trung Quốc.

Giá quặng sắt xuống đáy 10 tháng vì bất động sản Trung Quốc khủng hoảng

Giá quặng sắt rơi xuống mức thấp nhất trong 10 tháng khi hoạt động xây dựng của Trung Quốc vẫn rất ảm đạm, trong khi nguồn cung quặng sắt lại tăng vọt.

Giá vàng và hàng hóa


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98