Nguy cơ suy thoái kéo dài, các hãng chip cắt giảm chi tiêu vốn hàng tỷ đô

20/11/2022 13:37
20-11-2022 13:37:38+07:00

Nguy cơ suy thoái kéo dài, các hãng chip cắt giảm chi tiêu vốn hàng tỷ đô

Các nhà sản xuất chip cắt giảm chi phí cũng như hạn chế kế hoạch chi tiêu mạnh tay khi sự bùng nổ trong thời kỳ COVID-19 của ngành bán dẫn đang diễn biến theo hướng mà một số người lo ngại là sẽ xảy ra một cuộc suy thoái dài hơn bình thường.

Các nhà sản xuất chip như TSMC đang điều chỉnh kế hoạch chi tiêu trước tình trạng ngành chip từ thiếu hụt đến dư thừa.

Cắt giảm chi tiêu vốn

Những “gã khổng lồ” trong ngành chip, từ Intel đến Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. (TSMC), bắt đầu năm 2022 với nhiều hy vọng, khiến họ lao vào chạy đua xây dựng nhà máy, tuyển thêm nhân viên và mua thêm thiết bị để mở rộng sản xuất, nhằm nắm bắt sự bùng nổ của nhu cầu vốn bị dồn nén trong đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, hiện tại, nhiều hãng sản xuất chip phải thu hẹp kế hoạch mở rộng này.

SEMI, hiệp hội của ngành bán dẫn, đã hạ dự báo chi tiêu vốn toàn cầu của ngành xuống còn 138.1 tỷ USD trong năm 2023, từ mức 165.5 tỷ USD mà họ đưa ra vào tháng 04/2022. Đáng chú ý là sự sụt giảm trong kế hoạch chi tiêu vào thiết bị chế tạo wafer (WFE) từ 101.8 tỷ USD xuống còn 96.7 tỷ USD cho năm tới. Vì WFE cần thiết cho việc mở rộng hoạt động sản xuất chip nên chi tiêu cho thiết bị này được coi là thước đo chính cho kế hoạch mở rộng tổng thể của ngành bán dẫn.

Giới phân tích cho biết dự báo về chi tiêu cho WFE có thể bị hạ thấp hơn nữa, do các nhà sản xuất chip vẫn đang điều chỉnh kế hoạch đầu tư của họ.

Ngày 16/11, hãng sản xuất chip nhớ Micron của Mỹ cho biết sẽ cắt giảm thêm 20% sản lượng chip dành cho bộ nhớ flash DRAM và NAND – hai loại linh kiện cần thiết được sử dụng trong các thiết bị điện tử, từ điện thoại, máy tính đến máy chủ, ô tô. Trước đó, công ty này đã hạ kế hoạch chi tiêu vốn cho năm tài khoá 2023 xuống còn 8 tỷ USD, từ 12 tỷ USD của năm tài khoán 2022.

Trong khi đó, SK Hynix của Hàn Quốc – nhà sản xuất chip DRAM lớn thứ hai thế giới – cho biết chi phí vốn cho năm 2023 sẽ giảm 50% so với năm hiện tại, sau khi công ty báo cáo lợi nhuận ròng giảm 66.7% trong quý 3/2022.

TSMC, nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới, cũng điều chỉnh giảm kế hoạch chi tiêu vốn cho cả năm 2022 lần thứ hai trong năm nay, xuống còn khoảng 36 tỷ USD từ mức 44 tỷ USD vào đầu năm nay. Lý do hãng đưa ra là quá trình giao thiết bị bị trì hoãn, thị trường tăng trưởng chậm chạp và một khách hàng lớn trì hoãn đặt hàng.

Tháng 10/2022, “gã khổng lồ” Intel cũng cho biết sẽ cắt giảm chi phí 3 tỷ USD trong năm 2023 sau khi báo cáo doanh thu quý 3/2022 giảm 20%. Đồng thời, tập đoàn cho biết sẽ trì hoãn việc mua một số thiết bị.

Những thông báo này được đưa ra khi ngành công nghiệp chip và thiết bị điện tử phải đối phó với tình trạng nhu cầu giảm nghiêm trọng do bất ổn kinh tế liên quan tới tình hình dịch COVID-19 ở Trung Quốc, chiến sự Nga – Ukraine và lạm phát cao.

Nguy cơ suy thoái kéo dài

Paul Peng, chủ tịch của nhà sản xuất màn hình lớn nhất Đài Loan (Trung Quốc) AU Optronics, cho biết: “Tình trạng trì trệ của ngành chip kể từ nửa cuối năm 2022 thực sự giống như rơi xuống vực thẳm vậy”. Nhu cầu về màn hình giảm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành công nghiệp bán dẫn, vì chip được sử dụng rộng rãi trong các thiết bị như màn hình và TV.

Ngành chip vẫn được biết đến là ngành có tính chất chu kỳ, vì nó gắn liền với chi tiêu của người tiêu dùng. Tuy nhiên, nó có thể đang hướng tới một đợt suy thoái dài hơn bình thường, theo các chuyên gia trong ngành.

Wallace Gou, chủ tịch kiêm CEO của Silicon Motion – một nhà phát triển chip điều khiển flash NAND hàng đầu thế giới, cho biết: “Nhu cầu điện thoại thông minh đang thực sự rất tệ, đặc biệt là ở Trung Quốc. Thành thật mà nói, tôi không nhớ đợt suy thoái nào lại kéo dài như vậy. Tôi xin nói thẳng rằng nhu cầu đang không tốt và chưa thực sự phục hồi. Thế giới sẽ cần thêm thời gian để tiêu hóa hết lượng chip tồn kho trong chuỗi cung ứng”.

Theo Gou, kịch bản tươi sáng nhất là giai đoạn điều chỉnh này sẽ kéo dài đến giữa năm 2023, nhưng ông cho biết nó có thể kéo dài cả năm tới trong bối cảnh còn nhiều bất ổn.

Triển vọng ảm đạm này một phần xuất phát từ hiệu ứng hangover. Nhu cầu về PC và máy tính bảng tăng mạnh khi các quy định hạn chế về COVID-19 khiến mọi người trên khắp thế giới phải làm việc tại nhà. Điều này đã đẩy nhu cầu về chip tăng lên. Và ngay cả khi nhu cầu có dấu hiệu hạ nhiệt, nhiều nhà sản xuất thiết bị điện tử vẫn tiếp tục dự trữ chip để tránh tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng mà họ đã gặp phải trong năm 2020 và 2021.

Trong khi đó, các nhà phát triển chip lại không giảm quy mô đơn hàng với các nhà sản xuất chip theo hợp đồng, như TSMC, phòng trường hợp tình trạng tiêu thụ chậm chạp được chứng minh chỉ là tạm thời và họ sẽ không thể nhanh chóng tăng đơn đặt hàng trở lại.

Kết quả cuối cùng là một cuộc khủng hoảng thiếu hụt nguồn cung giờ lại biến thành dư cung gần như trước khi bất kỳ ai nhận ra điều đó.

Theo Michael Nayfa, giám đốc điều hành của Barrow Hanley Global Investors, nhu cầu suy yếu ban đầu xuất hiện ở thị trường PC và hiện đã bắt đầu xuất hiện ở thị trường điện thoại thông minh giá trung bình.

Bên trong nhà máy chip của Intel ở Arizona.

Không dễ dàng

Tuy nhiên, bất chấp thực tế mới của ngành chip, việc cắt giảm chi phí và giảm chi tiêu có thể không dễ dàng đối với các nhà sản xuất chip, vốn là những doanh nghiệp chi tiêu quá đà trong hai năm qua.

Nhiều doanh nghiệp trong số đó từng cam kết chi hàng chục tỷ USD để xây dựng hoặc mở rộng nhà máy sản xuất ở Mỹ và châu Âu trước lời kêu gọi của các chính phủ nhằm tăng cường sản xuất chất bán dẫn trong nước và giảm phụ thuộc vào chuỗi cung ứng ở châu Á.

Ví dụ, Intel đã vạch ra kế hoạch chi hơn 70 tỷ USD trong vài năm tới để xây dựng nhà máy ở Mỹ và châu Âu, trong khi Micron công bố khoản đầu tư lên tới 100 tỷ USD để xây dựng một siêu nhà máy ở New York. TSMC đang xây dựng nhà máy trị giá 12 tỷ USD ở Arizona, đồng thời có kế hoạch mở rộng hơn nữa ở bang này như một phần của kế hoạch chi tiêu 100 tỷ USD trong 3 năm đến năm 2023.

Brian Frank, giám đốc đầu tư của Frank Funds, cho rằng một số doanh nghiệp có thể gặp khó trong việc điều chỉnh kế hoạch của họ. “Nếu họ không đang trong quá trình xây dựng nhà xưởng, hay còn chưa động thổ, tôi không hiểu tại sao họ không thể trì hoãn một hoặc hai năm”, ông nói.

Trong khi đó, theo ông Nayfa của Barrow Hanley Global Investors, những doanh nghiệp đã bắt đầu xây dựng, họ có thể chọn xây dựng theo từng giai đoạn và mua thiết bị chỉ khi cần thiết.

Intel đã cho biết họ sẽ hoãn mua một số thiết bị chip cho đến khi nhu cầu được cải thiện, còn TSMC đã tạm dừng các đơn đặt hàng thiết bị dành cho một nhà máy ở thành phố Cao Hùng, Đài Loan (Trung Quốc), các nguồn tin thân cận nói với Nikkei Asia. C.C. Wei, giám đốc điều hành của TSMC, cũng xác nhận việc xây dựng nhà máy sẽ bị trì hoãn, với lý do điều kiện thị trường thay đổi.

Tình trạng suy thoái của ngành công nghiệp chip có vẻ xuất hiện đột ngột, song những người trong cuộc nói rằng từ lâu đã có những dấu hiệu cho thấy đang có một sự thay đổi diễn ra trong ngành này.

“Rõ ràng, đầu năm nay, TSMC vẫn còn đang thực hiện đánh giá hàng ngày với các nhà cung cấp để cố gắng rút ngắn thời gian giao hàng nhằm theo kịp nhu cầu. Nhưng tiến độ có vẻ thoải mái hơn nhiều bắt đầu từ mùa hè này. Bạn có thể cảm nhận rõ sự thay đổi đó và chúng tôi biết rằng một cuộc suy thoái đang đến”, nhà cung cấp này nhận định.

Kim Dung (Theo Nikkei Asia)

FILI





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Quan chức Mỹ cảnh báo nguy cơ Trung Quốc “xả” hàng giá rẻ ra nền kinh tế toàn cầu

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen mới đây bày tỏ lo ngại về việc Trung Quốc có thể bán sản phẩm dư thừa với giá rẻ, gây khó khăn cho Mỹ và các nước khác trong...

Huyền thoại đầu tư Ray Dalio: Trung Quốc có thể đối mặt với thập kỷ mất mát

Huyền thoại đầu tư Ray Dalio đã cảnh báo rằng Trung Quốc có nguy cơ rơi vào một thập kỷ mất mát nếu không giảm nợ và nới lỏng chính sách tiền tệ.

Thống đốc Fed: Số liệu lạm phát đáng thất vọng, Fed có thể hoãn hoặc giảm số lần hạ lãi suất

Thống đốc Fed Christopher Waller cho biết NHTW không vội hạ lãi suất sau khi các dữ liệu lạm phát công bố gần đây đều cao hơn dự báo. Ông cho rằng Fed sẽ hoãn hạ...

Lợi nhuận công nghiệp tăng, báo hiệu kinh tế Trung Quốc dần ổn định

Lợi nhuận của các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp ở Trung Quốc tăng trưởng trở lại trong 2 tháng đầu năm sau khi giảm liên tục trong suốt năm ngoái. Theo...

Cầu lớn bị sập, cảng biển hàng đầu của nước Mỹ phải đóng cửa

Vụ sập cầu Francis Scott Key ở Baltimore vào ngày 26/03 đã tạo ra một cơn chấn động và gây ra sự gián đoạn trong hoạt động của một trong những cảng biển bận rộn...

Vì sao Fed dự báo Mỹ không suy thoái?

Theo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), không hề có tín hiệu nào cho thấy kinh tế Mỹ sẽ suy thoái trong năm nay và cả năm 2025.

Quy mô kinh tế số Đông Nam Á có thể đạt 1.000 tỷ USD

Kinh tế số Đông Nam Á có thể đạt 1.000 tỷ USD vào năm 2030, thậm chí là gấp đôi con số này, nếu các chính phủ có chính sách tốt, nhất là cải thiện kỹ năng số cho...

Fed: Kinh tế Mỹ không có dấu hiệu suy thoái trong những năm tới

Các nhà hoạch định chính sách của Fed đã công bố một loạt các dự báo mới về nền kinh tế, với nhận định tăng trưởng trong các năm 2024, 2025 và 2026 thậm chí còn...

Tuần bước ngoặt của nhiều ngân hàng trung ương lớn trên thế giới

Nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới vừa ghi nhận bước ngoặt về chính sách trong tuần trước. Trong đó, Thụy Sỹ trở thành nền kinh tế lớn đầu tiên trên thế giới...

Trung Quốc sẽ ban hành quy định mới để thúc đẩy thu hút vốn đầu tư nước ngoài

Thủ tướng Lý Cường khẳngn định Trung Quốc luôn chào đón mọi công ty từ tất cả các quốc gia trên thế giới đến đầu tư và tăng cường khẳng định chỗ đứng tại nước này.


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98