Thập kỷ hoàng kim của giới công nghệ ở ASEAN sắp kết thúc?

Cách khu trung tâm tài chính ở Singapore 10 phút lái xe, toà nhà trụ sở mới cao 9 tầng của Grab, nơi làm việc của 3,000 nhân viên, là một minh chứng cho thấy công ty này đã phát triển như thế nào kể từ những ngày đầu thành lập ở một cửa hàng văn phòng nhỏ cho thuê ô tô. Giám đốc điều hành Anthony Tan cho biết toà nhà này khai trương hồi tháng 08/2022.

2022 là thời điểm kỷ niệm 10 năm thành lập của Grab – cái tên được coi là một trong những biểu tượng của sự đổi mới ở Đông Nam Á. Ngày kỷ niệm có sự tham gia của hàng chục tài xế của Grab cùng với sự xuất hiện của quyền Thủ tướng Singapore Lawrence Wong trên tay cầm lá cờ lớn màu xanh lá mang biểu tượng của công ty. Tuy nhiên, trên thị trường chứng khoán, mọi thứ lại không tưng bừng như vậy khi các nhà đầu tư ngày càng mất kiên nhẫn với kết quả hoạt động của hãng gọi xe này. Giá cổ phiếu của Grab giảm đáng kể từ khi công ty này lên sàn vào tháng 12/2021, với vốn hoá thị trường “bốc hơi” 80%.

Grab là một trong các công ty công nghệ trong khu vực lo lắng về cổ đông khi họ cố gắng đảo ngược tình trạng thua lỗ suốt nhiều năm qua. Một công ty Singapore khác được thành lập cùng năm, là nhà điều hành sàn thương mại điện tử Lazada, cũng vẫn đang dựa vào nguồn vốn từ công ty mẹ ở Trung Quốc, Alibaba. Các công ty cùng ngành như Sea, với giá cổ phiếu đã giảm hơn 80% từ mức đỉnh, đang nhanh chóng giảm quy mô do khoản lỗ ngày càng tăng.

Sự ra đời cũng như đà tăng trưởng của những doanh nghiệp này đã trở thành biểu tượng cho sự trỗi dậy vượt bậc của hệ sinh thái công nghệ Đông Nam Á. Ryu Muramatsu, đối tác sáng lập của GMO VenturePartners - một công ty đầu tư mạo hiểm hàng đầu của Nhật Bản trong khu vực, cho biết: “Nhiều ngóc ngách của xã hội đã được chuyển đổi kỹ thuật số nhờ họ”.

Càng nhiều startup xuất hiện thì lại càng có nhiều nhà đầu tư săn lùng lợi nhuận trong môi trường lãi suất cực thấp. Theo công ty phân tích Preqin, nguồn vốn đầu tư mạo hiểm trong khu vực tăng vọt lên 24.8 tỷ USD vào năm 2021, gấp hơn 120 lần trong 10 năm, còn các thương vụ tài trợ tăng 16 lần.

Tuy nhiên, kể từ tháng 12/2021, khi lãi suất tăng, lạm phát lên cao và triển vọng suy thoái kinh tế ngày càng rõ ràng ở các quốc gia phát triển, giới khởi nghiệp cũng bị ảnh hưởng với làn sóng bán tháo cổ phiếu công nghệ một cách tàn bạo, kéo giảm định giá từng một thời ngất ngưởng.

Cho đến thời điểm hiện tại của năm 2022, số lượng thương vụ đầu tư mạo hiểm ở Đông Nam Á đạt 1,030 thương vụ trong 9 tháng đầu năm nay, tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái và trái ngược hoàn toàn với mức giảm 5% tính trên phạm vi toàn cầu, theo Preqin. Tuy nhiên, tổng giá trị thương vụ tài trợ vốn của khu vực gần như không đổi ở 16 tỷ USD, và điều này cho thấy quy mô trung bình của các thương vụ đã giảm xuống.

Các công ty trong giai đoạn tăng trưởng đang tập trung vào việc hạn chế đốt tiền mặt và tìm cách tồn tại cho đến khi thị trường hồi phục. Việc các startup thế hệ đầu tiên của Đông Nam Á, như Grab và Sea, có thể đạt được mục tiêu và chứng minh sự đúng đắn trong mô hình kinh doanh của họ sẽ là một bài kiểm tra quan trọng đối với hệ sinh thái khởi nghiệp trong bối cảnh thị trường lần đầu tiên suy thoái.

Grab bắt đầu hành trình ở Malaysia đầu tiên với tư cách là nền tảng gọi taxi và ô tô cá nhân. Sau khi trở thành “kỳ lân” chỉ trong 2 năm, startup này xây dựng một kế hoạch đầy tham vọng và tốn kém nhằm khai thác các mảng kinh doanh khác, bao gồm cả mảng giao thực phẩm và fintech vốn đã đông đúc.

Việc siêu ứng dụng của Grab có thể bao phủ một trong những khu vực phát triển nhanh nhất thế giới là minh chứng rõ ràng cho tầm nhìn của họ. Grab đã thành công thu hút người dùng, song lại bị thua lỗ liên tiếp trong nhiều năm. Mặc dù tình hình đã cải thiện, song hãng gọi xe và giao đồ ăn này vẫn lỗ ròng 1 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2022.

Ngày 27/09, Grab tổ chức ngày hội nhà đầu tư đầu tiên tại trụ sở chính mà công ty đã khai trương vào một tháng trước đó, với sự tham gia của hàng chục nhà đầu tư và chuyên gia phân tích từ khắp khu vực. Tại đây, lần đầu tiên công ty cam kết sẽ hoà vốn vào nửa cuối năm 2024 tính trên cơ sở EBITDA đã điều chỉnh. Đồng thời, giám đốc Vận hành của Grab, Alex Hungate - người đã gia nhập vào tháng 01/2022 - đã vạch ra một loạt sáng kiến ​​mới, chủ yếu là đổi mới tập trung vào GrabUnlimited, một chương trình đăng ký hàng tháng.

Với một khoản phí hàng tháng trị giá vài USD, chương trình này cung cấp cho người dùng các lợi ích và giao dịch ở tất cả dịch vụ trên siêu ứng dụng, từ giao hàng miễn phí đến sử dụng những tài xế có xếp hạng cao. Chương trình cho thấy sự thay đổi của Grab trong chiến lược kinh doanh: đó là tăng cường mối quan hệ với người dùng hiện tại thông qua việc đăng ký dịch vụ mới, từ đó giảm bớt sự phụ thuộc vào các ưu đãi của Grab.

Trong quý 2/2022, các chương trình ưu đãi của Grab dành cho người tiêu dùng tăng lên 311 triệu USD, và là một trong những lý do chính dẫn đến khoản lỗ 572 triệu USD của họ trong cùng kỳ.

Các chuyên gia về logistics và tài chính cho biết tổng giá trị hàng hoá trung bình - tức tổng giá trị của một giao dịch được thực hiện thông qua một dịch vụ - đối với mảng giao đồ ăn của tài khoản đăng ký GrabUnlimited cao hơn 2.4 lần so với tài khoản không đăng ký chương trình này. Số lượng giao dịch trung bình cũng gấp đôi.

Grab đã đạt được EBITDA dương đối với mảng vận chuyển – mảng chiếm khoảng một nửa tổng doanh thu của toàn công ty. Còn chương trình đăng ký hàng tháng sẽ giúp ích cho mảng giao hàng đầy hứa hẹn của Grab – mảng dự kiến hoà vốn vào quý 2/2023.

Trọng tâm mới này đặc biệt quan trọng vì Grab đã ra mắt mảng ngân hàng số tại Singapore vào tháng 09/2022 cùng kế hoạch thâm nhập Malaysia và Indonesia vào năm tới. Khoản đầu tư của công ty vào mảng cho vay trực tuyến dự kiến đạt đỉnh vào năm 2023 và cần 3 năm nữa để hoà vốn.

Hungate lưu ý rằng đây là một thị trường đầy khó khăn đối với những công ty tăng trưởng đang cố gắng để làm ăn có lời, bởi mức chiết khấu cao hơn sẽ ảnh hưởng đến định giá của họ.

Lĩnh vực công nghệ của Đông Nam Á bắt đầu bùng nổ vào đầu những năm 2010 cùng với sự gia tăng hiện diện của điện thoại di động, dù họ vẫn đi sau Trung Quốc khoảng 5 – 10 năm. Các nhà đầu tư và chính phủ vào thời điểm đó đang xem xét các hệ sinh thái công nghệ hàng đầu như Thung lũng Silicon để cố gắng xây dựng một điều tương tự ở khu vực này.

Khi làn sóng gọi xe của Uber Technologies và Lyft của Mỹ xâm nhập vào Trung Quốc, di động trở thành lĩnh vực tăng trưởng tiếp theo với sự nổi lên của các công ty khởi nghiệp như Didi và Kuadi Dache. Trong nhiều năm qua, các startup của khu vực Đông Nam Á thường bị chế giễu là bản sao của Thung lũng Silicon và Trung Quốc. Một ví dụ đáng chú ý là Rocket Internet của Đức, một nhà ươm tạo startup chuyên xây dựng một bản sao của các doanh nghiệp thành công ở một thị trường tại một thị trường khác.

Tuy nhiên, Magnus Grimeland, giám đốc điều hành của công ty đầu tư mạo hiểm giai đoạn đầu có trụ sở tại Singapore Antler cho biết: “Nói thì dễ, nhưng trên thực tế, nó rất khác”. Grimeland từng làm việc với Rocket Internet với tư cách là người đồng sáng lập công ty thương mại điện tử Zalora Group của Singapore vào năm 2012.

Các công ty sẽ phải xây dựng mạng lưới logistics và đối tác ở Đông Nam Á – khu vực có sự kết hợp phức tạp giữa văn hoá kinh doanh, ngôn ngữ và con người. Ông Grimeland cho biết: “Họ phải đổi mới nhiều yếu tố để phù hợp với địa phương. Cần rất nhiều máu, mồ hôi và nước mắt để thực hiện điều đó”.

Nhiều startup và nhân tài mà Rocket nuôi dưỡng sau này trở thành những tên tuổi lớn nhất trong khu vực. Người sáng lập của Gojek, Nadiem Makarim, từng giúp Rocket thành lập cơ sở tại Indonesia cho đến khi anh quay lại tập trung vào công ty gọi xe do anh thành lập vào năm 2010. Dịch vụ giao đồ ăn của Singapore là Foodpanda và Lazada đều được Rocket hậu thuẫn ngay từ đầu.

Cuối cùng, những cái tên mới gia nhập thị trường này cũng được chú ý tới. Năm 2016, Alibaba mua lại Lazada để mở rộng hoạt động kinh doanh ở nước ngoài, đưa Lazada trở thành một công ty thương mại điện tử hàng đầu ở khu vực. Việc Grab mua lại mảng kinh doanh ở Đông Nam Á của Uber Technologies vào năm 2018 cũng củng cố quan điểm rằng nội địa hóa là chìa khoá thành công trong một môi trường phức tạp.

Khi thị trường tăng trưởng, các nhà đầu tư cũng lo sợ mình bỏ lỡ cơ hội. Vì vậy, họ ném tiền vào nhiều startup với hy vọng rằng một hoặc hai người cuối cùng sẽ thu được lợi nhuận kếch xù.

Các nhà đầu tư phi truyền thống như Vision Fund của SoftBank Group, vốn cũng đầu tư vào Grab và Tokopedia – mảng thương mại điện tử của GoTo, và Tiger Global Management đã rót hàng triệu USD vào các kỳ lân của khu vực Đông Nam Á.

Ngay cả những công ty khởi nghiệp chưa được “thử lửa” cũng được ​​những quỹ hạt giống như Y Combinator của Thung lũng Silicon bơm tiền để tăng giá trị và thiết lập các công ty mới để được cấp vốn trong tương lai.

Lượng tiền mặt dồi dào cho phép các startup ở chế độ tư nhân lâu hơn và tiếp tục nhận thêm vốn mặc dù thua lỗ nặng. Những doanh nghiệp non trẻ giàu tiền mặt này tập trung vào việc mở rộng thị phần, vì khi số lượng nhà đầu tư càng nhiều thì có nghĩa là cơ hội càng lớn và các đối thủ có thể bước vào và cạnh tranh với họ.

Bây giờ nhìn lại, các công ty khởi nghiệp nên tập trung nhiều hơn vào lợi nhuận. Nhưng hồi đó, giành thị phần là một nước đi hợp lý và gần như là một quy luật của trò chơi, Ryu Muramatsu của công ty đầu tư mạo hiểm GMO VenturePartners, cho biết. “Rõ ràng là cuối cùng họ sẽ phải thu được lợi nhuận. Nhưng họ không thể chèo lái con tàu đi hướng lợi nhuận vì những người khác cũng đang cố gắng tăng trưởng”.

Với dân số 680 triệu người và tốc độ áp dụng kỹ thuật số còn chậm chạp, các nhà đầu tư vẫn lạc quan về triển vọng dài hạn của Đông Nam Á và hoạt động huy động vốn tiếp tục diễn ra mạnh mẽ. Các nhà đầu tư cũng đang chuyển hướng khỏi Trung Quốc, do làn sóng đàn áp các công ty công nghệ và các biện pháp hạn chế COVID-19 kéo dài đang làm rung chuyển nền kinh tế.

Cuối tháng 09/2022, SuperReturn Asia - hội nghị đầu tư mạo hiểm và đầu tư tư nhân lớn nhất thế giới - lần đầu tiên được tổ chức tại Singapore thay vì Hồng Kông. Kỷ lục 1 ngàn giám đốc điều hành từ hơn 40 quốc gia đã tham gia cuộc họp kéo dài 5 ngày.

Thậm chí trong năm nay, khu vực này đang chứng kiến ​​lượng tiền mặt đổ vào nhiều hơn, nhiều quỹ thậm chí được đăng ký đóng góp vốn cao quá mức. Trong 6 tháng đầu tiên, các công ty đầu tư mạo hiểm tại Đông Nam Á đã đóng 23 quỹ với số tiền thu được hơn 3 tỷ USD, tương đương với kết quả hoạt động của cả năm 2021, theo DealStreetAsia. Dữ liệu cho thấy con số của cả năm 2022 có thể vượt qua mức trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát và mức đỉnh của năm 2019.

Kim Dung (Theo Nikkei Asia) - Thiết kế: Thu Minh

FILI

05-11-2022 10:00:00+07:00

Tin cùng chuyên mục

Hotline: 0908 16 98 98