Thất nghiệp vì doanh nghiệp thu hẹp sản xuất

03/11/2022 15:32
03-11-2022 15:32:22+07:00

Thất nghiệp vì doanh nghiệp thu hẹp sản xuất

Trước tình cảnh nhiều doanh nghiệp (DN) ở TPHCM và một số tỉnh phía Nam gặp khó khăn và phải cắt giảm số lượng lớn nhân sự, hàng chục nghìn công nhân đang làm việc ở các khu công nghiệp trọng điểm buộc phải “hồi hương” hoặc tìm kiếm công việc khác để đắp đổi cuộc sống qua ngày.

TPHCM: Công nhân bỗng dưng… bị sa thải

Vẫn chưa hết hụt hẫng khi Công ty TNHH Tỷ Hùng (quận Bình Tân, TPHCM, chuyên sản xuất giày da xuất khẩu) thông báo chấm dứt hợp đồng lao động, chị Nguyễn Thị Thu (43 tuổi) ngậm ngùi cho biết: Trước thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, công ty còn có nhiều đơn hàng nhưng 2 năm nay đơn hàng gần như không có. “Mỗi ngày, chúng tôi chỉ đi làm tới bốn giờ rưỡi chiều đã về rồi. Tháng 11/2022, công ty không có đơn hàng nên đóng cửa, không hoạt động, sa thải cả ngàn công nhân. Tôi dự định sau khi nhận được lương tháng 13 sẽ về quê thăm gia đình, nhưng giờ thất nghiệp rồi thì không biết xoay xở ra sao” - chị Thu nói.

Gần 10 năm làm việc tại Công ty Tỷ Hùng, vợ chồng chị Tiêu Thị Hà (quê Trà Vinh) có thu nhập gần 15 triệu đồng/tháng để lo cho hai con ăn học. Chỉ trong một ngày, cả hai vợ chồng chị đều trở thành những người thất nghiệp. Chị Hà rơm rớm nước mắt giãi bày: “Cuối năm mà mất việc thế này thì không biết tính sao. Chúng tôi tính đường về quê, nhưng về quê ruộng đất không có, không biết làm gì để sống. Bây giờ nhiều DN khó khăn nhưng họ đều cố gắng giữ lao động chứ không sa thải hàng loạt thế này. Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ khó khăn với DN nhưng không thể…”.

Từ khi Công ty Tỷ Hùng thông báo chấm dứt hợp đồng lao động với gần 1.200 công nhân lao động, không khí buồn bã bao trùm xóm trọ trong con hẻm nhỏ trên đường Hồ Học Lãm (quận Bình Tân), nơi có khá nhiều công nhân công ty này đang thuê trọ. Ông Bùi Văn Tâm (56 tuổi, quê Kiên Giang) cho biết, sau khi nhận quyết định sa thải, có thể ông sẽ xin giúp việc nhà hoặc rửa chén bát thuê cho các quán ăn để kiếm được đồng nào hay đồng đó. “Bí bách lắm thì tôi sẽ về quê. Lớn tuổi rồi, mình có nộp hồ sơ xin việc thì DN khác cũng không tuyển dụng. Cứ tưởng sau khi kiểm soát được dịch bệnh, việc làm sẽ ổn hơn, không ngờ…”, ông Tâm nói.

Đại diện Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TPHCM cho biết, cơ quan này đã nắm thông tin từ LĐLĐ quận Bình Tân về tình trạng Công ty Tỷ Hùng thiếu đơn hàng dẫn đến thu hẹp sản xuất. LĐLĐ TPHCM đã chỉ đạo LĐLĐ quận Bình Tân phối hợp với công ty nắm phương án sắp xếp lại lao động để báo cáo cơ quan có thẩm quyền, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người lao động.

Bình Dương: Hàng chục nghìn lao động mất việc

Tại Bình Dương, do thiếu đơn hàng, nhiều DN buộc phải đi đến quyết định giảm giờ làm, giảm nhân sự, khiến không ít lao động rơi vào cảnh thất nghiệp. Một số công nhân tìm được nơi làm mới, trong khi số khác bỏ về quê, các nhà trọ trở nên trống không.

Chị Nguyễn Thị Thu hụt hẫng khi hay tin bị Công ty Tỷ Hùng chấm dứt hợp đồng, thất nghiệp ở lại nhà trọ. Chụp ngày 2/11, ảnh: Uyên Phương

Anh Biện Văn Bình (quê Thái Bình, làm việc tại Công ty sản xuất gỗ T.T ở Bình Dương) cho biết, do thiếu đơn hàng và nguyên liệu nên công ty cắt giảm nhân sự, giảm giờ làm khiến đời sống người lao động nơi đây gặp khó khăn. “Tôi thuộc nhóm công nhân bị cắt giảm nhân sự và hiện đang đi tìm công việc khác. Trong khi đó, những đồng nghiệp ở lại làm cũng gặp khó khăn vì giảm giờ làm, thu nhập chỉ bằng một nửa trước đây. Họ cũng không sung sướng gì, ở lại cũng chỉ là cầm cự thôi”- anh Bình nói.

Chuẩn bị hành trang để về quê, anh Trần Hưởng (quê Đồng Tháp), làm việc tại một công ty may mặc ở thành phố Dĩ An (Bình Dương) cho biết, ngành nghề may mặc đang rơi vào tình cảnh khó khăn chung nên sau khi nghỉ ở công ty cũ, anh cũng chẳng thiết tha đi tìm việc ở nơi khác. “Hoàn cảnh gia đình hiện nay rất khó khăn, tôi quyết định về quê làm ruộng, có gì ăn nấy. Trong khả năng của mình, tôi không tự tin để đi xin việc ở lĩnh vực khác ngoài may mặc” - anh Hưởng thở dài cho biết.

Trong khi đó, anh Huỳnh Văn Phong (quê An Giang) cho hay, bản thân làm việc trong công ty gỗ ở thị xã Tân Uyên, đã thất nghiệp gần 3 tháng nay. “Tôi làm việc ở Bình Dương gần 20 năm, do công ty thiếu nguyên liệu và đơn hàng nên bị cắt giảm nhân sự. Vợ tôi hiện vẫn còn việc làm nhưng chỉ được nhận lương cơ bản mỗi tháng 5 triệu đồng. Với thu nhập như hiện nay, hai vợ chồng cầm cự sống ở đất khách đã khá chật vật mà còn phải nuôi hai con nhỏ ở quê nhà”, anh Phong tâm sự.

Ông Dương Quang Hiệp - Giám đốc Nhân sự Công ty TNHH MTV Gỗ Hoàng Thông (Bình Dương) cho biết, trước khó khăn chung, công ty đang hoạt động chỉ khoảng 50% công suất và buộc phải giảm giờ làm việc của công nhân. DN không ép công nhân nghỉ mà chỉ giảm giờ làm để giữ nguồn nhân lực. Tuy nhiên, người lao động tự xin nghỉ về quê, rồi xin nghỉ giải quyết việc riêng. “Thực tế 25% số lao động đã nghỉ làm so với trước đây” - ông Hiệp cho hay.

Theo ông Nguyễn Liêm - Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương, các DN ngành gỗ đang chịu ảnh hưởng của thị trường thế giới. Đơn hàng xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm như Mỹ, châu Âu giảm. Bên cạnh đó, giá nguyên liệu sản xuất và sản phẩm, chi phí vật tư sản xuất, vận chuyển cũng đồng loạt tăng mạnh, dẫn đến tình trạng nhiều nhà máy phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động.

Theo ghi nhận của PV Tiền Phong, từ đầu tháng 6/2022, một số công ty gỗ bắt đầu thu hẹp sản xuất, giảm giờ làm, tạm ngưng hợp đồng lao động. Công nhân không có việc làm, ở nhà trọ thời gian dài không còn tiền chi tiêu nên họ buộc phải về quê.

Theo ông Huỳnh Văn Hót (chủ một khu nhà trọ ở thị xã Tân Uyên), nhiều công nhân thuê trọ cho biết, khoảng gần 3 tháng qua các công ty ít việc làm. Ban đầu, công nhân không tăng ca, sau đó giảm giờ làm và sau cùng họ nghỉ việc. Có người cố bám trụ lại, nhưng nhiều tháng không tìm được việc làm nên buộc phải về quê. “Công nhân trả phòng về quê nên gần một nửa số phòng ở đây đang trống không” - ông Hót nói và cho biết, các khu nhà trọ khác gần đó cũng trống từ 30 đến 45% số phòng cho thuê.

Tại một cư xá ở Thị xã Tân Uyên (Bình Dương) có khoảng 1.300 phòng trọ, thời điểm đông nhất có gần 4.000 lao động thuê trọ. Hiện nay, nhiều công nhân thất nghiệp và trở về quê nên khu trọ này còn trống khoảng 500 phòng.

Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương cho biết, nhiều DN cắt giảm giờ làm, giảm lao động và thu hẹp quy mô sản xuất. Tại Bình Dương có 13.000 lao động bị tạm hoãn hợp đồng. Nhiều DN đang hoạt động chỉ từ 30 đến 50% công suất. “Các DN xảy ra tình trạng trên do ảnh hưởng từ thị trường thế giới khó khăn. Hiện nay lượng hàng tồn kho nhiều, DN thiếu đơn hàng, mặt khác một số nguyên liệu khó nhập về nên người lao động phải nghỉ việc luân phiên. Hầu hết số công nhân bị cắt giảm đều thuộc diện hết thời hạn hợp đồng và không được ký tiếp” - ông Tuyên nói và cho biết, các chế độ phúc lợi của người lao động sau khi nghỉ việc đều được giải quyết đầy đủ.

Đại diện Công ty TNHH Tỷ Hùng cho biết, DN bị mất đơn hàng, dù đã tìm nhiều biện pháp nhưng không thể khôi phục hoạt động nên buộc phải thu hẹp sản xuất và chấm dứt hợp đồng với 1.185 lao động toàn bộ khối sản xuất và một số đơn vị gián tiếp phục vụ sản xuất từ ngày 1/12 tới.

Công ty sẽ chi trả trợ cấp mất việc làm bằng 2 tháng tiền lương cho tất cả công nhân nghỉ việc. Những lao động có thời gian làm việc từ năm 2008 trở về trước sẽ được chi trả trợ cấp thôi việc theo quy định. Công ty cũng sẽ chi tiền thưởng năm 2022 với mức thưởng 1 tháng lương cho người làm việc đủ 12 tháng, mức thưởng sẽ được tính theo thời gian thực tế làm việc trong 1 năm của người lao động.

HƯƠNG CHI - NGÔ TÙNG - UYÊN PHƯƠNG

Tiền phong





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Bộ Công Thương điều chỉnh kế hoạch cung ứng điện mùa nắng nóng 2024

Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định số 924/QĐ-BCT điều chỉnh kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2024 và các tháng cao điểm mùa khô...

NVIDIA tiếp tục sang Việt Nam khảo sát địa điểm đầu tư

NVIDIA, hãng sản xuất chíp trí tuệ nhân tạo hàng đầu thế giới, tiếp tục cử đoàn công tác sang Việt Nam khảo sát Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM để bỏ vốn đầu tư.

'Không ai muốn đầu tư để bán điện mặt trời mái nhà 0 đồng'

Chuyên gia cho rằng điện mặt trời mái nhà tự dùng nếu bán 0 đồng sẽ khó thu hút người dân, doanh nghiệp vì suất đầu tư không hiệu quả.

Khởi tố, bắt tạm giam ông Phạm Thái Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội

Ông Phạm Thái Hà, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội, bị bắt với cáo buộc lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để...

Xuất khẩu dệt may khởi sắc

Ngành dệt may đang đứng trước nhiều cơ hội nhưng cũng đối mặt nhiều thách thức buộc phải vượt qua để đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 44 tỉ USD trong năm 2024.

Tín chỉ carbon rừng: Nên bán hay để dành?

Có chuyên gia cho rằng nên bán tín chỉ carbon thay vì dự trữ bởi có thời hạn sử dụng, nhưng cũng có ý kiến đề xuất nên thành lập quỹ để có thể mua sớm những tín chỉ...

Ông lớn bán lẻ 190 năm của Nhật sắp mở trung tâm thương mại ở Hà Nội

Takashimaya, ông lớn bán lẻ có tuổi đời hơn 190 năm của Nhật Bản, lên kế hoạch đầu tư 13 triệu USD để xây dựng một trung tâm thương mại tại Hà Nội vào năm 2026.

Loạt đề xuất mới về kiểm kê khí nhà kính, giảm phát thải

Trong giai đoạn đầu, các cơ sở có mức phát thải lớn thuộc 3 lĩnh vực: nhiệt điện, sản xuất sắt thép, sản xuất xi măng sẽ được phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà...

Diễn đàn Tương lai ASEAN 2024 sẽ có một phiên họp dành riêng cho giới doanh nghiệp

Phiên họp dành riêng cho giới doanh nghiệp với chủ đề tận dụng các cơ hội để phát triển trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, do Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Thủ...

Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương trình ban hành chính sách mua bán điện trực tiếp

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách mua bán điện...


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98