Chứng khoán Mỹ tiếp tục phục hồi hay chỉ là ‘bull trap’?

06/12/2022 08:06
06-12-2022 08:06:13+07:00

Chứng khoán Mỹ tiếp tục phục hồi hay chỉ là ‘bull trap’?

Cú bật dậy mạnh mẽ kể từ tháng 10 của Phố Wall đang hút một lượng tiền khổng lồ quay trở lại thị trường cổ phiếu. Nhưng câu hỏi khó giải đáp lúc này là liệu chứng khoán Mỹ sẽ tiếp tục phục hồi hay quay đầu giảm điểm, xác nhận một cú “bull trap” hoàn hảo.

Với các tín hiệu lạm phát còn chưa rõ ràng, giới đầu tư đang đứng trước câu hỏi hóc búa: Liệu chứng khoán Mỹ tiếp tục phục hồi hay quay đầu giảm trở lại? Ảnh: WSJ

“Bull trap”, hay còn gọi là “bẫy tăng giá”, là một thuật ngữ tài chính ám chỉ một tín hiệu giao dịch sai, đánh lừa nhà đầu tư rằng xu hướng giảm đã kết thúc và thị trường trở nên hấp dẫn, khiến họ nhảy vào thị trường.

Giới đầu tư hào hứng trở lại

Giống như những người chơi bài bị mắc kẹt đang cố gắng giành lại những thành quả chiến thắng đã bị mất mát, người đầu cơ giá lên đang tăng cường đặt cược vào cổ phiếu ở những tháng cuối cùng của một năm chao đảo thị trường chứng khoán Mỹ.

Các nhà quản lý chiến lược đầu tư chứng khoán chủ động (active strategy) đang tăng các vị thế nắm giữ cổ phiếu. Nhu cầu cổ phiếu meme (cổ phiếu tăng giá mạnh nhờ được tung hô trên các mạng xã hội) của các nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng đang trỗi dậy, với những cái tên như chuỗi rạp phim AMC Entertainment và chuỗi bán lẻ Bed Bath & Beyond đã chứng kiến cổ phiếu tăng giá ấn tượng trong tuần qua.

Như thường lệ, động lực cho đà tăng giá của Phố Wall là các suy đoán về sự thay đổi chính sách tại Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) khi lạm phát của Mỹ có dấu hiệu tăng chậm lại. Tuy nhiên, kỳ vọng này đã suy giảm vào hôm 2-12 khi dữ liệu việc làm mới nhất cho thấy doanh nghiệp Mỹ vẫn tăng tốc tuyển dụng lao động và tăng lương, làm dấy lên lo ngại về một vòng xoáy giá cả- tiền lương, có thể khiến Fed thận trọng hơn khi cân nhắc giảm tốc độ tăng lãi suất.

Lisa Erickson, Phó chủ tịch cấp cao và là người đứng đầu nhóm thị trường đại chúng tại US Bank Wealth Management, nói: “Mọi người hy vọng về một số dấu hiệu cho thấy lạm phát sẽ tiếp tục suy yếu, nhưng nhận ra rằng các điều kiện vẫn còn tương đối khó khăn. Chúng tôi đang hoài nghi hơn về đợt phục hồi này có bền vững hay không bất kể lĩnh vực nào đang dẫn dắt”.

Vấn đề đối với những người đầu cơ giá lên là sự hồi sinh gần đây của chứng khoán Mỹ, là sự lặp lại gần như hoàn hảo của tình huống vào đầu tháng 8, khi các nhà quản lý chiến lược đầu tư chứng khoán chủ động và các quỹ phòng hộ tăng các vị thế nắm giữ cổ phiếu và một số cổ phiếu meme tăng giá gấp đôi, gấp ba. Giai đoạn đó đã kết thúc trong thảm họa đối với những người đầu cơ giá lên, với chỉ số S&P 500 giảm mạnh hơn 15% trong tám tuần. Nhiều chuyên gia đã nhìn thấy khả năng kịch bản đó sẽ lặp lại trong đợt tăng giá này.

Vốn hóa của S&P tăng thêm 10.000 tỉ đô la Mỹ

Với các tín hiệu lạm phát còn chưa rõ ràng, giới đầu tư đang đứng trước câu hỏi hóc búa: Liệu chứng khoán Mỹ tiếp tục phục hồi hay quay đầu giảm trở lại? Ảnh: WSJ

Trong đợt mua mới nhất, các nhà đầu tư đã ồ ạt xuống tiền, đẩy chỉ số  S&P 500 (theo dõi giá cổ phiếu của 500 công ty đại chúng có vốn hóa lớn ở Mỹ) tăng 3% hôm 30-11 sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell báo hiệu khả năng giảm tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ tại cuộc họp vào tháng tới. Phiên giao dịch đó đã lấn át 4 phiên giao dịch giảm điểm trong tuần trước, giúp chỉ số S&P 500 tăng điểm tuần thứ hai liên tiếp. Tính từ điểm thấp hồi tháng 10, chỉ số này đã tăng gần 14%.

Hơn 10.000 tỉ đô la Mỹ đã được thêm vào vốn hóa của chỉ số này kể từ điểm thấp nhất của nó vào tháng 10. Các nhà quản lý tiền tệ cũng đang nóng lòng nhập cuộc.

Cuộc khảo sát của Hiệp hội các nhà quản lý chiến lược đầu tư chứng khoán chủ động quốc gia (NAAIM) cho thấy, trong tháng 9 vị thế nắm giữ cổ phiếu của họ giảm đến mức thấp nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 ập đến vào đầu năm 2020. Nhưng sau đó vị thế nắm giữ cổ phiếu của họ tăng vọt và hiện dao động gần mức cao nhất trong bốn tháng.

Sau khi chịu bầm dập nặng nề do chứng khoán giảm, đám đông nhà đầu tư nhỏ lẻ dường như đang sôi sục trở lại, ít nhất là khi nói đến cổ phiếu meme. Cổ phiếu AMC Entertainment tăng 9% trong tuần qua, trong khi cổ phiếu chuỗi bán lẻ Bed Bath & Beyond tăng hơn 10%, chấm dứt chuỗi giảm giá 11 tuần liên tục.

Sự nhiệt tình tương tự không thể hiện rõ ràng trong lập trường của các chuyên gia. Trích dẫn mọi lý do từ thu nhập doanh nghiệp suy yếu dần cho đến việc thắt chặt tiền tệ liên tục của Fed, các nhà chiến lược của các ngân hàng như Morgan Stanley và JPMorgan, cảnh báo chỉ số S&P 500 có khả năng xuống mức thấp nhất năm 2022 vào năm tới. Các nhà chiến lược của Morgan Stanley nhận định trong kịch bản xấu nhất, S&P 500 có thể giảm xuống mức 3.000 điểm, giảm 26% so với mức đóng cửa hôm 1-12.

Các nhà đầu tư dường như đã diễn lại cùng một vở kịch cơ bản trong cả năm nay. Sự phục hồi của thị trường bắt đầu trong điều kiện bán quá mức hoặc nhờ các hy vọng Fed giảm tốc độ tăng lãi suất. Sau đó, những nhà đầu tư khác buộc phải đóng các vị trí bán khống, đẩy giá cổ phiếu lên cao hơn, lôi kéo các nhà đầu tư giao dịch… Điều đó dẫn đến một đà tăng giá hấp dẫn dựa trên các kỹ thuật dường như vững chắc nhưng cuối cùng lại sụp đổ.

Hồi cuối tháng 8, chính bài phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell tại một hội nghị thường niên của Fed đã làm giảm cơn hưng phấn thị trường. Lúc đó, ông nói rằng Fed sẽ sử dụng các công cụ sẵn có để chống lại lạm phát đang ở gần mức cao nhất trong hơn 40 năm ở Mỹ dù điều này có thể gây tổn thương cho nền kinh tế.

Đợt phục hồi hiện nay bền vững hơn?

Trong đợt tăng giá chứng khoán Mỹ hiện nay, các cổ phiếu nhạy cảm về kinh tế và có mức định giá rẻ trong lĩnh vực nguyên liệu thô và sản xuất công nghiệp đang dẫn dắt thị trường. Điều này khác với đợt tăng giá vào mùa hè khi cổ phiếu công nghệ với mức giá giảm sâu điều khiển thị trường.

Art Hogan, Giám đốc chiến lược thị trường tại Công ty B. Riley Wealth, nói: “Đợt tăng giá hiện nay ít mang tính đầu cơ hơn và cổ phiếu công nghệ không đóng góp nhiều. Đợt phục hồi lần này lan tỏa rộng hơn, vì vậy sẽ bền vững hơn”.

Sau khi chứng kiến các đợt phục hồi đều thất bại, các nhà đầu tư tổ chức, gồm quỹ lương hưu, quỹ tương hỗ và quỹ phòng hộ, đã rút lui. Vị thế nắm giữ ròng cổ phiếu của họ đã giảm 2.100 tỉ đô la Mỹ trong năm nay, theo ước tính từ các nhà chiến lược của Ngân hàng JPMorgan.

Điều đó có thể đặt nền móng cho sự cải thiện của thị trường chứng khoán trong tương lai. Nếu các nhà đầu tư tổ chức quay lại vị thế nắm giữ cổ phiếu dài hạn trong năm 2023, mô hình dự báo của JPMorgan cho thấy họ sẽ chi thêm 3.300 tỉ đô la Mỹ để mua cổ phiếu.

Câu hỏi lớn là những nhà đầu tư tổ chức này có sẵn sàng tăng vị thế nắm giữ cổ phiếu khi đối mặt với triển vọng u ám của kinh tế Mỹ hay không?

Bryce Doty, Phó chủ tịch cấp cao của Sit Investment Associates, cho biết công ty ông đang ở chế độ mua khi ông Powell ngừng so sánh tình hình hiện nay với kỷ nguyên lạm phát của những thập niên 1970 và không còn nói rằng lãi suất cần phải tăng đủ cao để làm suy yếu thị trường việc làm.

Chánh Tài

TBKTSG





MÃ CHỨNG KHOÁN LIÊN QUAN (1)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Phố Wall khởi sắc, S&P 500 đứt mạch 6 phiên giảm liên tiếp

Chứng khoán Mỹ khởi sắc vào ngày thứ Hai (22/04), phục hồi vị thế sau một tuần khó khăn, khi các cổ phiếu công nghệ phục hồi và căng thẳng ở Trung Đông giảm bớt...

Tata muốn mua lại hoạt động sản xuất iPhone của Pegatron

Tata đang mở rộng nhanh chóng với tư cách là đối tác lắp ráp của Apple tại Ấn Độ, giúp công ty công nghệ hàng đầu này giảm bớt phụ thuộc vào Trung Quốc.

Nasdaq Composite mất hơn 2%, giảm 6 phiên liên tiếp

Chỉ số Nasdaq Composite giảm phiên thứ 6 liên tiếp vào ngày thứ Sáu (19/04), ghi nhận chuỗi lao dốc dài nhất trong hơn 1 năm. Xu hướng giảm đến khi cổ phiếu Nvidia...

Chứng khoán toàn cầu bị bán tháo, Dow Jones tương lai giảm hơn 1%, Nikkei 225 sụt hơn 1,200 điểm

Thị trường chứng khoán toàn cầu bị bán tháo sau thông tin xảy ra một vụ nổ ở Iran, nhưng chưa biết nguyên nhân.

Giảm 5 phiên liên tiếp, S&P 500 ghi nhận chuỗi lao dốc dài nhất kể từ tháng 10/2023

Chỉ số S&P 500 giảm phiên thứ 5 liên tiếp vào ngày thứ Năm (18/04), ghi nhận chuỗi lao dốc dài nhất kể từ tháng 10/2023.

Các chỉ số chứng khoán châu Á phục hồi sau chuỗi ngày liên tiếp mất điểm

Phiên 18/4, các nhà đầu tư đã “phớt lờ” đợt bán tháo trong phiên trước ở Phố Wall, nơi các cổ phiếu công nghệ chìm trong sắc đỏ do lo ngại rằng Fed sẽ duy trì lãi...

Thế giới ngày càng rời xa các chính sách thương mại tự do

Ngày càng có nhiều nước ủng hộ các biện pháp tăng cường tính độc lập và an ninh chuỗi cung ứng của họ, một xu hướng mà các nhà kinh tế cảnh báo sẽ hạn chế thương...

S&P 500 và Nasdaq Composite giảm 4 phiên liên tiếp

Chỉ số S&P 500 giảm phiên thứ 4 liên tiếp vào ngày thứ Tư (17/04), khi cổ phiếu Nvidia và các cổ phiếu công nghệ đang gặp khó khăn khác gây áp lực suy giảm cho thị...

Chứng khoán châu Á sắp xóa sạch đà tăng của năm 2024

Chứng khoán châu Á sắp trở lại điểm khởi đầu của năm 2024, khi nỗi lo về lãi suất cao và căng thẳng địa chính trị đeo bám tâm trí nhà đầu tư.

S&P 500 giảm nhẹ sau cảnh báo của Chủ tịch Fed

Chỉ số S&P 500 giảm điểm vào ngày thứ Ba (16/04), sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho biết lãi suất có thể cần duy trì ở mức cao.


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98