Fed có thể chỉ tăng lãi suất 25 điểm cơ bản tháng sau

23/01/2023 15:00
23-01-2023 15:00:00+07:00

Fed có thể chỉ tăng lãi suất 25 điểm cơ bản tháng sau

Nhiều quan chức Fed đang muốn tiếp tục giảm tốc độ tăng lãi suất xuống 25 điểm cơ bản vào đầu tháng 2, tương tự kỳ vọng giới đầu tư.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiến hành cuộc họp chính sách vào 31/1-1/2 tới với nhiều tín hiệu cho thấy khả năng giảm tốc độ tăng lãi suất. Trong các chia sẻ gần đây, quan chức Fed nói rằng việc giảm tốc xuống 25 điểm cơ bản sẽ giúp họ có thêm thời gian để đánh giá tác động của việc tăng lãi suất đến nay.

Một số cho rằng, việc cần có thời gian để có thể đánh giá tác động đầy đủ của chiến dịch tăng lãi suất hiện rất quan trọng. Phó chủ tịch Fed Lael Brainard là một trong những người ủng hộ việc tiếp tục tăng lãi suất theo từng bước nhỏ hơn.

Theo bà Lael Brainard, tác động đầy đủ của các động thái mà Fed đã thực hiện có khả năng vẫn chưa xảy ra. Bà nêu một loạt lý do cho rằng lạm phát đang có xu hướng giảm, bao gồm: tăng trưởng tiền lương dường như đang ở mức vừa phải, chuỗi cung ứng dần cải thiện, giá thuê cho các hợp đồng thuê nhà mới đang chậm lại và kỳ vọng lạm phát vẫn đang ở mức ổn định.

Một góc mặt tiền trụ sở Fed tại Washington, Mỹ. Ảnh: Reuters

Năm qua, Fed có 4 lần liên tiếp tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm và một lần tăng 0,5 điểm phần trăm vào tháng 12. Nếu họ tăng 0,25 điểm phần trăm đầu tháng sau, lãi suất cơ bản của Mỹ sẽ ở mức từ 4,5% đến 4,75%.

Vào tháng trước, hầu hết quan chức Fed dự đoán lãi suất sẽ lên mức cao nhất trong khoảng từ 5% đến 5,25%. Điều đó có nghĩa là cần tăng thêm hai lần 25 điểm cơ bản nữa sau đợt tăng lãi đầu tháng 2.

Khả năng giảm tốc tăng lãi suất trong phiên họp tới phản ánh niềm tin ngày càng tăng của các quan chức Fed rằng những nỗ lực của họ nhằm kiềm chế nhu cầu và giảm lạm phát đang dần có tác dụng lên nền kinh tế.

Trong những tuần gần đây, dữ liệu của chính phủ và các cuộc khảo sát kinh doanh đã chỉ ra sự sụt giảm mạnh hơn trong hoạt động sản xuất và các đơn đặt hàng mới. Chi tiêu của người tiêu dùng đối với hàng hóa cũng giảm.

Việc tăng lãi suất của ngân hàng trung ương nhằm làm chậm lạm phát bằng cách giảm nhu cầu "và có nhiều bằng chứng cho thấy đây chính xác là những gì đang diễn ra trong lĩnh vực kinh doanh", theo thống đốc Fed Christopher Waller. Ông Waller cho biết sẽ ủng hộ việc tăng 25 điểm cơ bản trong cuộc họp sắp tới.

Một số quan chức khác như Chủ tịch Fed Boston Susan Collins cũng đang nghiêng về việc giảm tốc độ tăng lãi. Bà cho biết có nguy cơ đi quá xa và áp lực lên nền kinh tế có thể đang tăng lên.

Trong khi đó, Chủ tịch Fed Dallas Lorie Logan cũng nêu ra những lý do có thể hợp lý để nới lỏng. Bà nói rằng ngay khi Fed giảm quy mô từ 75 điểm cơ bản xuống 50 điểm cơ bản hồi tháng 12, những cân nhắc tương tự cho thấy nên giảm tốc độ hơn nữa tại cuộc họp sắp tới.

Theo CME Group, các nhà đầu tư cũng dự báo Fed sẽ tăng lãi thêm 25 điểm cơ bản vào lần họp cuối tháng này và lần họp giữa tháng 3. Fed có 2 nhiệm vụ lớn là kiểm soát giá cả và thúc đẩy việc làm tối đa. Do đó, họ phải cẩn trọng để không nghiêng quá mạnh sang một bên và có nguy cơ làm tổn thương bên kia.

Bài toán của Fed là phải làm sao không tăng lãi suất quá cao khiến các doanh nghiệp rút lại đầu tư và tuyển dụng cũng như làm ảnh hưởng thị trường lao động. Vì vậy, ngoài các trường hợp khẩn cấp, họ thích hành động chậm rãi, điều chỉnh lãi suất lên xuống mỗi lần 25 điểm phần trăm.

Kaleb Nygaard, một chuyên gia về lịch sử của Fed, lưu ý rằng kể từ khi bắt đầu công bố những thay đổi đối với lãi suất cơ bản vào năm 1994, Fed đã tăng lãi suất 47 lần. Trong đó, 36 lần là tăng 25 điểm cơ bản.

Tuy nhiên, vẫn có những quan điểm không đồng thuận về mức tăng 25 điểm cơ bản. Chủ tịch Fed St. Louis James Bullard muốn gấp đôi con số này vì ông không nghĩ rằng lãi suất đủ cao để đánh bại lạm phát một cách triệt để. Ông kêu gọi Fed "nên hành động nhanh nhất có thể".

Nhìn chung, các quan chức Fed đồng ý rằng họ đang tiến gần hơn đến mức lãi suất cao nhất. Nhưng họ lại không biết cách đạt được điều đó, theo Washington Post. Con đường họ chọn sẽ được định hình bởi một số dữ liệu gần đây. Báo cáo lạm phát mới nhất vào tháng 12 ghi nhận tháng thứ sáu liên tiếp giảm tốc. Trung Quốc cũng đang mở cửa trở lại, điều này có thể sớm tạo ra một cú hích mới cho hoạt động kinh doanh và tiêu dùng, đồng thời giúp ngăn chặn sự suy thoái toàn cầu.

Tuy nhiên, doanh số bán lẻ và giá bán buôn giảm nhiều hơn dự kiến, làm dấy lên nỗi lo suy thoái ở Phố Wall. Tình trạng cắt giảm việc làm không phổ biến, nhưng đang nổi lên trong ngành công nghệ, tài chính. Mới nhất, Microsoft tuyên bố cắt giảm 10.000 nhân viên như một bước đệm chống lại suy thoái.

Ngoài ra, khi các quan chức Fed tập trung cho ngày họp đầu tiên, Cục Thống kê Lao động Mỹ sẽ công bố báo cáo mới về chỉ số chi phí việc làm, một số liệu để xem xét giá lao động. Điều đó có nghĩa là một lần nữa Fed sẽ phải đưa ra quyết định về diễn biến của nền kinh tế dựa trên những gì họ biết đến hiện tại.

Phiên An

Vnexpress





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Kinh tế Mỹ và kịch bản không hạ cánh

Từ chỗ được dự báo sẽ hạ cánh mềm, nền kinh tế Mỹ giờ đây đang có khả năng xảy ra kịch bản không hạ cánh, với lạm phát cao dai dẳng và tăng trưởng mạnh mẽ. Điều này...

Hoạt động kinh doanh của Mỹ giảm tốc trước thềm cuộc họp của Fed

Theo nhà kinh tế trưởng Chris Williamson tại S&P Global Market Intelligence, sự suy giảm nhu cầu và sự hạ nhiệt của thị trường lao động đã dẫn đến áp lực giá thấp...

Nhà đầu tư tăng đặt cược Fed tiếp tục nâng lãi suất

Trên các thị trường quyền chọn lãi suất của Mỹ, nhà đầu tư bắt đầu tăng đặt cược Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất trong 12 tháng tới. Đó là kịch bản ít...

Doanh thu du lịch toàn cầu năm 2024 dự báo đạt 5.800 tỷ USD

Báo cáo Các xu hướng kinh tế du lịch thế giới dự báo số lượt du khách đến trên toàn thế giới sẽ lên đến 13.579 tỷ lượt trong năm 2024, tức là phục hồi 103,9% so với...

Sức mạnh của đồng USD - kịch bản nằm ngoài dự báo cho năm 2024

Chỉ số đồng USD của Bloomberg đã tăng hơn 4% trong năm nay, cho thấy "đồng bạc xanh" đã tăng giá so với tất cả các đồng tiền của các nước phát triển và thị trường...

Các nền kinh tế lớn nhất ở châu Á trước áp lực đồng USD mạnh

Các nhà hoạch định chính sách ở Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc đều đang nhắc tới việc ổn định đồng nội tệ khi các đồng tiền này chịu sức ép lớn do chênh lệch giữa...

Thủ tướng phát lệnh khởi công đoạn cuối cùng trên tuyến cao tốc Bắc Nam phía đông

Sáng 21/04, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát lệnh khởi công dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng với tổng nguồn vốn hơn 11,000 tỷ đồng, là đoạn...

Biến đổi khí hậu sẽ khiến thế giới tổn thất 38.000 tỷ USD mỗi năm vào năm 2050

Nghiên cứu của PIK ước tính đến năm 2050, biến đổi khí hậu sẽ lấy đi 17% GDP của thế giới, hầu hết các nền kinh tế đều chịu tổn hại do biến đổi khí hậu và tất cả...

Hội nghị mùa Xuân 2024: Nỗ lực giữ vững sự phục hồi và phát triển ổn định

Trọng tâm của Hội nghị mùa Xuân năm nay là tập trung thảo luận các vấn đề đang được toàn cầu quan tâm, bao gồm triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới, hợp tác quốc...

Thị trường bất động sản của Mỹ gặp khó khăn do lãi suất và giá nhà cao

Doanh số bán nhà đã qua sở hữu, chiếm phần lớn doanh số bán nhà của Mỹ, đã giảm 4,3% trong tháng 3/2024, xuống mức 4,19 triệu căn.


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98