Tốt nghiệp trường xịn, rải 100 hồ sơ vẫn không xin được việc

18/03/2023 09:02
18-03-2023 09:02:20+07:00

Tốt nghiệp trường xịn, rải 100 hồ sơ vẫn không xin được việc

Năm 2023, dự kiến ​​11,58 triệu sinh viên ở Trung Quốc tốt nghiệp từ các cơ sở giáo dục đại học. Cuộc chiến tìm việc sẽ đặc biệt khốc liệt trong năm nay.

“Tôi đã gửi gần 100 hồ sơ xin việc, nhưng cho đến nay vẫn chưa nhận được đề nghị nào”, Yang Yang, người đang tìm việc, than thở.

Yang tốt nghiệp trường Đại học Trung văn Hong Kong danh tiếng và vật vã tìm việc gần 5 tháng nay. Cô là một trong số hàng triệu sinh viên tham gia “cuộc đua săn việc” khốc liệt trong năm 2023, theo Caixin Global.

Giống như Yang, lứa tốt nghiệp năm 2023 đang bước vào thị trường việc làm trong bối cảnh kinh tế suy thoái sau 3 năm áp dụng các biện pháp kiểm soát Covid-19 nghiêm ngặt. Cùng với đó là quy định chặt chẽ đối với các ngành công nghệ, bất động sản và dạy kèm tư nhân vốn thường chuộng tuyển dụng tài năng trẻ.

Báo cáo từ Viện Nghiên cứu Việc làm Trung Quốc cho thấy tỷ lệ giữa nhu cầu thị trường và số người xin việc là 0,57 đối với sinh viên tốt nghiệp đại học trong quý 3/2022, thấp hơn so với con số 1,24 năm 2021 và 1,38 năm 2020.

Tỷ lệ dưới 1 cho thấy sự cạnh tranh việc làm khốc liệt giữa những người tìm việc.

Năm 2022, Trung Quốc ghi nhận tỷ lệ việc làm của thanh niên trung bình là 17,5% trong số người dân thành thị 16-24 tuổi. Trong mùa tốt nghiệp tháng 7/2022, con số đó đạt 19,9%, cho thấy cứ 5 thanh niên thành thị thì có gần một người thất nghiệp. Đây là tỷ lệ cao nhất kể từ khi việc lưu giữ hồ sơ bắt đầu vào năm 2018.

Trong số đó, tình hình của sinh viên tốt nghiệp đại học thậm chí còn tồi tệ hơn với tỷ lệ thất nghiệp ước tính gấp 1,4 lần so với thanh niên nói chung, theo báo cáo của Zhuo Xian - Phó giám đốc bộ phận tại Trung tâm Nghiên cứu Phát triển của Hội đồng Nhà nước Trung Quốc.

“Sự lo lắng, thất vọng và hoang mang của sinh viên đại học, nhóm năng động nhất trong xã hội, có thể ảnh hưởng đến niềm tin của toàn xã hội vào triển vọng phát triển kinh tế”, ông viết.

Người tìm việc tại hội chợ việc làm ở thành phố Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc, ngày 15/3/2023. Ảnh: CNS.

Để giảm bớt tình trạng thất nghiệp, chính quyền trung ương Trung Quốc và địa phương đã triển khai các biện pháp như chương trình việc làm do nhà nước tài trợ, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp nhà nước thuê sinh viên mới tốt nghiệp.

Tuy nhiên, trong bối cảnh suy thoái kinh tế vĩ mô và khó khăn tài chính địa phương, các chuyên gia cho rằng chỉ riêng nỗ lực của khu vực công là không đủ để giải quyết số lượng lớn sinh viên đại học thất nghiệp ngày càng tăng.

Trọng tâm nên là làm thế nào để thúc đẩy và duy trì niềm tin giữa các doanh nghiệp tư nhân.

Cuộc đua khốc liệt

Năm 2023, dự kiến 11,58 triệu sinh viên tốt nghiệp tại các cơ sở giáo dục đại học ở Trung Quốc, tăng 7,6% so với ước tính năm ngoái.

Năm 2020, Bộ Giáo dục Trung Quốc thông báo tăng lượng tuyển sinh chương trình sau đại học lên 189.000. Mức mở rộng 20% ​​so với cùng kỳ năm ngoái là tỷ lệ cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng trung bình 5-6% trước đây.

Cuộc đua tìm việc làm sau khi tốt nghiệp đặc biệt khốc liệt trong năm 2023. Trong quý 3/2022, vốn là mùa tuyển dụng, nhu cầu của các công ty đối với sinh viên mới tốt nghiệp đại học giảm 12,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, số lượng người xin việc tăng vọt 91,3%.

Theo Lu Feng, giáo sư tại Trường Phát triển Quốc gia của Đại học Bắc Kinh, số lượng sinh viên tốt nghiệp tìm kiếm việc làm ngày càng tăng sẽ có tác động hạn chế đến tỷ lệ thất nghiệp - nhiều nhất là tăng 0,5 đến 1,0 điểm phần trăm trong thời gian ngắn. Điều cấp bách hơn là nhu cầu suy yếu đang đẩy tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên lên cao.

Tháng 8/2022, Ren Zhengfei, người sáng lập gã khổng lồ công nghệ Huawei Technologies Co. Ltd., kêu gọi công ty lập tức cắt giảm tất cả dòng sản phẩm không sinh lãi, dự đoán tương lai nghiệt ngã cho nền kinh tế.

Xin việc ảnh 2

Người tìm việc tiếp cận gian hàng của nhà tuyển dụng tại hội chợ việc làm ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, ngày 9/2/2023. Ảnh: CNS/Reuters.

Các đối thủ khác ở mảng công nghệ như công ty mẹ của TikTok, ByteDance Ltd., và gã khổng lồ giao hàng Meituan Dianping đã cắt giảm số lượng nhân viên là người mới tốt nghiệp vào mùa thu năm ngoái.

Ngoài ra, Alibaba Group Holding Ltd. và Tencent Holding Ltd. tiến hành sa thải hàng loạt lao động trong quý 2/2022 trong bối cảnh Bắc Kinh đang tiến hành cuộc đàn áp sâu rộng đối với lĩnh vực công nghệ.

Feng Lijuan, Giám đốc tư vấn nhân sự tại hội đồng việc làm và trang web tuyển dụng 51job Inc., nói rằng khoảng 60% trong số hơn 100 công ty hàng đầu từ các lĩnh vực khác nhau được thăm dò đã cắt giảm chỉ tiêu tuyển dụng sinh viên, đồng thời nói thêm rằng “một số ít hoàn toàn không tuyển dụng”.

Sinh viên cũng nói rằng họ đang được đề nghị mức lương thấp lương thấp hơn.

“Khi thương lượng lương, thái độ của họ rất kiên quyết: ‘Đây là mức tốt nhất chúng tôi có thể đưa ra, nếu bạn không muốn, chúng tôi sẽ tìm ứng viên kế tiếp’”, sinh viên kỹ thuật sinh học Pu Jia nói.

Pu buộc phải chuyển sang doanh nghiệp vừa và nhỏ sau khi biết rằng các nhà tuyển dụng trong danh sách mong muốn của cô, như Huawei, sẽ không tuyển dụng vào năm 2022.

“Các lựa chọn mà ban đầu tôi coi là an toàn giờ là những gì tốt nhất mà tôi có”.

Công việc đang ở đâu

Ngày 5/3, cựu Thủ tướng Trung Quốc Li Keqiang cho biết Trung Quốc sẽ tạo ra 12 triệu việc làm ở thành thị và ưu tiên giải quyết vấn đề tìm việc làm cho sinh viên tốt nghiệp đại học.

Kể từ khi đại dịch bắt đầu, chính phủ xứ tỷ dân đã triển khai các biện pháp để giúp thu hút số lượng lớn sinh viên tốt nghiệp đại học thất nghiệp. Chúng bao gồm mở rộng tuyển sinh chương trình sau đại học, tạo thêm các vị trí công chức và trả lương cao cho sinh viên mới ra trường sẵn sàng làm việc ở các khu vực kém phát triển.

Trong số các lựa chọn này, con đường học thuật được chứng minh là phổ biến rộng rãi. Trong 3 năm xảy ra đại dịch, tỷ lệ học sinh dự thi cao học lần thứ 2, thậm chí là thứ 3 ngày càng tăng.

Năm 2023, kỷ lục 4,74 triệu người đăng ký tham gia kỳ thi tuyển sinh sau đại học, cao hơn 170.000 so với năm 2022. Hơn 60% thí sinh chọn nộp đơn học thạc sĩ trong bối cảnh áp lực tìm việc làm, nghiên cứu năm 2022 từ nền tảng Giáo dục trực tuyến Trung Quốc cho thấy.

Theo Zhuo của Hội đồng Nhà nước Trung Quốc, việc theo đuổi bằng cấp cao hơn có thể gây bất lợi cho sinh viên mới tốt nghiệp trong việc có được kinh nghiệm cần thiết trong ngành, do tài liệu thi thường không liên quan đến các kỹ năng cần thiết tại nơi làm việc.

“Một số sinh viên đã chuyển từ trạng thái chậm xin việc sang lười biếng hoặc ngại tìm việc, thậm chí không muốn được tuyển dụng”, ông nói thêm.

Sinh viên đại học tìm kiếm cơ hội tuyển dụng tại hội chợ việc làm được tổ chức tại Đại học Thiên Tân, Trung Quốc, ngày 3/3/2023. Ảnh: CNS.

Trong khi đó, chính phủ Trung Quốc đang tiếp tục tạo ra nhiều việc làm hơn cho sinh viên mới tốt nghiệp. 25.000 vị trí đặc biệt phục vụ cho sinh viên mới ra trường do chính quyền trung ương Trung Quốc cung cấp, chiếm hơn 67% vị trí công chức quốc gia, tăng đáng kể so với 40% trong những năm trước.

Tuy nhiên, khi tài chính địa phương ngày càng trở nên căng thẳng do chi phí liên quan đến Covid-19 ngày càng tăng, các chương trình như vậy sẽ khó cung cấp giải pháp bền vững hơn cho vấn đề việc làm.

Nhiều người nhất trí rằng giải pháp lâu dài để giải quyết tình trạng thất nghiệp của thanh niên cần có thị trường và doanh nghiệp tư nhân.

Theo Nie Riming, nhà nghiên cứu tại Viện Tài chính và Luật Thượng Hải, trong một thời gian dài, các lĩnh vực công nghệ, bất động sản và giáo dục có truyền thống tuyển dụng dồi dào sinh viên mới tốt nghiệp. Kể từ năm 2020, cơn bão pháp lý ập đến với các ngành này dẫn đến tình trạng sa thải hàng loạt nhân viên và thu hẹp quy mô hoạt động.

Có những dấu hiệu cho thấy mọi thứ sẽ thay đổi vào năm 2023. Tháng 1, chính phủ Trung Quốc thông báo cuộc đàn áp kéo dài hơn 2 năm đối với lĩnh vực Internet đang phát triển sắp kết thúc.

Tháng 12/2022, cựu Phó Thủ tướng Trung Quốc Liu He thông báo chính phủ nước này đang xem xét nhiều biện pháp hơn để giúp các nhà phát triển bất động sản cải thiện bảng cân đối kế toán của họ.

Ngoài ra, các lĩnh vực sản xuất cao cấp như năng lượng mới, vật liệu mới và sản xuất thông minh cho thấy khả năng phục hồi trong bối cảnh đại dịch. Theo BOSS Zhipin, một trong những nền tảng tuyển dụng trực tuyến hàng đầu ở Trung Quốc, những ngành như vậy có mức tăng trưởng 20% ​​so với cùng kỳ năm ngoái về số lượng trường tuyển dụng và mức lương đưa ra cho mùa thu năm 2023.

Xin việc ảnh 4

Người đàn ông đi thang cuốn gần các tòa nhà văn phòng ở khu tài chính Lujiazui ở Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 28/2/2023. Ảnh: Aly Song/Reuters.

Nhà sản xuất xe điện của Trung Quốc, BYD Co. Ltd., mở rộng quy mô đầu tư và nhà máy năm 2022 với sự hỗ trợ của chính phủ. Họ đang tìm kiếm hơn 30.000 sinh viên tốt nghiệp đại học ở một số thành phố bao gồm Thâm Quyến, Tây An và Trường Sa.

Tuy nhiên, BYD vẫn là ví dụ hiếm hoi trong thị trường tuyển dụng hiện tại vì khoảng cách giữa nhu cầu của ngành và kỹ năng của sinh viên tốt nghiệp vẫn còn lớn.

Các chuyên gia cho biết cần có sự kết hợp giữa dự đoán chính xác nhu cầu của ngành và đảm bảo sinh viên mới tốt nghiệp trau dồi loạt phẩm chất liên ngành để đối phó với nhu cầu xã hội đang thay đổi.

“Trong thời đại toàn cầu hóa và số hóa kinh tế, được thúc đẩy bởi sự đổi mới, sinh viên tốt nghiệp đại học thường thiếu các kỹ năng trong các lĩnh vực như hiểu biết về tài chính, kinh doanh, máy tính và kỹ thuật số, khả năng ngoại ngữ và tư duy quốc tế - những thứ mà thị trường đòi hỏi”, nghiên cứu của Yue Changjun, giáo sư tại Trường Sư phạm Đại học Bắc Kinh, chỉ ra.

Thiên Nhi

ZING





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Đường bay nào đang 'sốt' vé dịp nghỉ 30/4-1/5?

Các chặng bay xuất phát từ Hà Nội và TPHCM đi các điểm du lịch như Nha Trang, Buôn Ma Thuột, Đà Nẵng, Côn Đảo, Phú Quốc, Quy Nhơn, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, tỷ lệ...

Phim có doanh thu cao trong nền điện ảnh còn… thấp!

Năm ngoái, với việc vượt mốc doanh thu hơn 200 tỷ đồng chỉ sau hơn 1 tuần phát hành, “Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh” đã giúp Lý Hải xác lập và giữ vững kỷ lục thực...

Giá vé máy bay cao điểm: Thái Lan rẻ gây sốc, Việt Nam vẫn 'trên trời'

Việc Thái Lan giảm giá vé máy bay ngay trước lễ hội Songkran (tết té nước) chứng tỏ quyết sách táo bạo ít quốc gia nào theo kịp. Trong khi tại Việt Nam, mùa cao...

Nghỉ lễ 30/4 - 1/5: Thủ tướng chốt nghỉ 5 ngày

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 2450/VPCP-KGVX ngày 12/4/2024 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc hoán đổi ngày làm việc dịp nghỉ lễ...

TPHCM: Phạt nguội hơn 29,000 trường hợp trong quý 1/2024

Đại diện Công an TPHCM cho biết, trong 3 tháng đầu năm 2024, lực lượng Cảnh sát giao thông TP đã gửi 29,200 thông báo vi phạm cho chủ phương tiện. Đến thời điểm...

Nghỉ lễ 30/4-01/05: Trình Thủ tướng phương án nghỉ 5 ngày liên tục

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc hoán đổi ngày làm việc để dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm 2024, người lao động...

"Ma trận" sở hữu kỳ nghỉ

Nhiều người phản ánh bị sập bẫy sở hữu kỳ nghỉ, trong đó có những người cùng lúc sập bẫy lừa của nhiều công ty với số tiền bị mất lên đến hàng trăm triệu đồng.

Kiểm tra tiệm vàng, phát hiện sản phẩm giả nhãn hiệu Chanel, Louis Vuitton

Trong 2 tháng qua, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh đã kiểm tra, xử lý hơn 13 tiệm vàng với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính trên 311 triệu đồng.

Gian hàng bán giá "ảo" tràn lan trên sàn thương mại điện tử, mục đích là gì?

Nhiều gian hàng trên sàn thương mại điện tử lấy mô tả và hình ảnh của sản phẩm thật để đăng bán với giá chỉ 1.000 đồng, rẻ hơn gấp trăm lần so với giá bán thực tế...

Người tiêu dùng Việt phải vật lộn với giá cả hàng hóa tăng cao

Theo Công ty nghiên cứu thị trường Kantar, người tiêu dùng Việt đang phải vật lộn với giá cả hàng hóa tăng cao từ đầu năm ngoái đến nay.


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98