Bổ sung gần 20.000 tỉ cho đầu tư công tại TP.HCM
Bổ sung gần 20.000 tỉ cho đầu tư công tại TP.HCM
TP.HCM cần tranh thủ các nguồn lực của trung ương, địa phương để đầu tư phát triển.
Ngày 18-4, sau một buổi làm việc, kỳ họp thứ chín (kỳ họp chuyên đề), HĐND TP.HCM khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 đã thông qua 16 nghị quyết liên quan đến chủ trương đầu tư nhiều dự án dân sinh trên địa bàn TP.HCM.
Bổ sung gần 20.000 tỉ đồng vốn trung hạn
Tại kỳ họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã trình HĐND TP.HCM việc điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 với số vốn 19.555 tỉ đồng từ nguồn ngân sách địa phương.
Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ phát biểu tại kỳ họp thứ chín HĐND TP.HCM khóa X sáng 18-4. Ảnh: THANH TUYỀN |
Hồi tháng 12-2022, HĐND TP đã thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 với vốn dự phòng là 8.821 tỉ đồng. Trong đó, TP.HCM dự kiến sẽ bố trí 8.457 tỉ đồng cho các dự án đã được quyết định đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư.
Tại kỳ họp này, các dự án được UBND TP.HCM trình xem xét, quyết định chủ trương đầu tư với số vốn hơn 106 tỉ đồng gồm: Dự án tu bổ, tôn tạo di tích khu trại giam BV Chợ Quán, nơi đồng chí Trần Phú hy sinh (giai đoạn 1) 33,7 tỉ đồng; dự án nâng cấp Nghĩa trang liệt sĩ Bình Chánh - Bình Tân là 72,4 tỉ đồng.
Ngoài ra, TP dự kiến bổ sung số vốn gần 20.000 tỉ đồng vào kế hoạch đầu tư công trung hạn của TP giai đoạn 2021-2025 để bố trí cho hai dự án thành phần thuộc dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 3.
Cũng tại kỳ họp,HĐND TP.HCM thông qua đề xuất điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn năm 2023 từ nguồn ngân sách địa phương.
Trước đó, tại kỳ họp hồi tháng 12-2022, HĐND TP thông qua kế hoạch đầu tư công năm 2023 với 55.225 tỉ đồng từ vốn ngân sách địa phương.
Tranh thủ nguồn lực để đầu tư phát triển
Kết luận kỳ họp, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ đề nghị UBND TP.HCM sớm triển khai thực hiện nội dung tiếp theo, tranh thủ các nguồn lực của trung ương, địa phương để đầu tư phát triển.
Các đại biểu biểu quyết thông qua các nghị quyết tại kỳ họp. Ảnh: Website UBND TP.HCM
|
Chủ tịch HĐND TP cũng đề nghị UBND TP tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện các nghị quyết vừa được thông qua. Tăng cường công tác tuyên truyền các chủ trương, nhất là các nghị quyết liên quan trực tiếp đến người dân, cần tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân.
Nhất trí đầu tư sáu dự án Tại kỳ họp, HĐND TP.HCM khóa X đã nhất trí chủ trương đầu tư sáu dự án gồm: Dự án tu bổ, phục dựng, tái hiện cảnh trí di tích lịch sử trụ sở Phái đoàn liên lạc Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam cạnh Ủy ban Quốc tế kiểm soát và giám sát đình chiến Sài Gòn. Dự án nâng cấp, cải tạo Nghĩa trang liệt sĩ Bình Chánh - Bình Tân; đầu tư 296 tỉ đồng để xây mới, nâng cấp, cải tạo và mua sắm trang thiết bị cho 146 trạm y tế tuyến xã; tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử quốc gia khu trại giam BV Chợ Quán; nâng tĩnh không cầu Bình Triệu 1 trên Quốc lộ 13; nâng tĩnh không cầu Bình Phước 1 trên Quốc lộ 1… Ngoài ra, điều chỉnh mức đầu tư và thời gian thực hiện sáu dự án trên địa bàn TP.HCM gồm: Nâng cấp đường Cao Lỗ (quận 8); xây dựng mới Trường THCS Hai Bà Trưng (quận 3); chống ngập khu vực Trung tâm dưỡng lão Thị Nghè; khu truyền thống cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định (giai đoạn 3)… HĐND TP cũng thông qua các tờ trình của UBND TP.HCM về mức thu phí đăng ký giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và tờ trình về mức thu phí thẩm định hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Bên cạnh đó cần tập trung chỉ đạo việc thực hiện các nhiệm vụ theo các chương trình hành động số 34, 35, 36 của Thành ủy cùng 17 chỉ tiêu theo Nghị quyết 71 của HĐND TP về nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2023. |
“Cần đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án, nhất là công trình trọng điểm đã được HĐND TP quyết định chủ trương đầu tư và bố trí vốn. Phải hạn chế tình trạng kéo dài, chậm triển khai phải điều chỉnh quyết định đầu tư, tăng vốn đầu tư bởi việc này sẽ tác động không nhỏ đến quá trình điều hành ngân sách TP” - bà Lệ nhấn mạnh.
Theo bà Lệ, UBND TP cần tiếp tục bám sát chỉ đạo của trung ương về triển khai thực hiện linh hoạt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Đồng thời tập trung chuẩn bị các nội dung trình kỳ họp thường lệ giữa năm 2023 của HĐND TP. Cùng với đó, UBND TP cần phối hợp với các ban của HĐND TP tiến hành rà soát các nghị quyết của HĐND TP trên một số lĩnh vực nhằm đánh giá tính khả thi, sự bất cập trong quá trình thực hiện để sửa đổi, bổ sung, kịp thời, đúng luật.
Về nhiệm vụ các ban của HĐND TP, bà Lệ yêu cầu tiếp tục nâng cao trách nhiệm hơn nữa trong các hoạt động giám sát, khảo sát. Các ban phối hợp với Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND TP, tổ chức tọa đàm về kinh nghiệm trong hoạt động giám sát, qua đó đề xuất các giải pháp để triển khai thực hiện công tác giám sát được hiệu quả, thiết thực.
Các sở, ngành quyết tâm thực hiện việc giải ngân Kỳ họp ghi nhận nhiều ý kiến quan tâm đến công tác giải ngân đầu tư công của TP. Đại biểu VƯƠNG ĐỨC HOÀNG QUÂN: Cần sớm hoàn thành các dự án giao thông, giáo dục Các tờ trình được thông qua sẽ góp phần phát triển cơ sở hạ tầng TP về lâu dài, tạo đòn bẩy kích thích phát triển kinh tế TP từ đây đến cuối năm 2023. TP đang gặp nhiều thách thức trong việc giải ngân đầu tư công. Vì vậy cần có biện pháp tháo gỡ để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và để các dự án đầu tư công này đi vào cuộc sống; nhất là các dự án giao thông, giáo dục. Giám đốc Sở GTVT TP.HCM TRẦN QUANG LÂM: Sẽ theo sát các chủ đầu tư, đơn vị thi công Tiến độ giải ngân còn thấp chủ yếu do việc giải phóng mặt bằng chưa hiệu quả. Vậy có cách nào để chúng ta thay đổi cách làm việc, thay đổi quy trình làm việc để đẩy nhanh tiến độ đầu tư công. Ngoài vướng mắc về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, sở còn gặp khó trong việc di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật. Để đôn đốc tiến độ các dự án đầu tư công, TP.HCM đã ban hành danh mục về các dự án trọng điểm, các dự án lớn, quy mô đang còn gặp khó để chỉ đạo. Ban Thường vụ Thành ủy cũng đã thành lập các đoàn công tác để kiểm tra, giám sát. Hiện nguồn vốn tập trung lớn ở Ban quản lý các công trình giao thông. Khi các tờ trình hôm nay được thông qua thì đơn vị này sẽ giữ số vốn khoảng 34.000 tỉ đồng, lập con số kỷ lục gần 10 lần so với những năm trước đây. Lãnh đạo TP đã có chỉ đạo, đề nghị Ban quản lý các công trình giao thông nâng cao năng lực; thuê các tư vấn quản lý dự án, thành lập hội đồng kỹ thuật, cố vấn để hỗ trợ chủ đầu tư một dự án lớn. Để đảm bảo đẩy nhanh tiến độ đáp ứng số vốn đã giao, giải ngân đạt 95% thì vai trò của chủ đầu tư trong việc lựa chọn nhà thầu tư vấn, thi công, tổ chức điều hành dự án trên hiện trường là rất quan trọng. Với trách nhiệm của mình, sở sẽ tiếp tục theo sát, phối hợp với chủ đầu tư để kịp thời tháo gỡ tiến độ nhằm đáp ứng yêu cầu số vốn đã giao. Giám đốc Sở KH&ĐT LÊ THỊ HUỲNH MAI: Các sở, ngành cần có trách nhiệm Tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong ba tháng đầu năm 2023 chỉ đạt khoảng 4% là do đầu năm các chủ đầu tư mới bắt đầu triển khai chuẩn bị dự án và thực hiện các bước tiếp theo. Vấn đề giải phóng mặt bằng cũng là nguyên nhân ảnh hưởng tỉ lệ giải ngân năm 2022. Trong năm 2023, tổ công tác về bồi thường giải phóng mặt bằng của các dự án đầu tư công thường xuyên tổ chức để nắm bắt được những vấn đề vướng mắc, khó khăn và có phương hướng gỡ vướng. TP.HCM đã ban hành chương trình hành động về giải ngân vốn đầu tư công, quy định trách nhiệm của từng sở, ngành trong việc giải ngân, ban hành Quyết định 19 về thủ tục giải ngân, thành lập tổ công tác về giải ngân... Trong kế hoạch năm 2023, các ban quản lý dự án lớn đã chiếm 77% kế hoạch vốn. Do đó, lãnh đạo TP đã yêu cầu các sở, ngành tập trung hỗ trợ các đơn vị này để có thể giải quyết ngay những vấn đề thuộc thẩm quyền của TP, góp phần đẩy nhanh tỉ lệ giải ngân đầu tư công. |
THI NGUYỄN BẢO PHƯƠNG