Chàng về thì đục cũng về…

20/05/2023 11:31
20-05-2023 11:31:13+07:00

Chàng về thì đục cũng về…

Không răng mà cắn nát nhừ/ Miệng to họng nhỏ từ từ nuốt vô/ Bụng không có chỗ chứa đồ/ Cho nên em phải đổ ra liên hồi”. Tôi đoán chắc, đọc câu đố dân gian trên không chỉ các bạn trẻ mà ngay cả người có tuổi cũng bỡ ngỡ bởi câu đố nói về một vật dụng thời chưa xa nhưng đã cũ- cái cối xay lúa. Ngày trước, cối xay lúa gần gũi, gắn bó thân thiết với người dân quê. Còn bao tục ngữ, ca dao nói về cái cối xay: “Gà què ăn quẩn cối xay”; “Ban ngày thì mải đi chơi/ Tối tắt mặt trời đổ lúa vào xay”.

Gia đình tôi có nghề gia truyền đóng cối xay lúa, từ ông cố đã theo nghề, đến cha tôi là đời thứ ba. Ngày còn bé thơ, tôi đã nằm lòng câu ca dao mẹ tôi thường ru các con:

Chàng về thì đục cũng về

Dùi cui ở lại làm nghề chi ăn?

Trong câu ca dao trên đã nói đến ba dụng cụ để làm cối xay lúa: chàng, đục, dùi cui. Tuy nhiên, bộ dụng cụ làm nghề cối xay còn có thêm: bào, rìu, cưa tay; riêng đục lại có đục vuông, đục bạt, đục tròn; về bào thì có bào trơn, bào xoi… Bộ dụng cụ làm nghề này được ông nội tôi cất giữ kỹ trong một hòm gỗ, lúc nào chuẩn bị làm việc ông mới đem ra, vật nào lưỡi cũng được mài sáng loáng bằng cục đá mài.

Việt Nam là đất nước cư dân nông nghiệp, hàng nghìn năm sinh sống bằng nghề trồng lúa. Ngày trước, nhà nào làm nông đều cố gắng tậu cho mình một chiếc cối xay lúa. Do vậy, nghề đóng cối xay rất được trọng vọng bởi cái cối được coi là vật bất ly thân của nhà nông, thợ đóng cối không phải vùng nào cũng có, thợ giỏi càng có giá.

Chiếc cối xay lúa có kết cấu chính bao gồm: dàn đế gỗ; đế chân; máng xay; thân buồng xay (gồm thớt trên và thới dưới; ở giữa hai thớt luôn có một cái chốt dài chừng ba tấc, gọi là trục cối xay). Tất cả các bộ phận này được kết nối với nhau bằng mộng gỗ hoặc tre để tạo nên một chiếc cối xay hoàn chỉnh. Để vận hành chiếc cối xay thì có một bộ phận không thể thiếu là chiếc giằng xay, mỗi khi xay lúa thì tra vào lỗ của phần “tai” cối xay. “Ngó lên con ác lăng xăng/ Thấy anh bối rối như giằng cối xay” (Ca dao). Cha tôi nói rằng, để làm được một chiếc cối xay cần có nhiều công đoạn, nhưng muốn cối chắc chắn, bền đẹp thì quan trọng là phải chọn được vật liệu tốt: gỗ thì phải gỗ đắng, chát để chống mối mọt và bền như như gỗ phi lao, sầu đâu, trâm bầu, mít; tre thì phải là tre già và trước đó được ngâm dưới ao bùn khoảng nửa tháng. Phần đan lát máng xay, thân xay hay đế xay thì đơn giản. Việc khó nhất là phải đục đẽo phần khung gỗ sao cho khi ghép vào các phần tre đan phải khớp chính xác gần như tuyệt đối. Còn nữa, thân cối phải lèn chặt bằng đất, phải là đất thịt khô, được tán mịn kết hợp với muối hạt. Sau khi lèn đất, phần mặt thân cối được đóng lèn chặt hàng chục dăm gỗ, là gỗ mít hoặc phi lao, gỗ được chẻ mỏng theo phương thẳng đứng. Khi hoàn thiện, mặt trên phẳng ở hai thớt của thân cối tựa như hình chiếc đồng tiền xu ngày xưa. Đặc biệt, thớt trên phải cao gấp hai lần thớt dưới. Thế mới biết, nghề đóng cối xay tuy sử dụng vật liệu đơn giản nhưng lại mang cả một nghệ thuật tinh vi.

Khi cho lúa vào thớt trên, quay tròn chiếc giằng xay. Lúa sẽ bị những chiếc răng gỗ của cối xay nghiền cho tróc vỏ, đổ xuống cái niền của thớt dưới, cho ra những hạt gạo lứt cùng vỏ trấu. Một chiếc cối xay được cho là tốt khi tiếng kêu của nó nghe êm ru, trơn tru, gạo lứt và trấu ra vừa phải, xòe xòe đều xung quanh, gạo ít giập gãy, tỷ lệ hạt sống (chưa được xay) ở mức thấp. Cha tôi có nói, bí quyết là ở cái trục cối xay, giữa thớt trên và thới dưới. Trục phải được làm dài hơn một chút. Khi xay thử, nếu còn lúa sống nhiều thì gọt hạ chốt xuống; chứ chốt làm ngắn so với thước tấc quy định thì gạo sẽ bị nghiền thành tấm, cám; phải làm lại thớt dưới (là nơi cố định trục).

Cối xay lúa.

Tôi lớn lên, vẫn còn thấy ông nội và cha tôi làm cối xay. Hơn mười tuổi, tôi đã biết xay lúa, tất nhiên là xay đôi (hai người cùng đứng xay), rồi giã gạo bằng cối đá. Cái cối xay đã trở thành vật dụng thân thiết trong nhà. “Sừng sững mà đứng giữa nhà/ Hễ ai động đến thì òa khóc lên” (Một câu đố khác về cối xay lúa). Đêm ngày mùa, nhiều gia đình trong làng cùng xay lúa, tiếng cười nói, chuyện trò vang vọng đêm thâu. Các chị góa chồng hay có chồng đi làm ăn xa, vào những đêm trăng thường hay xay lúa, giã gạo đến khuya lắc khuya lơ, lấy công việc để khỏa lấp đi cái khao khát tình cảm trỗi dậy trong những đêm trăng thanh gió mát.

Nghề làm cối xay thường tất bật, bận rộn vào dịp ngày mùa đã xong, nhà nhà có dư dả sau vụ mùa bội thu nên nghĩ đến chuyện đóng cối xay hay sửa lại cối xay cũ. Có những tốp thợ đi đóng cối dạo. Nhưng tôi chưa hề thấy ông nội và cha tôi đi. Các cụ không đi làm dạo vì đã có các mối hàng sẵn. Mỗi cái cối xay được sử dụng khoảng từ 5 đến 6 năm, tùy theo xay ít xay nhiều. Tôi còn nhớ, có những người từ Lâm Lang, Ba Thung ở phía trên xuống, rồi từ Hà Thượng, Gia Môn phía ngoài vào đặt cha tôi làm cối xay. Tiền công, khi thì tiền mặt nhưng phần lớn là đổi bằng lúa, gạo. Năm 1973, ông nội tôi qua đời. Cha tôi vẫn một mình, lâu lâu lại đóng cối xay khi có ai đặt hàng. Có lúc vừa làm, cha tôi lại vừa hát: “Mở miệng lèo nhèo/ Đòi lấy chồng quan/ Mai đây vua đuổi về làng/ Để coi quan nớ với đục chàng này ai hơn?”. Mẹ tôi nghe vậy chỉ tủm tỉm cười, không nói chi, lặng lẽ đi lấy chổi quét nhà, quét sân.

Năm 1976, cha tôi về với tổ tiên, ông bà. Những thập niên cuối thế kỷ XX, nhu cầu người dùng cối xay bắt đầu thưa dần. Máy xay xát bằng động cơ đi-ê-den đã thay thế cối xay lúa. Bốn anh em trai chúng tôi cũng không có ai làm nghề nối nghiệp cha. Cối xay lúa cùng với những thúng, mủng, giần, sàng bằng tre đã dần biến mất trong đời sống nông thôn. Đối với tôi, hình ảnh cái cối xay lúa với cái giằng xay quay tròn đã trở thành hình ảnh ăn sâu trong ký ức, dù nghề gia truyền của ông cha đã không còn nữa…

Nhà văn Nguyễn Linh Giang - Hội Nhà văn TP.Hồ Chí Minh

FILI



TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Giám đốc Nhã Nam: Không chỉ là lời xin lỗi “nhã nhặn”!

Sau 9 năm gắn bó, ngày 16/4, tiến sĩ Đặng Hoàng Giang thông báo dừng hợp tác với Nhà xuất bản Nhã Nam. Qua 2 ngày giữ im lặng trước cơn bão dư luận, rạng sáng 18/4...

Giá vé bay cao ngất ngưởng, người dân chọn du lịch bằng xe cá nhân

Vé máy bay giá cao chót vót, một số chặng ngắn của ngành đường sắt “khan vé” đã khiến nhiều người dân lựa chọn đi du lịch bằng xe cá nhân nhằm tiết giảm chi phí.

Đường bay nào đang 'sốt' vé dịp nghỉ 30/4-1/5?

Các chặng bay xuất phát từ Hà Nội và TPHCM đi các điểm du lịch như Nha Trang, Buôn Ma Thuột, Đà Nẵng, Côn Đảo, Phú Quốc, Quy Nhơn, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, tỷ lệ...

Phim có doanh thu cao trong nền điện ảnh còn… thấp!

Năm ngoái, với việc vượt mốc doanh thu hơn 200 tỷ đồng chỉ sau hơn 1 tuần phát hành, “Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh” đã giúp Lý Hải xác lập và giữ vững kỷ lục thực...

Giá vé máy bay cao điểm: Thái Lan rẻ gây sốc, Việt Nam vẫn 'trên trời'

Việc Thái Lan giảm giá vé máy bay ngay trước lễ hội Songkran (tết té nước) chứng tỏ quyết sách táo bạo ít quốc gia nào theo kịp. Trong khi tại Việt Nam, mùa cao...

Nghỉ lễ 30/4 - 1/5: Thủ tướng chốt nghỉ 5 ngày

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 2450/VPCP-KGVX ngày 12/4/2024 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc hoán đổi ngày làm việc dịp nghỉ lễ...

TPHCM: Phạt nguội hơn 29,000 trường hợp trong quý 1/2024

Đại diện Công an TPHCM cho biết, trong 3 tháng đầu năm 2024, lực lượng Cảnh sát giao thông TP đã gửi 29,200 thông báo vi phạm cho chủ phương tiện. Đến thời điểm...

Nghỉ lễ 30/4-01/05: Trình Thủ tướng phương án nghỉ 5 ngày liên tục

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc hoán đổi ngày làm việc để dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm 2024, người lao động...

"Ma trận" sở hữu kỳ nghỉ

Nhiều người phản ánh bị sập bẫy sở hữu kỳ nghỉ, trong đó có những người cùng lúc sập bẫy lừa của nhiều công ty với số tiền bị mất lên đến hàng trăm triệu đồng.

Kiểm tra tiệm vàng, phát hiện sản phẩm giả nhãn hiệu Chanel, Louis Vuitton

Trong 2 tháng qua, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh đã kiểm tra, xử lý hơn 13 tiệm vàng với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính trên 311 triệu đồng.


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98