Doanh nghiệp cần quan tâm gì khi vay nước ngoài dưới hình thức nhập khẩu hàng hóa trả chậm?
Doanh nghiệp cần quan tâm gì khi vay nước ngoài dưới hình thức nhập khẩu hàng hóa trả chậm?
Đối với khoản vay nước ngoài dưới hình thức nhập khẩu hàng hóa, doanh nghiệp cần quan tâm đến những vấn đề gì?
Hiện nay, doanh nghiệp vay nước ngoài dưới 2 hình thức: Vay bằng tiền và hình thức nhập khẩu hàng hóa trả chậm. Hoạt động này tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng trưởng và phát triển, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và hội nhập quốc tế.
Ở góc độ quản lý, ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM cho biết đây là khoản vay nước ngoài của doanh nghiêp không được Chính phủ bảo lãnh, doanh nghiệp tự vay và tự trả. Tuy nhiên, đây là nguồn vốn vay bằng ngoại tệ, trả nợ thanh toán bằng ngoại tệ, vì vậy cần được quản lý để đảm bảo hiệu quả sử dụng cũng như phát triển thị trường tiền tệ ngoại hối, đồng thời bảo đảm an ninh tiền tệ quốc gia theo mục tiêu phát triển kinh tế xã hội và yêu cầu thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Liên quan đến quy định về vay nợ nước ngoài, có các quy định liên quan đến việc doanh nghiệp phải thực hiện đăng ký khoản vay. Các quy định này, đã được thông tin cụ thể, với nội dung nhận biết về khoản vay phải được đăng ký xác nhận với NHNN, quy trình thủ tục liên quan (đối với khoản vay bằng tiền). Vậy, đối với khoản vay nước ngoài dưới hình thức nhập khẩu hàng hóa, doanh nghiệp cần quan tâm đến những vấn đề gì?
Thứ nhất, khoản vay nước ngoài dưới hình thức nhập khẩu hàng hóa trả chậm là gì?
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Thông tư số 12/2022/TT-NHNN ngày 30/09/2022 của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với việc vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp, khoản vay nước ngoài dưới hình thức nhập khẩu hàng hóa trả chậm là khoản nhập khẩu hàng hóa có ngày rút vốn đầu tiên trước ngày thanh toán cuối cùng, trong đó:
a) Ngày rút vốn của khoản vay nước ngoài dưới hình thức nhập khẩu hàng hóa trả chậm là:
- Ngày thứ 90 kể từ ngày phát hành chứng từ vận tải trong trường hợp ngân hàng cung ứng dịch vụ tài khoản yêu cầu bộ chứng từ thanh toán phải có chứng từ vận tải;
- Ngày thứ 45 kể từ ngày hoàn thành kiểm tra ghi trên tờ khai hải quan đã được thông quan trong trường hợp ngân hàng cung ứng dịch vụ tài khoản không yêu cầu bộ chứng từ thanh toán phải có chứng từ vận tải.
b) Ngày thanh toán cuối cùng được xác định là:
- Ngày thanh toán cuối cùng của thời hạn thanh toán theo hợp đồng;
- Ngày thanh toán thực tế cuối cùng trong trường hợp không thực hiện theo hợp đồng hoặc hợp đồng không quy định cụ thể thời hạn thanh toán.
c) Thời hạn khoản vay nước ngoài dưới hình thức nhập khẩu hàng hóa trả chậm là thời hạn được xác định từ ngày rút vốn đầu tiên đến ngày thanh toán cuối cùng.
Thứ hai, các khoản vay dưới hình thức nhập khẩu hàng hóa trả chậm có phải đăng ký, đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài với Ngân hàng Nhà nước không? Các giao dịch chuyển tiền trả nợ (gốc, lãi), trả phí liên quan đến khoản vay nước ngoài dưới hình thức nhập khẩu hàng hóa trả chậm có bắt buộc phải thực hiện qua tài khoản vay, trả nợ nước ngoài hay không?
- Theo quy định tại Khoản 2 Điều 4 Thông tư số 12/2022/TT-NHNN ngày 30/09/2022 của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với việc vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp, các khoản vay tự vay, tự trả dưới hình thức nhập khẩu hàng hóa trả chậm không thuộc đối tượng phải đăng ký, đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài với NHNN. Tuy nhiên, Công ty có các khoản vay dưới hình thức nhập khẩu hàng hóa trả chậm phải có trách nhiệm nộp báo cáo vay trả nợ nước ngoài cho NHNN theo quy định tại điều 41 Thông tư 12/2022/TT-NHNN.
- Theo quy định tại Khoản 3 Điều 4 Thông tư số 12/2022/TT-NHNN ngày 30/9/2022, các giao dịch chuyển tiền trả nợ (gốc, lãi), trả phí liên quan đến khoản vay nước ngoài dưới hình thức nhập khẩu hàng hóa trả chậm không bắt buộc phải thực hiện qua tài khoản vay, trả nợ nước ngoài. Như vậy, Công ty có thể thực hiện chuyển tiền trả nợ (gốc, lãi), trả phí liên quan đến khoản vay nước ngoài dưới hình thức nhập khẩu hàng hóa trả chậm thông qua tài khoản thanh toán thông thường hoặc tài khoản vay, trả nợ nước ngoài tùy lựa chọn của Công ty.
Trên đây là một số nội dung thông tin về quy định liên quan đến khoản vay nước ngoài dưới hình thức nhập khẩu hàng hóa trả chậm quy định tại Thông tư 12/2022/TT-NHNN. Các doanh nghiệp vay trả nợ nước ngoài dưới hình thức này cần quan tâm nắm bắt và thực hiện tốt, đảm bảo hoạt động này đúng quy định, sử dụng vốn vay hiệu quả và an toàn, hạn chế sai phạm phát sinh.