Kinh tế khó khăn – nguồn lực càng cần phải tối ưu hóa

29/05/2023 13:21
29-05-2023 13:21:18+07:00

Kinh tế khó khăn – nguồn lực càng cần phải tối ưu hóa

Cũng cần nhìn nhận rằng không ít doanh nghiệp lâm vào cảnh khó khăn hiện nay là do năng lực quản trị dòng tiền yếu kém, hoạt động kinh doanh bị dàn trải khiến nguồn lực bị san sẻ, phân tán và mất đi sự tập trung vào lĩnh vực cốt lõi.

Nhóm doanh nghiệp bất động sản thường huy động vốn bằng mọi giá và sử dụng hết mọi nguồn lực để thâu tóm và gia tăng quỹ đất hàng loạt, khi thị trường rơi vào cảnh trầm lắng hệ quả là một nguồn lực tài chính lớn bị kẹt vào các quỹ đất này. Ảnh: N.K

Năng lực quản trị hạn chế?

Trong khi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có xu hướng sụt giảm từ đầu năm đến nay, chủ yếu ở dòng vốn đăng ký điều chỉnh, thì ngược lại dòng vốn đầu tư gián tiếp vẫn duy trì xu hướng tăng trưởng mạnh, thể hiện qua giá trị góp vốn, mua cổ phần tăng 70%, đạt 3,11 tỉ đô la Mỹ trong bốn tháng đầu năm 2023.

Đáng lưu ý là giá trị mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ lên đến hơn 2 tỉ đô la Mỹ, gần gấp đôi con số 1,08 tỉ đô la Mỹ giá trị góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp.

Xu hướng này làm dấy lên lo ngại nhiều doanh nghiệp trong nước thời gian qua không thể thoát khỏi khó khăn đã bị “sang tay” cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Ngoài lý do môi trường kinh doanh khó khăn kéo dài từ khi bắt đầu đại dịch Covid-19 tới nay và ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế thế giới suy yếu, các nước phát triển thắt chặt chính sách tiền tệ…, không ít ý kiến cho rằng nguyên nhân còn đến từ việc dòng tiền của doanh nghiệp bị tắc nghẽn nhưng khả năng tiếp cận vốn tín dụng bị hạn chế, không thể tiếp cận các nguồn vốn mới.

Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận rằng không ít doanh nghiệp lâm vào cảnh khó khăn hiện nay là do năng lực quản trị dòng tiền yếu kém, hoạt động kinh doanh bị dàn trải khiến nguồn lực bị san sẻ, phân tán và mất đi sự tập trung vào lĩnh vực cốt lõi.

Điều này dễ nhận thấy nhất ở nhóm doanh nghiệp bất động sản, khi từ trước đến nay nhóm này thường huy động vốn bằng mọi giá và sử dụng hết mọi nguồn lực để thâu tóm và gia tăng quỹ đất hàng loạt, do lo ngại về lâu dài giá đất sẽ tăng, nhưng không nghĩ đến hay lên sẵn kế hoạch, giải pháp ứng phó một khi nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng rơi vào cảnh trầm lắng.

Hệ quả là một nguồn lực tài chính lớn bị kẹt vào các quỹ đất này, trong khi doanh nghiệp cũng không đủ vốn để thực hiện cùng một lúc nhiều dự án.

Trước đây nhóm này thường sử dụng đòn bẩy tài chính rất lớn, từ nguồn vốn vay ngân hàng, tiền góp vốn hợp tác đầu tư, tiền đặt cọc của khách hàng khi dự án chỉ mới ở giai đoạn đầu, phát hành trái phiếu.

Nhưng nay, khi lãi suất cho vay tăng, hoặc thị trường bất động sản khó khăn khiến việc thu hút vốn không còn dễ dàng, kênh trái phiếu doanh nghiệp bị hạn chế, dễ hiểu vì sao nhóm này lâm vào cảnh khó khăn đến vậy.

Trong một phát biểu trước đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng từng dẫn lại ý kiến của một lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết có doanh nghiệp bất động sản triển khai một lúc trên 50 dự án, để rồi khi gặp khó khăn lại không thể chủ động được.

Trên thực tế, bên cạnh những doanh nghiệp năng lực quản trị tài chính và dự báo yếu kém, vẫn có những doanh nghiệp khi chớm thấy thị trường sắp bước vào giai đoạn khó khăn đã chủ động thu hẹp đầu tư, thậm chí chấp nhận bán cắt lỗ.

Tái cấu trúc hay công ty “xác sống”?

Nền kinh tế luôn có tính chu kỳ và chịu biến động theo các giai đoạn chính sách điều hành theo hướng thắt chặt hay mở rộng.

Những doanh nghiệp khôn ngoan, dù có thể không dự báo được tương lai, nhưng vẫn đảm bảo luôn duy trì được bảng cân đối tài sản cân bằng nhất, tỷ lệ sử dụng đòn bẩy tài chính phù hợp, dòng tiền mặt dồi dào để dự phòng cho mọi tình huống xấu, cũng như đón đầu các cơ hội đầu tư hấp dẫn có thể đến bất kỳ lúc nào, đặc biệt là trong mỗi đợt khủng hoảng hay suy thoái.

Bằng không, khi lâm vào khó khăn, doanh nghiệp thiếu khôn ngoan hay quá “tham lam” vì đầu tư dàn trải, thiếu hiệu quả phải chấp nhận bán lỗ dự án, sản phẩm để bước vào giai đoạn tái cấu trúc quyết liệt, thay vì thụ động với hy vọng các điều kiện kinh tế khó khăn sẽ sớm qua đi, hoặc cầu cứu chính sách hay dòng vốn tín dụng từ hệ thống ngân hàng.

Các lãnh đạo doanh nghiệp cần chia sẻ rằng các ngân hàng cũng là thực thể kinh doanh và chịu trách nhiệm với cổ đông về các hệ số sinh lời, khả năng quản trị rủi ro.

Do đó, khi nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ và trong giai đoạn tốt đẹp các ngân hàng dễ cho vay bao nhiêu thì khi nhận thấy rủi ro trong nền kinh tế gia tăng, các ngân hàng sẽ buộc phải kiểm soát vốn tín dụng chặt chẽ hơn, thậm chí tìm cách thu hồi các khoản vay có dấu hiệu xấu càng sớm càng tốt.

Ngoài ra, mỗi đợt khủng hoảng cũng là cơ hội để các doanh nghiệp tự tái cấu trúc. Doanh nghiệp nào vượt qua được sẽ ngày càng mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn.

Ngược lại, doanh nghiệp yếu kém nếu xác định không thể cứu được thì nên chấp nhận cho ra đi, thay vì hao tổn nguồn lực để chữa trị để rồi chẳng khác nào doanh nghiệp “xác sống” (zombie). Thay vào đó, dòng vốn hữu hạn nên dành cho các doanh nghiệp mới thành lập, còn nhiều tiềm năng tăng trưởng.

Nhật Bản có lẽ là quốc gia thấm thía nhất với nỗi đau mà các doanh nghiệp xác sống này mang lại.

Sau khi bong bóng tài sản vỡ vào những năm 1990-1991, Nhật Bản đã trải qua thập niên mất mát với tốc độ tăng trưởng kinh tế trì trệ và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, do chính sách giải cứu và hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động thiếu hiệu quả bắt đầu từ lúc bong bóng tài sản bị vỡ. Việc này khiến các ngành có tiềm năng tăng trưởng mạnh lại không được đầu tư đúng mức.

Ngoài ra, nợ xấu cũng làm phương hại nền kinh tế Nhật Bản theo hướng làm cho việc phân phối nguồn lực bị bóp méo và khiến nợ xấu đó càng kéo dài thêm, do các ngân hàng thường có chính sách giãn nợ đối với các khách hàng thiếu khả năng trả nợ của mình, mà thường rơi vào các lĩnh vực kinh doanh bất động sản, xây dựng và các tổ chức tài chính phi ngân hàng – những lĩnh vực bị coi là kém hiệu suất từ sau khi bong bóng kinh tế tan vỡ.

Hy vọng các khách hàng rồi sẽ trả được nợ nếu không bị phá sản, nên các ngân hàng thường cho khách hàng đang mắc nợ mình tiếp tục vay để khỏi bị phá sản, đặc biệt nếu khách hàng là những người đi vay lớn và ngân hàng nhận thấy đấy là những khách hàng quá lớn để bị sụp đổ – too big to fail.

Vai trò của nhà điều hành

Một nghiên cứu trước đây của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho rằng doanh nghiệp xác sống là công ty cũ kỹ, gặp khó trong việc trả lãi nợ, góp phần làm chậm tăng trưởng năng suất và kìm hãm tăng trưởng ở các nước phát triển. Doanh nghiệp xác sống cướp mất cơ hội mở rộng của các công ty khỏe mạnh, tạo rào cản bước vào thị trường với các công ty nhỏ.

Đây là yếu tố làm giảm đầu tư. Ngoài ra, có ý kiến cho rằng việc lãng phí tiền vào các doanh nghiệp đang “hấp hối” chẳng khác nào cứu công ăn việc làm ngày hôm nay bằng cách hy sinh tăng trưởng, công ăn việc làm và sự đổi mới nền kinh tế sẽ cần trong tương lai.

Mỗi giai đoạn khủng hoảng sẽ đi kèm với các cơ hội thâu tóm và sáp nhập dành cho những doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả và có sẵn nguồn tiền mặt dồi dào. Cơ hội “đi săn” này dĩ nhiên cũng dành cho các doanh nghiệp trong nước luôn quản trị dòng tiền tốt, chứ không chỉ dành riêng cho các doanh nghiệp nước ngoài.

Ngoài ra, các cơ quan quản lý từ trước đến nay luôn muốn tạo lập được một thị trường mua bán nợ xấu thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Vậy thì cớ gì lại e ngại các doanh nghiệp nước ngoài tham gia thâu tóm và tái cấu trúc lại các doanh nghiệp yếu kém trong nước?

Đúng là doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là ở các nước phát triển, có lợi thế hơn các doanh nghiệp Việt Nam là lãi suất có thể thấp hơn, do đó chi phí tài chính khi sử dụng đòn bẩy để đi thâu tóm sẽ tối ưu hơn.

Vì vậy, mục tiêu của NHNN nên là giữ lãi suất vay ổn định, để đảm bảo lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong nước. Giai đoạn cuối năm ngoái, lãi suất có biến động mạnh do ảnh hưởng cùng lúc bởi nhiều sự kiện, nhưng có thể nói từ đầu năm đến nay đã ổn định trở lại rất nhiều.

Về phía Chính phủ, để phần nào giúp các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, cần phải có các giải pháp để tăng cường tìm kiếm đối tác thương mại mới, song song việc thắt chặt quan hệ với các đối tác thương mại hiện hữu, nhằm đảm bảo đơn hàng và thị trường xuất khẩu cho doanh nghiệp trong nước.

Quan trọng hơn là phải tạo được niềm tin và chính sách có thể dự báo được. Đừng để nay đúng mai sai. Đừng hình sự hóa các quan hệ kinh tế. Đừng điều hành chính sách giật cục. Đặc biệt, phải tạo ra được chính sách, môi trường cạnh tranh công bằng giữa doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp nhà nước, giữa doanh nghiệp nội địa với doanh nghiệp nước ngoài.

Tuệ Nhiên

TBKTSG





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Không để người dân và doanh nghiệp phải lo lắng về điện

Sáng 20/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ về bảo đảm cung ứng điện năm 2024 và thời gian tới, nhất là trong mùa cao điểm nắng...

14 trạm BOT lọt vào tầm ngắm giám sát công tác quản lý doanh thu thu phí

Có 14 trạm thu phí BOT tại nhiều tuyến đường sẽ lọt vào tầm ngắm giám sát về công tác quản lý vận hành trạm thu phí, công tác thu tiền sử dụng dịch vụ đường bộ.

Đề xuất nhà máy điện mặt trời được phép bán trực tiếp cho khách hàng qua đường dây riêng

Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo sở hữu nhà máy điện gió hoặc mặt trời sẽ được bán điện trực tiếp cho khách hàng sử dụng điện lớn thông qua đường dây riêng hoặc...

Cấp 'tín chỉ xanh' đối với các nhà máy sử dụng năng lượng sạch

Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm và trình tự, thủ tục cấp "tín chỉ xanh" đối với các nhà máy sử dụng nguồn năng lượng sạch.

Còn khoảng 32.000 tỷ đồng vốn đầu tư công chưa được phân bổ chi tiết

Tính đến cuối tháng Ba, vẫn còn khoảng 32.000 tỷ đồng vốn đầu tư công chưa được phân bổ chi tiết, thậm chí 15 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân là 0%.

Vì sao ngành điện muốn áp giá hai thành phần?

Với cách tính hiện nay, hai khách hàng dùng cùng lượng điện, tiền trả như nhau, nhưng chi phí nhà đèn bỏ ra cho họ chưa được phản ánh chính xác, theo chuyên gia.

Thủ tướng đề nghị Apple mở rộng kinh doanh và xác định Việt Nam là một cứ điểm của Apple trên toàn cầu

Sáng 16/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Tim Cook, Giám đốc điều hành Apple của Hoa Kỳ - công ty công nghệ lớn nhất thế giới và là nhà đầu tư nước ngoài lớn...

Điện mặt trời mái nhà dư thừa: Phát lên lưới giá 0 đồng, không được tính tiền

Điện mặt trời mái nhà chỉ được tự dùng, không được bán cho cá nhân, tổ chức khác. Nếu không dùng hết, phát lên lưới chỉ được ghi nhận sản lượng điện với giá 0 đồng...

Chủ tịch Tập đoàn Thuận An bị bắt: DN vài tỷ vốn tăng gấp 200 lần, nổi lên nhờ cầu đường

Từ một doanh nghiệp có quy mô vốn điều lệ chỉ vỏn vẹn 3,9 tỷ đồng, trong 10 năm trở lại đây Thuận An đã lớn nhanh như thổi, vốn điều lệ tăng gấp 200 lần lúc mới...

Nhiều tiệm vàng tại TP HCM bất ngờ đóng cửa

Cục Quản lý thị trường TP HCM cho biết sẽ tiếp tục đồng loạt kiểm tra các doanh nghiệp tư nhân kinh doanh mua bán vàng trên địa bàn thành phố


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98