KTNN và UBTC Ngân sách đều nêu bật vấn đề công tác lập dự toán thu NSNN không sát thực tế

24/05/2023 09:03
24-05-2023 09:03:00+07:00

KTNN và UBTC Ngân sách đều nêu bật vấn đề công tác lập dự toán thu NSNN không sát thực tế

Sáng 24/5, tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội nghe các Báo cáo về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021. Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021 và Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo thẩm tra quyết toán ngân sách nhà nước.

Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn

Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, qua kiểm toán Báo cáo quyết toán NSNN năm 2021 tại Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và tổng hợp một số kết quả kiểm toán chính của các cuộc kiểm toán tổ chức trong năm 2022, KTNN đã kiến nghị tăng thu giảm chi NSNN gần 34,600 tỷ đồng; kiến nghị xử lý khác hơn 37,000 tỷ đồng; kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, thay thế, ban hành mới 270 văn bản không phù hợp với quy định pháp luật hoặc chưa phù hợp với thực tiễn.

Về dự toán thu NSNN Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, tại thời điểm lập dự toán tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Chính phủ dự báo thận trọng dẫn đến ước thực hiện thu năm 2020 làm cơ sở dự toán năm 2021 thấp; lập dự toán thu một số chỉ tiêu thu chưa phù hợp, trong đó dự toán thu tiền sử dụng đất do các địa phương lập thấp hơn so với khả năng thu dẫn đến việc thực hiện năm 2021 vượt 74% so với dự toán giao.

Dự toán chi NSNN cho đầu tư phát triển đạt 96.6% kế hoạch; về dự toán chi thường xuyên, kết quả kiểm toán cho thấy, giao dự toán đầu năm cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chậm so với quy định, giao bổ sung vào thời điểm cuối năm dẫn đến các đơn vị không kịp thực hiện phải chuyển nguồn, có đơn vị phải hủy dự toán được giao.

Về kết quả thực hiện kiến nghị Kiểm toán, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn nêu rõ, kết quả kiểm tra tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán trong năm 2022 cho thấy, về kiến nghị tài chính: Đến 31/12/2022 các đơn vị đã thực hiện kiến nghị xử lý tài chính tăng thu, giảm chi NSNN đạt tỷ lệ 88.57%; kiến nghị xử lý khác được thực hiện đạt tỷ lệ 80.08%.

Về sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách: Có 50/198 văn bản đã được Chính phủ, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, các kiến nghị khác đang được các đơn vị nghiên cứu sửa đổi theo quy định ban hành văn bản. 

Kiểm toán nhà nước đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương, đơn vị được kiểm toán thực hiện đầy đủ, kịp thời các kết luận, kiến nghị kiểm toán. Đồng thời chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, cơ quan trung ương, địa phương liên quan thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước tại Báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2021 tại Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Các bộ, cơ quan liên quan tổ chức kiểm điểm, chấn chỉnh trong việc đề xuất bổ sung dự toán chi thường xuyên nguồn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài còn sai sót, chưa đảm bảo tiêu chí “đủ điều kiện, hồ sơ chứng từ đưa vào quyết toán năm 2021” dẫn đến sau khi được Quốc hội thông qua dự toán bổ sung để quyết toán nhưng một số đơn vị không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ.

Thu NSNN năm 2021 vượt rất cao là do công tác lập dự toán một số khoản thu chưa sát

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, qua kết quả giám sát của Ủy ban Tài chính, Ngân sách và báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2021 cho thấy kỷ luật, kỷ cương trong lập, chấp hành dự toán, quyết toán NSNN năm 2021 chưa nghiêm, công tác quyết toán NSNN chậm đã nêu trong các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần chấn chỉnh, nhưng chưa được khắc phục. Tình trạng điều chỉnh thông tin, số liệu quyết toán sau thời gian chỉnh lý, tổng hợp quyết toán NSNN không phù hợp quy định Luật NSNN chậm được khắc phục.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rút kinh nghiệm và chấn chỉnh việc lập, chấp hành dự toán, quyết toán NSNN năm 2021 không nghiêm, không đúng quy định; làm rõ trách nhiệm đối với các Bộ, ngành, địa phương chậm lập, gửi báo cáo quyết toán NSNN năm 2021, quyết toán các khoản thu, chi NSNN còn nhiều sai sót, hạch toán không đầy đủ,… ảnh hưởng đến công tác thẩm định, thẩm tra, tổng hợp quyết toán NSNN năm 2021; xác định lộ trình xử lý dứt điểm các tồn tại, hạn chế kéo dài nhiều năm.

Về quyết toán thu NSNN năm 2021, theo báo cáo của Chính phủ, quyết toán thu NSNN tăng 233,327 tỷ đồng so với dự toán, tỷ lệ động viên thu NSNN năm 2021 đạt 18.7% GDP. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách, nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19, quyết toán thu NSNN đạt kết quả như trong báo cáo, ngoài lý do lập dự toán thận trọng, các khoản thu về nhà đất, chứng khoán, dầu thô tăng cao,… là sự nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp.

Nhiều ý kiến cho rằng, trong năm 2021 đã thực hiện nhiều chính sách miễn, giảm thuế, phí mà số tăng thu NSNN năm 2021 vượt rất cao là do công tác lập dự toán một số khoản thu chưa sát, như lập dự toán thu tiền sử dụng đất nhiều năm thấp hơn số thực hiện năm trước. Một số ý kiến đề nghị, trong bối cảnh khó xác định chính xác dự toán thu NSNN, cần nghiên cứu, sửa đổi Luật NSNN để có cơ chế, chính sách quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả, không dàn trải, thất thoát, lãng phí số tăng thu NSNN.

Về quyết toán chi NSNN năm 2021, đa số ý kiến cho rằng quyết toán chi NSNN (bao gồm cả số chi chuyển nguồn năm trước chuyển sang) đạt mức rất thấp là do công tác lập dự toán chi không sát, giải ngân đầu tư công chậm, không tổ chức triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trong năm 2021. Việc hủy bỏ dự toán, chuyển nguồn lớn, gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách kinh tế, chính sách an sinh xã hội của Nhà nước.

Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhất trí theo đề nghị của Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước trình Quốc hội phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2021. Đồng thời, đề nghị Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành địa phương tiếp tục rà soát các khoản chi chuyển nguồn năm 2021 sang năm 2022. Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước chịu trách nhiệm về nội dung, thông tin, số liệu quyết toán NSNN năm 2021 bảo đảm tính chính xác, trung thực, đầy đủ, đúng quy định của pháp luật.

Để tăng cường kỷ luật, kỷ cương quản lý, sử dụng NSNN và tăng cường việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị từ quyết toán NSNN niên độ năm 2022, Quốc hội không phê chuẩn quyết toán các khoản thu, chi NSNN trong niên độ đã phát hiện không đúng quy định; các khoản chi phải hủy nguồn, thu hồi về NSNN trong niên độ và các năm trước, nhưng chưa thực hiện thu hồi trong năm 2022 và các kết luận, kiến nghị Kiểm toán Nhà nước yêu cầu xử lý tài chính trong niên độ quyết toán NSNN (bao gồm cả các trường hợp HĐND các cấp đã phê chuẩn quyết toán).

 Chính phủ trình Quốc hội quyết toán NSNN năm 2021 như sau:

Tổng số thu cân đối NSNN là 2,387,906 tỷ đồng. Trong đó, số thu NSNN theo dự toán là 1,591,411 tỷ đồng; thu chuyển nguồn năm 2020 sang năm 2021 là 643,406 tỷ đồng; thu từ kết dư năm 2020 là 140,410 tỷ đồng; và thu từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định của Luật NSNN là 12,679 tỷ đồng.

 Tổng số chi cân đối NSNN là 2,484,439 tỷ đồng. Trong đó, chi NSNN theo dự toán là 1,708,088 tỷ đồng; chi chuyển nguồn sang năm 2022 là 776,351 tỷ đồng. Bội chi NSNN là 214,053 tỷ đồng, bao gồm: bội chi NSTW là 211,650 tỷ đồng, bội chi NSĐP là 2,403 tỷ đồng.

Nhật Quang

FILI







TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Nợ công năm 2024 dự kiến khoảng 4 triệu tỷ đồng, thấp hơn nhiều mức trần cho phép

Trong báo cáo gửi Quốc hội về tình nợ công năm 2024, dự kiến năm 2025, Chính phủ cho biết nợ công dự kiến trong năm nay khoảng 4 triệu tỷ đồng, còn dự báo cho năm...

TP HCM muốn giữ lại phần thu ngân sách vượt để làm metro

Thành phố đề xuất được giữ lại toàn bộ số thu ngân sách vượt dự toán giai đoạn 2026-2030 để làm đường sắt đô thị.

Kiểm toán Nhà nước kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm, đa số vẫn 'phớt lờ'

Kiểm toán Nhà nước yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân nhưng chỉ có 44/107 báo cáo kiểm toán đã được các đơn vị thực hiện.

Sẽ quy định mức nợ thuế với từng đối tượng bị tạm hoãn xuất cảnh

Tổng cục Thuế cho biết sẽ nghiên cứu, báo cáo các cấp có thẩm quyền về ngưỡng nợ thuế phù hợp đối với từng đối tượng nợ thuế trong việc áp dụng biện pháp tạm hoãn...

Những loại thu nhập nào được miễn thuế thu nhập cá nhân?

Mỗi cá nhân có thể thường xuyên hoặc bất ngờ nhận được các khoản thu nhập song không phải ai cũng biết được khoản nào được miễn thuế.

Cục Thuế TP HCM đã giải quyết xong hồ sơ nhà đất bị ách tắc

Tính đến hết ngày 3-10, 15.800 hồ sơ đất đai bị ách tắc từ ngày 1-8 đến 21-9 đã được cơ quan thuế xử lý xong nghĩa vụ tài chính.

Ngân sách Nhà nước bội thu hơn 190 ngàn tỷ trong 9 tháng đầu năm

Theo Tổng cục Thống kê, thu ngân sách Nhà nước chín tháng năm 2024 ước tăng 17.9% so với cùng kỳ năm trước. Chi ngân sách Nhà nước ước tăng 1.4% so với cùng kỳ năm...

Vì sao thu ngân sách của TP HCM giảm so với Hà Nội?

Đến năm 2022, do ảnh hưởng dịch COVID-19 và tình hình chung, thu ngân sách của TP HCM giảm so với Hà Nội.

Thủ tướng chỉ thị triệt để tiết kiệm chi thường xuyên để tăng chi đầu tư phát triển

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương, địa phương chấn chỉnh, khắc phục các tồn tại, hạn chế trong lập, quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước. Sử...

Sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh khi nợ thuế quá 90 ngày

Người nộp thuế có khoản tiền thuế nợ quá 60 ngày, cơ quan thuế phải thường xuyên liên hệ để nhắc nhở và thông báo về việc sẽ áp dụng các biện pháp cưỡng chế, trong...

Cổ phiếu ngân hàng

Cổ phiếu bảo hiểm


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98