Thế giới ra sao nếu Mỹ vỡ nợ?

24/05/2023 13:00
24-05-2023 13:00:00+07:00

Thế giới ra sao nếu Mỹ vỡ nợ?

Nếu cuộc khủng hoảng nợ đẩy Mỹ rơi vào suy thoái, kinh tế thế giới cũng sẽ đi xuống cùng với Mỹ.

Hậu quả từ đợt vỡ nợ đầu tiên trong lịch sử của nước Mỹ sẽ nhanh chóng lan rộng ra khắp thế giới. “Không một nơi nào trên thế giới có thể tránh khỏi tác động” nếu Chính phủ Mỹ vỡ nợ và cuộc khủng hoảng không được giải quyết nhanh chóng, ông Mark Zandi, Chuyên gia kinh tế trưởng tại Moody's Analytics, nhận định.

Zandi và hai đồng nghiệp khác tại Moody’s Analytics cho rằng nếu tình trạng vỡ nợ kéo dài trong vòng một tuần, nền kinh tế Mỹ sẽ suy yếu và mất 1.5 triệu việc làm.

Nếu cuộc khủng hoảng kéo dài đến mùa hè, tác động sẽ thảm khốc hơn nhiều.

Theo ông Zandi và đồng nghiệp, tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ giảm mạnh, khoảng 7.8 triệu việc làm sẽ biến mất khỏi thị trường lao động, lãi suất cho vay sẽ tăng cao, tỷ lệ thất nghiệp sẽ nhảy từ mức 3.4% ở thời điểm hiện tại lên 8%. Thị trường chứng khoán sẽ lao dốc và “thổi bay” 10,000 tỷ USD tài sản của các hộ gia đình.

Dĩ nhiên, mọi chuyện khó có thể đi xa như thế. Nhà Trắng và các Hạ nghị sĩ Cộng hòa vẫn đang tiếp tục các vòng đàm phán để đạt được thỏa thuận nâng trần nợ. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã họp với Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy trong ngày 22/05, cả hai đều đánh giá cuộc đàm phán “rất hiệu quả”, nhưng vẫn chưa có thỏa thuận.

Đảng Cộng hòa đã đe dọa để nước Mỹ vỡ nợ trừ khi Tổng thống Joe Biden và Đảng Dân chủ đồng ý cắt giảm chi tiêu và các nhượng bộ khác.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (bên phải) họp với Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy

Sự kiện thảm họa

Phần lớn hoạt động tài chính toàn cầu phụ thuộc vào niềm tin rằng nước Mỹ sẽ luôn đáp ứng đầy đủ các nghĩa vụ tài chính. Các khoản nợ của chính phủ Mỹ, từ lâu được xem là cực kỳ an toàn, là nền móng của hệ thống thương mại toàn cầu và dựa trên niềm tin được xây dựng qua hàng thập kỷ.

Mỹ vỡ nợ có thể giáng đòn nặng nề tới thị trường trái phiếu Chính phủ Mỹ trị giá 24,000 tỷ USD, khiến thị trường tài chính tê liệt và châm ngòi cho khủng hoảng toàn cầu.

"Đây sẽ là một sự kiện thảm họa, với những hậu quả nghiêm trọng khôn lường với nước Mỹ và thị trường tài chính toàn cầu", Eswar Prasad, Giáo sư về chính sách thương mại tại Đại học Cornell, nhận định.

Nhật Bản và Trung Quốc đang là chủ nợ lớn nhất của nước Mỹ

Chưa kể, vấn đề trần nợ xuất hiện ngay khi thế giới đang đối mặt với quá nhiều thách thức, từ xung đột tại Ukraine, lãi suất, lạm phát cho tới sự suy giảm niềm tin của nhà đầu tư quốc tế về vai trò của Mỹ trong hệ thống tài chính toàn cầu.

Trong quá khứ, các chính trị gia tại Washington thường vẫn đạt được thỏa thuận nâng trần nợ trước khi quá trễ. Theo đó, Quốc hội đã có 78 lần nâng hoặc điều chỉnh trần nợ của Mỹ kể từ năm 1960, với lần gần nhất là vào năm 2021.

Lần này khác gì?

Tuy nhiên, hiện tình hình có vẻ căng thẳng hơn so với trước đây. Sự chia rẽ đảng phái trong Quốc hội ngày càng nghiêm trọng khi núi nợ của Mỹ phình to sau nhiều năm tăng chi tiêu và cắt giảm thuế. Mới đây, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen lặp lại lời cảnh báo rằng nước Mỹ có thể bị vỡ nợ kể từ ngày 01/06 nếu không nâng trần nợ.

"Nếu niềm tin vào trái phiếu Chính phủ Mỹ bị xói mòn vì bất kỳ lý do nào, nó có thể tạo ra cơn địa chấn đến toàn bộ nền kinh tế Mỹ, gây ra những hậu quả lớn cho đà tăng trưởng toàn cầu", Maurice Obstfeld, Chuyên gia cấp cao của Viện nghiên cứu Kinh tế Quốc tế Peterson và từng là nhà kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), cho biết.

Trái phiếu Chính phủ Mỹ thường được dùng làm tài sản đảm bảo cho các khoản nợ và được xem là "tấm đệm" cho các khoản thua lỗ của hệ thống ngân hàng. Trong những giai đoạn kinh tế toàn cầu gặp khó khăn, trái phiếu Chính phủ Mỹ là kênh để các ngân hàng trung ương nước ngoài “trú ẩn”.

Với niềm tin trái phiếu Chính phủ Mỹ vô cùng an toàn, các khoản nợ của Mỹ - dưới dạng tín phiếu kho bạc, trái phiếu Chính phủ - có hệ số rủi ro bằng không theo quy định của hệ thống ngân hàng toàn cầu. Các chính phủ nước ngoài và nhà đầu tư nắm giữ khoản nợ trị giá gần 7.6 ngàn tỷ USD - tương đương 31% lượng trái phiếu chính phủ Mỹ được phát hành trên thị trường tài chính.

Với việc USD được coi như đồng tiền ngoại tệ toàn cầu kể từ sau Thế chiến II, Chính phủ Mỹ không gặp nhiều khó khăn khi vay tiền và thanh toán nghĩa vụ tài chính cho khoản nợ công ngày càng lớn của nước này.

Sự thống trị của đồng USD

Nhu cầu đồng USD cao cũng giúp chúng trở nên đáng giá hơn các đồng tiền khác. Tuy nhiên, đồng USD mạnh hơn sẽ khiến hàng hóa Mỹ trở nên đắt đỏ hơn so với các quốc gia khác và khiến nước này mất lợi thế cạnh tranh trong hoạt động xuất khẩu. Đây là một lý do khiến nền kinh tế lớn nhất thế giới luôn thâm hụt thương mại kể từ năm 1975.

Trong số các loại tiền tệ được các NHTW dự trữ trên thế giới, đồng USD chiếm tỷ lệ lên tới 58%. Đứng thứ 2 là đồng Euro với tỷ lệ 20%. Trong khi đó, đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc chỉ chiếm dưới 3%.

Theo tính toán của các nhà nghiên cứu của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), trong giai đoạn 1999-2019, khoảng 96% các giao dịch thương mại tại châu Mỹ được thực hiện bằng đồng USD. Tỷ lệ này là 74% ở châu Á. Ở những khu vực khác, ngoài châu Âu, đồng USD được sử dụng trong 79% các giao dịch thương mại.

Tại một số quốc gia có nền kinh tế trong tình trạng bất ổn, hoạt động thanh toán sử dụng đồng USD còn nhiều hơn đồng nội tệ của nước đó.

Chẳng hạn như trường hợp của Sri Lanka, một quốc gia đang vật lộn với lạm phát và sự mất giá nhanh chóng của nội tệ. Trong năm nay, các công ty vận tải từ chối giải phóng 1,000 container thức ăn trừ khi chúng được thanh toán bằng USD. Các container này được chất đống ở bến cảng Colombo vì các nhà nhập khẩu không có đủ USD để thanh toán.

"Không có đồng USD, chúng tôi không thể thực hiện các giao dịch. Khi nhập khẩu các mặt hàng, chúng tôi phải sử dụng ngoại tệ. Trong phần lớn trường hợp, đồng tiền được lựa chọn là USD", Nihal Seneviratne, Phát ngôn viên của Hiệp hội Thương mại và Nhập khẩu Thực phẩm Thiết yếu (EFITA) ở Sri Lanka cho biết.

Tương tự, ở Lebanon, nơi lạm phát đang tăng mạnh và đồng nội tệ tụt dốc, nhiều cửa hàng và nhà hàng yêu cầu được thanh toán bằng USD. Trong năm 2000, Chính phủ Ecuador đã phản ứng với một cuộc khủng hoảng kinh tế bằng cách thay thế đồng nội tệ bằng USD, còn được gọi là quá trình "đô la hóa”.

Nếu nước Mỹ không tiến tới thỏa thuận nâng trần nợ và bị vỡ nợ, ông Zhandi cho rằng đồng USD sẽ tăng giá, ít nhất là trong giai đoạn đầu. “Điều này là do sự bất ổn và nỗi lo sợ. Giới đầu tư toàn cầu sẽ không biết bỏ tiền vào đâu ngoại trừ nước Mỹ, đó là nơi họ luôn tìm đến mỗi khi có khủng hoảng”, ông nói.

Tuy nhiên, thị trường trái phiếu Chính phủ Mỹ sẽ bị tê liệt. Nhà đầu tư sẽ chuyển tiền sang các quỹ thị trường tiền tệ Mỹ hoặc trái phiếu của các doanh nghiệp hàng đầu nước Mỹ. Nhưng rồi chính nỗi hoài nghi sẽ kéo giảm giá trị đồng USD trong dài hạn, ông Zandi chia sẻ.

Vấn đề trần nợ chắc chắn sẽ làm dấy lên hoài nghi về sức mạnh tài chính khổng lồ của nước Mỹ và đồng USD.

“Nền kinh tế toàn cầu vẫn tương đối mong manh ở thời điểm này. Vì vậy việc để xảy ra cuộc khủng hoảng về khả năng trả nợ của nước Mỹ ngay lúc này sẽ là cực kỳ vô trách nhiệm”, ông Obstfeld chia sẻ.

Vũ Hạo (Tổng hợp)

FILI







MÃ CHỨNG KHOÁN LIÊN QUAN (1)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Kinh tế Mỹ và kịch bản không hạ cánh

Từ chỗ được dự báo sẽ hạ cánh mềm, nền kinh tế Mỹ giờ đây đang có khả năng xảy ra kịch bản không hạ cánh, với lạm phát cao dai dẳng và tăng trưởng mạnh mẽ. Điều này...

Hoạt động kinh doanh của Mỹ giảm tốc trước thềm cuộc họp của Fed

Theo nhà kinh tế trưởng Chris Williamson tại S&P Global Market Intelligence, sự suy giảm nhu cầu và sự hạ nhiệt của thị trường lao động đã dẫn đến áp lực giá thấp...

Nhà đầu tư tăng đặt cược Fed tiếp tục nâng lãi suất

Trên các thị trường quyền chọn lãi suất của Mỹ, nhà đầu tư bắt đầu tăng đặt cược Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất trong 12 tháng tới. Đó là kịch bản ít...

Doanh thu du lịch toàn cầu năm 2024 dự báo đạt 5.800 tỷ USD

Báo cáo Các xu hướng kinh tế du lịch thế giới dự báo số lượt du khách đến trên toàn thế giới sẽ lên đến 13.579 tỷ lượt trong năm 2024, tức là phục hồi 103,9% so với...

Sức mạnh của đồng USD - kịch bản nằm ngoài dự báo cho năm 2024

Chỉ số đồng USD của Bloomberg đã tăng hơn 4% trong năm nay, cho thấy "đồng bạc xanh" đã tăng giá so với tất cả các đồng tiền của các nước phát triển và thị trường...

Các nền kinh tế lớn nhất ở châu Á trước áp lực đồng USD mạnh

Các nhà hoạch định chính sách ở Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc đều đang nhắc tới việc ổn định đồng nội tệ khi các đồng tiền này chịu sức ép lớn do chênh lệch giữa...

Thủ tướng phát lệnh khởi công đoạn cuối cùng trên tuyến cao tốc Bắc Nam phía đông

Sáng 21/04, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát lệnh khởi công dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng với tổng nguồn vốn hơn 11,000 tỷ đồng, là đoạn...

Biến đổi khí hậu sẽ khiến thế giới tổn thất 38.000 tỷ USD mỗi năm vào năm 2050

Nghiên cứu của PIK ước tính đến năm 2050, biến đổi khí hậu sẽ lấy đi 17% GDP của thế giới, hầu hết các nền kinh tế đều chịu tổn hại do biến đổi khí hậu và tất cả...

Hội nghị mùa Xuân 2024: Nỗ lực giữ vững sự phục hồi và phát triển ổn định

Trọng tâm của Hội nghị mùa Xuân năm nay là tập trung thảo luận các vấn đề đang được toàn cầu quan tâm, bao gồm triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới, hợp tác quốc...

Thị trường bất động sản của Mỹ gặp khó khăn do lãi suất và giá nhà cao

Doanh số bán nhà đã qua sở hữu, chiếm phần lớn doanh số bán nhà của Mỹ, đã giảm 4,3% trong tháng 3/2024, xuống mức 4,19 triệu căn.


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98