“Vua tôm” Minh Phú bất ngờ lỗ ròng gần 100 tỷ đồng trong quý 1
“Vua tôm” Minh Phú bất ngờ lỗ ròng gần 100 tỷ đồng trong quý 1
Trong bối cảnh xuất khẩu thủy sản kém tích cực, kết quả kinh doanh của CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (UPCoM: MPC) đi lùi trong quý 1/2023. Doanh thu chỉ còn một nửa so với cùng kỳ năm trước, lỗ ròng 97 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh quý 1/2023 của "vua tôm" Minh Phú
Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance
|
Theo BCTC hợp nhất quý 1/2023, MPC mang về 2,123 tỷ đồng doanh thu, giảm 50% so với cùng kỳ. Lãi gộp chỉ còn 123 tỷ đồng, giảm 75%.
Doanh thu hoạt động tài chính đạt 38 tỷ đồng (tăng 96% so với cùng kỳ), trong đó gần 27 tỷ đồng lãi chênh lệch tỷ giá và gần 3 tỷ đồng lãi tiền gửi ngân hàng. Song, chi phí tài chính cũng tăng không kém, lên mức 54 tỷ đồng, tương đương tăng 68%. Trong đó, chi phí lãi vay chiếm 33 tỷ đồng, tăng 159%.
Quý 1, MPC lỗ ròng 97 tỷ đồng, đây là kết quả kinh doanh hàng quý kém tích cực nhất của “vua tôm” Minh Phú kể từ năm 2016.
Giải trình cho kết quả trên, MPC cho biết ngoài ảnh hưởng từ doanh thu bán hàng giảm, kết quả kinh doanh của các công ty nuôi tôm thương phẩm Minh Phú Lộc An, Minh Phú Kiên Giang và Công ty sản xuất tôm giống Minh Phú Ninh Thuận không có hiệu quả.
Đến cuối quý 1/2023, MPC có quy mô tài sản 9,502 tỷ đồng, giảm gần 11% so với đầu năm. Trong đó, hàng tồn kho chiếm gần 50%, tương đương 4,741 tỷ đồng (đã tính khoản trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho 76 tỷ đồng).
Danh mục đầu tư tài chính của MPC đa dạng. Đầu tư ngắn hạn chủ yếu vào cổ phiếu và tiền gửi có kỳ hạn trên 3 tháng. Tính đến cuối quý 1, MPC nắm giữ 8.8 tỷ đồng danh mục cổ phiếu, không thay đổi so với đầu năm, nhưng đang phải trích lập 5.6 tỷ đồng cho khoản đầu tư này; tiền gửi gần 63 tỷ đồng, tăng 35% so với đầu năm. Danh mục đầu tư dài hạn chủ yếu là trái phiếu ngân hàng.
Nguồn: BCTC Công ty
|
Bên kia bảng cân đối, tổng nợ phải trả tính đến cuối quý 1 là 3,830 tỷ đồng, giảm 21% so với đầu năm. Dư nợ vay ngắn hạn ngân hàng của MPC ở mức 2,877 tỷ đồng, giảm 24% so với đầu năm, chủ yếu vay để bổ sung vốn lưu động.
Nguồn: BCTC Công ty
|
Dư nợ vay dài hạn ở mức 198 tỷ đồng, tăng gần 49% so với đầu năm. Trong đó, vay dài hạn Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - Cà Mau để đầu tư dự án nhà máy Minh Phát tại khu công nghiệp Khánh An, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau, có dư nợ cuối quý 1 là 24 tỷ đồng. Khoản vay còn lại từ Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Cà Mau để đầu tư phân xưởng sản xuất tôm tẩm bột thuộc nhà máy Minh Phú, tỉnh Hậu Giang (dư nợ cuối quý 1 là 173 tỷ đồng).
Nguồn: BCTC Công ty
|