Thủy sản Minh Phú đặt kế hoạch lãi 2023 đi lùi 23%
Thủy sản Minh Phú đặt kế hoạch lãi 2023 đi lùi 23%
CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (UPCoM: MPC) vừa công bố tài liệu ĐHĐCĐ 2023, trong đó có kế hoạch sản xuất kinh doanh. Doanh thu và lãi sau thuế kế hoạch ở mức 12,790 tỷ đồng và 639 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh và kế hoạch của MPC năm 2023
Nguồn: MPC
|
Cụ thể, sản lượng sản xuất và kim ngạch xuất khẩu mục tiêu năm 2023 trình ĐHĐCĐ lần lượt ở mức 45 ngàn tấn và 540.5 triệu USD, giảm 30% và 13% so với thực hiện năm 2022. Doanh thu kế hoạch theo đó giảm 22% xuống còn 12,790 tỷ đồng.
Lãi trước thuế dự kiến năm 2023 giảm 27% xuống còn 690 tỷ đồng. Trong đó, ước tính đóng góp lớn nhất từ Minh Phú Cà Mau (360 tỷ đồng) và Minh Phú Hậu Giang (350 tỷ đồng), còn Minh Phú Kiên Giang và Minh Phú Lộc An dự kiến lỗ trước thuế lần lượt 25 tỷ đồng và gần 37 tỷ đồng.
Nguồn: MPC
|
Với tình hình trên, lãi sau thuế mục tiêu 2023 ở mức 639 tỷ đồng, giảm 23% so với thực hiện năm 2022.
Bên cạnh đó, MPC sẽ trình ĐHĐCĐ 2023 phương án phân phối lợi nhuận năm 2022. Cổ tức bằng tiền từ 20-30% (164 – 247 tỷ đồng) tính trên lợi nhuận sau thuế chưa phân phối hợp nhất tại ngày 31/12/2022. Mức chi trả này tương đương tỷ lệ 4.11-6.17% mệnh giá (từ 411-617 đồng/cp). Thời gian thực hiện trong năm 2023.
Tỷ lệ cổ tức kế hoạch 2023 trình cổ đông là 50-70%.
Về chiến lược trọng tâm 2030-2035, MPC phấn đấu đến năm 2030 giá thành tôm nguyên liệu Việt Nam bằng với Ấn Độ và phấn đấu đến năm 2035 giá thành tôm nguyên liệu Việt Nam bằng với Ecuador thông qua các giải pháp gia hóa cải thiện di truyền tôm bố mẹ sú và tôm bố mẹ thẻ chân trắng để tạo ra tôm giống có khả năng chống chịu tốt và thích ứng tốt với dịch bệnh, thời tiết, khí hậu và môi trường của Việt Nam.
Song song đó, sản xuất ra tôm giống chất lượng cao kháng bệnh và thích nghi với thời tiết khí hậu, môi trường Việt Nam đưa tỷ lệ thành công của ngành nuôi tôm Việt Nam đến năm 2030 đạt trên 60% và đến năm 2035 đạt trên 80%. Xây dựng và hoàn thiện các mô hình nuôi tôm sú rừng, tôm sú quảng canh, tôm sú bán thâm canh, tôm sú - lúa, tôm thẻ chân trắng thâm canh và tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh công nghệ cao phù hợp với từng vùng miền với giá thành thấp bằng Ấn Độ từ năm 2030 và bằng Ecuador từ năm 2035.
Về tình hình thực hiện kế hoạch trên, Minh Phú gặp khó khăn ngay từ một phần tư chặng đường đầu của năm 2023. Công ty lỗ trước thuế 95 tỷ đồng và lỗ ròng 100 tỷ đồng ở quý 1/2023. Doanh thu thuần Công ty chỉ đạt 2,123 tỷ đồng, bằng một nửa cùng kỳ và đạt khoảng 17% kế hoạch năm.
* “Vua tôm” Minh Phú bất ngờ lỗ ròng gần 100 tỷ đồng trong quý 1
Nhìn lại năm 2022, doanh thu thuần công ty đạt 16,425 ngàn tỷ đồng, tăng 21% so với năm trước đó.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, Minh Phú ghi nhận doanh thu đạt hơn 8,700 tỷ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ, Bắc Mỹ tiếp tục giữ vững vai trò thị trường xuất khẩu chủ lực. Tuy nhiên, 6 tháng cuối năm lại là giai đoạn khó khăn của ngành tôm nói chung và Minh Phú nói riêng, lạm phát cao ở các thị trường xuất khẩu khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, chủ trương hướng đến thực phẩm giá rẻ, gây bất lợi cho ngành tôm vốn có giá thành cao, đặc biệt Minh Phú còn phải đối mặt với các đối thủ cạnh tranh như Ecuador tại thị trường chính là Mỹ.
Trước tình hình đó, Minh Phú nỗ lực giảm thiểu tác động bằng cách chuyển dịch doanh thu sang khu vực châu Á với 2 thị trường tiêu thụ lớn sau Mỹ là Nhật Bản và Hàn Quốc. Mặt khác, Minh Phú còn chuyển đổi sang các thị trường lân cận Mỹ như Canada, thị trường châu Úc và châu Đại Dương.
Kết quả kinh doanh MPC theo quý, giai đoạn 2021-2022 | ||
Năm 2022, lãi ròng Minh Phú đạt 823 tỷ đồng, tăng 28% so với năm trước đó.
Về tình hình đầu tư năm 2022, Tập đoàn tiếp tục chỉ đạo đầu tư và hoàn thiện ba dự án lớn của các Công ty con bao gồm nhà máy tẩm bột mới của Công ty Minh Phú Hậu Giang, nhà máy chế biến mới của Công ty Minh Phát và dự án đường ống nước biển ở Kiên Giang của Công ty Công nghệ cao, với mục tiêu mở rộng sản xuất và nâng cao chất lượng mỗi sản phẩm của Minh Phú trên thị trường.