TP HCM sẵn sàng đón nghị quyết mới: "Đường băng mới" của thành phố trong thành phố
TP HCM sẵn sàng đón nghị quyết mới: "Đường băng mới" của thành phố trong thành phố
Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54/2017 có 3 nội dung được kỳ vọng như "đường băng" giúp TP Thủ Đức bay cao, trở thành cực tăng trưởng quan trọng của TP HCM.
Ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, cho biết rất kỳ vọng vào nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 khi được Quốc hội thông qua.
3 nội dung lớn
Theo ông Hoàng Tùng, trong dự thảo nghị quyết mới, có 3 nội dung quan trọng giúp bộ máy chính quyền TP Thủ Đức vận hành trơn tru, đáp ứng nhu cầu phát triển của một đô thị lớn.
Thứ nhất, tạo điều kiện thu hút đầu tư vào TP Thủ Đức để phát triển các dự án hạ tầng giao thông nhờ hình thức đối tác công tư (PPP). Trong đó, hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) với những dự án quy mô lớn từ nguồn xã hội hóa sẽ góp phần thay đổi bộ mặt TP Thủ Đức trong bối cảnh đầu tư vốn ngân sách còn hạn chế.
Thứ hai, tạo điều kiện cho TP Thủ Đức có bộ máy phù hợp với một chính quyền đô thị quy mô 1,2 triệu dân hiện tại và hướng đến 3 triệu dân vào năm 2040, chứ không đơn thuần là sáp nhập 3 đơn vị hành chính cấp quận.
TP Thủ Đức đã sẵn sàng thực hiện các kế hoạch lớn ngay khi nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 được thông qua |
"Đây là điều quan trọng. TP Thủ Đức đang vận hành theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương với các phòng chức năng như cơ quan hành chính cấp quận, huyện. Nếu Quốc hội thông qua nghị quyết mới thì UBND TP HCM sẽ trình HĐND TP HCM về cơ cấu tổ chức bộ máy TP Thủ Đức" - ông Hoàng Tùng cho biết.
"TP Thủ Đức kỳ vọng nhất là tổ chức bộ máy phù hợp để đáp ứng yêu cầu phát triển, yêu cầu vận hành thành phố trong bối cảnh hiện nay. Ngoài ra, TP HCM mạnh dạn ủy quyền cho TP Thủ Đức sẽ góp phần đẩy nhanh tốc độ xử lý công việc, đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ Đức” - ông Hoàng Tùng nhận xét.
|
Thứ ba, cho phép TP HCM ủy quyền thêm một số nội dung cho TP Thủ Đức, đặc biệt là nội dung về quản lý đầu tư, quản lý quy hoạch đô thị. Theo đó, UBND TP Thủ Đức được quyết định phê duyệt dự án, tổ chức lựa chọn nhà đầu tư và ký kết các hợp đồng đối với các dự án nhóm B, nhóm C đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Như vậy, trừ những dự án hạ tầng giao thông rất lớn (nhóm A), TP Thủ Đức được chủ động kêu gọi đầu tư vào các hạng mục khác như hạ tầng xã hội, hệ thống thiết chế văn hóa, thể dục - thể thao… Điều này đóng vai trò hết sức quan trọng để tăng tốc độ tăng trưởng cho TP Thủ Đức.
Nâng chất lượng bộ máy
Chủ tịch UBND TP Thủ Đức cũng hết sức quan tâm về công tác chuẩn bị nhân sự và tổ chức bộ máy địa phương cho giai đoạn mới. Theo đó, sau khi được phân cấp, ủy quyền của TP HCM thì TP Thủ Đức sẽ kiến nghị TP HCM tiếp tục tăng cường nhân sự phù hợp để thực hiện việc ủy quyền. Việc này UBND TP HCM hoàn toàn ủng hộ và hỗ trợ. Đơn cử như thực hiện dự án đối tác công tư thì Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ hỗ trợ nhân sự.
"TP Thủ Đức cùng Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM đang nghiên cứu nội dung này. UBND TP HCM giao cho Sở Nội vụ chuẩn bị sẵn sàng để khi thông qua nghị quyết mới là trình nội dung tổ chức bộ máy. Bộ máy tốt sẽ giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp tốt hơn" - ông Hoàng Tùng nhìn nhận.
Theo Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, khi thực hiện nhiệm vụ, bộ phận nào thiếu cán bộ thì sẽ được bổ sung. "Cấu trúc tổ chức bộ máy vẫn là quan trọng nhất, còn cán bộ TP Thủ Đức vẫn đảm đương được phần lớn công việc. Phần thiếu, khi được ủy quyền thì tăng cường cán bộ có chuyên môn của TP HCM. Có nhiều hình thức như huấn luyện, trao đổi kinh nghiệm hoặc biệt phái, cử cán bộ về TP Thủ Đức" - ông Hoàng Tùng nói và chia sẻ vấn đề quan trọng là hành lang pháp lý. Cán bộ dù giỏi nhưng nếu không có hành lang pháp lý thì bộ máy khó vận hành…
Chủ tịch UBND TP Thủ Đức cho hay dự thảo nghị quyết mới cho phép UBND TP HCM xem xét, quyết định thành lập bộ máy của Thanh tra xây dựng và Trung tâm Phát triển quỹ đất trực thuộc UBND TP Thủ Đức. Đây là những mô hình mới và TP Thủ Đức có sự chuẩn bị để sớm hình thành nhằm phục vụ phát triển chính quyền đô thị và mục tiêu phát triển của thành phố.
Ngoài ra, dự thảo nghị quyết mới còn cho phép Thủ Đức có 4 phó chủ tịch UBND TP. Như vậy, Thủ Đức sẽ có phó chủ tịch UBND TP phụ trách dự án bồi thường và phát triển đô thị để tập trung cho mảng công việc rất lớn này.
Triển khai nhanh dự án nhà ở xã hội Ông Trần Hoàng Quân, Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM, cho hay tháng 4-2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 338 phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030". Thủ tướng giao TP HCM đến năm 2030 phát triển 69.700 căn nhà ở xã hội (giai đoạn 2022-2025 phát triển 26.200 căn; giai đoạn 2026-2030 phát triển 43.500 căn). Thực hiện đề án trên và để chuẩn bị cho việc triển khai các chính sách về nhà ở xã hội khi nghị quyết mới được thông qua, Sở Xây dựng đã và đang chuẩn bị các nội dung. Cụ thể, sở đã rà soát, hệ thống, tổng hợp các dự án, khu đất có định hướng thực hiện nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân trên địa bàn từ trước đến nay. Trong đó, có 55 dự án nhà ở xã hội độc lập, nhà lưu trú công nhân và 33 dự án nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại. Sở Xây dựng sẽ tham mưu cho UBND TP HCM ban hành kế hoạch phát triển nhà ở xã hội đến năm 2030 trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, Sở Xây dựng đã báo cáo UBND TP HCM, đề xuất chỉ đạo các sở, ngành rút ngắn thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất; cân đối bố trí vốn ngân sách địa phương để xây dựng nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước để cho thuê; công khai danh mục dự án tổ chức đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội… Về nội dung liên quan việc hoán đổi quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội tại các dự án nhà ở thương mại, Sở Xây dựng đang phối hợp cùng Tổ Biên tập của UBND TP HCM để kiến nghị Chính phủ đưa vào nghị định hướng dẫn thực hiện. |
Bài và ảnh: QUỐC ANH