Trích lập dự phòng rủi ro của 5 ngân hàng lớn Canada tăng 13 lần
Trích lập dự phòng rủi ro của 5 ngân hàng lớn Canada tăng 13 lần
Trích lập dự phòng rủi ro của 5 ngân hàng lớn ở Canada vừa lên mức cao nhất kể từ năm 2020, do lo ngại về suy thoái kinh tế và khả năng vỡ nợ gia tăng trong lĩnh vực bất động sản thương mại.
5 ngân hàng hàng đầu của Canada chi tổng cộng 3.37 tỷ đô la Canada (tương đương 2.48 tỷ USD) để dự phòng rủi ro cho các khoản vay trong ba tháng đầu năm 2023, nhiều hơn 1 tỷ đô la Canada so với quý trước đó và tăng gần 13 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Phil Thomas, giám đốc rủi ro của Bank of Nova Scotia, cho biết: “Trích lập dự phòng cao hơn quý trước là do triển vọng kinh tế vĩ mô bất lợi hơn. Chúng tôi đã đưa ra những giả định xung quanh các cơn gió ngược tiềm ẩn như nguy cơ suy thoái gia tăng và chu kỳ tín dụng có nhiều thách thức hơn”.
Tất cả ngân hàng lớn của Canada đều chỉ ra rằng rủi ro trong lĩnh vực bất động sản thương mại (Commercial Real Estate – CRE) ở Bắc Mỹ đang gia tăng và đó là lý do để tăng cường dự phòng rủi ro tín dụng. Khi nhiều người lao động làm việc từ xa hoặc theo mô hình kết hợp trong đại dịch COVID-19, nhu cầu về văn phòng giảm, gây áp lực lên giá thuê và định giá văn phòng. Đồng thời, lãi suất tăng cao đã đẩy chi phí trả nợ lên cao.
Royal Bank of Canada cho biết trích lập dự phòng rủi ro tín dụng cho lĩnh vực CRE của họ đã tăng gấp đôi so với trước đại dịch. Còn TD Bank (Ngân hàng Toronto Dominion) cho biết con số của họ cao hơn 2.5 lần so với trước đại dịch.
Làn sóng gia hạn khoản vay thế chấp sắp tới với lãi suất cao hơn nhiều được dự báo sẽ khiến chi phí vay thế chấp hàng tháng ở các khu vực như Toronto và Vancouver tăng thêm hàng ngàn đô la. Đây là hai khu vực mà một ngôi nhà trung bình có giá hơn 1.1 triệu đô la Canada.
John Aiken, giám đốc bộ phận nghiên cứu của Barclays tại Canada, cho biết: “Từ góc độ chất lượng tín dụng, những khoản vay thế chấp nhà ở trên sổ sách của các ngân hàng Canada rất vững chắc và họ có thể đứng vững trước suy thoái kinh tế. Những khoản vay thế chấp có giá trị cao, là những khoản có rủi ro về mặt lý thuyết, đều được bảo hiểm, và do đó, các ngân hàng về cơ bản là an toàn”.
4 trong 5 ngân hàng lớn này đã không đạt được mức lợi nhuận như giới nhà phân tích kỳ vọng do chi phí tăng và doanh thu giảm khiến biên lợi nhuận thu hẹp. Chỉ có Canadian Imperial Bank of Commerce, ngân hàng lớn thứ 5 ở Canada, vượt kỳ vọng.
Nhìn chung, họ hoạt động kém hơn so với các ngân hàng lớn ở Mỹ. Các ngân hàng lớn ở Mỹ ghi nhận lợi nhuận vượt dự báo của Phố Wall, nhờ chi phí đi vay cao hơn, giúp tăng thu nhập lãi ròng và bù đắp cho sự sụt giảm trong mảng ngân hàng đầu tư.
Đối với Bank of Montreal và TD, vốn là hai nhà băng có hoạt động kinh doanh đáng kể tại Mỹ, kết quả kinh doanh lại yếu kém do kế hoạch mở rộng của họ tại Mỹ. Chi phí hợp nhất từ việc Bank of Montreal mua Bank of the West của California đã ảnh hưởng đến thu nhập của họ. Chưa kể 92% trích lập dự phòng rủi ro của họ là dành cho các khoản vay được kế thừa từ thương vụ M&A này, cho thấy rủi ro tín dụng rất lớn. Còn TD cắt giảm triển vọng lợi nhuận, một phần do thất bại trong việc mua ngân hàng khu vực First Horizon của Mỹ.
Lĩnh vực ngân hàng của Canada trong lịch sử được coi là an toàn hơn và sinh lợi hơn so với Mỹ, do thị trường bị thống trị bởi một số ít ngân hàng lớn. Điều này vẫn đúng trong năm nay khi lĩnh vực ngân hàng khu vực của Mỹ bị xáo trộn bởi sự sụp đổ của Silicon Valley Bank (SBV) và First Republic.
Nigel D'Souza và Roshan Paunikar, hai nhà phân tích tại Veritas Investment Research, cho biết: “Các ngân hàng Canada tạo ra mức lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu cao hơn và giá giao dịch trên giá trị sổ sách cao hơn các ngân hàng Mỹ. Kể từ năm 1840, Canada chưa trải qua cuộc khủng hoảng ngân hàng nào và chỉ có hai ngân hàng phá sản kể từ năm 1923. Mặt khác, hệ thống ngân hàng Mỹ đã trải qua 12 cuộc khủng hoảng ngân hàng lớn kể từ những năm 1840”.