Warren Buffett và danh mục “châu Á hóa” (kỳ 1): Tại sao là Nhật Bản?

08/06/2023 09:22
08-06-2023 09:22:20+07:00

Warren Buffett và danh mục “châu Á hóa” (kỳ 1): Tại sao là Nhật Bản?

Căng thẳng địa chính trị hiện nay đang đẩy Nhà tiên tri xứ Omaha chuyển danh mục đầu tư khỏi Trung Quốc để sang Nhật Bản.

“Giấc mơ đến Omaha”

Đối với Antonius Budianto, một nhà đầu tư chứng khoán độc lập đến từ Indonesia, việc lần đầu tiên được đến Omaha, Nebraska chính là giấc mơ thành hiện thực.

Từ East Java, Antonius, cùng vợ và cô con gái 14 tuổi, đứng xếp hàng trước Trung tâm Y tế CHI của Omaha lúc 3 giờ sáng để lấy chỗ trong cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên của tập đoàn Berkshire Hathaway vào ngày 06/05. Antonius cho biết họ muốn ngồi gần bục phát biểu nhất có thể để chứng kiến hai “thần tượng” kinh doanh của ông - Warren Buffett và Charlie Munger - ngồi và nhận câu hỏi từ các cổ đông có mặt trong khán phòng và trên khắp thế giới.

Antonius đã đầu tư cổ phiếu ở Indonesia trong hơn 20 năm, trung thành với phương pháp của tỷ phú Buffett: Tập trung vào một số công ty có lợi nhuận mạnh mẽ, chi trả cổ tức hấp dẫn và quản trị doanh nghiệp lành mạnh. Antonius giữ chúng, đôi khi trong nhiều thập kỷ. Tại Berkshire, chiến lược này đã được chắt lọc thành câu châm ngôn thường được lặp đi lặp lại: “Chỉ cần giữ cổ phiếu”, như ông Munger đã nói trong đại hội cổ đông thường niên năm nay.

Về phần mình, Antonius kiếm sống bằng nghề đầu tư chuyên nghiệp toàn thời gian kể từ năm 2010.

“Tôi rất mệt, nhưng hài lòng”, anh chia sẻ với Nikkei Asia sau cuộc họp, đồng thời nói thêm rằng bản thân đã thu được rất nhiều kiến thức từ hai “vị tướng” của Berkshire.

Antonius là một trong số hơn 30,000 người đã tới thành phố nhỏ miền trung tây nước Mỹ này để nghe những gì “Nhà tiên tri xứ Omaha” nói.

Thích giá trị nhưng ngại rủi ro địa chính trị hơn

Vị chủ tịch kiêm giám đốc điều hành 92 tuổi của Berkshire, người nổi tiếng thích ăn tối bằng bít tết, khoai tây chiên và Cherry Coke, và hiếm khi rời khỏi Omaha, đã đưa ra những lời khuyên đầu tư và dự báo kinh tế tại đại hội cổ đông vừa qua, thậm chí cả triết lý sống: “Hãy viết cáo phó cho bạn và sau đó thử và tìm ra cách để sống theo nó”.

Danh mục đầu tư của Berkshire Hathaway cũng giống như ông Buffett. Trong số danh mục đầu tư trị giá 328 tỷ USD tính đến cuối tháng 3 năm nay, 77% được tạo thành từ 5 cổ phiếu của Mỹ, gồm Apple, Bank of America, American Express, Coca-Cola và Chevron.

Tuy nhiên, gần đây, ngoài các khoản đầu tư vào doanh nghiệp Mỹ, ông Buffett bắt đầu tăng cường tiếp xúc trực tiếp với châu Á.

Ông bắt đầu với khoản đầu tư vào PetroChina năm 2002, sau đó vào nhà sản xuất thép Posco của Hàn Quốc trong khoảng một thập kỷ bắt đầu từ năm 2006. Năm 2008, ông đầu tư tại nhà sản xuất ô tô điện BYD có trụ sở tại Thâm Quyến, Trung Quốc. Châu Á hiện chiếm phần lớn sự tăng trưởng trong danh mục đầu tư của Berkshire Hathaway cũng như là tâm điểm cho các động thái tiếp theo của ông Buffett.

Trong một động thái khác thường, Berkshire Hathaway vào năm 2022 đã mua số cổ phần trị giá 4.1 tỷ USD của công ty sản xuất chất bán dẫn TSMC của Đài Loan (Trung Quốc), một trong những công ty cải tiến và giá trị nhất châu Á, nhưng lại bán đi chỉ vài tháng sau đó. Theo báo cáo hàng quý mới nhất được công bố vào tháng 05/2023, TSMC đã biến mất khỏi danh mục của Berkshire.

Sự kiện này cho thấy Berkshire đã không quan tâm đến rủi ro địa chính trị khi mua cổ phần tại TSMC.

Trước đó, trong cuộc phỏng vấn độc quyền với Nikkei Asia khi ông Buffett tới Nhật, ông ám chỉ rằng vấn đề địa chính trị chắc chắn là yếu tố cần được cân nhắc, vì vị trí địa lý của TSMC rất quan trọng. “Có sự khác biệt nào giữa việc đặt trụ sở tại Omaha, Nebraska và Đài Loan (Trung Quốc) không? Có”, ông nói.

“Tôi không thích vị trí của nó, và tôi đã đánh giá lại điều đó”, vị tỷ phú cho biết. Tuy nhiên, ông Buffett vẫn ca ngợi TSMC tại đại hội cổ đông thường niên năm 2023 là “một trong những công ty quan trọng và được quản lý tốt nhất trên thế giới”.

 

Chuyến đi đến Nhật Bản hồi tháng 4, ông Buffett tuyên bố ông đã tăng cổ phần tại 5 tập đoàn lâu đời nhất của Nhật Bản lên 7.4%. Đó là Itochu, Marubeni, Mitsubishi Corp., Mitsui & Co., và Sumitomo Corp. Tổng giá trị vốn hóa thị trường mà Berkshire nắm giữ tại các tập đoàn thương mại Nhật Bản này tính đến ngày 19/05 là khoảng 2.1 ngàn tỷ yên (15.2 tỷ USD), trở thành khoản đầu tư nhóm lớn nhất của tập đoàn ở bên ngoài Mỹ.

“Tôi cảm thấy khoản đầu tư mà chúng tôi triển khai ở Nhật Bản tốt hơn ở Đài Loan (Trung Quốc)”, vị tỷ phú nói với các cổ đông. Ông không trực tiếp nói cụm từ địa chính trị tại đại hội vừa qua, song lại nói: “Tôi ước điều đó không xảy ra, nhưng tôi nghĩ đó là thực tế và chúng tôi đã tính toán lại dựa trên một số điều đang diễn ra”.

Một trong những “điều đang diễn ra” đó rất có thể là rủi ro địa chính trị khi căng thẳng Mỹ - Trung leo thang, mặc dù các cổ đông và nhà phân tích vẫn chưa rõ điều gì đã thay đổi giữa lần mua đầu tiên trong khoảng tháng 7-09/2022 và vào tháng 03/2023, khi ông đã bán tất cả cổ phiếu.

Theo ông Buffett, bên cạnh mối quan tâm rõ ràng của ông đối với an ninh, việc chuyển vốn đầu tư từ Trung Quốc sang Nhật Bản là một quyết định “đơn giản”. Các công ty Nhật Bản có thành tích về thu nhập ổn định, cổ tức khá cao và kế hoạch mua lại cổ phiếu ổn định - điều mà vị tỷ phú nhiều lần bày tỏ sự ủng hộ, vì việc mua lại làm tăng quyền sở hữu mà không thực sự phải mua thêm.

Hơn nữa, cả 5 tập đoàn Nhật Bản này đều giao dịch dưới giá trị sổ sách với tỷ lệ cổ tức khoảng 5% khi ông Buffett đầu tư vào năm 2019. Ông nói với CNBC trong chuyến thăm Nhật Bản tháng 4 rằng: “Họ đã bán với mức giá mà tôi cảm thấy là vô lý, đặc biệt là so với lãi suất tại thời điểm đó”.

Kết quả kinh doanh năm 2022 của 5 tập đoàn thương mại này được công bố vào ngày 09/05 cho thấy lợi nhuận và cổ tức tăng mạnh. Năm tài chính kết thúc vào tháng 03/2023, tổng lợi nhuận ròng của họ là 4.2 ngàn tỷ yên, tăng 19% so với một năm trước đó. Tổng chi trả cổ tức bằng tiền mặt là 957 tỷ yên, tăng 20%.

Giả sử Berkshire đã mua 7.4% cổ phần của 5 tập đoàn này trước ngày giao dịch không hưởng quyền cổ tức, ngày 31/03, thu nhập từ cổ tức ước tính vào khoảng 510 triệu USD. Theo kế hoạch chi trả cổ tức của 5 tập đoàn, con số này dự kiến tăng lên 565 triệu USD cho năm tài chính hiện tại kết thúc vào tháng 03/2024.

Những con số này gần bằng với số cổ tức Berkshire nhận được vào năm ngoái từ số cổ phần của họ trong Coca-Cola, trị giá 704 triệu USD.

Tại sao lại là Nhật Bản?

Một phần sức hấp dẫn của các tập đoàn thương mại Nhật Bản là “dễ hiểu”, như lời ông Buffett nói, vì họ có nhiều điểm tương đồng với chính Berkshire Hathaway. Giống như các tập đoàn này, Berkshire Hathaway là một công ty cổ phần bao gồm nhiều tài sản.

Trong tiếng Nhật, 5 tập đoàn này được gọi là Sogo Shosha, có nghĩa đen là “công ty thương mại toàn diện” và điều đó sát với thực tế hơn.

 

Các tập đoàn thương mại của Nhật Bản ban đầu xuất hiện vào khoảng thời gian Minh Trị năm 1868, khi đất nước này hướng tới hiện đại hóa theo mô hình phương Tây.

Nguồn gốc của Mitsui và Sumitomo còn xa hơn nữa, từ thế kỷ 17. Mitsui xuất phát là một nhà bán lẻ kimono ở Edo, tức Tokyo ngày nay, và hiện là Isetan Mitsukoshi Holdings, một trong những trung tâm thương mại lớn nhất Nhật Bản. Sumitomo khởi đầu là một hiệu sách và hiệu thuốc ở Kyoto, sau đó phân nhánh sang lĩnh vực kinh doanh khai thác và tinh chế đồng, tiền thân của Sumitomo Metal Mining ngày nay.

Itochu và Marubeni từng là một thực thể. Họ xuất hiện vào cuối thời đại Tokugawa với tư cách là một người bán rong vải gai dầu có trụ sở tại vùng Kansai của Nhật Bản. Họ tách thành hai công ty sau Thế chiến II. Mitsubishi, là tập đoàn non trẻ nhất trong số 5 sogo shosha, được thành lập vào những ngày đầu của thời đại Minh Trị với tư cách là một nhà kinh doanh dịch vụ vận chuyển.

Còn Berkshire cũng là một tập đoàn với 6 phân khúc hoạt động gồm bảo hiểm, đường sắt, điện nước và năng lượng, sản xuất, phân phối hàng tạp hóa bán buôn, dịch vụ và bán lẻ. Berkshire sở hữu và điều hành các doanh nghiệp thực sự, chẳng hạn công ty bảo hiểm ô tô GEICO, See's Candies và nhà điều hành của Burlington Northern Santa Fe (BNSF), một trong những tuyến đường sắt lớn nhất Bắc Mỹ.

Berkshire đầu tư vào Nhật Bản còn thông qua hình thức tài chính cực kỳ rẻ. Tập đoàn của tỷ phú Buffett đã huy động tiền mặt của Nhật Bản thông qua một loạt đợt phát hành trái phiếu địa phương trong 5 năm qua, với lãi suất thấp hơn đáng kể so với lãi suất ở Mỹ. Những giao dịch này giúp tập đoàn không phải chịu bất kỳ rủi ro tiền tệ nào.

“Mọi thứ hoạt động rất tốt”, ông Buffett nói với các cổ đông tại đại hội thường niên vừa qua. “Chúng tôi chưa xong những việc có thể làm ở Nhật Bản”. Ngoài ý định đã tuyên bố của ông là nâng cao hơn nữa tỷ lệ sở hữu cổ phần lên 9.9% ở mỗi tập đoàn thương mại trên và xem xét các mối quan hệ hợp tác tiềm năng khác, Berkshire sẽ tiếp tục tìm kiếm nhiều cơ hội hơn, vị tỷ phú 92 tuổi cho biết.

Greg Abel, phó chủ tịch 60 tuổi tương đối trẻ của Berkshire, người đã được tái khẳng định là người kế nhiệm ông Buffett trong đại hội vừa qua, cũng tháp tùng “Nhà tiên tri xứ Omaha” trong chuyến đi Nhật Bản vào tháng 4 để xây dựng lòng tin với các tập đoàn Nhật Bản này.

Greg Abe

“Chúng tôi hy vọng có những cơ hội lâu dài ở Nhật Bản”, ông Abel nói. Việc đưa người kế nhiệm đến Nhật Bản để gặp gỡ ban lãnh đạo cao nhất của 5 tập đoàn thương mại được các đối tác Nhật Bản là dấu hiệu cho thấy sự tận tâm của ông Buffett trong việc tiếp tục là một nhà đầu tư dài hạn, ngay cả sau khi ông từ chức trong tương lai.

Kim Dung (Theo Nikkei Asia)

FILI





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Đâu là 5 "quân bài tẩy" trong tay Warren Buffett?

Trong thế giới đầu tư đầy biến động, có một cái tên luôn được cộng đồng tài chính toàn cầu theo dõi sát sao - Warren Buffett, nhà hiền triết xứ Omaha. Với thành...

Cụ ông 88 tuổi gầy dựng khối tài sản 14 triệu USD nhờ đầu tư chứng khoán

Trong một đất nước nổi tiếng với văn hóa tiết kiệm và sự e ngại đối với rủi ro tài chính, Shigeru Fujimoto nổi lên như một hiện tượng đáng chú ý. Ở tuổi 88, người...

Khi nào Warren Buffett quyết định bán cổ phiếu?

Khi Warren Buffett, nhà đầu tư nổi tiếng với chiến lược mua và nắm giữ lâu dài, bán đi một cổ phiếu, điều này thường gửi đi tín hiệu tiêu cực về doanh nghiệp đó và...

Ở tuổi 35, tôi ước mình đã đầu tư sớm hơn

Với một số vốn tích lũy đáng kể, lựa chọn giữa gửi tiền tiết kiệm hay các kênh đầu tư khác là đắn đo của nhiều người.

Thị trường cổ phiếu bớt nguy cơ giảm, nhưng cũng thiếu động lực tăng

“Sao cổ phiếu chưa tăng?” là câu cửa miệng gần đây của nhiều người tham gia thị trường chứng khoán, khi rủi ro ám ảnh họ suốt năm qua là tỷ giá dường như đã được...

Đầu tư chứng khoán qua mùa nắng mưa thất thường

Triển vọng kinh tế chưa rõ ràng cũng như thiếu vắng các câu chuyện hỗ trợ, chứng khoán Việt Nam đi vào vùng lình xình.

Thế giới chưa bao giờ bình yên, thị trường chứng khoán cũng vậy

Những sự kiện xung đột địa chính trị có thể vẫn tiếp tục xảy ra, và thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục phản ứng, nhưng cách chúng ta ứng xử với những sự kiện này sẽ...

Cú sụt giá cổ phiếu đầu tháng 8 chỉ là trò chơi tâm lý

Chỉ mới đây thôi, ta còn nghe về nguy cơ u ám và những mốc dự báo thị giá ngày càng thấp của cổ phiếu, nhưng giờ đây mọi thứ đã đi lên trở lại. Có phải triển vọng...

Những chỉ báo kinh tế kỳ lạ trong thời kỳ suy thoái

Khi nền kinh tế đối mặt với nguy cơ suy thoái, việc dựa vào các chỉ báo kinh tế truyền thống như GDP, lạm phát hay tỷ lệ thất nghiệp có thể trở nên phức tạp. Các...

Lầm to khi nghĩ thị trường cổ phiếu đang biến động hơn bao giờ hết

Những phiên trồi sụt hàng chục điểm của VN-Index có lẽ khiến người tham gia thị trường nghĩ chứng khoán đang quá biến động. Nhưng, sự thực là thị trường chỉ biến...


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98