Làm trong sạch thị trường và câu chuyện nâng hạng
Làm trong sạch thị trường và câu chuyện nâng hạng
Dù có được nâng hạng khi thỏa các tiêu chí về mặt kỹ thuật ban đầu và thu hút được dòng vốn đầu tư nước ngoài khổng lồ đổ vào, nhưng nếu các hành vi giao dịch nội gián, thao túng giá cổ phiếu, bất bình đẳng trong tiếp cận thông tin vẫn tồn tại, các doanh nghiệp niêm yết vẫn theo kiểu “ăn xổi ở thì”, thì thị trường không thể nào phát triển bền vững được.
Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, việc làm trong sạch thị trường là cần thiết vì những mục tiêu dài hạn hơn. Ảnh: LÊ VŨ |
Áp lực ngắn hạn?
Cuối tuần qua (23-6-2023), Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) thông tin cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án hình sự với tội danh thao túng thị trường chứng khoán (TTCK) xảy ra tại ba công ty liên quan cổ phiếu họ APEC là CTCP Chứng khoán châu Á – Thái Bình Dương (HNX: APS), CTCP Đầu tư châu Á – Thái Bình Dương (HNX: API) và CTCP Đầu tư IDJ Việt Nam (HNX: IDJ). Sau thông tin này, thị trường chứng kiến các phiên cổ phiếu của ba công ty trên chất đống hàng triệu đơn vị ở giá sàn.
Cùng ngày 23-6-2023, cơ quan điều tra khởi tố thêm 15 người, liên quan vụ án cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết và một số người khác thao túng TTCK, với cáo buộc giúp sức ông Trịnh Văn Quyết thao túng giá cổ phiếu.
Tuy nhiên, TTCK nhìn chung phản ứng không quá tiêu cực, khi chỉ số VN-Index vẫn ghi nhận đà tăng nhẹ trong phiên giao dịch đầu tuần này. Nhớ lại cách đây hơn một năm, việc khởi tố vụ án liên quan đến cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC đã khiến thị trường sau đó lao dốc mạnh. Phải chăng nhà đầu tư đã “lờn” trước các thông tin điều tra, bắt bớ?
Về vụ việc xung quanh cổ phiếu APEC, đại diện UBCKNN cho biết đây là vụ việc đơn lẻ liên quan tới một số tổ chức và cá nhân trên thị trường. TTCK vẫn hoạt động bình thường, ổn định, thông suốt. Do vậy, nhà đầu tư cần bình tĩnh, tránh những tác động tâm lý dẫn đến hành động vội vàng ảnh hưởng tới hiệu quả của quyết định đầu tư.
Dù vậy, chính sách làm trong sạch TTCK dường như vẫn đang diễn ra và có thể là yếu tố kìm hãm thị trường trong giai đoạn nhạy cảm như hiện nay, nhất là khi vẫn có những lo ngại không biết sẽ còn thêm đội nhóm, lãnh đạo doanh nghiệp nào rơi vào tầm ngắm và bị phát hiện những vi phạm tương tự. Thực tế, một số cổ phiếu trong cùng nhóm, có liên quan với nhau về chủ sở hữu, ban lãnh đạo doanh nghiệp cũng đối mặt với áp lực bị bán ra mạnh mẽ trong những ngày qua.
Yếu tố hỗ trợ cho thị trường trước mắt sẽ là mùa công bố báo cáo kết quả kinh doanh quí 2 và bán niên sắp đến, với dự báo lợi nhuận của các doanh nghiệp sau khi đã tạo đáy trong quí 1 vừa qua sẽ khả quan hơn trong quí 2 này. |
Thêm vào đó, các tín hiệu kỹ thuật cũng cho thấy TTCK đang ở vùng rủi ro sau chuỗi tăng kéo dài hai tháng qua, dù VN-Index chỉ tăng 10% nhưng không ít cổ phiếu, nhóm ngành đã tăng rất mạnh, nên áp lực chốt lời và khả năng điều chỉnh ngày càng lớn dần. Điểm kháng cự mạnh gần nhất của VN-Index hiện nằm ngay vùng 1.200 điểm, trong khi vùng hỗ trợ gần nhất quanh 1.070-1.080 điểm.
Việc nhà đầu tư nước ngoài bán ròng trở lại từ giữa tháng 6 đến nay, ngay cả sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giảm lãi suất điều hành lần thứ 4, cũng cho thấy dấu hiệu không mấy tích cực. Ngân hàng Thế giới (WB) gần đây khuyến nghị NHNN thận trọng khi nới lỏng tiền tệ vì có thể tạo ra áp lực lên dòng vốn và tỷ giá, trong bối cảnh nhiều ngân hàng trung ương khác vẫn đang duy trì chính sách thắt chặt.
Tuy nhiên, bất kỳ sự điều chỉnh nào trước mắt có lẽ cũng chỉ diễn ra trong ngắn hạn, khi các điều kiện kinh tế vĩ mô đang có dấu hiệu cải thiện dần nhờ chính sách tài khóa và tiền tệ đều đang định hướng mở rộng để hỗ trợ tăng trưởng. Đó cũng là chất xúc tác quan trọng cho thị trường trong dài hạn. Ngoài ra, với việc dòng tiền dịch chuyển từ kênh tiết kiệm ngân hàng, vốn không còn hấp dẫn sau khi lãi suất liên tục giảm, đang có khả năng tham gia trở lại, thì những đợt điều chỉnh không chỉ là cơ hội mà còn kích thích xu hướng dịch chuyển dòng vốn này diễn ra mạnh mẽ hơn.
Vì những mục tiêu dài hạn
Bất kỳ chính sách nào cũng có độ trễ nhất định. Hiệu quả của chính sách nới lỏng tài khóa và tiền tệ được kỳ vọng sẽ thể hiện rõ rệt hơn trong giai đoạn tới. Không ít nhà đầu tư hiện nay tin tưởng vào một kịch bản lạc quan hơn cho giai đoạn cuối năm nay và cả năm sau. Vì vậy, đón đầu thị trường và tận dụng những nhịp điều chỉnh sắp tới là điều mà họ đang thực hiện.
Yếu tố hỗ trợ cho thị trường trước mắt sẽ là mùa công bố báo cáo kết quả kinh doanh quí 2 và bán niên sắp đến, với dự báo lợi nhuận của các doanh nghiệp sau khi đã tạo đáy trong quí 1 vừa qua sẽ khả quan hơn trong quí 2 này, trong bối cảnh áp lực chi phí lãi vay đã giảm đáng kể, nhiều nhóm ngành, doanh nghiệp có thể hưởng lợi trong chu kỳ giảm lãi suất những tháng qua.
Trong một diễn biến khác, kết quả phân loại thị trường của MSCI được công bố cuối tuần qua cho thấy Việt Nam vẫn chưa thể lọt vào bảng danh sách xem xét nâng hạng từ thị trường cận biên lên mới nổi. Kết quả này không bất ngờ vì đánh giá của MSCI về Việt Nam vẫn giữ nguyên so với năm ngoái mà không có bất kỳ thay đổi nào.
Trước đó, trong kỳ đánh giá tháng 4 vừa qua, Tổ chức FTSE Russell cũng giữ nguyên Việt Nam ở lại nhóm thị trường cận biên và tiếp tục nằm trong danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường mới nổi hạng 2 kể từ tháng 9-2018. Tuy nhiên, khác với MSCI, FTSE Russell đã ghi nhận một số hoạt động mà Việt Nam đã thực hiện trong thời gian qua, như các cuộc thảo luận tìm giải pháp tháo gỡ giữa các cơ quan quản lý và các nhóm thành viên thị trường; hệ thống giao dịch mới cũng được chạy kiểm thử nghiệm thu; kế hoạch triển khai chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR) đã bắt đầu được thực hiện.
TTCK Việt Nam sẽ còn trải qua một lộ trình không hề dễ dàng để được xem xét nâng hạng, nhất là đối với chuẩn của MSCI.
TTCK Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt là tính minh bạch, khả năng ngăn chặn các giao dịch nội gián và thao túng giá, cơ chế tiếp cận thông tin bình đẳng và bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ. Do đó, việc làm trong sạch thị trường là cần thiết vì những mục tiêu dài hạn hơn.
Còn theo UBCKNN, việc tăng cường xử lý các tổ chức, cá nhân sai phạm trên TTCK tiếp tục là một trong những nỗ lực của cơ quan quản lý nhằm tăng cường kỷ cương, kỷ luật trên thị trường, hỗ trợ thị trường phát triển theo hướng lành mạnh, minh bạch và bền vững. Về mặt dài hạn, mặc dù còn nhiều thách thức cần phải vượt qua, nhưng TTCK Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát triển ổn định, minh bạch…
Thực tế trong hơn một năm qua, các cơ quan quản lý đã mạnh tay hơn trong việc ngăn chặn, xử lý các vi phạm thao túng giá. Từ vụ FLC gây rúng động thị trường, kế đến là nhóm cổ phiếu Louis và mới nhất là nhóm cổ phiếu APEC.
Ngoài ra, một loạt quan chức UBCKNN cũng bị kỷ luật, sau khi kết luận kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Trung ương chỉ rõ các lãnh đạo của UBCKNN buông lỏng quản lý, dẫn đến thị trường phát triển không lành mạnh và để một số tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật, thao túng thị trường, thu lợi bất chính.
Có thể thấy, dù có được nâng hạng khi thỏa các tiêu chí về mặt kỹ thuật ban đầu và thu hút được dòng vốn đầu tư nước ngoài khổng lồ đổ vào, nhưng nếu các hành vi giao dịch nội gián, thao túng giá cổ phiếu, bất bình đẳng trong tiếp cận thông tin vẫn tồn tại, các doanh nghiệp niêm yết vẫn theo kiểu “ăn xổi ở thì”, thì thị trường không thể nào phát triển bền vững được. Khi đó, niềm tin lại sụt giảm dẫn đến dòng tiền của nhà đầu tư khó có thể gắn bó lâu dài, cả nhà đầu tư nước ngoài lẫn nội địa.
Triêu Dương