Chủ tịch Hồ Quốc Lực (FMC): “Tôm Việt đang trong giai đoạn tăng tốc giao hàng"
Chủ tịch Hồ Quốc Lực (FMC): “Tôm Việt đang trong giai đoạn tăng tốc giao hàng"
Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch CTCP Thực phẩm Sao Ta (HOSE: FMC), chia sẻ các doanh nghiệp tôm Việt đang giai đoạn tăng tốc giao hàng để đáp ứng nhu cầu tôm chế biến sâu trong dịp lễ hội cuối năm.
Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch CTCP Thực phẩm Sao Ta (HOSE: FMC)
|
Tại Hội thảo Quốc tế Ngành tôm 2023 diễn ra vào chiều ngày 23/08, vị Chủ tịch FMC chia sẻ ngành tôm Việt đối mặt với nhiều thách thức trong 6 tháng đầu năm 2023.
“Đầu tiên là lạm phát và suy thoái khởi nguồn từ cuộc chiến Nga-Ukraine trong quý 1/2022. Điều này đã tác động mạnh đến sức tiêu thụ trong 6 tháng cuối năm 2022. Trong khi đó, nguồn cung trên toàn thế giới tăng mạnh, đáng chú ý nhất là tôm từ Ecuador.
Ngoài ra, tình trạng dịch bệnh đang khiến tỷ lệ thu hồi và năng suất của tôm Việt giảm, từ đó đẩy giá thành lên cao. Đây là thách thức vô cùng lớn và là nút thắt cổ chai của ngành tôm Việt hiện nay”, ông Lực chia sẻ.
Diện tích thả nuôi giảm mạnh
Trong khi đó, giá bán đang ở mức rất thấp và khiến người nuôi tôm ở Việt Nam và trên thế giới “không an tâm thả nuôi”.
“Tôi nghĩ chỉ khoảng 50% diện tích tái thả giống trở lại. Trên lý thuyết, vùng tôm nguyên liệu từ đây đến cuối năm sẽ giảm mạnh, dẫn tới thiếu hụt cục bộ”, ông Lực chia sẻ.
Về tình hình tiêu thụ, trong nửa đầu năm 2023, xuất khẩu tôm của Việt Nam chỉ đạt 1.5 tỷ USD, giảm 32% so với cùng kỳ, trong đó Mỹ giảm 38%, EU giảm 49% và Nhật Bản giảm 29%.
“So với các cường quốc tôm trên thế giới, mức giảm của Việt Nam là nặng nề nhất”, ông Lực cho biết.
Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch FMC, chia sẻ tại hội thảo tôm quốc tế năm 2023.
|
Tình hình nửa cuối năm sẽ khởi sắc hơn
Tuy vậy, khi nhìn về 6 tháng cuối năm, ông Lực cho rằng tình hình tiêu thụ sẽ khởi sắc hơn vì giá bán đã quá thấp, trong khi nguồn cung ngày càng giảm.
Vị Chủ tịch FMC chia sẻ: “Giá bán tôm Việt Nam hiện nay đã quá thấp và chỉ còn cao hơn Ecuador vài phần trăm. Đồng thời, giai đoạn cao điểm của việc cung ứng tôm nguyên liệu cũng đã qua. Từ nay đến cuối năm, lượng tôm nguyên liệu ở tất các cường quốc nuôi tôm đều có xu hướng giảm dần. Khi lượng cung giảm, người mua ít lựa chọn hơn. Do đó ngay từ bây giờ, họ cũng phải cố gắng mua để tích trữ thêm”, ông cho biết.
Ngoài ra, ở các thị trường lớn, giai đoạn cuối năm sẽ có rất nhiều lễ hội và nhu cầu tiêu thụ tôm sẽ tăng lên.
"Trong mùa lễ hội, các dịch vụ ở những địa điểm vui chơi, nhà hàng,… sẽ rất sôi động và chắc chắn tôm chế biến sẽ được tiêu thụ nhiều hơn. Điều này phù hợp với ưu thế tôm chế biến sâu của Việt Nam. Hiện tôm chế biến sâu của Việt Nam đang chiếm thị phần khá tốt ở các thị trường lớn”, ông Lực chia sẻ.
Trao đổi riêng với chúng tôi, ông Lực cho biết tình hình tiêu thụ và xuất khẩu tôm đã có dấu hiệu khởi sắc.
"Tôm Việt hiện nay đang giai đoạn tăng tốc giao hàng vì tiêu thụ gần cuối năm cần tôm chế biến sâu đáp ứng mảng dịch vụ có nhu cầu tăng lên (nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi, sòng bài…)", ông nói.
Điều này cũng thể hiện qua số liệu doanh thu tiêu thụ của CTCP Thực phẩm Sao Ta (HOSE: FMC). Trong tháng 7/2023, doanh thu tiêu thụ của FMC đạt 21.3 triệu USD, là mức cao nhất trong gần 1 năm qua.
Trước đó, FMC đã có những bước chuẩn bị cho giai đoạn cao điểm cuối năm. Cuối quý 2/2023, Công ty tăng mạnh hàng tồn kho lên gần 1.3 ngàn tỷ đồng, mức cao nhất từ trước đến nay.
“Hàng tồn kho của FMC là thành phẩm có kế hoạch giao hàng từ nay đến cuối năm. Trong đó cũng có một phần không lớn là nguyên liệu dự trữ”, ông Lực chia sẻ.
Trong tháng 7/2023, FMC đang vận hành vùng nuôi thương mại có diện tích 525 ha, tăng 40% so với cùng kỳ.
Với việc mở rộng vùng nuôi, ông Lực cho biết FMC có thể "bảo đảm cơ bản nhu cầu nguyên liệu cho mình".
Ngoài ra, công ty chế biến tôm này cũng vừa đưa vào hoạt động 2 nhà máy chế biến mới và nhờ đó công suất tăng của FMC tăng thêm 20,000 tấn/năm.
Ngành tôm Việt cần phát huy ưu thế chế biến sâu
Tuy vậy, vị Chủ tịch FMC cũng thận trọng cho rằng lượng tiêu thụ của 6 tháng cuối năm còn phụ thuộc vào nhiều nhiều yếu tố bất định, chẳng hạn như nguồn cung, sự hồi phục của các nền kinh tế lớn, lạm phát…
Với ngành tôm Việt Nam, ông Lực khuyến nghị các doanh nghiệp nỗ lực giảm giá thành, đồng thời cố gắng nâng cao trình độ chế biến sản phẩm.
Ông Lực cho rằng: “Các doanh nghiệp phải tìm các mặt hàng mới, đi trước và tăng sức cạnh tranh. Ngoài ra, còn phải chọn được thị trường phát huy ưu thế chế biến sâu của Việt Nam, đồng thời tránh những đối thủ quá mạnh”.