Thực trạng khoản phải thu của doanh nghiệp xây dựng
Thực trạng khoản phải thu của doanh nghiệp xây dựng
Khi thi công, các nhà thầu xây dựng thường đối mặt với rủi ro thâm hụt dòng tiền do các khoản phải thu chuyển thành nợ xấu. Do đó, việc kiểm soát các khoản phải thu đối với doanh nghiệp xây dựng là hết sức quan trọng.
Theo thống kê của VietstockFinance, tổng khoản phải thu của 126 doanh nghiệp xây dựng đã công bố BCTC quý 2/2023 (tính đến ngày 14/08) là 177 ngàn tỷ đồng, tính đến 30/06, giảm 3% so với đầu năm.
Doanh nghiệp có mức giảm khoản phải thu lớn nhất là CTCP Đầu tư và Xây dựng VNECO 9 (UPCoM: VE9) với 70%, còn 658 triệu đồng. Trên thực tế, VE9 có gần 34 tỷ đồng khoản phải thu khách hàng vào 30/06/2023. Tuy nhiên, do phải lập dự phòng phải thu khó đòi hơn 37 tỷ đồng nên khoản phải thu cũng bị kéo giảm đáng kể.
Top 20 doanh nghiệp xây dựng có khoản phải thu giảm mạnh nhất tại thời điểm 30/06/2023
Nguồn: VietstockFinance
|
Doanh nghiệp thực hiện dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và Xa lộ Hà Nội là CTCP Đầu tư Cầu đường CII (HOSE: LGC) cũng ghi nhận khoản phải thu giảm đáng kể với 22%, về 2,213 tỷ đồng. Khác với phần lớn doanh nghiệp xây dựng khác, khoản phải thu của LGC không tập trung ở phải thu khách hàng mà chủ yếu nằm ở phải thu về cho vay và phải thu khác.
Nguyên nhân chính khiến khoản phải thu của doanh nghiệp này giảm mạnh là vì không còn ghi nhận 429 tỷ đồng khoản phải thu liên quan đến CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy (HOSE: NBB).
Một số doanh nghiệp vẫn tăng khoản phải thu
Trái ngược với các doanh nghiệp kể trên, một số doanh nghiệp xây dựng ghi nhận khoản phải thu tăng sau 6 tháng đầu năm. Tiêu biểu nhất là CTCP Xây dựng và Thiết kế Số 1 (UPCoM: DCF) và CTCP Đầu tư và Phát triển Điện Miền Bắc 2 (UPCoM: ND2) khi khoản phải thu đều gấp 2.5 lần so với đầu năm, với lần lượt 826 tỷ đồng và 89 tỷ đồng.
Top 20 doanh nghiệp xây dựng có khoản phải thu tăng mạnh nhất tại 30/06/2023
Nguồn: VietstockFinance
|
Đối với DCF, khoản phải thu tăng mạnh chủ yếu do giá trị khoản mục trả trước người bán tăng mạnh, lên hơn 576 tỷ đồng, gấp 39 lần đầu năm. Nguyên nhân do sự xuất hiện của khoản trả trước 334 tỷ đồng cho CTCP Đầu tư Bất động sản Eras Land và 223 tỷ đồng cho Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Phát triển Eco Green Việt Nam.
Còn ND2, khoản phải thu của doanh nghiệp này tương tự phần lớn doanh nghiệp trong ngành khi tập trung ở phải thu khách hàng với 69 tỷ đồng (gấp gần 3.5 lần).
Trong 20 doanh nghiệp có mức tăng khoản phải thu lớn nhất có sự góp mặt của 2 doanh nghiệp nằm trong các liên danh đang tham gia đấu thầu các gói thầu thuộc đại dự án sân bay Long Thành, là CTCP Tập đoàn CIENCO4 (UPCoM: C4G) và CTCP Xây dựng Phục Hưng Holdings (HOSE: PHC).
C4G nằm trong liên danh 6 doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật gói thầu số 4.6 thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị và lập thiết kế bản vẽ thi công công trình đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ tàu bay (ga hàng hóa, hangar, cách ly) và các công trình khác thuộc dự án thành phần 3 - Các công trình thiết yếu trong cảng hàng không thuộc dự án “Đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1”. Đây là gói thầu có giá trị lớn thứ hai của đại dự án.
Khoản phải thu của C4G ghi nhận 3,872 tỷ đồng vào thời điểm 30/06/2023, tăng 20% so với đầu năm, chủ yếu do Công ty nâng mức trả trước cho người bán từ 392 tỷ đồng lên 823 tỷ đồng (gấp 2 lần).
Trong khi đó, khoản phải thu của PHC là 1,503 tỷ đồng, tăng 16%, phần lớn là phải thu khách hàng ngắn hạn với gần 1,109 tỷ đồng. PHC là doanh nghiệp trong liên danh VIETUR - liên danh đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật của gói thầu 5.10, gói thầu có giá trị lớn nhất của dự án sân bay quốc tế Long Thành giai đoạn 1, với tổng vốn đầu tư hơn 35.2 ngàn tỷ đồng.
Nếu xét về giá trị tuyệt đối, khoản phải thu của 4 doanh nghiệp gồm CTCP Tập đoàn Bamboo Capital (HOSE: BCG), CTCP Xây dựng Coteccons (HOSE: CTD), CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HOSE: HBC) và CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TPHCM (HOSE: CII) là lớn nhất ngành với lần lượt gần 23 ngàn tỷ đồng, hơn 12 ngàn tỷ đồng, gần 11 ngàn tỷ đồng và hơn 10 ngàn tỷ đồng. Tổng khoản phải thu của 4 doanh nghiệp này chiếm gần 32% tổng khoản phải thu của 126 doanh nghiệp.
Top 20 doanh nghiệp xây dựng có khoản phải thu lớn nhất tại 30/06/2023
Nguồn: VietstockFinance
|
BCG có gần 23 ngàn tỷ đồng khoản phải thu, giảm 7% so với đầu năm. Chiếm gần một nửa trong đó là phải thu ngắn hạn khác với 11,285 tỷ đồng, tăng 34%. CTCP Điện gió BCG Khai Long 1 là doanh nghiệp BCG có khoản phải thu lớn nhất với 2,641 tỷ đồng.
Điện gió BCG Khai Long 1 là chủ đầu tư dự án nhà máy điện gió khu du lịch Khai Long - Cà Mau giai đoạn 1. Dự án có diện tích 2,185ha, gồm mặt nước biển và thềm lục địa. Quy mô 50 turbine, tổng công suất 100 MW, tổng vốn đầu tư trước thuế đã thẩm tra là 5,519 tỷ đồng. Công ty con của BCG - CTCP BCG Energy - trong năm đã nhận chuyển nhượng cổ phần tại Điện gió BCG Khai Long 1, qua đó sở hữu 18% vốn điều lệ của công ty này tại thời điểm đầu năm 2023.
Tiếp đến là CTD với khoản phải thu hơn 12 ngàn tỷ đồng (tăng 7%), phần lớn là các khoản phải thu khách hàng với 11,590 tỷ đồng. Trong đó, khách hàng có giá trị khoản phải thu lớn nhất là CTCP Đầu tư Khu công nghiệp Vinhomes với 1,014 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần so với đầu năm.
Tương tự, HBC cũng ghi nhận khoản phải thu chủ yếu là phải thu khách hàng với lần lượt tổng khoản phải thu là gần 11 ngàn tỷ đồng, giảm 2% so với đầu năm và phải thu khách hàng ngắn hạn gần 5.5 ngàn tỷ đồng, giảm hơn 17%. Điểm đặc biệt của HBC là khoản phải thu của Công ty có hạch toán riêng khoản mục phải thu theo tiến độ hợp đồng xây dựng với giá trị tại ngày 30/06/2023 là gần 3.8 ngàn tỷ đồng, tăng gần 4%.
Tương tự công ty con LGC, phần lớn khoản phải thu của CII nằm ở phải thu về cho vay và phải thu khác với giá trị lần lượt 2.5 ngàn tỷ đồng, tăng 40% và 1.7 ngàn tỷ đồng, giảm 5%; trong khi đó, tổng khoản phải thu ghi nhận hơn 10 ngàn tỷ đồng, giảm 2%.
Theo thuyết minh, phải thu cho vay của CII đa phần là khoản hỗ trợ vốn của Công ty cho doanh nghiệp khác. Trong đó, CTCP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận có giá trị phải thu lớn nhất với gần 2 ngàn tỷ đồng. Đây là khoản hợp tác đầu tư của CII với đơn vị này theo hợp đồng ký vào tháng 12/2017, đầu tư xây dựng cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.
Nhìn chung, khoản phải thu của toàn ngành xây dựng cũng như các “ông lớn” trong ngành vào cuối tháng 06/2023 có xu hướng giảm so với đầu năm. Đây là tín hiệu tích cực cho sức khỏe các doanh nghiệp xây dựng khi giúp dòng tiền thu về nhanh hơn, tránh khả năng thành nợ xấu. Với việc thị trường bất động sản được dự báo sẽ dần tích cực vào cuối năm 2023, triển vọng của ngành xây dựng sẽ tương đối khả quan.