WSJ: "Kỳ lân" VNG muốn huy động 150 triệu USD trong đợt IPO ở Mỹ
WSJ: "Kỳ lân" VNG muốn huy động 150 triệu USD trong đợt IPO
“Kỳ lân” VNG muốn huy động 150 triệu USD trong đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) dự kiến diễn ra vào cuối tháng 9/2023, dựa trên nguồn tin thân cận từ WSJ.
Trong ngày 23/08, ông lớn sở hữu Vinagame cùng với ứng dụng nhắn tin Zalo đã nộp bản cáo bạch lên Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Mỹ (SEC) để niêm yết lên Nasdaq Global Select Market. Theo nguồn tin thân cận từ WSJ, họ có ý định niêm yết vào cuối tháng 9/2023.
Hiện VNG Limited đang là công ty sở hữu 51% cổ phần tại CTCP VNG (UPCoM: VNZ) tại Việt Nam.
Thành lập năm 2004 với tên gọi ban đầu là CTCP Trò chơi Vi Na (Vinagame) cùng vốn điều lệ ban đầu 15 tỷ đồng, VNZ khẳng định tên tuổi trong lĩnh vực, đồng thời mở rộng ra nhiều dịch vụ nền tảng khác như chia sẻ nhạc, phát video, nhắn tin, cổng tin tức, thanh toán di động...
VNZ được biết đến là "kỳ lân công nghệ" của Việt Nam - một thuật ngữ dành cho các công ty có định giá trên 1 tỷ USD.
Được hậu thuẫn bởi Tencent, Ant Group
Bản cáo bạch của VNG Limited cũng hé lộ hàng loạt cổ đông ngoại hùng hậu và ước tính về tỷ lệ biểu quyết sau khi IPO.
Cổ phiếu của VNG Limited được chia thành hai loại (class) A và B. Trong đó, mỗi cổ phiếu loại A tương đương với một quyền biểu quyết, còn mỗi cổ phiếu loại B tương đương 10 quyền biểu quyết. Nói cách khác, “quyền lực” của cổ phiếu loại B gấp 10 lần loại A. Tuy nhiên, cổ phiếu loại A có lợi ích về kinh tế, còn loại B thì không. |
Đầu tiên là Tencent - gã khổng lồ trò chơi trực tuyến nổi tiếng tại Trung Quốc, là cổ đông ngoại lớn nhất của VNG Limited khi nắm giữ 65.2 triệu cp loại A, tương ứng 23.2% quyền biểu quyết.
Đứng thứ hai là quỹ Singapore GIC với 15.2 triệu cp loại A, tương đương 5.4% quyền biểu quyết.
Seletar Investments Pte Ltd., nắm hơn 9.4 triệu cp loại A, tương đương 3.4% quyền biểu quyết. Seletar là công ty con của quỹ Temasek Capital (Private) Limited – doanh nghiệp trực thuộc cơ quan đầu tư chính phủ Temasek Holdings của Singapore.
Cuối cùng là Ant Group – tập đoàn công nghệ của Trung Quốc từng thuộc sở hữu của tỷ phú Jack Ma - nắm gần 7.8 triệu cp loại A (tương đương 2.8% quyền biểu quyết) thông qua Ant International Technologies (Hong Kong) Holding Limited.
Hai nhà sáng lập là ông Lê Hồng Minh và ông Vương Quang Khải vẫn nắm kiểm soát tại VNG Limited với 51% quyền biểu quyết thông qua nắm giữ gần 14 triệu cp loại B.