Cổ phiếu lên đỉnh gần 1 năm, cổ đông VGC sắp nhận tạm ứng cổ tức 1,000 đồng/cp
Cổ phiếu lên đỉnh gần 1 năm, cổ đông VGC sắp nhận tạm ứng cổ tức 1,000 đồng/cp
Tổng Công ty Viglacera - CTCP (HOSE: VGC) sắp chốt quyền chi tạm ứng cổ tức 2023 bằng tiền tỷ lệ 10% ngay khi Công ty thông báo vượt 21% kế hoạch lợi nhuận năm chỉ sau 8 tháng. Hơn thế nữa, giá cổ phiếu VGC trên thị trường chứng khoán đang có nhịp tăng mạnh từ cuối tháng 8 đến nay.
Dự chi gần 450 tỷ đồng tạm ứng cổ tức 2023, Hạ tầng Gelex "bỏ túi" hơn phân nửa
Viglacera là doanh nghiệp luôn duy trì trả cổ tức hàng năm bằng tiền cho cổ đông. Gần nhất, năm 2022 với tổng tỷ lệ 20% - mức cao nhất kể từ khi cổ phiếu được giao dịch trên sàn (ngày 15/10/2015). Sang năm 2023, ĐHĐCĐ thường niên VGC tiếp tục thông qua mức cổ tức 20%.
Ngày 15/09 vừa qua, HĐQT VGC thông báo tạm ứng cổ tức năm 2023 bằng tiền với tỷ lệ 10%. Như vậy, dự kiến Công ty còn thêm một đợt chia cổ tức tỷ lệ 10%.
Với tỷ lệ thực hiện 10% (sở hữu 1 cp được nhận 1,000 đồng) và hơn 448.35 triệu cp đang lưu hành, ước tính Công ty cần chi hơn 448 tỷ đồng để tạm ứng cổ tức đợt này. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 29/09 và ngày thanh toán dự kiến từ 24/10/2023.
Tính đến thời điểm 30/06/2023, hai cổ đông lớn của VGC là CTCP Hạ tầng Gelex - công ty con của CTCP Tập đoàn Gelex (HOSE: GEX) - và Bộ Xây dựng với tỷ lệ sở hữu lần lượt là 50.21% và 38.58%, tương ứng có thể thu về 225 tỷ đồng và 173 tỷ đồng cổ tức từ VGC.
Lãi trước thuế 8 tháng gần 1,500 tỷ đồng, giá cổ phiếu lên đỉnh 11 tháng
Động thái tạm ứng cổ tức của VGC diễn ra ngay sau khi Công ty tổ chức họp đánh giá kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh tháng 8 và triển khai kế hoạch những tháng cuối năm 2023.
Theo báo cáo sơ bộ, lợi nhuận trước thuế hợp nhất toàn Công ty ước đạt 1,463 tỷ đồng, vượt 21% kế hoạch năm; riêng lãi trước thuế Công ty mẹ 1,536 tỷ đồng, vượt 17% kế hoạch năm.
Đóng góp lớn vào kết quả kinh doanh là mảng Bất động sản Khu công nghiệp (KCN). Đối với mảng vật liệu xây dựng, thị trường xuất khẩu có sự tăng trưởng mạnh, ghi nhận rõ nhất ở nhóm gạch ốp lát tăng 134% và kính xây dựng tăng 33% so với cùng kỳ.
Ban lãnh đạo VGC cho biết hiện nay, các KCN của Công ty đang thu hút 300 doanh nghiệp trong và ngoài nước, với hơn 16 tỷ USD vốn FDI.
Tính tới cuối năm 2022, quỹ đất sẵn sàng cho thuê của Viglacera đạt hơn 823 ha, trong đó tại KCN Yên Phong và Thuận Thành có diện tích sẵn sàng cho thuê hơn 265 ha. Đây cũng là khu vực có giá thuê cao của Tổng Công ty với mức giá từ 125-150 USD/m2.
Trong thời gian tới, Viglacera sẽ tập trung thi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật tại các dự án KCN như Thuận Thành I, Tiền Hải, Phong Điền, Phú Hà, Hải Yên để thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước; đầu tư xây dựng các khu nhà ở công nhân. Dự kiến đến năm 2025, VGC sẽ nâng tổng số khu công nghiệp lên 20 với trên 10 khu công nghiệp mới có tổng diện tích tăng thêm khoảng 2,000-3,000 ha.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VGC có nhịp tăng giá mạnh kể từ cuối tháng 8 đến nay và lập đỉnh năm ở mức 51,900 đồng/cp (phiên 12/09) - vùng giá cao nhất 11 tháng trở lại đây. Kết phiên 15/09, thị giá VGC giảm nhẹ xuống 51,200 đồng, tăng 18% chỉ trong vòng 2 tuần và tăng hơn 55% so với đầu năm.
Diễn biến giá cổ phiếu VGC từ đầu năm 2023 đến nay | ||