Cử tri TP HCM kiến nghị tăng cường thanh tra các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ
Cử tri TP HCM kiến nghị tăng cường thanh tra các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ
Trong kiến nghị gửi đến Bộ Tài chính, cử tri TP HCM kiến nghị tăng cường thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ có hoạt động kinh doanh bảo hiểm liên kết với các ngân hàng thương mại.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc vừa có trả lời kiến trị của cử tri TP HCM về việc quản lý hoạt động của thị trường bảo hiểm.
Trước đó, cử tri TP HCM kiến nghị Bộ Tài chính và bộ ngành có liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ có hoạt động kinh doanh bảo hiểm liên kết với các ngân hàng thương mại.
Cử tri cho rằng vấn đề giao kết và thực hiện một số sản phẩm bảo hiểm nhân thọ thiếu minh bạch, thiếu rõ ràng, khả năng gây rủi ro và thiệt hại cho người mua bảo hiểm. Cử tri kiến nghị tăng cường công tác quản lý nhà nước, có chế tài đủ mạnh để bảo vệ quyền lợi của người dân khi tham gia ký kết các hợp đồng mua. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ có hoạt động kinh doanh bảo hiểm liên kết với các ngân hàng thương mại.
Về vấn đề này, Bộ Tài chính cho biết hoạt động phân phối sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng sẽ thực sự phát huy hiệu quả cho khách hàng, ngân hàng và doanh nghiệp bảo hiểm khi giao dịch được xác lập trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng lợi ích, phù hợp với nhu cầu của khách hàng.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính nhấn mạnh do mới phát triển và phát triển nhanh, nên việc quản lý chất lượng dịch vụ bảo hiểm qua kênh ngân hàng còn có những bất cập nhất định như hiện tượng một số nhân viên ngân hàng ép khách hàng mua bảo hiểm khi vay vốn hoặc việc tư vấn không đầy đủ khiến một số khách hàng đang nhầm lẫn giữa sản phẩm bảo hiểm và sản phẩm ngân hàng. Hoạt động này đã vi phạm nguyên tắc “tự nguyện”, “trung thực tuyệt đối” được quy định tại các văn bản pháp luật về kinh doanh bảo hiểm.
Theo Bộ Tài chính, bảo hiểm nhân thọ là cam kết dài hạn của cả doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm. Quy tắc, điều khoản của các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ xây dựng dựa trên nguyên tắc và thông lệ quốc tế về triển khai bảo hiểm nhân thọ, tư vấn của công ty tái bảo hiểm.
Mặc dù pháp luật đã có các quy định về việc doanh nghiệp phải cung cấp đầy đủ các thông tin về hợp đồng bảo hiểm và có văn bản cung cấp các thông tin cơ bản về hợp đồng bảo hiểm tuy nhiên nhiều người tham gia bảo hiểm chưa dành thời gian để tìm hiểu đầy đủ về hợp đồng trước khi quyết định giao kết hợp đồng.
"Trong thời gian qua, do những hạn chế trong việc tư vấn sản phẩm bảo hiểm, cộng với hiện tượng một số nhân viên ngân hàng ép khách hàng vay mua bảo hiểm, làm ảnh hưởng đến bên mua bảo hiểm và các doanh nghiệp bảo hiểm"- Bộ Tài chính nêu rõ.
Trước kiến nghị của cử tri TP HCM, Bộ Tài chính cho biết đã và đang tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm. Theo đó từ tháng 9-2022, Bộ Tài chính đã xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra 10 doanh nghiệp bảo hiểm có doanh thu bán bảo hiểm qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cao.
Từ cuối năm 2022, đã tiến hành thanh tra hoạt động bán bảo hiểm qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với 4 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ là: Prudential, Sun Life, MB Ageas và BIDV Metlife.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm có biện pháp kiểm soát tình hình hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm nhằm bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm và an toàn tài chính của doanh nghiệp. Trường hợp phát hiện hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm thì doanh nghiệp bảo hiểm phải chuyển ngay hồ sơ, tài liệu đến Cơ quan điều tra để xử lý theo quy định pháp luật.
Trong thời gian qua, đối với các thông tin phản ánh qua đường dây nóng về việc bị ép mua bảo hiểm khi giải ngân khoản vay, Bộ Tài chính đã chuyển thông tin cho Cơ quan thanh tra, giám sát Ngân hàng nhà nước để phối hợp quản lý, giám sát.
Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đã chuyển các đơn thư có nội dung phản ánh các hành vi có dấu hiệu hình sự sang cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an để điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.
Trong năm 2023, Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện thanh tra, kiểm tra chuyên đề bán bảo hiểm qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với 10 doanh nghiệp bảo hiểm. Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) đã khảo sát, thu thập thông tin và dự kiến tiến hành thanh tra 3 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ và sẽ tiếp tục thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp bảo hiểm còn lại theo kế hoạch. Trường hợp phát hiện vi phạm sẽ tiến hành xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. |
Minh Chiến