Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2023: PGS.TS Trần Đình Thiên chỉ ra những ''nghịch lý'' của kinh tế Việt Nam

19/09/2023 10:20
19-09-2023 10:20:00+07:00

Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2023: PGS.TS Trần Đình Thiên chỉ ra những ''nghịch lý'' của kinh tế Việt Nam

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam thường chứa đựng “nghịch lý”: Doanh nghiệp Việt Nam giỏi chống chịu, sống dai nhưng chậm lớn, khó trưởng thành; Nền kinh tế “khát vốn” nhưng lại khó hấp thụ vốn; Tăng trưởng GDP cao nhưng lạm phát thấp; Lạm phát thấp nhưng lãi suất cao.

Sáng 19/9/2023, Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023 chính thức khai mạc, đồng thời tiến hành thảo luận Chuyên đề 1 với chủ đề: ‘’Tăng cường nội lực, khơi thông nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó’’.

PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

Trình bày tham luận “Khơi thông nguồn lực, phát huy năng lực nội sinh của doanh nghiệp và nền kinh tế”, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, cùng trong bối cảnh phát triển chung, Việt Nam ở trong một tình thế phát triển có nhiều nét khác biệt, thậm chí khác thường.

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, điểm nhấn mạnh đầu tiên là sau 3 năm trải qua đại dịch Covid và vượt qua khó khăn, nền kinh tế Việt Nam vẫn đứng vững, tạo được đà và thế tăng trưởng – phát triển tích cực. Các con số phản ánh thành tích tăng trưởng – ổn định kinh tế vĩ mô, thu hút đầu tư nước ngoài, đặt trong sự so sánh quốc tế, là minh chứng tốt cho nhận định này.

Những thành tích đó đều chứng tỏ “năng lực trụ hạng”, khả năng “đối mặt các con gió ngược” rất ấn tượng của nền kinh tế Việt Nam. Việt Nam thật sự xứng đáng với lời khen tặng “là ngôi sao sáng giữa bầu trời kinh tế thế giới ảm đạm năm 2020” cũng như đánh giá tích cực của cộng đồng thế giới về sức hấp dẫn đầu tư và triển vọng sáng sủa.

Tuy nhiên, nhìn xuyên suốt quá trình thực tiễn, có những vấn đề lớn đặt ra. Trước hết là xu hướng suy giảm liên tục và kéo dài động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Bên cạnh đó, quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam thường chứa đựng “nghịch lý”: Doanh nghiệp Việt Nam giỏi chống chịu, sống dai nhưng chậm lớn, khó trưởng thành; Nền kinh tế “khát vốn” nhưng lại khó hấp thụ vốn; Tăng trưởng GDP cao nhưng lạm phát thấp; Lạm phát thấp nhưng lãi suất cao. PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh, tình trạng ách tắc lưu thông các nguồn lực là căn nguyên “bất động hóa” các nguồn lực, làm cho chúng không thể chuyển hóa thành “động lực phát triển”, dẫn tới chỗ cơ thể kinh tế bị suy yếu, bị tổn thương và bất ổn.

Để bảo đảm lưu thông các nguồn lực trong nền kinh tế thị trường, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, cần hạn chế phân bổ nguồn lực theo cơ chế “xin – cho”, “hành chính”; Ưu tiên thúc đẩy phát triển các thị trường, đặc biệt là các thị trường “đầu vào”, tạo cơ sở để việc phân phối các nguồn lực diễn ra theo đúng nguyên tắc thị trường (cạnh tranh). Các thị trường đầu vào càng đồng bộ, hiệu quả phát triển càng cao.

PGS.TS Trần Đình Thiên nêu rõ, cần đảm bảo hạ tầng thông suốt, cơ chế thông thoáng, vận hành thông minh. Đó là những đúc kết mang tính nguyên tắc – nguyên lý, nhưng thực chất là trực tiếp hướng tới giải quyết những vấn đề căn cốt đang đặt ra cho cho nền kinh tế Việt Nam ở khía cạnh tạo động lực và giải phóng năng lực phát triển.

PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, có đủ căn cứ và cơ sở để nhận định rằng vấn đề mấu chốt của kinh tế Việt Nam hiện nay chính là “thông mạch, thông các nguồn lực” để giải phóng các nguồn lực, tạo động lực mạnh và mới cho tăng trưởng và phát triển. Để giải quyết nhiệm vụ đó, định hướng ưu tiên được nhằm vào chính là phát triển đúng hướng và đúng cách các thị trường; xây dựng một bộ máy quản trị và điều hành phát triển thông minh, biết dựa vào thị trường và có trách nhiệm.

PGS.TS Trần Đình Thiên cho biết, dưới những áp lực mạnh mẽ của thực tiễn, trong sự đồng thuận phối hợp của Quốc hội, trong thời gian vừa qua, Chính phủ đã có những thay đổi mạnh mẽ trong cách tiếp cận chính sách và giải pháp để cải thiện tình hình. Nhiệm vụ là định hình một khung khổ chính sách định hướng “bình thường mới” để thích ứng. Trong những điều kiện đặc biệt khó khăn “hậu Covid” của nền kinh tế thế giới lẫn kinh tế Việt Nam, đây là nhiệm vụ có tính thách thức rất cao.

Trên thực tế, quy trình xây dựng và thực chất của các chính sách và giải pháp mà Chính phủ – Quốc hội thực thi thời gian gần đây, rõ nhất là từ nửa sau năm 2022 đến nay, được triển khai theo tinh thần “tình thế bất thường, giải pháp phải khác thường”. Cách tiếp cận này thể hiện đúng nguyên tắc “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, đã và đang phát huy hiệu quả tích cực ở những mức độ khác nhau, tạo động thái phục hồi và tăng trưởng tích cực cho nền kinh tế trong hoàn cảnh vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức bủa vây.

Cùng với đó, trong thời gian gần đây, bên cạnh những nỗ lực “chỉnh sửa, tháo gỡ, thay đổi” những trói buộc và cản trở của hệ thống cơ chế, chính sách hiện tồn, Đảng và Nhà nước còn tích cực nhận diện và định hình chân dung mới của nền kinh tế theo nguyên tắc “hướng tới tương lai”, trên cơ sở đó, định hướng xây dựng các nguồn lực và động lực phát triển mới chủ yếu cho nền nền kinh tế.

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, cách lựa chọn đường lối này là đúng đắn, và cần phải coi đây là cách thức ngày càng chủ đạo để xây dựng và phát triển năng lực quốc gia. Việc Chính phủ đưa ra cam kết Việt Nam sẽ đạt mục tiêu “zero carbon” vào năm 2050 tại Hội nghị COP 26 là một minh chứng điển hình cho tầm nhìn và cách tiếp cận phát triển mới của Việt Nam – đi sau những nỗ lực vượt trước để “tiến kịp thế giới, tiến cùng thời đại”.

PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh, đây là cách đặt nhiệm vụ theo kiểu “tạo thách thức chính mình”, còn mới mẻ ở Việt Nam. Nếu triển khai được, cách làm này, chứa đựng trong nó hạt nhân của tinh thần cạnh tranh và hệ thống khuyến khích hoạt động mang tính thị trường sẽ tạo đột phá mạnh mẽ trong phương thức hoạt động của bộ máy.

Nhật Quang

FILI





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

GRDP bình quân đầu người tại Bình Dương tăng lên 172 triệu đồng

Năm 2023, GRDP bình quân đầu người của Bình Dương tăng lên 172 triệu đồng, trong đó, ngành dịch vụ tăng trưởng mạnh mẽ, ngành nông nghiệp đóng góp quan trọng vào sự...

Thủ tướng: Phải thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, phấn đấu đạt cao nhất các chỉ tiêu năm 2023

Kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ, Thủ tướng yêu cầu phấn đấu đạt cao nhất các chỉ tiêu, mục tiêu năm 2023 và đặc biệt lưu ý việc thúc đẩy các động lực tăng...

Mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2024 đạt 6-6,5% là nhiệm vụ khó

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết qua rà soát khả năng thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6-6,5% tương đương với mức bình quân của 5 năm 2021-2025...

Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu GRDP năm 2024 tăng từ 7,5-8%

Năm 2024, Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn (GRDP) từ 7,5-8%, phục hồi trở lại sau một năm kinh tế thành phố...

Kinh tế Việt Nam đã thích ứng hiệu quả với bối cảnh mới và dần lấy lại đà tăng trưởng

Kinh tế vĩ mô tháng 11 và 11 tháng cơ bản ổn định, xu hướng phục hồi ngày càng tích cực hơn. Nền kinh tế dần lấy lại đà tăng trưởng, thích ứng hiệu quả hơn trước...

Thủ tướng: Thị trường chứng khoán thanh khoản tốt, "tăng dần đều", trở nên lành mạnh hơn

Phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ sáng 6/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhắc tới một số ngành, ví dụ cụ thể đạt kết quả tích cực trong 11 tháng qua như...

Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn ông Nguyễn Văn Dũng làm Phó Chủ tịch UBND TPHCM

Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu chức vụ Phó Chủ tịch UBND TP HCM đối với ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM. Ông Nguyễn Văn Dũng, 51 tuổi, quê...

Quy mô GDP Việt Nam tăng hơn 100 lần trong gần 4 thập kỷ

"Sau gần 4 thập kỷ đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, trở thành quốc gia đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế -...

Quy hoạch Hải Phòng là thành phố cảng biển lớn trong khu vực và thế giới vào năm 2050

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1516/QĐ-TTg ngày 2/12/2023 phê duyệt Quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Việt Nam - UAE dự kiến ký Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện năm sau

Việt Nam và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất đã hoàn thành phần lớn nội dung, có thể ký Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (CEPA) trong năm 2024.


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98