Góc nhìn 20/09: Áp lực rung lắc ngày một tăng?
*Bài cập nhật
Góc nhìn 20/09: Áp lực rung lắc ngày một tăng?
Theo nhận định của KBSV, mặc dù áp lực rung lắc sẽ ngày một gia tăng, cơ hội hồi phục và quay trở lại xu hướng tăng điểm trong ngắn hạn vẫn tiếp tục được bảo lưu chừng nào VN-Index vẫn chưa đánh mất ngưỡng hỗ trợ kế tiếp quanh 1,190.
Tăng điểm trở lại
CTCK Vietcap (VCSC): Dự báo ngày mai (20/09), VN-Index có thể sẽ tăng điểm trở lại khi mà trạng thái cân bằng được thiết lập phía trên hỗ trợ MA50 ngày. Theo đó, chỉ số đại diện sàn HOSE sẽ kiểm định kháng cự MA5 tại 1,220 điểm và cao hơn là MA10 tại 1,230 điểm.
Nếu lực mua đủ mạnh giúp VN-Index đóng cửa trên MA10, chỉ số sẽ có cơ hội tăng để kiểm định lại vùng đỉnh tại 1,245-1,250 điểm một lần nữa.
Ở kịch bản xấu nếu VN-Index đóng cửa dưới 1,200 điểm, chỉ số sẽ tiếp tục giảm về vùng 1,170 điểm.
Tiếp tục xu hướng điều chỉnh
CTCK Đông Á (DAS): Thị trường đã giảm xuống dưới mốc hỗ trợ VN-Index 1,220 điểm nên có thể tiếp tục xu hướng điều chỉnh, các nhịp phục hồi kỹ thuật nếu có xảy ra sẽ là cơ hội giảm tỷ trọng cổ phiếu và cơ cấu danh mục đầu tư, hạn chế sử dụng margin.
Danh mục theo dõi cho chiến lược đầu tư trung dài hạn gồm nhóm cổ phiếu ngân hàng, bất động sản khu công nghiệp, xây dựng hạ tầng. Đối với các giao dịch ngắn hạn sẽ chờ cơ hội ở những phiên điều chỉnh để mua nhóm chứng khoán, bán lẻ.
Điều chỉnh trở lại ngưỡng hỗ trợ 1,211
CTCK Sài Gòn – Hà Nội (SHS): Xét dưới góc nhìn ngắn hạn thị trường đã 2 lần tiệm cận cản ngắn hạn 1,250 điểm và đang điều chỉnh trở lại tại ngưỡng hỗ trợ 1,211 điểm. Diễn biến rung lắc, tích lũy có thể sẽ còn tiếp tục diễn ra tuy nhiên SHS kỳ vọng mức độ biến động sẽ sớm thu hẹp, ngưỡng hỗ trợ gần của chỉ số là quanh khu vực 1,200 điểm và xa hơn là 1,170 điểm.
Về góc nhìn trung hạn, SHS nhận định uptrend của thị trường vẫn duy trì tốt nhưng thị trường cần tích lũy đủ nội lực sau những rung lắc để có thể vượt cản ngắn hạn 1,250 điểm và hướng tới ngưỡng cản quan trọng quanh 1,300 điểm.
Nhà đầu tư ngắn hạn có khả năng chịu đựng rủi ro cao có thể giải ngân thăm dò trong nhịp rung lắc với tỷ trọng thấp. Nhà đầu tư trung, dài hạn tiếp tục nắm giữ danh mục hiện tại, có thể mua thêm các mã mục tiêu là cổ phiếu đầu ngành, các cổ phiếu đang tích lũy và không bị điều chỉnh sâu, có kỳ vọng kết quả kinh doanh tiếp tục tăng trưởng trong năm nay trong nhịp điều chỉnh.
Dòng tiền bắt đáy tham gia thị trường
CTCK Vietcombank (VCBS): Về góc nhìn kỹ thuật, lực cầu xuất hiện tại vùng điểm 1,200 đã giúp VN-Index hình thành nến tương tự nến hammer. Xét về khung đồ thị giờ, 2 chỉ báo MACD và RSI đã có tín hiệu tạo đáy đầu tiên cho thấy dòng tiền bắt đáy đã tham gia lại thị trường nhưng chưa thể khẳng định thị trường đã lấy lại được điểm cân bằng.
VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn chỉ nên giải ngân lướt sóng bắt đáy với tỉ trọng nhỏ từ 10-20% tài khoản đối với các nhóm ngành có tín hiệu thu hút dòng tiền như phân đạm, thép, chứng khoán tại vùng hỗ trợ và vẫn ưu tiên việc thu gọn danh mục, quản trị rủi ro tài khoản trong các nhịp điều chỉnh.
Xu hướng tăng điểm trong ngắn hạn tiếp tục được bảo lưu
CTCK KB Việt Nam (KBSV): Mặc dù áp lực rung lắc sẽ ngày một gia tăng, cơ hội hồi phục và quay trở lại xu hướng tăng điểm trong ngắn hạn vẫn tiếp tục được bảo lưu chừng nào VN-Index vẫn chưa đánh mất ngưỡng hỗ trợ kế tiếp quanh 1,190. Nhà đầu tư được khuyến nghị có thể trải lệnh gia tăng thêm 1 phần tỷ trọng khi chỉ số lùi về vùng hỗ trợ đã đề cập.
Tích lũy
CTCK BIDV (BSC): Thị trường đang cho thấy lực cầu bắt đáy đã xuất hiện tại vùng hỗ trợ quan trọng 1,200-1,210. Tuy nhiên với thanh khoản còn khá thấp, thị trường cần có thêm những phiên tích lũy tại đây để bật lên.
Giằng co
CTCK Asean (Aseansc): Thị trường sẽ tiếp tục trạng thái giằng co trong phiên tới (20/09), với biên độ giao động 1,200-1,220 điểm. Kịch bản tích cực xảy ra khi thị trường sẽ giao dịch tích lũy quanh vùng 1,215 điểm trong một vài phiên tới trước khi xác nhận xu hướng tiếp theo.
Với danh mục đã nắm giữ cổ phiếu, nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng ở mức độ an toàn, quan sát thị trường chung. Các động thái gia tăng tỷ trọng chỉ nên thực hiện khi thị trường xuất hiện tín hiệu tích cực rõ ràng hơn. Với danh mục có tỷ trong tiền mặt lớn, nhà đầu tư có thể thăm dò vào các nhóm ngành đang thể hiện sức mạnh tốt trong thời gian gần đây.
Vùng 1,200-1,205 đóng vai trò hỗ trợ mạnh cho VN-Index
CTCK BETA: Xu hướng tăng trung – dài vẫn đang duy trì tín hiệu tích cực. Trong giai đoạn hiện nay, vùng 1,200-1,205 điểm sẽ đóng vai trò hỗ trợ mạnh cho VN-Index.
Nhiều khả năng thị trường sẽ cần thêm thời gian tích lũy trong vùng 1,200-1,215 điểm trước khi bứt phá qua vùng kháng cự mạnh 1,240-1,250 điểm.
Nhà đầu tư có thể thận trọng trước khi có quyết định của Fed về lãi suất. Trong thời gian tới, dòng tiền sẽ phân hóa tập trung vào nhóm ngành, doanh nghiệp có triển vọng kết quả kinh doanh khả quan trong quý 3.
Lùi về các mức cân bằng sâu hơn quanh 1,180
CTCK Tiên Phong (TPS): Hiện tại, sự chú ý của nhà đầu tư vẫn sẽ đổ dồn về diễn biến của thị trường tại hỗ trợ 1,200 điểm. Nếu vùng hỗ trợ này vẫn trụ vững, chỉ số sẽ có cơ hội tăng điểm trở lại. Ngược lại, nếu chốt chặn trên bị phá vỡ, VN-Index sẽ có rủi ro lùi về các mức cân bằng sâu hơn quanh 1,180 điểm.
Nhịp hồi phục trong thời gian gần
CTCK Rồng Việt (VDSC): Với tín hiệu hỗ trợ hiện tại, có khả năng thị trường sẽ có nhịp hồi phục trong thời gian gần tới để kiểm tra lại nguồn cung tại vùng 1,220-1,225 điểm.
Nhà đầu tư vẫn cần quan sát diễn biến cung cầu tại vùng thăm dò và đánh giá lại trạng thái thị trường. Có thể xem xét lướt ngắn tại một số cổ phiếu có tín hiệu hỗ trợ nhưng nhìn chung vẫn cần giữ tỷ trọng danh mục ở mức hợp lý để có thể phòng ngừa rủi ro.
Kiểm định lại vùng 1,215-1,216
CTCK Yuanta Việt Nam (Yuanta): Thị trường có thể sẽ quay trở lại đà tăng trong phiên kế tiếp (20/09) và chỉ số VN-Index có thể sẽ kiểm định lại vùng 1,215-1,216 điểm. Đồng thời, thị trường có dấu hiệu bước vào giai đoạn tích lũy ngắn hạn cho nên Yuanta đánh giá rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức thấp và dòng tiền có thể sẽ còn phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu trong những phiên giao dịch tới.
Điểm tích cực là xu hướng ngắn hạn nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ vẫn duy trì ở giai đoạn tăng và thu hút dòng tiền cho thấy dòng tiền vẫn chưa có dấu hiệu rút ra, nhưng các nhà đầu tư thận trọng khi thị trường điều chỉnh.
Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức trung tính. Do đó, trong ngắn hạn, Yuanta khuyến nghị các nhà đầu tư có thể xem xét duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức cao và hạn chế bán ra ở các nhịp giảm của thị trường.
Đồng thời, các nhà đầu tư nên tiếp tục quan sát thị trường và có thể tăng thêm tỷ trọng cổ phiếu đang nắm giữ hiện tại nếu chỉ số VN-Index vượt lên trên vùng 1,215-1,216 điểm, đặc biệt các nhà đầu tư có thể cơ cấu lại giảm tỷ trọng những cổ phiếu đang trong xu hướng giảm.
* Tiếp tục cập nhật…