NHTW Nhật Bản tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ siêu nới lỏng
NHTW Nhật Bản tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ siêu nới lỏng
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) vẫn duy trì chính sách siêu nới lỏng và giữ nguyên lãi suất trong ngày 22/09, nhưng tỏ ra cẩn trọng về “những bất định cực độ” về triển vọng tăng trưởng trong và ngoài nước.
Trong tuyên bố chính sách sau cuộc họp tháng 9, BoJ cho biết sẽ duy trì lãi suất ngắn hạn ở mức âm 0.1% và giới hạn lợi suất trái phiếu Chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm quanh 0%.
Tại cuộc họp tháng 7, NHTW xứ mặt trời mọc đã nới lỏng kiểm soát với đường cong lợi suất trái phiếu và cho phép lãi suất dài hạn được dịch chuyển cùng chiều với đà tăng của lạm phát. Đây là bước thay đổi chính sách đầu tiên kể từ khi ông Ueda nhậm chức Thống đốc NHTW vào tháng 4/2023.
Cụ thể, BoJ nới rộng phạm vi cho phép của lợi suất trái phiếu Chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm biến động +- 0.5 điểm phần trăm so với mục tiêu 0%. Động thái này được đánh giá là bước khởi đầu của quá trình gỡ bỏ chính sách tiền tệ siêu nới lỏng của Nhật Bản.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng NHTW Nhật Bản sẽ gỡ bỏ chính sách tiền tệ siêu nới lỏng nhanh chóng hơn, có thể là vào 6 tháng đầu năm 2024. Trước đó, vào ngày 09/09, Thống đốc Kazuo Ueda cho biết BoJ sẽ có đủ dữ liệu vào cuối năm nay để quyết định thời điểm chấm dứt lãi suất âm.
Dù lạm phát lõi đã vượt mục tiêu 2% của BoJ trong 17 tháng liên tiếp, các quan chức NHTW vẫn cẩn trọng với việc gỡ bỏ chính sách tiền tệ siêu nới lỏng.
Điều này là do BoJ cho rằng lạm phát vẫn chưa có xu hướng bền vững. Quan điểm này đến từ mức tăng trưởng tiền lương đáng kể trong thời gian qua mà BoJ tin rằng sẽ tạo ra phản ứng dây chuyền tới tiêu dùng của hộ gia đình và tăng trưởng kinh tế, từ đó tác động tới lạm phát.
Lạm phát lõi - có tính tới các sản phẩm từ dầu, nhưng loại trừ giá thực phẩm tươi sống - hạ nhiệt xuống mức 3.1% trong tháng 7/2023.