Quỹ Pyn Elite: VN-Index có thể phục hồi và lên tới 2,500 điểm
Quỹ Pyn Elite: VN-Index có thể phục hồi và lên tới 2,500 điểm
Theo đánh giá của Quỹ Pyn Elite Fund, định giá chứng khoán Việt Nam còn rẻ và VN-Index sẽ không chỉ có cơ hội phục hồi và còn có thể thẳng tiến tới 2,500 điểm.
Hôm 22/9, khép lại phiên giao dịch cuối tuần, VN-Index đã có một phiên lao thẳng dốc với xuyên “thủng” 1,200 điểm, có thời điểm mất gần 37 điểm. Kết phiên, sau các đợt giằng co, VN-Index ghi mức giảm hơn 19.69 điểm (1.62%) xuống 1,193 điểm. Sắc đỏ áp đảo thị trường với 906 cổ phiếu giảm giá, vượt hoàn toàn so với mã tăng điểm.
Phiên này gợi nhớ phiên đánh rơi hơn 55 điểm hôm 18/8 chưa lâu. Cả 2 phiên đều có đặc điểm khá giống nhau là thanh khoản tăng vọt đột biến. Nếu như khối lượng giao dịch của phiên 18/8 lên tới 35,000 tỷ đồng thì phiên 22/9 có giá trị khớp lệnh trên sàn HOSE đạt trên 30,000 tỷ đồng (tương đương gần 1.2 tỷ USD). Điều này cho thấy dòng tiền trên thị trường dồi dào và mặt khác, nhà đầu tư sẵn sàng bắt một lượng cung cổ phiên bán ra lớn, nâng đỡ thị trường khi giá cổ phiếu rơi về điểm phù hợp.
Có một số nhận định cho rằng chứng khoán chịu tác động ngắn hạn của lo ngại bất ổn tỷ giá và động thái hút ròng 10,000 tỷ đồng qua tín phiếu mà Ngân hàng Nhà nước phát hành để giảm thừa tiền trong hệ thống nhà băng. Cũng có nhận định cho rằng sau một giai đoạn tăng trưởng và “ngự” trên mốc 1,200 điểm khá lâu, VN-Index tất yếu phải điều chỉnh khi định giá nhiều mã cổ phiếu không còn rẻ.
Tuy nhiên, theo Quỹ Pyn Elite Fund, nhìn về toàn cảnh, định giá của thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn tương đối rẻ và cơ hội tăng trưởng của VN-Index lên tới 2,500 điểm trong 3 năm tới là rất cao.
Trong thư gửi nhà đầu tư mới đây, quỹ từ Phần Lan Pyn Elite Fund nêu kỳ vọng chỉ số VN-Index có thể lên ngưỡng là 2,500 điểm vào năm 2025 - 2026 dựa trên mức P/E là 16 lần, theo dự báo tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết.
Pyn Elite Fund đánh giá động lực tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam đang có phần hạ nhiệt trong bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu có nhiều biến động tiêu cực. Dù vậy, quỹ ngoại này vẫn tỏ ra tự tin với những khoản đầu tư tại Việt Nam, một thị trường đầy hấp dẫn.
Cơ sở của triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam, theo Pyn Elite Fund, trước hết là triển vọng kinh tế vĩ mô: Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ở châu Á, GDP năm 2022 tăng trưởng đạt 8%. Quỹ này dự báo tốc độ tăng trưởng GDP có thể sẽ đạt hơn 5% vào năm 2023 nhờ sự tăng tốc vào cuối năm.
Cũng theo Pyn Elite Fund, trong vài năm tới, GDP Việt Nam sẽ đạt tốc độ tăng trưởng trung bình từ 5-7%/năm và kỳ vọng mức tăng trưởng lợi nhuận hàng năm của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán sẽ duy trì ở mức 12-25%/năm.
Nền tảng cho niềm tin vào sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, theo quỹ này, bao gồm dân số 100 triệu dân với tầng lớp trung lưu tăng nhanh, tốc độ đô thị hóa nhanh, trình độ giáo dục ngày càng được nâng cao, sản xuất công nghiệp hiệu quả, chính sách thương mại chủ động, linh hoạt cùng nền kinh tế ổn định lâu dài.
"Nền kinh tế Việt Nam đang phát triển từ các sản phẩm, dịch vụ đơn giản đến phức tạp hơn, đặc biệt là sự quan tâm tới đầu tư lĩnh vực mới như ngành công nghiệp phần mềm. Với hơn 500.000 kỹ sư công nghệ thông tin, Việt Nam hiện nằm trong top 5 quốc gia hàng đầu thế giới và có thêm 50,000 kỹ sư công nghệ thông tin tốt nghiệp mỗi năm", thư gửi nhà đầu tư Pyn Elite Fund nêu.
Đánh giá cao sự kiện Việt Nam và Hoa Kỳ đã trở thành đối tác chiến lược toàn diện sau sự kiện Tổng thống Joe Biden đến thăm Hà Nội; đồng thời, lạm phát vẫn được kiểm soát, chỉ tăng 2.9% trong tháng 8/2023, quỹ Pyn Elite Fund nhận định thị trường chứng khoán Việt Nam đang tương đối rẻ. Chỉ số VN-Index hiện giao dịch ở mức P/E là 12.3 với kỳ vọng thu nhập vào năm 2023. Thậm chí với mức tăng trưởng lợi nhuận được dự đoán cho năm 2024, tỷ lệ P/E sẽ giảm xuống dưới 10 lần.
“Chúng tôi tin rằng kinh tế Việt Nam sẽ tăng tốc nhờ hàng loạt chính sách đã được ban hành, năm 2024 tới lại là một năm tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế. Dòng tiền nội sẽ quay trở lại với kênh đầu tư cổ phiếu và thị trường chứng khoán sẽ tiếp đà phục hồi trong quý 3 này ”, trích báo cáo của Pyn Elite Fund.
Trên thị trường, theo thống kê, ghi nhận mặc dù nhiều mã cổ phiếu của nhiều ngành đã tăng mạnh trong giai đoạn phục hồi, nhưng mức tăng không “bằng nhiều lần” như trước đây. Cùng với đó, nhiều cổ phiếu vẫn còn ở định giá hấp dẫn và có triển vọng dài hạn, đặt trong bối cảnh đầu tư đón thị trường chứng khoán Việt Nam nâng hạng mới nổi, lẫn khả năng thu hút vốn ngoại sẽ trở lại tích cực hơn khi chính sách tiền tệ toàn cầu đảo ngược lộ trình thắt chặt; bên cạnh nội tại của doanh nghiệp và triển vọng ngành cao.
Điển hình như trong khi nhóm bất động sản, chứng khoán đã “chạy” rất nhanh trong những tháng qua, nhiều cổ phiếu ngành ngân hàng vẫn đang có định giá thấp hơn P/E bình quân thị trường lẫn bình quân ngành.
Chẳng hạn HDB đang ở mức định giá rất hấp dẫn với P/E chỉ 6.12 lần, thấp hơn nhiều so với trung bình ngành 9.8 lần và P/E thị trường hơn 15 lần; mặc dù trung bình ngành này hiện cũng đã thấp hơn so với lịch sử 10 năm.
Bên cạnh đó là nhiều mã cổ phiếu khác cũng đang có P/E và P/B ở dưới mức định giá chung thị trường như DCM của Đạm Cà Mau, DGC của Hóa chất Đức Giang, DPM của Đạm Phú Mỹ, MCH của Hàng tiêu dùng Masan, REE của Cơ điện lạnh REE, KBC của Kinh Bắc City… Đây cũng là những doanh nghiệp tên tuổi đầu ngành ở nhiều lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế.
Nói riêng lĩnh vực ngân hàng, theo báo cáo cập nhật của CTCK ACBS hôm 5/9, triển vọng lợi nhuận của ngành ngân hàng nửa cuối năm 2023 được kỳ vọng sẽ cải thiện, căn cứ vào: 1) NIM phục hồi nhờ lãi suất huy động giảm nhanh và CASA đã tăng trở lại kể từ quý 2/2023. Trong khi đó, lãi suất cho vay mới hiện đã ở mức hợp lý hơn so với kỳ vọng của khách hàng và sẽ giảm chậm hơn so với lãi suất huy động. Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh trái phiếu chính phủ phục hồi mạnh nhờ lợi suất trái phiếu chính phủ đã giảm hơn 2% ở hầu hết các kỳ hạn kể từ đầu năm.
Tuy nhiên, ACBS lưu ý chi phí dự phòng sẽ chịu áp lực tăng trong nửa cuối năm 2023 do nợ xấu vẫn ở mức cao và bộ đệm dự phòng không còn dày. ACBS cũng dự báo lợi nhuận của các ngân hàng trong VN-Index tăng trưởng 10% trong năm 2023 (so với mức giảm 2.5% trong 6 tháng đầu năm 2023), chậm lại so với mức tăng trưởng 34.6% trong năm 2022. Đây là định giá vẫn đủ hấp dẫn cho các nhà đầu tư trung và dài hạn…