Tháng 8/2023, xuất khẩu tôm sang Mỹ và Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng dương
Tháng 8/2023, xuất khẩu tôm sang Mỹ và Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng dương
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), tháng 8/2023, xuất khẩu tôm Việt Nam đạt 337 triệu USD, giảm 15% so với cùng kỳ. Lũy kế 8 tháng 2023, xuất khẩu tôm đạt 2.2 tỷ USD, giảm 28% so với cùng kỳ.
Ảnh minh họa
|
Về cơ cấu sản phẩm, tôm chân trắng (chiếm 74%) có giá trị xuất khẩu đạt 1.6 tỷ USD, giảm 29% so với cùng kỳ. Giá trị xuất khẩu tôm sú (chiếm 14%) đạt 315 triệu USD, giảm 25%; còn xuất khẩu tôm loại khác (chiếm 12%) đạt 257 triệu USD, giảm 25%.
Trong chia sẻ mới đây với VASEP, Chủ tịch CTCP Thực phẩm Sao ta (HOSE: FMC) - ông Hồ Quốc Lực nhìn nhận các số liệu kết quả tiêu thụ tháng 8 cho thấy tỷ lệ giảm (so với cùng kỳ) đã thu hẹp dần qua các tháng. Nhiều nhận định cho rằng có thể xuất khẩu cả năm 2023 quanh mức 85-90% năm ngoái, đến hết tháng 8 con số này chỉ đạt khoảng 75%.
“Theo tôi, nhận định này là phù hợp, khó lòng tốt hơn. Bởi theo chu kỳ, lúc này bước vào cao điểm giao hàng, đơn hàng tuy có tăng nhưng không tăng mạnh, và nhất là giá cả chưa cải thiện”, ông Lực chia sẻ.
Nguyên nhân được Chủ tịch FMC cho biết dù đã vào lúc thấp điểm cung ứng tôm nguyên liệu nhưng kho hàng các nước (nhất là Ecuador) vẫn còn tốt. Bên cạnh đó, vấn đề lạm phát vẫn chưa bình thường trở lại; đồng Yên của Nhật Bản - thị trường trọng điểm lúc này - vẫn đang ở mức thấp kỷ lục.
"Đó cũng là lý do vì sao lúc này, tôm nuôi của chúng ta giảm lượng mạnh nhưng không có tình trạng thiếu nguyên liệu ở các doanh nghiệp chế biến, bởi nhu cầu không cao và còn nguyên liệu dự trữ trong kho", vị Chủ tịch chia sẻ thêm.
* Chủ tịch Hồ Quốc Lực (FMC): “Tôm Việt đang trong giai đoạn tăng tốc giao hàng"
Thị trường Mỹ và Trung Quốc tiếp nối đà tăng trưởng dương trong tháng 8
Xét về thị trường, xu hướng xuất khẩu vẫn tương tự tháng 8. Trong đó, xuất khẩu sang 2 thị trường Mỹ và Trung Quốc tiếp nối đà tăng trưởng dương tháng trước. Còn xuất khẩu sang các thị trường nhỏ hơn như Úc, Đài Loan, Thụy Sỹ ghi nhận tăng trưởng từ 3-51%; các thị trường như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn ghi nhận sụt giảm từ 32-41% so với cùng kỳ.
Xuất khẩu tôm sang thị trường Mỹ sau khi ghi nhận mốc tăng trưởng dương so với cùng kỳ lần đầu tiên trong tháng 7, tiếp tục tăng 11% trong tháng 8, đạt 76 triệu USD. Lũy kế 8 tháng, đạt 451 triệu USD, giảm 27%.
Còn theo số liệu từ Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), khối lượng nhập khẩu tôm của nước này trong tháng 7 đạt 69.5 ngàn tấn, tăng 3% so với cùng kỳ - mức tăng trưởng dương (so với cùng kỳ) lần đầu tiên sau 13 tháng. Dù vậy, giá trị nhập khẩu tôm của Mỹ vẫn giảm 8% so với tháng 7/2022. Giá trung bình tôm nhập khẩu đạt 8.22 USD/kg, giảm 10%.
Ấn Độ, nguồn cung tôm lớn nhất cho Mỹ (chiếm thị phần 38%) đã xuất sang Mỹ hơn 26.6 ngàn tấn trong tháng 7/2023, tăng 13% so với cùng kỳ. Xét về giá trị, xuất khẩu tôm Ấn Độ sang Mỹ vẫn giảm 3% so với cùng kỳ. Còn xuất khẩu tôm của Ecuador sang Mỹ (chiếm 27% thị phần) giảm 6% về khối lượng và giảm 13% về giá trị trong tháng 7 so với cùng kỳ.
Về triển vọng của thị trường Mỹ trong thời gian tới, VASEP cho biết đơn đặt hàng từ các hãng bán lẻ có xu hướng tăng, nhu cầu cho dịp lễ cuối năm tích cực hơn, nhu cầu nhập hàng phục vụ dịp “Lễ hội ăn chay” (Lent) năm tới cũng nhích lên. Dự báo, tháng 11 và 12 năm nay, nhu cầu nhập khẩu tôm của Mỹ cũng sẽ tích cực hơn.
Mức tiêu thụ ngành thực phẩm và đồ uống (F&B) của nước này nhìn chung ổn định trong nửa đầu năm 2023. Tính đến tháng 7/2023, chỉ số niềm tin người tiêu dùng (CCI) tại Mỹ đã tăng 10% so với thời điểm đầu năm. Kết hợp với mùa lễ hội cuối năm, triển vọng tăng trưởng tiêu thụ ngành F&B của Mỹ kỳ vọng tích cực hơn.
Về thị trường Trung Quốc và Hồng Kông, xuất khẩu tôm Việt Nam vào thị trường này trong tháng 8/2023 đạt 56 triệu USD, tăng 32% so với cùng kỳ. Lũy kế 8 tháng đạt 393 triệu USD, giảm 5%.
Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu tôm nói chung vào thị trường Trung Quốc vẫn trên đà tăng trưởng. Lũy kế 7 tháng đầu năm đạt gần 592 ngàn tấn, trị giá 3.33 tỷ USD; tương ứng tăng 38% về sản lượng và 19% về giá trị so với cùng kỳ.
Với những tín hiệu tích cực hơn từ thị trường Mỹ và Trung Quốc, xuất khẩu tôm Việt Nam trong những tháng cuối năm nay sẽ thu hẹp dần mức giảm và ghi nhận kết quả tích cực hơn vào nửa đầu năm sau.