Vị thế thống trị của đồng USD gặp thêm nhiều thách thức

18/09/2023 08:20
18-09-2023 08:20:00+07:00

Vị thế thống trị của đồng USD gặp thêm nhiều thách thức

Các quốc gia đang tìm kiếm các phương pháp thay thế để giảm sự phụ thuộc vào đồng USD, giữa bối cảnh nhiều đồng nội tệ suy yếu và các nước theo đuổi chính sách tiền tệ ít rủi ro.

Đồng USD. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo tạp chí Eurasia Review, thế giới từ lâu đã chấp nhận đồng USD là đồng tiền dự trữ quốc tế. Tuy nhiên thời gian gần đây, vị thế đồng tiền thống trị thế giới của đồng USD đang bị đe dọa.

Trong cuộc họp gần đây, các quốc gia thuộc Nhóm BRICS gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) đã đồng ý xem xét việc giao dịch nội khối bằng đồng tiền riêng của họ.

Động thái đó đã đặt ra thách thức ngay lập tức đối với vị thế được quốc tế chấp nhận của đồng USD và ảnh hưởng toàn cầu của nó.

Cùng với đó, các quốc gia và ngân hàng trung ương trên thế giới đang tích cực tìm kiếm các phương pháp thay thế để giảm sự phụ thuộc vào đồng USD, giữa bối cảnh nhiều đồng nội tệ suy yếu và các nước theo đuổi chính sách tiền tệ ít rủi ro.

Sự phụ thuộc vào một loại tiền tệ duy nhất gây ra rủi ro cho hệ thống tiền tệ của một quốc gia, làm tăng chi phí thương mại quốc tế lẫn thâm hụt tài chính.

Những rủi ro này càng trở nên trầm trọng hơn do căng thẳng địa chính trị liên quan đến các hành động chính sách đối ngoại của Mỹ, chẳng hạn như cuộc xung đột gần đây giữa Ukraine và Nga, các lệnh trừng phạt đối với Iran, Nga, Trung Quốc và các nước khác, bên cạnh sự tham gia của Mỹ vào cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan.

Ngoài ra, các rào cản thương mại chống lại hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang thị trường Mỹ, nỗ lực của Mỹ nhằm giảm rủi ro cho chuỗi cung ứng và giảm sự phụ thuộc vào các nhà máy của Trung Quốc cũng góp phần tăng thêm rủi ro này.

Sự sụp đổ gần đây của các ngân hàng Mỹ - gồm ngân hàng Silicon Valley (SVB), ngân hàng First Republic và ngân hàng Signature - cũng đã làm xói mòn niềm tin vào hệ thống tiền tệ Mỹ.

Lạm phát gia tăng cũng đang làm suy yếu niềm tin vào đồng USD. Những “gã khổng lồ” về dầu mỏ và hàng hóa như Nga và Saudi Arabia đã tham gia giao dịch năng lượng bằng cách sử dụng các loại tiền tệ không phải USD, trong khi Argentina và Brazil đang xem xét sử dụng một loại tiền tệ chung cho Nam Mỹ.

Do đó, các ngân hàng trung ương mong muốn đa dạng hóa thành phần dự trữ của mình, mở ra cơ hội cho đồng nhân dân tệ và các loại tiền tệ mới khác.

Thông qua sáng kiến “Vành đai và Con đường,” Trung Quốc - nền kinh tế xuất khẩu lớn nhất thế giới - đã thúc đẩy việc sử dụng đồng nhân dân tệ của nước này như một loại tiền tệ thương mại quốc tế giữa các quốc gia đã ký kết các hiệp định song phương, giải quyết vấn đề nợ và hoán đổi tiền tệ.

Điều này đã dẫn đến sự gia tăng đáng kể lượng dự trữ bằng đồng nhân dân tệ. Trung Quốc và Nga đã tiến hành giao dịch dầu mỏ và năng lượng bằng cách sử dụng đồng nhân dân tệ và đồng ruble.

Theo dữ liệu của IMF, dự trữ ngoại hối của thế giới bằng đồng nhân dân tệ đã tăng từ 90 tỷ USD lên 228 tỷ USD từ năm 2016 đến năm 2023, thể hiện thị phần đáng kể.

Theo các thống kê, đồng yen Nhật đã duy trì một tỷ lệ dự trữ bền vững, trong khi đồng euro vẫn chưa tăng tốc để đảm bảo vị thế cạnh tranh dự kiến cùng với đồng USD.

Ngoài ra, đồng bảng Anh cũng đang suy giảm về vị thế do kinh tế tăng trưởng chậm. Trong khi đó, đồng nhân dân tệ chưa có khả năng chuyển đổi và vẫn được gắn với đồng USD.

Để đồng nhân dân tệ độc lập, Trung Quốc phải xây dựng niềm tin của các ngân hàng trung ương và các nhà đầu tư toàn cầu trên toàn thế giới bằng cách mở cửa thị trường, củng cố hệ thống tài chính và tăng cường tính minh bạch và độc lập.

Ấn Độ đã bày tỏ sự quan tâm đến việc sử dụng rupee làm một đồng tiền quốc tế. Chủ đề này đã được thảo luận trong chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Sri Lanka Ranil Wickremesinghe tới Ấn Độ.

Các nước đang phát triển như Ấn Độ sẽ được hưởng lợi từ việc giảm bớt khả năng chịu tổn thương từ chính sách tiền tệ của Mỹ, đồng thời cải thiện vị thế tài chính của họ thông qua đa dạng hóa kho dự trữ tiền tệ.

Song Ấn Độ sẽ cần xác định khả năng rủi ro để tham gia vào quá trình phi USD hóa, vì điều đó có thể gây ra rủi ro đáng kể cho cán cân thương mại của các nước đang phát triển.

Có lẽ còn phải mất hàng thập kỷ nữa sự thống trị của đồng USD thực sự suy giảm. Mỹ vẫn là nền kinh tế lớn nhất thế giới tính theo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), là nước xuất khẩu lớn thứ hai thế giới, duy trì chính sách tiền tệ mạnh mẽ và chiếm lĩnh gần 60% dự trữ ngoại hối của thế giới. Mỹ sẽ vẫn là nước dẫn đầu trong thị trường tài chính toàn cầu.

Tuy nhiên, các thách thức đối với hệ thống tiền tệ quốc tế được định giá bằng đồng USD đã bắt đầu và phá vỡ hệ thống tiền tệ thống nhất, dẫn đến đồng tiền dự trữ ngoại hối quốc tế đa dạng hơn./.

Duy Tùng

Vietnamplus





MÃ CHỨNG KHOÁN LIÊN QUAN (1)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Chuyên gia: Trung Quốc chọn giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc thay vì lãi suất

Ông Sheng Song Cheng, cựu quan chức PBoC, cho rằng với lãi suất và lãi suất cho vay cơ bản ở mức thấp, nhiều khả năng PBoC cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các...

Evergrande thoát nguy cơ giải thể vào phút chót

Tập đoàn nặng nợ Evergrande “thở phào nhẹ nhõm” khi có thêm 8 tuần để thỏa thuận với các chủ nợ.

Số phận nào cho Berkshire Hathaway sau sự ra đi của huyền thoại Charlie Munger

Giới đầu tư đang băn khoăn liệu ban điều hành thế hệ tiếp theo có thể mang lại hiệu quả đầu tư giống như cặp đôi Warren và Charlie hay không.

Đồng USD sắp có tháng giảm mạnh nhất trong 1 năm, quốc gia nào được lợi?

Chỉ số đồng USD – thước đo sức mạnh đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt – sắp ghi nhận mức giảm 3.7% trong tháng này. Đây sẽ là tháng giảm mạnh nhất trong 1...

Các quỹ đầu tư toàn cầu đang ưu tiên mua trái phiếu lợi suất cao ở châu Á

Tại châu Á, những trái phiếu có lợi suất cao hơn đang thu hút dòng vốn nước ngoài mạnh hơn so với trái phiếu của những nơi khác, đặc biệt là khi thị trường kỳ vọng...

Trái phiếu toàn cầu hướng tới tháng tăng mạnh nhất kể từ năm 2008

Thị trường trái phiếu toàn cầu đang tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008.

Chỉ số đồng USD xuống đáy 4 tháng

Đồng USD rơi xuống mức yếu nhất kể từ đầu tháng 8/2023 vì kỳ vọng Fed sẽ quay đầu giảm lãi suất vào tháng 5/2024.

Ông lớn cung ứng linh kiện cho Apple đầu tư thêm 1.5 tỷ USD vào Ấn Độ

Foxconn Technology sẽ đầu tư hơn 1.5 tỷ USD vào một dự án ở Ấn Độ, theo hồ sơ chứng khoán gửi lên sở giao dịch Đài Loan trong ngày 27/11.

Ông lớn thời trang nhanh Shein âm thầm nộp đơn IPO ở Mỹ, muốn định giá 90 tỷ USD

Shein đã âm thầm nộp hồ sơ đăng ký IPO ở Mỹ với mong muốn mở rộng phạm vi tiếp cận tới thị trường toàn cầu.

Vốn đầu tư mạo hiểm tại Trung Quốc giảm mạnh

Nguồn vốn đầu tư mạo hiểm tại Trung Quốc trong 10 tháng đầu năm 2023 đã giảm gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái do những bất ổn kinh tế tiếp tục đè nặng lên nhu cầu...


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98