Việt Nam hưởng lợi gì từ ký kết hợp tác toàn diện với Mỹ?
Việt Nam hưởng lợi gì từ ký kết hợp tác toàn diện với Mỹ?
Việc Việt Nam ký kết hợp tác chiến lược toàn diện với Mỹ sẽ góp phần nâng tầm vị thế của Việt Nam trên trường thế giới và khu vực, thu hút thêm sự quan tâm đầu tư và thương mại từ các quốc gia khác. Vì thế, nó đóng vai trò là đòn bẩy để kinh tế Việt Nam có thể đạt được những thành tựu lớn hơn, giống như chiến lược đứng trên vai người khổng lồ.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã hội đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và Đoàn đại biểu cấp cao Hoa Kỳ thăm cấp nhà nước tới Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh VGP/Nhật Bắc
|
Việc ký kết hợp tác toàn diện cũng đã mở ra một chương mới cho lịch sử của hai nước, từ cựu thù trở thành đối tác chiến lược toàn diện của nhau; góp phần thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa hai quốc gia và nâng tầm quan hệ của hai nước lên một tầm cao mới. Về cơ bản, hợp tác này tạo cơ hội đẩy mạnh giao thương giữa hai nước, giúp cho mỗi quốc gia có thể tập trung sản xuất các sản phẩm mà nước mình có lợi thế cạnh tranh. Việc dỡ bỏ các hàng rào về thuế quan và kỹ thuật nhiều khả năng sẽ được thực hiện trong thời gian tới và rộng cửa cho các doanh nghiệp Việt Nam khi tiếp cận với thị trường Mỹ hơn so với trước kia.
Đánh giá chi tiết về tác động của việc ký kết này đối với kinh tế Việt Nam. Về cơ bản, Hoa Kỳ đang dần trở thành một đối tác thương mại lớn của Việt Nam, với kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều đạt 124 tỷ USD vào năm 2022 và Hoa Kỳ đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với tỷ trọng chiếm gần 30% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của nước ta. Việt Nam đang là đối tác lớn thứ 8 của Hoa Kỳ về thương mại. Với việc ký kết hiệp định này, nhiều khả năng thương mại của hai nước sẽ tiếp tục tăng trưởng ấn tượng trong những năm tới và dự báo sẽ góp phần hỗ trợ tích cực cho kinh tế Việt Nam, nhất là khi xuất khẩu đang là động lực tăng trưởng kinh tế chính cho đất nước.
Bên cạnh đó, hiệp định sẽ mở ra nhiều ngành mới để Việt Nam có thể thúc đẩy hợp tác với Mỹ như công nghệ bán dẫn, các công nghệ cao hiện nay như AI, blockchain, IoT, big data. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp trong nước học hỏi và nắm bắt được các công nghệ lõi, cũng như có cơ hội phát triển nền kinh tế dựa trên công nghiệp công nghệ cao trong tương lai. Hiện nay, các công ty Big Tech của Hoa Kỳ thực tế vẫn đang hạn chế việc tiếp cận công nghệ của các công ty và người dùng từ Việt Nam. Như OpenAI cũng chưa được hỗ trợ ở Việt Nam, hay các doanh nghiệp cũng khó khăn trong việc hợp tác với các đối tác lớn này. Thường chúng ta phải thành lập 1 doanh nghiệp ở nước ngoài để ký kết các hợp đồng hợp tác hay phát triển công nghệ với các doanh nghiệp lớn của Mỹ, làm gia tăng chi phí cho các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam cũng như làm thất thoát dòng vốn của Việt Nam ra nước ngoài. Chính vì thế, sau khi ký kết hợp tác chiến lược, hy vọng trong tương lai gần, các chính sách của những doanh nghiệp lớn từ Hoa Kỳ sẽ nới lỏng hơn và đó là cơ hội để chúng ta tiếp cận các công nghệ hàng đầu thế giới; đáp ứng mục tiêu đưa kinh tế số trở thành nền kinh tế quan trọng của Việt Nam trong thời kỳ tới.
Về đầu tư, hiện nay đầu tư giữa hai nước vẫn còn khá khiêm tốn so với tiềm lực phát triển. Hoa Kỳ chỉ mới là quốc gia đầu tư nhiều thứ 11 vào Việt Nam nên tiềm năng thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI từ Hoa Kỳ vào Việt Nam trong thời gian tới là rất lớn, vì còn rất nhiều dư địa để phát triển. Hiện nay, các công ty đa quốc gia của Mỹ đang thực hiện chiến lược Trung Quốc +1, đa dạng hóa nhà sản xuất và thị trường, và Việt Nam luôn là điểm đến hấp dẫn cho chiến lược trên bởi vị trí địa lý thuận lợi trong khu vực, nằm trên con đường giao thương của thế giới, nguồn nhân lực có tay nghề và chi phí lao động còn rẻ so với các nước trong khu vực và Trung Quốc.
Tuy nhiên để nắm bắt được thời cơ trên, chúng ta cần có những chính sách thu hút các tập đoàn của Mỹ, đặc biệt là các tập đoàn công nghệ như cách chúng ta đã làm với Samsung. Có thể thấy, trước khi Samsung đầu tư vào Việt Nam, nước ta vẫn là quốc gia nhập siêu và luôn đối mặt với tình trạng khan hiếm USD; nhưng khi các công ty công nghệ lớn như Samsung, Foxconn, Intel đầu tư vào thì chúng ta liên tục là quốc gia xuất siêu và chủ yếu là hàng công nghệ cao, chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu.
Điều này cho thấy, đây là hướng đi đúng đắn của Chính phủ khi thu hút các tập đoàn công nghệ lớn. Chỉ cần vài tập đoàn của Mỹ giống như SamSung đầu tư vào Việt Nam thì quy mô kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục có sự tăng trưởng vượt bậc và chúng ta sẽ trở thành nước xuất siêu hàng đầu trong khu vực. Thứ hạng về quy mô nền kinh tế cũng như thu nhập bình quân đầu người sẽ được cải thiện đáng kể và có thể vượt xa các dự báo hiện nay. Ngoài việc phải tập trung vào các chính sách thu hút đầu tư, ta còn phải tập trung cải thiện nguồn nhân lực, phát triển giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng được các yêu cầu cao của các tập đoàn Mỹ, cũng như phải cải cách mạnh mẽ thể chế và các thủ tục đầu tư, quản lý dòng vốn… Bên cạnh đó, cũng cần lưu ý về việc thu hút dòng vốn có chọn lọc, ưu tiên các dòng vốn xanh, thân thiện môi trường và cho phép chuyển giao công nghệ với các công ty trong nước.
Thời cơ đã đến. Vấn đề còn lại là chúng ta có tận dụng tốt thời cơ này để đưa nền kinh tế Việt Nam cất cánh trong tương lai?. Điều đó cần sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị lẫn sự đồng lòng, chung sức của doanh nghiệp và người dân cả nước.
TS. Nguyễn Hữu Huân - Giảng viên Trường Đại học Kinh tế TPHCM