Mua cổ phiếu nội bộ trước IPO: Kèo thơm hay… bom nổ chậm?
Mua cổ phiếu nội bộ trước IPO: Kèo thơm hay… bom nổ chậm?
Một nhà đầu tư may mắn có suất mua cổ phiếu nội bộ từ một doanh nghiệp đang có kế hoạch IPO. Chỉ tiếc, thương vụ này không phải kèo thơm như nhà đầu tư lầm tưởng.
IPO, đối với doanh nghiệp, là kênh huy động vốn tương đối hấp dẫn. Một đợt IPO thành công sẽ giúp họ thu về khoản tiền không nhỏ để phục vụ cho những mục đích khác nhau, như bổ sung vốn lưu động hay phát triển các dự án dang dở, mà không cần chịu lãi suất hoặc đáp ứng các quy định như khi vay vốn từ ngân hàng.
Còn đối với nhà đầu tư, nhìn chung, việc đồng hành sớm với một doanh nghiệp có thể mang lại lợi nhuận lớn. Mua được cổ phiếu với giá rẻ, trong trường hợp doanh nghiệp ăn nên làm ra, thị trường thuận lợi có thể kéo giá cổ phiếu tăng phi mã. Thế giới từng chứng kiến những thương vụ thành công như thế, với Apple, Netflix, hay Amazon.
IPO - Initial Public Offering hay chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng là hoạt động một công ty lần đầu chào bán cổ phiếu của mình cho các nhà đầu tư bên ngoài và buộc phải đưa cổ phiếu trên sàn chứng khoán. |
Ngược lại, cũng có những trường hợp doanh nghiệp hậu IPO làm ăn kém hiệu quả, thua lỗ triền miên, thậm chí phá sản và biến số cổ phiếu đã bán ra trở thành mớ giấy vụn.
Nêu vậy để thấy, mua cổ phiếu IPO là một hình thức đầu tư, có lợi nhuận thì đương nhiên đi kèm rủi ro. Dẫu vậy, việc các doanh nghiệp phải minh bạch thông tin khi IPO cho phép nhà đầu tư đánh giá về tình hình hoạt động, tiềm năng của doanh nghiệp và đưa ra quyết định dựa theo lý trí. Cộng thêm việc không phải ai cũng có cơ hội mua cổ phiếu IPO, vô tình khiến các thương vụ này trở nên hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư.
Đến với câu chuyện của Mạnh(*), nhà đầu tư không chỉ có cơ hội mua cổ phiếu IPO từ một doanh nghiệp, mà còn là mua với giá nội bộ. Chỉ tiếc là, chiếc “kèo” này không “thơm” như Mạnh lầm tưởng.
Ảnh minh họa
|
Ngỡ kèo thơm…
Cuối năm 2021, Mạnh chập chững bước vào thị trường chứng khoán sau khi chứng kiến bạn bè và nhiều người xung quanh ăn nên làm ra nhờ đầu tư cổ phiếu. Với số vốn không nhiều, Mạnh mở tài khoản, tập tành lướt sóng và đã có những khoản lợi nhuận đầu tiên. Thị trường khi đó tràn đầy hấp lực và tỏ ra hết sức hào phóng, kể cả cho một nhà đầu tư mới, còn non kinh nghiệm.
Ham làm giàu, Mạnh luôn xem xét mọi khả năng đầu tư và rồi thông qua người quen mà có cơ hội mua cổ phiếu nội bộ từ một doanh nghiệp có kế hoạch IPO, tạm gọi là doanh nghiệp A.
Ảnh minh họa
|
Theo tìm hiểu của Mạnh, A là doanh nghiệp hoạt động trong mảng bất động sản, là công ty con của Tập đoàn B (đã niêm yết) khá nổi tiếng trên thị trường. Mạnh sẽ được mua cổ phiếu A với giá 10,000 đồng/cp, nhưng không được giao dịch trong vòng 1.5 năm kể từ ngày cổ phiếu niêm yết.
Thời điểm này (nửa đầu năm 2022), cổ phiếu của Tập đoàn B có giá khoảng trên 25,000 đồng/cp. Mảng bất động sản khi ấy tỏ ra rất khấm khá, trong khi công ty A cũng đang có nhiều dự án nghỉ dưỡng và căn hộ nhắm tới phân khúc cao cấp, xem chừng là một thương hiệu uy tín.
Mạnh nhẩm tính, định giá cổ phiếu của B khi đó khoảng 15,000 đồng/cp, trong khi anh được mua ở mức bằng mệnh giá. Nếu sau 1.5 năm, cổ phiếu A lên bằng giá của B, khoản đầu tư của anh sẽ sinh lời 150%. “Chỉ cần nhân đôi là bán”, Mạnh nghĩ thế và lập tức xuống tiền.
…hóa bom nổ chậm
“Cuộc đời ai biết được chữ ngờ” và thương vụ này của Mạnh cũng vậy. Giữa năm 2022, thị trường chứng khoán nói chung và ngành bất động sản nói riêng gặp biến cố lớn. Hàng loạt lãnh đạo công ty lớn trên thị trường bị bắt giữ vì tội thao túng chứng khoán, nổi bật là cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết, hay cựu Chủ tịch TGG Đỗ Thành Nhân.
Thị trường bất động sản và trái phiếu cũng đóng băng sau vụ Tân Hoàng Minh hay Vạn Thịnh Phát. VN-Index chứng kiến những phiên lao dốc khủng khiếp, từ đỉnh 1,500 điểm kéo về đáy dưới 1,000 điểm. Nhà đầu tư hoảng loạn thoát hàng, có người thậm chí trắng tay.
Cổ phiếu của Tập đoàn B cũng không ngoài xu thế, liên tục lao dốc, có lúc chỉ bằng 1/3 so với đỉnh. Hoạt động trong mảng bất động sản, Công ty A cũng không khá hơn là bao. Nhưng điều quan trọng nhất là khoản đầu tư vào cổ phiếu A bỗng giống như quả bom nổ chậm, bởi ngày lên sàn tỏ ra ngày càng xa vời.
Ảnh minh họa
|
Theo kế hoạch, cổ phiếu A sẽ niêm yết trong quý 2 hoặc quý 3/2022. Nhưng tới tháng 10/2022, cổ đông nhận được tin A sẽ không niêm yết, mà chỉ đưa cổ phiếu đăng ký giao dịch lên UPCoM. Hợp đồng của Mạnh cũng kèm theo phụ lục về thời gian hạn chế giao dịch. Thời gian 1.5 năm được tính từ ngày lên sàn, thay vì ngày niêm yết cổ phiếu.
“Cũng xem như bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư”, Mạnh tiếp tục tự trấn an và chờ đợi. Nhưng càng chờ lại càng nóng ruột vì sau thông báo ấy, A không có động thái gì cho thấy sẽ sớm đăng ký giao dịch. Trong khi đó, thị trường ngày càng tỏ ra ảm đạm hơn, cổ phiếu công ty mẹ là B không có dấu hiệu trở lại được vùng giá cũ. Các khoản đầu tư khác của Mạnh cũng không khả quan hơn, ở thời điểm thị trường sẵn sàng trừng phạt những lệnh giao dịch của nhà đầu tư non kinh nghiệm.
Sang đến năm 2023, thị trường khởi sắc hơn mà lòng Mạnh vẫn nặng trĩu, bởi trót “giam” một khoản tiền lớn vào một cổ phiếu chưa hẹn ngày lên sàn. Thế rồi, hy vọng trong Mạnh sáng lên khi tại ĐHĐCĐ thường niên 2023 của A, Chủ tịch HĐQT thông báo kế hoạch lên UPCoM vào quý 3/2023. Đến giữa tháng 8, Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC) cũng đã cấp giấy chứng nhận đăng ký và mã chứng khoán dành cho cổ phiếu A.
Niềm vui ngắn chẳng tày gang. Đến nay đã sang quý 4, việc lên sàn của A vẫn chưa thấy động tĩnh gì ngoài các tin đồn hoặc thông tin bất lợi nhắm đến doanh nghiệp. Dẫu vậy, trong Mạnh đã có sự thay đổi. Anh chia sẻ, giờ việc chờ đợi chẳng còn nhiều ý nghĩa. Mạnh xem như đây là khoản đầu tư dài hạn “bất đắc dĩ” và tập trung nâng cao kiến thức phân tích, định giá cổ phiếu để phục vụ cho các khoản đầu tư khác.
“Tưởng kèo thơm mà hóa bom nổ chậm”, nhà đầu tư trẻ tuổi nói chua chát.
(*) Tên nhân vật đã được thay đổi