Thông báo bị mất trộm, nhưng rốt cuộc bị bắt vì từng trộm Bitcoin lên đến... 3 tỷ USD!
Thông báo bị mất trộm, nhưng rốt cuộc bị bắt vì từng trộm Bitcoin lên đến... 3 tỷ USD!
Đêm 13/03/2019, Sở cảnh sát quận Athens-Clarke nhận được cú điện thoại khẩn cấp. Người gọi đến là Zhong Jimmy, 28 tuổi, “người quen” của các địa điểm tiệc tùng ở Athens, bang Georgia.
Tuy nhiên, không giống như những thanh niên gây phiền phức khác mỗi khi có rượu bia vào, Zhong là một chuyên gia máy tính và ngôi nhà anh đang ở có gắn một hệ thống giám sát cực kì hiện đại. Anh gọi đến cho biết mình vừa bị trộm một lượng tiền số có giá trị rất lớn. Từ chối lên xe cứu thương để đến bệnh viện chữa trị cơn hoảng loạn, Zhong bắt đầu giải thích: “Tôi là một nhà đầu tư Bitcoin, một loại tài sản trên mạng internet”.
Jimmy Zhong choàng vai hai cô gái tại một bữa tiệc
|
Do đây là vụ án đầu tiên về tiền số mà Sở cảnh sát Athens tiếp nhận nên họ tỏ ra khá lúng túng và không có được tiến triển gì trong quá trình điều tra. Thế là Zhong đành nhờ đến Robin Martinelli, một nhà điều tra tư nhân trong vùng hiện đang sở hữu và điều hành công ty điều tra Martinelli ở khu Loganville lân cận.
Dù không chuyên điều tra mảng tiền số và mới trải qua cuộc phẫu thuật cắt bỏ một chân nhưng Martinelli vẫn cảm thấy có động lực nhận lời. Bà bắt đầu bằng cách xem xét thật kĩ các video được lưu lại trong hệ thống giám sát của Zhong và phát hiện ra có một nhân vật nam, dáng người hơi gầy vào đêm xảy ra vụ trộm.
Robin Martinelli
|
Nghi phạm này dường như biết đường đi lối lại quanh nhà Zhong, khiến Martinelli tin rằng đó là bạn hoặc ít nhất là người từng nghe Zhong khoe về số Bitcoin. Từ video, Martinelli đã có thể xác định chiều cao của nghi phạm và thậm chí kích thước đôi bàn tay anh ta.
Bà bắt đầu giám sát những người bạn của Zhong, theo dõi họ đến tận nhà và các quán bar dưới phố. Bà cũng theo dõi xe hơi và lục tung các tài khoản trên mạng xã hội của họ để điều tra.
Sau một thời gian quan sát, Martinelli cho rằng nhóm bạn của Zhong “giả tạo, không thật sự quan tâm tới người khác và có thể đang lợi dụng cậu ta một chút”. Tuy nhiên, bà nhận thấy Zhong dường như không đồng tình với giả thuyết của mình, đặc biệt là khi đội điều tra của bà tập trung vào nhóm bạn cậu ta. Cuối cùng, Martinelli xác định một người trong số đó mà bà tin rằng đã lấy trộm 150 Bitcoin của Zhong. Vào thời điểm đó, số Bitcoin này có giá gần 600,000 USD.
“Zhong không muốn nghe điều đó”, Martinelli kể lại. “Cậu ta bực mình khi tôi đề cập đến ai đó biết chỗ cất tiền mặt. Ý kiến cho rằng người thân cận phản bội khiến cậu ta bị tổn thương. Cậu ta chỉ muốn được yêu quý”.
“Zhong là một anh chàng tốt bụng”, một người bạn cho biết.
Cuộc sống giàu sang khó hiểu của một người thất nghiệp
Những người quanh khu Athens cũng cảm thấy tương tự về cậu ta. Trước khi bị trộm, ai cũng biết Zhong là “kẻ ném tiền” ở thị trấn này. Cậu sẵn lòng chiêu đãi cả quán một chầu trong những lần vui vẻ.
Mặc dù sống trong căn nhà gỗ một tầng khá khiêm tốn nhưng Zhong từng lưu trú tại các khách sạn sang trong như Ritz Carlton, Plaza và Waldorf Astoria. Cậu lái xe đắt tiền, mua sắm tại những cửa hiệu cao cấp như Louis Vuitton, Gucci và Jimmy Choo. Ngoài ra cậu còn mua một ngôi nhà thứ hai có bến đậu du thuyền ở Gainesville, Georgia, để chứa nhiều loại rượu và tài sản đắt tiền khác.
Zhong sống vương giả mà không ai biết nguồn thu nhập đến từ đâu. Trong mắt họ, cậu không có nghề nghiệp. Cậu chỉ bảo bạn bè rằng nhờ biết đến Bitcoin từ sớm nên cậu đào được hàng ngàn Bitcoin từ những ngày ban đầu.
Năm 2018, khi đội bóng Georgia Bulldogs yêu thích của cậu được chơi ở sân vận động Rose Bowl ở Los Angeles, cậu thuê cả máy bay riêng để chở cả nhóm bạn tới cổ vũ và tặng thêm mỗi người 10,000 USD để mua sắm ở Beverly Hills.
Thời điểm đó, Zhong không hề biết rằng có một nhóm điệp viên nhỏ từ đơn vị điều tra tội phạm của IRS cũng đang miệt mài tìm lời giải đáp cho một vụ tấn công máy tính đánh cắp 50,000 Bitcoin từ trang web Silk Road vào năm 2012.
Theo thời gian, giá trị của số Bitcoin đó đã tăng lên đến 3 tỷ USD. Các điều tra viên có thể truy vết địa điểm của số tiền này trên blockchain nhưng không biết được danh tính của chủ sở hữu mới. Vì thế, họ lặng lẽ theo dõi và chờ đợi nhiều năm khi người đánh cắp đó chuyển số tiền này từ tài khoản này sang tài khoản khác, lấy bớt hay thêm vào một ít nhằm che giấu nguồn tiền.
Cuối cùng, Chainalysis, công ty phân tích blockchain chuyên theo vết các ví kĩ thuật số có chứa những tài sản bị đánh cắp trên Silk Road, phát hiện ra kẻ đột nhập đã phạm một sai lầm rất nhỏ. Hắn ta đã chuyển một lượng tiền số trị giá khoảng 800 USD sang một sàn giao dịch tiền số có tuân thủ những quy tắc trong ngành ngân hàng, trong đó có quy trình gọi là KYC, đòi hỏi người dùng phải nhập tên và địa chỉ thật của chủ tài khoản.
Tài khoản đó được đăng ký dưới tên Zhong Jimmy. Giao dịch xảy ra vào tháng 9/2019, sáu tháng sau cuộc gọi khẩn cấp của Zhong đến cảnh sát địa phương. Tuy nhiên, chỉ chừng đó là chưa đủ để chứng minh Zhong là người đã đột nhập và đánh cắp số Bitcoin trên. Họ phải chắc chắn.
Vì thế IRS gọi cho Sở cảnh sát hạt Athens-Clarke nhờ giúp đỡ. Lúc đó, cuộc điều tra vụ mất trộm của Zhong chưa có tiến triển gì.
Thế là cả hai bên cùng lên một kế hoạch. Họ sẽ tiếp cận Zhong, vờ nói là đang điều tra vụ mất trộm tại nhà của anh ta nhưng thực tế là nhắm đến vụ mà họ tin rằng chính anh ta là người đã đột nhập trang Silk Road để cuỗm đi một lượng Bitcoin giờ đây có giá hàng tỷ USD.
Khi ba nhân viên điều tra gõ cửa ngôi nhà ở Gainesville, Zhong nhiệt tình ra mở cửa. Anh tin rằng họ đến để giúp mình giải quyết vụ trộm đang bế tắc.
“Nếu làm được, tôi sẽ đãi các anh một chầu ra trò”, Zhong nói.
Họ bước vào nhà, mở lời khen cánh cửa và chú chó Chad, rồi yêu cầu được xem một vòng căn nhà. Họ gõ vào sàn nhà, nhìn vào các tủ âm tường và kiểm tra các khu vực bằng gỗ. Zhong đâu biết rằng họ đang lùng xem có khoang bí mật nào không.
Zhong đưa họ vào tầng hầm. Họ xem xét kĩ lưỡng hệ thống an ninh của Zhong, yêu cầu anh ta giải thích những tính năng của nó. Zhong cũng cho họ xem một két sắt kim loại mà theo lời anh ta là từng đựng 1,000,000 USD tiền mặt nhằm gây ấn tượng với phụ nữ.
Một lát sau, các nhân viên điều tra yêu cầu Zhong mở máy tính xách ta ra và giải thích cho họ biết làm sao anh ta có được số Bitcoin đó. Zhong yêu cầu họ quay mặt đi rồi nhập mật khẩu. Khi máy được mở lên, ba nhân viên điều tra đã trông thấy ví Bitcoin của Zhong.
“Chúa ơi, chiếc ví của anh ta cho thấy số Bitcoin có giá tận 60 hay 70 triệu USD gì đó”, một trong ba nhân viên điều tra kể lại. Chừng đó là đủ để thuyết phục họ đã tìm đúng người.
Ngày 09/11/2021, với một đội ngũ hùng hậu, họ quay trở lại với lệnh khám xét nhà của Zhong. Một nhân viên đưa thiết bị đặc dụng vào chiếc máy tính xách tay của Zhong, cho phép họ tiếp cận được những nội dung có cài mật khẩu. Họ cũng tìm thấy một chiếc máy tính khác được giấu bên trong thùng thiếc đựng bỏng ngô, chứa một lượng Bitcoin khác trị giá hàng triệu USD.
Nhờ chó nghiệp vụ, họ còn tìm thấy một chiếc két sắt được chôn trong bê tông dưới sàn tầng hầm, chứa nhiều kim loại quý, hàng đống tiền mặt và một số đồng Bitcoin bằng kim loại được đúc vào những năm đầu tiền số xuất hiện cùng chiếc ví chứa Bitcoin trong vụ đột nhập trang Silk Road hồi năm 2012.
Thế là Zhong bị bắt giữ và bị kết án một năm, một ngày ở nhà tù liên bang.
Chính phủ Mỹ tịch thu số Bitcoin mà Zhong đã trộm và bán đi để sung vào công quỹ, dành một phần cho Sở cảnh sát hạt Athens-Clarke như là phần thưởng cho sự giúp đỡ của họ.
Còn về vụ trộm xảy ra tại nhà của Zhong, đến nay cảnh sát vẫn chưa bắt được kẻ thực hiện. Chú chó Chad của Zhong thì được gửi cho một người bạn nuôi giùm.