Bàn cách 'thúc' tăng trưởng kinh tế năm 2024
Bàn cách 'thúc' tăng trưởng kinh tế năm 2024
Để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 ở mức 6-6,5% như Nghị quyết Quốc hội vừa thông qua tại kỳ họp Thứ 6 QH khóa XV, các chuyên gia cho rằng, cần có giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, xuất khẩu và hồi phục thị trường nội địa.
Đầu tư công - cứu cánh cho tăng trưởng
Quốc hội đã thông qua nghị quyết kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, với chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 là 6 - 6,5%, lạm phát 4 - 4,5%. Mục tiêu này có phần thách thức trong bối cảnh nền kinh tế trong nước và toàn cầu vẫn gặp khó khăn. Tuy nhiên, triển vọng tăng trưởng sáng hơn cho năm 2024 là có cơ sở, khi kinh tế tăng tốc hồi phục những tháng cuối năm nay, tạo điểm tựa cho những mục tiêu năm mới.
TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, đầu tư công là cứu cánh cho tăng trưởng. Năm 2023, dù cơ quan chức năng liên tục đốc thúc nhưng việc giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn tắc nghẽn. Theo ông Cung, nếu cứ tháo gỡ từng điểm, từng dự án sẽ không giải quyết được tổng thể. Giải pháp tốt nhất phải thay đổi cách tiếp cận.
Đầu tư công được xem là cứu cánh của tăng trưởng. Trong ảnh, dự án đường cao tốc Bắc Nam từ vốn đầu tư công |
Chính phủ cần kéo dài chương trình hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp tới 2025. Điều này nhằm tạo niềm hứng khởi, tạo luồng gió thúc mọi người tiêu dùng nhiều hơn.
“Chúng ta cần cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh bằng những nghị quyết cụ thể. Cắt bỏ thủ tục không cần thiết, những quy trình đang gây khó khăn, cản trở. Tôi đề xuất, cơ quan chức năng liệt kê 5-10 vấn đề bức xúc nhất, cản trở nhất đối với người dân và doanh nghiệp. Sau đó, giao cho đơn vị cụ thể, tạo áp lực để giám sát, cải thiện để thay đổi”, ông Cung đề xuất.
Cùng quan điểm, TS Huỳnh Phước Nghĩa, Đại học Kinh tế TP HCM cho rằng, đầu tư công là 1 trong 3 động lực của tăng trưởng kinh tế. Cơ quan chức năng cho rằng, cần những giải pháp mang tính chất đột phá để tạo thêm khung khổ, không gian phát triển mới, đột phá về cơ chế, những nguồn lực như về vốn và lao động.
Đẩy mạnh xuất khẩu, hồi phục thị trường nội địa
Xuất khẩu những năm qua không ngừng tăng trưởng tốt. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2022 đạt 730 tỷ USD và đạt gần 558 tỷ USD trong 10 tháng năm 2023. Tháng 10/2023, xuất khẩu đã tăng hơn 5,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng hàng tồn kho của các doanh nghiệp giảm xuống, đơn hàng đã trở lại, đặc biệt là thị trường Mỹ. Nhiều hãng tàu vận chuyển cũng lạc quan trở lại cho thấy tín hiệu xuất khẩu đang tốt lên. Trong tháng 11 và tháng 12/2023, xuất khẩu sẽ có sự “bứt tốc” mạnh mẽ.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam cho biết, động lực đầu tiên để kinh tế Việt Nam tăng trưởng trong 2 tháng cuối năm 2023 và năm 2024 chính là xuất khẩu. Theo ông Thành, bước sang năm 2024, Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng xuất khẩu từ 5 - 7%. Điều này có thể đạt được nhờ việc xuất khẩu sang thị trường Mỹ phục hồi. Bên cạnh đó, nếu kinh tế Trung Quốc khởi sắc cũng sẽ tạo thêm động lực cho Việt Nam xuất khẩu thêm nhiều hàng hóa sang thị trường này.
“Xuất khẩu phục hồi, đơn hàng quay trở lại sẽ khiến cho lao động khu công nghiệp quay trở lại, tạo “cú hích” cho tiêu dùng. Việc Quốc hội thông qua việc giảm thuế VAT 2% cũng sẽ là cú hích tiếp theo cho 6 tháng đầu năm 2024”, ông Thành nhận định.
TS Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam đánh giá, mục tiêu tăng trưởng 6 - 6,5% năm 2024 tương đối thách thức trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, nhiều điều kiện, chuyển biến những tháng cuối năm ủng hộ cho triển vọng tăng trưởng năm tới. Năm 2023, tăng trưởng kinh tế dự báo quanh mức 5%, không đạt mục tiêu nhưng so với các quốc gia, mức tăng trưởng của Việt Nam không phải mức thấp.
“Các thị trường lớn của Việt Nam như Mỹ, Trung Quốc đang phục hồi, thị trường châu Âu dù chưa như mong muốn, nhưng năm tiếp theo có nhiều kỳ vọng. Thị trường nội địa, tiêu dùng trong nước, với chỉ tiêu tổng mức bán lẻ tăng trưởng 9% rất đáng khích lệ trong lúc này”, ông Bình phân tích. Theo ông Bình, yếu tố về tổng cầu, xuất nhập khẩu, đầu tư tư nhân có triển vọng lớn. Chuyển biến, tăng trưởng đến đâu, phụ thuộc rất nhiều vào hành động Chính phủ, bộ ngành.
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP như mục tiêu Quốc hội cho năm 2024, cần có chính sách kích cầu thị trường nội địa, tạo đà cho tăng trưởng kinh tế. Hiện nay, thị trường nội địa đang suy yếu và ảnh hưởng trực tiếp tới doanh nghiệp trong nước. Khi kích cầu thị trường nội địa sẽ giúp hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam, góp phần tạo đà cho tăng trưởng kinh tế.
Việt Linh - Ngọc Linh