Bất động sản Hồng Kông ế trên diện rộng
Bất động sản Hồng Kông ế trên diện rộng
Bất chấp nhu cầu nhà ở đang ở mức cao do diện tích chật hẹp, suy thoái kinh tế vẫn dẫn đến tình trạng nhiều căn hộ chưa bán được, gây ra dư thừa nguồn cung.
Thị trường bất động sản, tài sản sinh lợi hấp dẫn một thời của Hồng Kông (Trung Quốc), dường như đang gặp khó khăn sau một loạt cuộc đấu thầu bất thành đối với các lô đất của chính quyền và nó đã phủ bóng đen lên tình hình tài chính của thành phố này.
Đầu tháng này, công ty vận tải công cộng lớn nhất Hồng Kông, Tập đoàn MTR, tiết lộ rằng họ chưa nhận được đề xuất nào cho dự án phát triển chung ở Tung Chung, một thị trấn dân cư cạnh sân bay Hồng Kông. Dự án này ban đầu được lên kế hoạch nằm cạnh một ga tàu hoả mới dự kiến hoàn thành vào năm 2029. Đây là một phần trong kế hoạch của chính quyền thành phố nhằm phát triển Tung Chung hơn nữa.
Trong năm tài chính hiện tại, đây là cuộc đấu thầu bất thành thứ 5 liên quan đến các lô đất và dự án do Cơ quan Cải tạo Đô thị bán chính phủ và Tập đoàn MTR khởi xướng, trong đó chính phủ sở hữu 51%.
Mặc dù các nhà phát triển địa phương ban đầu bày tỏ sự quan tâm nhưng cuối cùng không có ai chấp nhận dự án có diện tích sàn nhà ở hơn 65,000 m2.
Câu chuyện đang xảy ra trên khắp Hồng Kông, bất chấp nhu cầu nhà ở vẫn ở mức cao trong lịch sử do diện tích thành phố chật hẹp.
Ông Terence Chong Tai-leung, giáo sư kinh tế tại Đại học Trung Văn Hồng Kông, cho biết các công ty bất động sản còn quá nhiều căn hộ chưa bán được, nên họ ít có khả năng đấu thầu các dự án mới. Giới chuyên gia kinh tế cho rằng xu hướng này báo trước một đợt suy thoái lớn hơn.
Công ty bất động sản địa phương Centaline Property ước tính có tới 20,000 căn hộ mới chưa bán được trên toàn thị trường Hồng Kông trong tháng 10.
Thị trường nhà ở của Hồng Kông nổi tiếng là có mức giá mà người dân bình thường không đủ khả năng chi trả. Giá căn hộ nhỏ dưới 40 mét vuông đã lên tới hơn 170,000 đô la Hồng Kông một mét vuông vào năm 2022 và thậm chí cao hơn đối với những căn hộ lớn hơn.
Theo nghiên cứu của cơ quan lập pháp Hồng Kông, tỷ lệ sở hữu nhà ở Hồng Kông là 51% vào năm 2019, thấp hơn mức 61% ở Nhật Bản và 85% ở Đài Loan. Quyền sở hữu nhà của những người dưới 35 tuổi cũng giảm từ 22.1% vào năm 1997 xuống còn 7.6% vào năm 2019.
Doanh thu từ bất động sản là một trong những nguồn thu nhập hàng đầu của chính quyền thành phố Hồng Kông, chiếm 11% tổng thu nhập trong thập kỷ qua.
Những năm gần đây, bán bất động sản trở thành nguồn thu nhập càng quan trọng hơn khi nguồn thu từ thuế giảm do đại dịch COVID-19. Cuộc khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc đại lục cũng khiến ít nhà phát triển Trung Quốc tham gia đấu thầu ở Hồng Kông hơn. Ví dụ, “gã khổng lồ” bất động sản ngập trong nợ nần Evergrande đã bán một dự án khu dân cư ở Hồng Kông cho VMS Securities vào năm 2021.
Theo chương trình bán đất của chính phủ cho năm tài chính hiện tại, chỉ có hai trong số 18 lô đất được bán với giá 7 tỷ đô la Hồng Kông, thấp hơn nhiều doanh thu ước tính của người đứng đầu cơ quan tài chính Hồng Kông Paul Chan Mo-po là 85 tỷ đô la Hồng Kông trong năm nay.
Với doanh số bán bất động sản kém như vậy, hãng kiểm toán Deloitte hồi tháng 11 ước tính thâm hụt ngân sách của Hồng Kông trong năm tài chính này là 131.6 tỷ đô la Hồng Kông, cao hơn hai lần so với mức 54.4 tỷ đô la Hồng Kông mà ông Chan dự báo hồi tháng 2.
Nhưng ông Chong cho biết, ông không lo lắng về tình trạng thâm hụt ngân sách ngắn hạn vì dự trữ tài chính của Hồng Kông lên tới hơn 800 tỷ đô la Hồng Kông.
* Chồng bà Trương Mỹ Lan bán lỗ hàng loạt bất động sản sau khi vợ bị bắt