Khi những “ngôi sao” tự… tắt!
Khi những “ngôi sao” tự… tắt!
Sáng 15/11, dư luận cả nước… ngỡ ngàng khi bản tin trên các báo đập vào mắt: Khởi tố, bắt tạm giam ông Lưu Bình Nhưỡng - phó trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội - để điều tra về tội cưỡng đoạt tài sản. Ông Nhưỡng được cử tri cả nước biết tới từ nhiều năm qua, khi còn là một đại biểu Quốc hội, người có tiếng nói thu hút sự quan tâm của xã hội, một tiến sĩ Luật. Ngay cả khi không còn là đại biểu Quốc hội thì ông vẫn đảm đương một vị trí trong bộ máy của cơ quan đại diện quyền lực nhân dân.
Trên mạng xã hội, người không tin, kẻ “đã biết trước”; song trước pháp luật, không có sự phỏng đoán, chỉ có sai và phạm tội thì có là đại diện “dân nguyện” cũng phải trả giá bằng chính quy định của pháp luật.
Không phủ nhận những dấu ấn của một đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng. Song, ở chính vị trí này, ông cũng từng có những phát biểu gây “chấn động” nghị trường lẫn cử tri. Đó là tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 14 (sáng 31/10/2018), ông Nhưỡng đã công bố “vi phạm của cơ quan điều tra rất khủng khiếp, không thụ lý tin tố giác 94%, chậm gửi quyết định cho viện kiểm sát 86%, xử lý tin tố giác quá hạn 99.76%, vi phạm tống đạt 100%…”. Thực tế sau đó đã được phía Bộ Công an phản hồi bằng các con số cụ thể, trong đó có nêu tổng số tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố đã giải quyết 104,767 (tỉ lệ giải quyết đạt 87.20%). So với tổng thể chung số tin báo, tố giác tội phạm đã thụ lý giải quyết thì những vi phạm trên chiếm tỉ lệ rất nhỏ. Cùng với đó, đại biểu Lê Thị Nga, chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội, cũng cung cấp thông tin đánh giá của Ủy ban Tư pháp Quốc hội đã cho thấy đánh giá tình hình của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng không chính xác.
Vấn đề là sau phát biểu của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, nhiều trang mạng xã hội đã trích dẫn, bình luận, xuyên tạc về đánh giá chất lượng hoạt động của các cơ quan tư pháp, trong đó có cơ quan điều tra, gây dư luận không tốt.
Cũng như dư luận đã nổi sóng vào chiều ngày 19/10 khi cô người mẫu nội y Ngọc Trinh bị bắt để điều tra tội "gây rối trật tự công cộng" quy định tại điều 318 bộ luật Hình sự. Trước đó, cô này đã có hành vi điều khiển xe mô tô phân khối lớn khi không có giấy phép lái xe mô tô hạng A2, giấy chứng nhận đăng ký xe lại là giả; biểu diễn bằng những hành động nguy hiểm, tư thế phản cảm, không mặc đồ bảo hộ, nằm, quỳ gối trên yên xe…, cho quay video. Các video này sau đó biên tập lại rồi đăng tải lên mạng xã hội ảnh hưởng xấu đến vấn đề an ninh trật tự và an toàn xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức, lối sống và văn hóa ứng xử của giới trẻ.
Không ít người nêu thắc mắc “sao phải đến mức bắt”, cũng có ý kiến đưa ra có thể thay đổi biện pháp giam giữ… dựa trên hành vi - phạm vi vi phạm, kể cả hậu quả là chưa gây nguy hiểm, thương tích cho người khác, ngoại trừ chính Ngọc Trinh. Song, với nhận thức và hành vi của một người-đã-trưởng-thành, có ảnh hưởng nhất định trong giới trẻ thì việc quay, dựng và phát tán những hình ảnh phản cảm, kích động sự bắt chước rất nguy hiểm cho cộng đồng ở giới trẻ là điều cần phải răn đe nghiêm khắc.
Phải thừa nhận để có được một vị trí trong lòng công chúng, tạo riêng cho mình bản sắc giữa đám đông, nhất là trong thời bão mạng thì những “ngôi sao” không thể thiếu thực lực biết cách tạo hình ảnh, thu hút dư luận. Song, nếu họ biết giữ mình trong “bầu trời” ấy, đừng tỏ ra khinh suất, chủ quan và dần đi đến ảo tưởng về vị thế của mình, về cả sức ảnh hưởng thật trong thế giới ảo. Để khi phải tra tay vào còng thì hàng triệu like kia, hàng ngàn comment tán thưởng nọ đã thoáng chốc… bay màu. Cái ảo đã trả giá bằng cái thật, thì chả còn là ảo nữa rồi.
Và đã có một thời những “người hùng” có thật giữa đời thường như ông Trần Hùng “chống hàng giả”, ông Lưu Bình Nhưỡng “đại biểu của dân”, cho đến ngày đám đông… vỡ lẽ, là các ông ấy hay chính chúng ta từng nhầm tưởng?