Ngành điện quý 3: Nhiều cái tên lỗ nặng
Ngành điện quý 3: Nhiều cái tên lỗ nặng
Quý 3/2023 của các doanh nghiệp ngành điện tiếp tục nhuốm màu ảm đạm, thậm chí còn có phần “xuống sắc” hơn quý trước với những cái tên lớn bất ngờ báo lỗ nặng.
Trong số 61 doanh nghiệp ngành điện công bố BCTC quý 3/2023 theo thống kê từ VietstockFinance, chỉ 17 doanh nghiệp báo lãi tăng với 2 doanh nghiệp chuyển lỗ thành lãi. Trong khi đó, có tới 33 doanh nghiệp giảm lãi, cùng 11 cái tên thua lỗ trong kỳ.
Chi phí “níu chân” nhiệt điện
Trong quý 3, các doanh nghiệp nhiệt điện hầu hết đều chứng kiến mức lợi nhuận giảm sâu hoặc thua lỗ, thậm chí là lỗ nặng. Nguyên nhân vì chi phí giá vốn neo cao, lỗ tỷ giá, hoặc một số trường hợp phải tiến hành sửa chữa tổ máy định kỳ.
Kết quả kinh doanh nhóm nhiệt điện trong quý 3/2023
|
QTP (Nhiệt điện Quảng Ninh) trong quý 3 chứng kiến lợi nhuận giảm tới 92%, còn 12 tỷ đồng. Nguyên nhân gây ra “cú rơi” này, theo Doanh nghiệp giải thích, do thực hiện sửa chữa định kỳ các tổ máy, dẫn đến sản lượng điện thương phẩm thấp hơn và kéo doanh thu giảm mạnh. Ngoài ra, giá vốn dù giảm nhưng lại chiếm tỷ trọng lớn hơn cùng kỳ, khiến lãi gộp cũng giảm mạnh.
Nhiệt điện Quảng Ninh rơi mạnh lợi nhuận quý 3 | ||
Không giảm sâu như vậy, PPC (Nhiệt điện Phả Lại) nhận 84 tỷ đồng lãi ròng trong quý 3, giảm 46% so với cùng kỳ. Nguyên nhân do chi phí sản xuất điện cao hơn cùng kỳ vì chi phí nhiên liệu và vật liệu tăng cao. Ngoài ra, chi phí sửa chữa lớn tài sản cố định quý 3/2023 cũng tăng, do phải trích trước chi phí công trình, hạng mục sửa chữa lớn đã hoàn thành, nghiệm thu đưa vào sử dụng (cùng kỳ chỉ phân bổ hàng tháng theo sản lượng).
Tuy vậy, việc PPC báo lãi thực chất cũng là điều may mắn, khi doanh nghiệp lỗ gộp tới 84 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 6.1 tỷ đồng). Tuy vậy, khoản cổ tức được chia tới hơn 176 tỷ đồng đã thoát được thua lỗ trong kỳ.
Trong khi đó, NT2 (Điện lực dầu khí Nhơn Trạch 2) lỗ nặng tới 124 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 199 tỷ đồng). Đây cũng là lần đầu báo lỗ của NT2 sau hơn 10 năm (gần nhất là quý 3/2013, lỗ ròng hơn 91 tỷ đồng. Khoản lỗ này cũng là điều đã được NT2 dự kiến trước. Trong quý 3, doanh nghiệp phải thực hiện đại tu 100 ngàn giờ vận hành (EOH) từ ngày 07/09, dẫn đến doanh thu sản xuất điện giảm sâu.
NT2 lần đầu lỗ nặng sau 10 năm | ||
EVNGenco3 (PGV) thậm chí thua lỗ tới 462 tỷ đồng (cùng kỳ lãi gần 300 tỷ đồng. Nguyên nhân do sản lượng điện bán ra thấp hơn cùng kỳ, do nhu cầu phụ tải hệ thống điện trong kỳ sụt giảm, đồng thời hệ thống khí ngừng bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ trong tháng 9. Bên cạnh đó, khoản lỗ chênh lệch tỷ giá tới 979 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 812 tỷ đồng) và chi phí lãi vay tăng tới 212 tỷ đồng tạo ra quý lỗ nặng nhất của PGV kể từ khi chào sàn vào năm 2017.
PGV hứng đòn thua lỗ vì giảm sản lượng điện và lỗ chênh lệch tỷ giá | ||
HND (Nhiệt điện Hải Phòng) là doanh nghiệp duy nhất lãi lớn trong nhóm nhiệt điện, ghi nhận lợi nhuận ròng 192 tỷ đồng, gấp 5 lần cùng kỳ. Điều đặc biệt là nguyên nhân giúp HND tăng lãi nằm ở giá than trong kỳ giảm kéo chi phí nhiên liệu giảm theo. Ngoài ra, tại quý 3 cũng không trích trước chi phí sửa chữa lớn, giúp hạ thấp chi phí.
Trời không “khóc”, thủy điện “khô” lợi nhuận
Nhóm nhiệt điện ảm đạm, thủy điện cũng không khác. Khi giai đoạn “trăng mật” cùng La Nina trôi qua, cái nắng khô hạn chạm tới, đa phần nhóm thủy điện ghi nhận giảm lãi mạnh so với cùng kỳ.
Nhiều doanh nghiệp nhóm thủy điện rơi mạnh lợi nhuận trong quý 3
|
TBC (Thủy điện Thác Bà) chứng kiến một quý ảm đạm với lợi nhuận chỉ 10 tỷ đồng, rơi 89% so với cùng kỳ 2022, là mức giảm sâu nhất trong nhóm thủy điện. Giải thích cho điều này, TBC cho biết, nguyên nhân chủ yếu do mực nước hồ hụt khoảng 782.7 triệu m3 nước, lưu lượng nước về hồ bình quân cũng giảm 8% so với cùng kỳ, khiến sản lượng điện thương phẩm rơi mạnh. Mặt khác, giá bán điện bình quân trong kỳ cũng thấp hơn do giá bán điện theo hợp đồng (giá Pc) giảm, sản lượng điện hợp đồng (Qc) tăng và sản lượng điện giao nhận giảm.
Chung cảnh ngộ là ông lớn thủy điện VSH (Vĩnh Sơn – Sông Hinh). Trên thực tế, dù La Nina đã kết thúc từ đầu năm, VSH vẫn trải qua 2 quý đầu tiên tương đối thuận lợi, đạt tăng trưởng lợi nhuận. Nhưng “kỳ trăng mật” đã kết thúc trong quý 3, khi lợi nhuận ròng giảm tới 88%, chỉ đạt 26 tỷ đồng.
VSH giải trình, do thủy văn tại khu vực miền Trung trong quý 3 không thuận lợi đã ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất điện của Doanh nghiệp. Sản lượng điện thương phẩm trong kỳ giảm gần 39%, trong khi giá bán điện bình quân thấp hơn cùng kỳ, dẫn đến doanh thu giảm mạnh. Chi phí sản xuất điện cũng giảm nhưng không đủ bù phần doanh thu mất đi.
Câu chuyện tương tự cũng xảy ra với CHP (Thủy điện Miền Trung), AVC (Thủy điện A Vương), HNA (Thủy điện Hủa Na), đều đánh rơi 6x-7x% lợi nhuận quý 3.
Kết quả đi xuống của TBC, VSH… là nguyên nhân khiến REE (Cơ Điện Lạnh) đi lùi so với cùng kỳ, với mức lãi ròng 450 tỷ đồng, giảm 34%. Được biết, mảng thủy điện (gồm các thành viên như TBC, VSH, TMP, CHP…) chiếm tới 64% tổng sản lượng điện của REE, theo báo cáo thường niên 2022.
REE giảm mạnh lợi nhuận khi các thành viên thủy điện u ám | ||
Tiết trời kém thuận lợi còn kéo lợi nhuận của SVH (Thủy điện Sông Vàng) và XMP (Thủy điện Xuân Minh) về số âm. Trong đó, SVH lỗ 4.5 tỷ đồng (cùng kỳ lời 1.3 tỷ đồng), còn XMP lỗ 5.5 tỷ đồng (cùng kỳ lời 3.4 tỷ đồng).
Dẫu vậy, vẫn có một số cái tên nhóm thủy điện hưởng lợi. HJS (Thủy điện Nậm Mu) hay S4A (Thủy điện Sê San 4A) đều ghi nhận tăng trên 45% lợi nhuận quý 3 nhờ thời tiết thuận lợi, nước về nhiều.
Điện tái tạo tiếp tục… chờ
Quy hoạch điện 8 được thông qua từ tháng 05/2023 đã mang theo nhiều kỳ vọng gỡ khó dành cho nhóm điện tái tạo. Số liệu thống kê từ EVN cho thấy, huy động sản lượng từ năng lượng tái tạo đạt 29.13 tỷ kWh, chiếm 13.9% tổng sản lượng. Trong đó điện mặt trời đạt 20.45 tỷ kWh, điện gió đạt 8.01 tỷ kWh.
Tuy vậy, các doanh nghiệp điện tái tạo nổi bật vẫn đang trong tình cảnh khá u ám, với kết quả quý 3 chưa có gì khởi sắc.
GEG (Điện Gia Lai) là một ví dụ. Doanh nghiệp hoạt động chính trong mảng năng lượng tái tạo, từ thủy điện nhỏ, đặc biệt là điện mặt trời (tập trung và áp mái), và điện gió – mảng có đóng góp lớn nhất trong cơ cấu doanh thu. Tại quý 3/2023, GEG đạt tăng trưởng doanh thu 9%, ghi nhận 566 tỷ đồng nhờ nhà máy Điện gió Tân Phú Đông 1 (TPĐ1) đi vào hoạt động. Tuy nhiên, giá tạm tính không được như kỳ vọng, cộng thêm chi phí lãi vay tăng cao đã ảnh hưởng mạnh đến kết quả sau cùng.
HDG (Tập đoàn Hà Đô) rơi 66% lợi nhuận, còn 84 tỷ đồng. Dù là doanh nghiệp bất động sản, phần lớn doanh thu của HDG lại đến từ mảng kinh doanh điện – thủy điện, điện mặt trời và điện gió. Tuy vậy trong quý 3, doanh thu mảng này giảm hơn 33%, đạt 358 tỷ đồng.
Ngay cả TV2 (PECC2 hay Tư vấn Xây dựng điện 2), dù đạt tăng trưởng về lợi nhuận (17 tỷ đồng, tăng 67%), nhưng mức tăng này chủ yếu nhờ Doanh nghiệp tối ưu được dòng tiền, giảm chi phí quản lý doanh nghiệp. Còn thực tế, doanh thu quý này chỉ bằng hơn nửa so với cùng kỳ.