Chứng khoán tháng 12 sẽ khó bứt phá?
Chứng khoán tháng 12 sẽ khó bứt phá?
Theo dự báo của chuyên gia, tháng 12 chứng khoán sẽ có xu hướng tích cực hơn. Tuy vậy, thị trường cũng sẽ khó bứt phá vì còn nhiều yếu tố đang hiện hữu
Thiếu động lực bứt phá, chứng khoán sẽ giằng co?
Ông Trần Đức Anh - Giám đốc Kinh tế Vĩ mô & Chiến lược thị trường KBSV nhận định thị trường đã có giai đoạn điều chỉnh trong tháng 9, tháng 10 trước khi xuất hiện nhịp hồi phục nhẹ vào tháng 11 trong bối cảnh chịu tác động bởi nhiều yếu tố thông tin tiêu cực Xung đột ở dải Gaza, trái phiếu họ Vingroup, kết quả điều tra Vạn Thịnh Phát… Hiện tại, thị trường đã có mức chiết khấu vừa phải trên nền lãi suất huy động giảm, triển vọng kết quả kinh doanh quý 4 cải thiện. Do đó, thị trường tháng 12 sẽ có xu hướng tích cực hơn. Các thông tin về chính sách của Fed trong cuộc họp tháng 12, vận hành hệ thống KRX sẽ là cú hích cho thị trường. Tuy nhiên, thị trường cũng sẽ khó bứt phá vì còn nhiều yếu tố thông tin rủi ro vẫn có thể tác động lên tâm lý nhà đầu tư.
Về mặt vĩ mô, số liệu 9 tháng đầu năm cho thấy bức tranh phần nhiều là tiêu cực với kết quả GDP thấp nhất trong 10 năm (không tính giai đoạn COVID-19). Xuất nhập khẩu thấp do nhu cầu từ Mỹ, EU thấp. PMI cho thấy hoạt động sản xuất vẫn yếu, bất động sản ảm đạm và tăng trưởng tín dụng vẫn thấp.
Tuy vậy, một số yếu tố vĩ mô đã có sự cải thiện rõ nét trong 1, 2 tháng trở lại đây: Xuất nhập khẩu tăng trưởng trở lại so với cùng kỳ, đăng ký FDI vẫn cao và giải ngân đầu tư công vẫn tích cực xét về con số tuyệt đối.
Còn về vĩ mô quốc tế, chính sách của Mỹ đang là mối quan tâm hàng đầu. Lạm phát Mỹ đang giảm, tăng trưởng GDP quý 3 đạt hơn 5%, thị trường lao động hạ nhiệt (tỷ lệ thất nghiệp lên 3.9%, tiền lương trung bình tăng trưởng chậm lại). Các yếu tố này đang củng cố cho kịch bản hạ cánh mềm của Mỹ. Fed có thể hạ lãi suất trong tháng 3/2024, sớm hơn dự báo. Trong bối cảnh đó, thị trường mới nổi có xu hướng tăng.
Thanh khoản thị trường đang hồi phục nhưng chưa bùng nổ dù lãi suất giảm do nhiều thông tin tiêu cực như rủi ro suy thoái kinh tế Mỹ, bất động sản Trung Quốc, các xung đột địa chính trị trên thế giới. Nếu xu hướng tăng rõ nét hơn trong thời gian tới, nhiều khả năng sẽ kích hoạt tâm lý lạc quan của nhà đầu tư và dòng tiền quay trở lại kênh chứng khoán.
Ông Dương Hoàng Linh - Giám đốc phân tích CTCK SBS dự báo trong tháng 12 thị trường sẽ giằng co trong biên độ 1,080 - 1,130 điểm của VN-Index. Nếu chỉ số bứt ra khỏi biên độ này với nhóm dẫn dắt rõ rệt thì sẽ tạo xu hướng tăng mới. Ngược lại, chỉ số sẽ tiếp tục tăng giảm ở trong vùng điểm nay.
Hiện tại, lãi suất huy động giảm nhưng tiền gửi dân cư vẫn đang tăng. Điều này cho thấy niềm tin vào thị trường chứng khoán vẫn chưa trở lại. Khi chưa có dòng tiền tạo sóng trên thị trường, niềm tin sẽ khó quay trở lại khiến chứng khoán rơi vào thế giằng co.
Thị trường cũng sẽ khó bứt phá vì còn nhiều yếu tố thông tin rủi ro vẫn có thể tác động lên tâm lý nhà đầu tư. Ảnh: Tuấn Trần
|
Thời điểm tốt để tích lũy cho dài hạn
Nói về chủ điểm đầu tư cho tháng cuối năm và năm 2024, ông Đức Anh chỉ ra thị trường đang có 2 câu chuyện chính.
Một là lãi suất đang giảm và KRX triển khai, nhóm chứng khoán sẽ là nhóm hưởng lợi chính.
Nhà đầu tư nếu kỳ vọng vào yếu tố này thì nên tích lũy cổ phiếu trước khi KRX chính thức vận hành. Tại ngày hệ thống được triển khai chính thức thì áp lực chốt lời sẽ xuất hiện, nếu đợi tới đây mới giải ngân thì rủi ro rất cao.
Hai là tổng cầu của nền kinh tế kỳ vọng hồi phục nhờ các chính sách kích cầu của Chính phủ và NHNN như giảm lãi suất, giảm thuế VAT, các gói tín dụng ưu đãi…, theo đó, nhóm bán lẻ sẽ có tiềm năng.
Ngoài ra, nhóm công nghệ thông tin cũng đang tăng trưởng ổn định và có rủi ro thấp cũng đáng để nhà đầu tư tham khảo.
Hiện tại là thời điểm tốt để tích lũy cổ phiếu vì nền giá hấp dẫn và kỳ vọng hồi phục của nền kinh tế.
Còn theo ông Linh, nhà đầu tư nên tận dụng biến động giằng co để lướt sóng trong biên độ 1,080 - 1,130 điểm, mua khi thị trường giảm về cận dưới và chốt lời khi thị trường tới cận trên.
Về chiến lược đầu tư, trong bối cảnh dòng tiền khó tạo sóng trên toàn thị trường, nhà đầu tư nên tập trung tới một số nhóm mang tính thị trường cao như chứng khoán, bất động sản, thép. Đây là các nhóm có thể lướt sóng hiệu quả và dễ sinh lời.
Hướng tới năm 2024, nhà đầu tư ngắn hạn nên lướt sóng với tỷ trọng vừa phải. Trong khi đó, nhà đầu tư dài hạn vẫn nên tích lũy cổ phiếu với nhiều ngành nghề và xem xét tái cơ cấu danh mục.