Hạn chế "vay mà không trả" cách nào?
Hạn chế "vay mà không trả" cách nào?
Nhiều công ty tài chính đang đối mặt với tình trạng bùng nợ vay, tỉ lệ "vay mà không trả gia tăng" nhưng chế tài xử phạt nhẹ và không dễ khởi kiện.
Sau khi Báo Người Lao Động phản ánh bài "Chật vật thu hồi nợ vay tiêu dùng", các công ty tài chính cho biết đang tìm cách để vừa thu hồi nợ vừa đẩy vốn ra thị trường.
Ông Marcin Figlus, Giám đốc Khối Quản trị rủi ro, Công ty tài chính FE Credit, cho biết các công ty tài chính tiêu dùng được cấp phép đang đối mặt với một vấn đề nan giải trong công tác thu hồi nợ. Đó là hoạt động bùng nợ có tổ chức bộc phát trong xã hội. Một bộ phận khách hàng đang cố tình đánh đồng hoạt động thu hồi nợ chính đáng của các công ty được cấp phép là phạm pháp để tẩy chay và chây ỳ việc trả nợ.
Vì sao tỉ lệ khách hàng "vay mà không trả" gia tăng nhanh chóng trong thời gian qua? Ông Marcin Figlus cho rằng người vay chưa ý thức được trách nhiệm trả nợ với khoản vay và hệ quả xảy ra. Dù luật pháp hiện hành có những quy định tương đối chặt chẽ với người đi vay, nhưng việc áp dụng vào thực tế còn thiếu sức răn đe. Đây là một vấn đề rất nan giải khi hành vi cố tình không trả nợ, hay còn gọi là "bùng nợ", đã trở thành một làn sóng.
Với những khách hàng này, công ty vẫn kiên trì với các giải pháp thu hồi nợ đang áp dụng như liên hệ trao đổi với khách hàng về trách nhiệm trả nợ, phân tích cho họ hiểu rõ việc chây ì trả nợ là hành vi phạm pháp. Điều này có thể ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của họ trong tương lai.
Trong bối cảnh này, các công ty tài chính ưu tiên thu hồi nợ, thận trọng và rà soát kỹ hơn trong giải ngân các khoản vay mới, tập trung vào khách hàng có lịch sử tín dụng tốt.
Các ngân hàng, công ty tài chính kiến nghị nhiều giải pháp để đẩy mạnh xử lý, thu hồi nợ vay tiêu dùng
|
Ông Leos Gregor, Giám đốc quản trị thẩm định tín dụng và phòng chống gian lận của Home Credit Việt Nam, cho biết trong quy trình thu hồi khoản vay, chiến lược của công ty là phổ cập kiến thức tài chính, cách trả các khoản vay. Đồng thời, giải thích cụ thể cho khách hàng cần trả bao nhiêu, ở đâu và cách điều chỉnh khoản vay kịp thời…
"Hệ thống nhắc nhở trong các giai đoạn thu hồi khoản vay khác nhau qua SMS, thông báo tin nhắn hoặc cuộc gọi. Đào tạo và giám sát đội ngũ thu hồi khoản vay chặt chẽ về kỹ năng giao tiếp, tư vấn và thu hồi khoản vay chuẩn mực, dựa trên sự tôn trọng khách hàng" - ông Leos Gregor nói.
Các ngân hàng cũng kiến nghị nhiều giải pháp thu hồi nợ vay tiêu dùng. Theo ghi nhận, tại nhiều ngân hàng, tỉ lệ nợ xấu vay tiêu dùng không cao nhưng số lượng khoản vay lên đến hàng ngàn. Điều này khiến công tác thu hồi gặp nhiều khó khăn, mất nhiều nguồn nhân lực để thực hiện.
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) đề nghị cơ quan tòa án, thi hành án các cấp ưu tiên áp dụng thủ tục rút gọn trong quá trình tố tụng, thi hành án đối với các vụ khởi kiện. Xét xử, thi hành án các vụ việc tranh chấp hợp đồng tín dụng liên quan khoản nợ vay tiêu dùng, có tài sản bảo đảm là bất động sản. Hỗ trợ áp dụng các biện pháp ngăn chặn việc chuyển nhượng tài sản bất hợp pháp của khách hàng còn nợ ngân hàng phải thi hành án.
"Cho phép và hướng dẫn các ngân hàng trong kết nối khai thác dữ liệu thông tin từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ cho việc xác thực thông tin, nhận biết khách hàng bằng phương tiện điện tử. Gắn mã số định danh công dân với tất cả tài khoản cá nhân để phục vụ công tác quản lý và xác thực thông tin khách hàng khi ngân hàng cung ứng sản phẩm tín dụng và thanh toán" - đại diện Agribank kiến nghị.
Kiến nghị xử lý nhóm bùng nợ vay tiêu dùng Một số công ty tài chính đề xuất cần có các biện pháp cụ thể nhằm kêu gọi, nâng cao ý thức, thái độ của những người vay; xử lý nghiêm đối tượng tham gia vào các hội nhóm bùng nợ, cũng như những người hướng dẫn và khuyến khích hành vi bùng nợ, cố tình không trả nợ. |
Thái Phương, Ảnh: Lam Giang