Hình thức phát hành là rào cản lớn nhất trong phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Hình thức phát hành là rào cản lớn nhất trong phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Tại buổi tọa đàm liên quan đến thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) mới đây, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng rào cản lớn nhất là hình thức phát hành. Đồng thời, chuyên gia cũng đưa ra 5 giải pháp khắc phục các rào cản.
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực chia sẻ về rào cản và các giải pháp khắc phục rào cản cho sự phát triển của thị trường TPDN
|
Rào cản lớn nhất là hình thức phát hành
Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, rào cản lớn nhất chính là hình thức phát hành. Thống kê sơ bộ cho thấy rằng, 90% TPDN là phát hành riêng lẻ và chỉ có 10% phát hành ra công chúng. Phát hành riêng lẻ thì quy trình thủ tục đơn giản hơn rất nhiều và chỉ trong một nhóm các nhà đầu tư. Mà chỉ những nhà đầu tư chuyên nghiệp mới được mua những trái phiếu này, tức là phải có hiểu biết và phải theo những điều kiện mà Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã đưa ra. Rõ ràng là chúng ta thấy cấu trúc này rất mất cân đối.
Ông Cấn Văn Lực chia sẻ 5 giải pháp để phát triển thị trường TPDN.
Phân nhóm doanh nghiệp nào cần xếp hạng tín nhiệm
Theo ông Lực, cần rút ra bài học kinh nghiệm sâu sắc cho cả các cơ quan chức năng, các bên tham gia thị trường và nhà đầu tư. Bởi vì phải rút ra bài học kinh nghiệm để sau này trưởng thành và lớn lên.
Cần tiếp tục quan tâm hoàn thiện thể chế, chính sách. Đặc biệt trong bối cảnh Nghị định số 08 chuẩn bị hết hiệu lực và sắp tới sẽ quay trở lại áp dụng Nghị định số 65.
Ông Lực nêu quan điểm nên quay trở lại Nghị định số 65 nhưng có lộ trình, có cân đối để tiếp tục kiến tạo cho thị trường phát triển. Ví dụ Nghị định 08 sửa đổi ba điều kiện, trong đó thời gian chào bán là không có vấn đề gì, vẫn 60 ngày, nhưng quan trọng là nhà đầu tư chuyên nghiệp thì cân nhắc thời gian tới nên như thế nào.
Nếu muốn thị trường lành mạnh, đúng đối tượng là người mua có kiến thức, có kinh nghiệm, có hiểu biết thì sẽ áp dụng tiếp điều kiện, điều khoản của nhà đầu tư chuyên nghiệp theo Nghị định số 65. Nhưng xếp hạng tín nhiệm cho doanh nghiệp với đơn vị phát hành nên có lộ trình phù hợp hơn. Hiện nay, mới có ba tổ chức phát hành; thứ hai là văn hoá, thói quen của những bên phát hành mua dịch vụ xếp hạng tín nhiệm rõ ràng chưa hình thành ngay được.
Ông Lực cho rằng, nên cân nhắc lộ trình xếp hạng tín nhiệm thích hợp hơn và đặc biệt phải phân nhóm nào cần xếp hạng tín nhiệm, nhóm nào không cần xếp hạng tín nhiệm. Ví dụ, ngân hàng thương mại không cần xếp hạng tín nhiệm vì họ phát hành mục đích rất rõ là để tăng vốn cấp hai, thứ hai là họ được quản lý chặt chẽ các hệ số an toàn bởi Nhà nước.
Đa dạng hoá sản phẩm trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Hiện nay cơ bản chỉ có mỗi TPDN, còn các loại trái phiếu xanh, trái phiếu công trình, trái phiếu bền vững, trái phiếu xã hội chưa phổ biến.
Ông Lực bày tỏ mong muốn nhân cơ hội này thúc đẩy những sản phẩm mới trên thị trường trái phiếu. Điển hình như trường hợp BIDV vừa qua phát hành thành công trái phiếu xanh, thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư.
Thứ ba, đa dạng hoá cơ sở nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp
“Nhà đầu tư tổ chức rõ ràng chưa có nhiều. Rất mong chúng ta thúc đẩy để có nhiều nhà đầu tư tổ chức hơn, đặc biệt là quỹ đầu tư. Quỹ đầu tư, quỹ hưu trí… là cách chúng ta thu hút đầu tư của xã hội, của nhà đầu tư”, Ông Lực chia sẻ.
Nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin và dữ liệu
Ông Lực cho rằng việc nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin và dữ liệu chính là hồn cốt vô cùng quan trọng để phát triển thị trường này.
Việc đơn giản hoá quy trình thủ tục phát hành ra công chúng cũng đặc biệt quan trọng. Hiện nay rõ ràng là còn phức tạp, thời gian phê duyệt lâu nên nhà phát hành còn ngại khi xin làm hồ sơ để phát hành ra công chúng.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát
Giải pháp cuối cùng được chuyên gia đưa ra là giải pháp về tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát đặc biệt năng lực, công cụ cho đội ngũ này. Thời gian vừa qua, UBCKNN rất cố gắng. Rõ ràng đội ngũ, năng lực vẫn còn hạn chế nhất định nên cần củng cố thêm trong thời gian tới.
Đồng tình với chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, ông Phan Đức Hiếu - Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng cần rà soát ngay từ bây giờ Nghị định 08, cái gì sẽ tiếp tục áp dụng và cái gì sẽ không áp dụng để quay lại áp dụng Nghị định 65. Việc này hết sức cần thiết và phải làm khẩn trương. Riêng tiêu chuẩn đối với nhà đầu tư chuyên nghiệp, hoạt động trái phiếu chuyên nghiệp, ông Hiếu cho rằng nên cân nhắc thêm về việc có thể phân loại trái phiếu tới đây sẽ phát hành mới với chuẩn mới của nhà đầu tư theo Nghị định 65. Với những trái phiếu đã phát hành dựa trên chuẩn cũ của Nghị định 153, bây giờ nếu lại áp dụng chuẩn mới vào cho những trái phiếu đã phát hành thì có thể sẽ có ảnh hưởng đến thanh khoản. "Chúng ta xem xét Nghị định 08 trong bối cảnh phù hợp với thực tế Việt Nam, đồng thời cũng phải tính đến tương lai bền vững, xanh, minh bạch, an toàn của thị trường trái phiếu", ông Hiếu nêu ý kiến.
|