Lãi suất 2024 - Ẩn số từ lạm phát
Lãi suất 2024 - Ẩn số từ lạm phát
Hầu hết các dự báo đều cho rằng mặt bằng lãi suất sẽ vẫn giữ được sự ổn định trong năm 2024. Tuy nhiên, ẩn số lạm phát được xem là thách thức đáng kể đến mục tiêu ổn định lãi suất, khi đang chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực.
Kỳ vọng gì cho 2024?
Trong những ngày cuối năm nay, một loạt ngân hàng thương mại (NHTM) tiếp tục giảm lãi suất huy động vốn, ngay cả nhóm Big 4 là Vietcombank, Agribank, BIDV và Vietinbank – những nhà băng vốn đã niêm yết lãi suất xuống mức thấp hơn cả giai đoạn COVID 19, cũng mạnh tay giảm thêm. Xu hướng lãi suất chìm sâu trong năm 2023 có lẽ gây không ít bất ngờ đối với nhiều người, đặc biệt là diễn biến tiếp tục đi xuống trong giai đoạn cuối năm, điều hiếm khi xảy ra trong quá khứ.
Trước tình hình này, hầu hết các dự báo đều cho rằng mặt bằng lãi suất sẽ vẫn giữ được sự ổn định trong năm 2024, thậm chí còn có thể giảm thêm, dù lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể sẽ được giữ nguyên tại mức hiện nay, thay vì cắt giảm thêm 1 lần như nhiều kỳ vọng trước đây. Dù vậy, với mức lãi suất tiền gửi các kỳ hạn 1-5 tháng tại hầu hết các ngân hàng đã rời xa mốc 4.75%, như nhóm Big 4 hiện chỉ niêm yết ở 1.9 – 2.5%, một bước nhấn thêm giảm trần lãi suất tiền gửi vẫn có thể diễn ra trong giai đoạn đầu năm 2024.
Có nhiều cơ sở ủng hộ cho mặt bằng lãi suất sẽ ổn định ở mức thấp, từ việc các ngân hàng trung ương (NHTW) trên toàn cầu dự kiến sẽ kết thúc lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ và quay lại chu kỳ cắt giảm lãi suất khi lạm phát đã hạ nhiệt, cho đến việc nền kinh tế trong nước phục hồi còn chậm nên vẫn cần giảm thêm lãi suất để kích thích tăng trưởng nhanh hơn. Với tăng trưởng GDP năm 2023 chỉ đạt 5.05%, thấp hơn mục tiêu năm 2023 là 6.5%, các chính sách sẽ tiếp tục chịu nhiều áp lực hơn để thúc đẩy tăng trưởng cho năm 2024 với kế hoạch đặt ra cũng từ 6-6.5%.
Quan trọng hơn, thanh khoản hệ thống đang ở tình trạng dồi dào, nhiều ngân hàng rơi vào cảnh thừa vốn khi tăng trưởng tín dụng trong năm 2023 chậm hơn so với nguồn vốn đầu vào, gồm tiền gửi từ khách hàng, lượng giấy tờ có giá phát hành thêm và vốn điều lệ tăng thêm. Nhiều ngân hàng chạy nước rút tăng trưởng cho vay trong những ngày cuối năm nay, bằng các chương trình ưu đãi lãi suất “khủng”, là minh chứng cho hiện tượng thừa vốn hiện nay.
Vì vậy, để tối ưu hóa việc sử dụng vốn, các ngân hàng hoặc phải tăng cường cho vay nhanh hơn, hoặc phải tiếp tục giảm lãi suất đầu vào để cân đối lại nguồn vốn và sử dụng vốn phù hợp. Trong khi đó, do ảnh hưởng bởi yếu tố mùa vụ, tín dụng thường gặp rất nhiều khó khăn để cho vay trong những tháng đầu năm, khi khách hàng giai đoạn này ưu tiên trả nợ hơn là đi vay. Ngoài ra, nợ xấu tăng cũng khiến các ngân hàng phải thận trọng hơn trong các chiến lược phát triển tín dụng.
Bên cạnh những yếu tố hỗ trợ kể trên, xu hướng lãi suất trong năm 2024 vẫn có thể gặp một số tác động bất lợi, trong đó lạm phát là ẩn số cần quan sát chặt chẽ. Những năm qua, Việt Nam đã khá thành công khi kiểm soát lạm phát dưới mục tiêu đề ra, dù nhiều nền kinh tế khác chật vật ứng phó với lạm phát leo thang liên tục, nhưng điều này không có nghĩa lơ là với biến số có tác động rất mạnh lên lãi suất trong giai đoạn tới.
Ẩn số lạm phát
Việt Nam tiếp tục có thêm một năm kiểm soát lạm phát thành công dưới mục tiêu đề ra 4.5% trong năm 2023, trong bối cảnh thị trường hàng hóa thế giới có nhiều biến động. Theo giới phân tích, việc kiểm soát hiệu quả giá xăng, điện, thực phẩm, chăm sóc sức khỏe và giáo dục, đã giúp kiểm soát lạm phát trong năm 2023. Việc Chính phủ giảm kịp thời thuế giá trị gia tăng và thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, cũng như giảm thuế 2% VAT đã có những tác động tích cực lên giá cả nhiều mặt hàng.
Cuộc chiến tại dải Gaza giữa quân đội Irsael và lực lượng Hamas một lần nữa đặt Trung Đông vào thế bất ổn, khiến nhiều người lo ngại Iran có thể trực tiếp tham chiến để hỗ trợ Hamasa và kéo theo thế giới Hồi giáo dính vào. Khi đó, nguồn cung dầu mỏ tất yếu bị ảnh hưởng và giá năng lượng này tăng vọt sẽ gây ra bất ổn toàn cầu. |
Theo đó, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng việc kiểm soát lạm phát năm 2023 sẽ tạo dư địa cho năm 2024, với các yếu tố thuận lợi như lạm phát quốc tế có dấu hiệu hạ nhiệt và dự báo chậm lại, qua đó hạn chế áp lực “lạm phát nhập khẩu” đối với chi phí sinh hoạt và sản xuất ở Việt Nam. Điều quan trọng hơn là sau nhiều năm hoàn thành tốt mục tiêu lạm phát, niềm tin của người dân và doanh nghiệp vào sự kiên định của Chính phủ trong ổn định kinh tế vĩ mô đã hạn chế bớt tâm lý lạm phát kỳ vọng, vốn có những ảnh hưởng nhất định lên giá cả.
Dù vậy, lạm phát trong năm 2024 cũng sẽ chịu áp lực từ những yếu tố sau. Đầu tiên việc điều chỉnh giá các mặt hàng Nhà nước quản lý như điện, giáo dục, y tế, sau gần 4 năm trì hoãn hoặc chưa thực hiện theo lộ trình trong năm 2023 và sẽ được tiếp tục điều chỉnh trong năm 2024. Đơn cử như ở giá điện, việc sụt giảm sản lượng điện do biến đổi khí hậu và nguy cơ thiếu hụt năng lượng đang đặt ra những thách thức trong mục tiêu phát triển kinh tế và nguồn cung năng lượng mới trong tương lai, có thể đặt ra yêu cầu giá điện càng phải điều chỉnh cho phù hợp hơn để kích thích động lực đầu tư.
Thứ hai, các rủi ro căng thẳng địa chính trị, nguy cơ xung đột quân sự lan rộng có thể đẩy giá hàng hóa toàn cầu rơi vào tình trạng hỗn loạn. Cuộc chiến tại dải Gaza giữa quân đội Irsael và lực lượng Hamas một lần nữa đặt Trung Đông vào thế bất ổn, khiến nhiều người lo ngại Iran có thể trực tiếp tham chiến để hỗ trợ Hamasa và kéo theo thế giới Hồi giáo dính vào. Khi đó, nguồn cung dầu mỏ tất yếu bị ảnh hưởng và giá năng lượng này tăng vọt sẽ gây ra bất ổn toàn cầu.
Những cuộc tấn công của lực lượng Houthi ở Yemen gần đây vào các tàu thuyền vận chuyển ở Biển Đỏ đang báo trước một viễn cảnh u ám như vậy. Chưa cần đánh phá các giàn khoan dầu hay nhà máy lọc dầu, chỉ đơn giản tấn công vào tàu thuyền vận chuyển đã đẩy giá dầu leo thang. Ngoài ra, không chỉ cước phí bảo hiểm cho các tàu thuyền tăng lên, giá cước vận tải đường biển cũng tăng vọt khi các tàu thuyền buộc phải thay đổi lộ trình vòng qua mũi Hảo Vọng ở châu Phi, kéo theo giá các mặt hàng tăng lên để bù đắp.
Thứ ba, những biến động khó lường của giá vàng gần đây cũng có thể kéo lạm phát kỳ vọng quay trở lại và ảnh hưởng lên giá cả các mặt hàng thiết yếu khác. Trong những ngày cuối năm 2023, giá vàng đã có lúc vượt mốc 80 triệu đồng/ lượng, cao hơn giá quốc tế quy đổi đến 20 triệu. Đáng lưu ý là sau chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp quản lý thị trường vàng, NHNN sẵn sàng can thiệp bình ổn thị trường, giá kim loại quý này đã lao dốc mạnh.
Trong khi đó, nhận định của giới phân tích cho rằng thị trường vàng thế giới sẽ tiếp tục tăng trong năm 2024, trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng, rủi ro kinh tế toàn cầu vẫn cao và các NHTW đang nới lỏng chính sách trở lại, cùng với việc chuyển dịch dự trữ ngoại hối sang vàng. Nếu giá vàng thế giới leo thang, giá vàng trong nước cũng khó có thể im tiếng.