Lãnh đạo các tập đoàn năng lượng cam kết không để thiếu điện, xăng dầu
Lãnh đạo các tập đoàn năng lượng cam kết không để thiếu điện, xăng dầu
Lãnh đạo EVN, Petrolimex cam kết đảm bảo cung ứng điện, xăng dầu, không để thiếu hụt trong mọi tình huống.
Tại cuộc gặp Thủ tướng với các doanh nghiệp nhà nước ngày 03/03, ông Đặng Hoàng An, Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết sau 69 năm phát triển, quy mô hệ thống điện Việt Nam đứng số 1 Đông Nam Á.
Dù vậy, EVN gặp nhiều khó khăn trong năm 2023, trong đó đã để xảy ra thiếu điện tại miền Bắc cuối tháng 5 đầu tháng 6. Nguyên nhân được cho là lượng điện tiêu thụ tăng mạnh trong khi thủy điện, một trong hai nguồn cung chính, bị sụt giảm huy động do hạn hán. World Bank ước tính phí tổn kinh tế của các đợt mất điện thời điểm đó khoảng 1,4 tỷ USD, tương đương 0,3% GDP.
Theo ông An, tình trạng thiếu điện dù chỉ diễn ra trong thời gian ngắn nhưng đã ảnh hưởng lớn đến đời sống, sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.
"Đây là bài học sâu sắc mà EVN vẫn đang tiếp tục phân tích, mổ xẻ, có biện pháp khắc phục để làm tốt hơn trong thời gian tới", ông An nói.
Chủ tịch EVN cam kết đảm bảo đủ điện cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng, nhằm đáp ứng mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6-6.5%.
"Năm 2024, EVN sẽ không để thiếu điện trong mọi tình huống như Thủ tướng đã chỉ đạo", ông An nói và cho biết tập đoàn đã chuẩn bị với kịch bản nhu cầu điện tăng trưởng cao (9.18% hoặc cao hơn), sản lượng điện toàn hệ thống có thể đạt 306.4 tỷ kWh, tăng 26 tỷ kWh so với năm 2023.
Ông Đặng Hoàng An, Chủ tịch EVN phát biểu tại cuộc gặp Thủ tướng với các doanh nghiệp nhà nước, ngày 3/3. Ảnh: VGP |
Cùng với điện, xăng dầu cũng là mặt hàng được Chính phủ nhiều lần yêu cầu các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp đảm bảo nguồn cung ứng cho nền kinh tế trong mọi trường hợp.
Ông Phạm Văn Thanh, Chủ tịch Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cam kết sẽ hoàn thành các nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, gồm cung ứng, bình ổn giá để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Ông Phạm Văn Thanh, Chủ tịch Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) - Ảnh VGP
|
Trước đó, năm 2022, xảy ra tình trạng nguồn cung xăng dầu trên thị trường bị gián đoạn, đứt gãy tại một số địa phương. Một trong những nguyên nhân là do chiết khấu - mức hoa hồng đầu mối, thương nhân phân phối cắt lại cho các doanh nghiệp bán lẻ - giảm xuống 0 đồng - khiến nhiều đơn vị thua lỗ, thậm chí đóng cửa.
Đại diện Petrolimex đề nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu theo hướng nâng cao chất lượng doanh nghiệp đầu mối, qua việc siết điều kiện về kho cảng, doanh nghiệp phải có khả năng chủ động nhất định về vật chất, kỹ thuật, tài chính.
Đại diện Petrolimex cũng cho rằng cần tăng quản lý nhà nước về kinh doanh xăng dầu, áp dụng hóa đơn điện tử sau từng lần bán hàng, kết nối trực tiếp dữ liệu từ các kho xăng dầu, cột bơm đến cơ quan hải quan, thuế.
Hiện Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu đang được Bộ Công Thương xây dựng theo hướng thị trường nhiều hơn trong quá trình quản lý kinh doanh mặt hàng này, thông tin được Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết tại hội nghị. Theo ông Diên, Bộ này có thể vẫn đề xuất duy trì quỹ bình ổn để quản lý mặt hàng xăng dầu nhưng với các điều kiện cao hơn.
Bộ Công Thương đang xây dựng lại định mức của phí bảo quản kinh doanh xăng dầu, xây dựng cơ chế để đầu tư hạ tầng dự trữ xăng dầu quốc gia. Cùng đó, Bộ Công Thương cùng Bộ Thông tin & Truyền thông xây dựng phần mềm xuất hóa đơn điện tử áp dụng với các đầu mối, thương nhân phân phối. Hiện nay, trên 50% số cửa hàng bán lẻ đã áp dụng hóa đơn điện tử từng lần bán.
Ngoài ra, theo Chủ tịch Petrolimex, Chính phủ cần có cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, sạch, gồm lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe ôtô, xe mô tô, chính sách khuyến khích doanh nghiệp phát triển điện mặt trời áp mái, tự sản, tự tiêu.