Vinafood 1: Giá lúa hiện nay giảm thì người dân vẫn có lãi khoảng 60%
Vinafood 1: Giá lúa hiện nay giảm thì người dân vẫn có lãi khoảng 60%
Từ giữa tháng 1 tới nay, giá lúa giảm xuống mức 7,300-7,800 đồng/kg, nhưng vẫn cao hơn so với các vụ trước và người dân vẫn có lãi khoảng 60%, theo giá thành sản xuất mà Hiệp hội tài chính đã công bố khoảng 4,000 đồng/kg.
Bà Bùi Thị Thanh Tâm - Chủ tịch HĐTV Vinafood 1. Ảnh VGP
|
Đó là thông tin được bà Bùi Thị Thanh Tâm - Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) cho biết tại Hội nghị Thường trực Chính phủ gặp mặt đầu xuân các doanh nghiệp nhà nước tiêu biểu ngày 03/03.
Theo Chủ tịch Vinafood 1, từ giữa tháng 1 đến nay, giá lúa đã giảm khoảng 30% và các doanh nghiệp, nhà nhập khẩu chậm mua để chờ giá xuống do giá lúa gạo trong thời gian tăng cao liên lục trong quý 3-4/2023 sau lệnh cấm xuất khẩu của Ấn Độ, mức giảm là từ trên 9,000 đồng/kg xuống 7,300-7,800/kg. Tuy giá giảm nhưng vẫn cao hơn của vụ Đông Xuân năm 2023 và đặc biệt là vẫn cao hơn giá của các vụ trước.
"Với giá lúa hiện nay người dân vẫn có lãi khoảng 60% theo giá thành sản xuất mà Hiệp hội tài chính đã công bố khoảng 4,000 đồng/kg và giảm trên nền giá cao đột biến", bà Tâm khẳng định.
Lãnh đạo Vinafood 1 cũng chỉ ra nguyên nhân dẫn đến giá gạo giảm như vừa qua là do hiện nay thu hoạch chính vụ, tất cả các cánh đồng đều thu hoạch, và các tỉnh đều thu hoạch cùng thời điểm. Điều này đã làm nảy sinh tình trạng ùn ứ từ ruộng, từ nhà máy, thậm chí từ các cảng nội địa.
Hơn nữa, hiện các quốc gia trồng lúa như Thái Lan, Philippine, Indonesia cũng đến mùa thu hoạch vào tháng 3-5 và một số nước tiêu thụ gạo như các nước châu Phi và Philippines cũng đang tồn nhiều gạo nên sẽ ưu tiên tiêu thụ trong nước trước khi nhập khẩu thêm.
Theo bà Tâm, Vinafood 1 có chào hàng một số nhà nhập khẩu nhưng họ nói "sẽ nghiên cứu thêm và có thể trao đổi sau". Giá cả thị trường thế giới hiện nay đang có sự điều chỉnh. Chúng ta chỉ chiếm 15-18% tổng lượng xuất khẩu gạo của toàn thế giới.
Tin vui vào tháng 1 vừa qua, Việt Nam tham gia đấu thầu ở Indonesia với số lượng rất lớn, tổng số lượng mời thầu là 500,000 tấn nhưng các nhà xuất khẩu Việt Nam đã trúng đến gần 400,000 tấn với giá cao.
Ảnh minh họa
|
Với giá như hiện nay thì báo cáo với Thủ tướng để Thủ tướng yên tâm là người nông dân hoàn toàn có lãi và rất là phấn khởi, và chắc chắn với giá này thì người nông dân vẫn tiếp tục tăng sản lượng.
Thời gian tới, Chính phủ và các bộ, ban, ngành đã dự báo là năm 2024 là năm tiếp tục có nhu cầu lớn về gạo và các nhà nhập khẩu hiện nay vẫn tiếp tục có kế hoạch để triển khai.
Doanh nghiệp vẫn liên tục mua vào lúa gạo
Bà Bùi Thị Thanh Tâm cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban quản lý vốn và vẫn liên tục thu mua gạo, đến nay, Tổng Công ty đã mua được khoảng nửa triệu tấn gạo và sẽ tiếp tục thu mua trong thời gian tới. Ngoài ra, hiện các kho của công ty tư nhân cũng đang triển khai mua lúa gạo.
Trong thời gian, để tăng cường sản xuất, đảm bảo an ninh lương thực trong nước và xuất khẩu Vinafood 1 đề xuất với Tổng cục Dự trữ Nhà nước, Bộ Tài chính cho tiến hành sớm chương trình thu mua dự trữ gạo hàng năm vì các doanh nghiệp cần có hợp đồng để triển khai và đặc biệt là bảo đảm chất lượng trong kho.
Năm nay, tình hình có nhiều khó khăn nên Tổng Công ty cũng mong muốn Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và hệ thống ngân hàng thương mại tiếp tục quan tâm, giảm lãi suất, đồng thời nới lỏng các điều kiện cho vay với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, doanh nghiệp chế biến.
Về đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, đây là đề án có ý nghĩa rất lớn đối với trong và ngoài nước, Vinafood 1 đề nghị Chính phủ giao các bộ, ngành và các tỉnh triển khai đề án, có tổng kết chương trình cánh đồng mẫu lớn trước đây. Khi tổ chức hội nghị, đề nghị các bộ, ngành mời cộng đồng doanh nghiệp tham gia.