Chuyện mùa ĐHĐCĐ: Khi các “chủ doanh nghiệp” bị chặn cửa
Chuyện mùa ĐHĐCĐ: Khi các “chủ doanh nghiệp” bị chặn cửa
Bối cảnh mỗi năm mỗi khác, nhưng nhìn chung vẫn như mọi khi - đa số các Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) 2024 đều tổ chức thành công tốt đẹp. Tuy nhiên, còn đó những vấn đề cần được phản ánh, liên quan đến quy trình tham dự đại hội và cả tiếng nói của các cổ đông nhỏ - những người về bản chất cũng là chủ doanh nghiệp.
Trong bối cảnh một năm khó khăn với nhiều rủi ro, biến động về kinh tế - địa chính trị, lạm phát, tỷ giá… thì đại hội chính là cơ hội để các cổ đông được tiếp xúc với doanh nghiệp, nhằm biết thêm về tình hình kinh doanh, nắm bắt được kế hoạch của ban quản trị cũng như những quyền lợi mà doanh nghiệp mang lại.
Nhưng tham dự được hay không lại là câu chuyện khác. Với cơ may được trải nghiệm một vài đại hội cũng như tiếp xúc, ghi nhận từ một số cổ đông, có vẻ như việc tham dự ĐHĐCĐ năm nay còn nhiều hạn chế, khi có không ít người bị làm khó dễ ngay trước thềm cuộc họp.
Khi các “chủ doanh nghiệp” bị làm khó dễ
Theo Khoản 3, Điều 4, Luật doanh nghiệp 2020, cổ đông là cá nhân, tổ chức sở hữu ít nhất 1 cổ phần của công ty cổ phần. Họ là người góp vốn vào công ty cổ phần và sở hữu phần vốn góp tương ứng với số lượng cổ phần đã mua.
Nói cách khác, bất kể nắm giữ bao nhiêu cổ phần, cổ đông cũng chính là một trong những người chủ của doanh nghiệp, đại diện cho một phần tài sản và quyền lợi trong công ty. Với trường hợp người dự theo diện ủy quyền, họ có vai trò đại diện và cũng sở hữu những quyền lợi và nghĩa vụ tương tự trong phạm vi diễn ra đại hội.
Thế nhưng năm nay, hiện tượng những “người chủ” bị chính doanh nghiệp của mình gây khó dễ trong quá trình tham dự đại hội lại tỏ ra phổ biến hơn. Theo ghi nhận từ anh K., cổ đông của một doanh nghiệp ngành dịch vụ hàng không, anh đã bị ban kiểm tra tư cách ngăn lại, yêu cầu phải có thư mời do doanh nghiệp gửi tới để được vào dự đại hội.
“Từ trước tới nay tôi đi dự đại hội chỉ mang giấy tờ tuỳ thân (căn cước công dân, bằng lái xe…) chứ chưa từng nghĩ đến chuyện phải cầm theo thư mời” - anh K. chia sẻ.
Thực chất, không có quy định nào yêu cầu cổ đông phải mang thư mời để dự đại hội. “Giằng co một hồi không có kết quả, sau cùng tôi phải to tiếng yêu cầu mang quy định ra đối chiếu, họ mới thôi làm khó dễ” - anh K. bức xúc.
Bản thân người viết cũng rơi vào tình huống tương tự, bị yêu cầu phải có thư mời để tham dự. Thậm chí khi đi theo diện uỷ quyền, người viết còn gặp trường hợp yêu cầu phải có giấy uỷ quyền “kèm mộc đỏ” của doanh nghiệp để dự đại hội chứ không phải bản tự in. Vấn đề nằm ở chỗ, cổ đông uỷ quyền cho người viết cũng… không nhận được thư mời.
Liên quan đến thư mời cũng có lắm chuyện để kể. Theo ghi nhận, nhiều cổ đông nhỏ đã không nhận được thư mời dự đại hội từ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tổ chức theo hình thức trực tuyến. Như anh H.L., cổ đông của một số doanh nghiệp bất động sản, cho biết đã không nhận được bất kỳ thư mời nào. Nhờ việc thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin doanh nghiệp, cổ đông này vẫn nắm được thời gian và địa điểm tổ chức. Tuy nhiên, do các đại hội đều tổ chức trực tuyến, anh phải liên hệ với ban IR (ban quan hệ nhà đầu tư) để có được thông tin tài khoản cùng mật khẩu tham dự.
“Cũng khá phiền phức, vì gần sát ngày họ mới phản hồi. Có bên còn gửi thông tin cho tôi vào 30 phút sau khi đại hội đã bắt đầu” - trích chia sẻ của cổ đông H.L.
Xét ra, trường hợp của cổ đông trên còn là may mắn. Nhà đầu tư Đ. Kh. chia sẻ, một doanh nghiệp viễn thông đã không gửi thư mời, trong khi anh được uỷ quyền tham dự. Nhưng dù liên lạc với ban quản trị và được hướng dẫn gửi thư uỷ quyền qua email, sau cùng doanh nghiệp phản hồi phải gửi bản chính qua đường bưu điện và không cung cấp tài khoản đăng nhập.
Người viết cũng không nhận được thư mời, cũng không thể liên hệ với ban IR của một doanh nghiệp vận tải xăng dầu để nhận tài khoản tham dự đại hội. Một cổ đông khác cũng của doanh nghiệp này liên lạc thành công và được gửi tài khoản nhưng lại sai mật khẩu. Sau cùng, cả 2 đành ngậm ngùi… bỏ họp.
Những ý kiến bị ngó lơ
Có một chuyện được xem là muôn thuở tại mỗi mùa đại hội, đó là quyền được lên tiếng của các cổ đông nhỏ.
Về mặt quy định, các cổ đông của doanh nghiệp có quyền được nêu ý kiến và được giải đáp, không phân biệt lượng cổ phần nắm giữ. Tuy nhiên trên thực tế, những ý kiến của các cổ đông nhỏ lẻ đôi khi sẽ bị chìm vào quên lãng.
Tiếng nói của các cổ đông nhỏ cũng "nhỏ" như lượng cổ phần họ nắm giữ
|
Như trường hợp xảy ra với một cổ đông tại đại hội của một công ty phát hành sách phản ánh với chúng tôi. Cổ đông này cho biết, Doanh nghiệp có một phần vốn góp từ SCIC (khoảng 10%), còn cổ đông lớn nhất là một tập đoàn bất động sản nổi tiếng với tỷ lệ tới 65%. Lượng cổ đông nhỏ lẻ tham dự đại hội chỉ chiếm khoảng 10%.
Tại phần thảo luận, vị cổ đông này đặt 2 câu hỏi, liên quan đến quá trình thoái vốn liên tục thất bại của SCIC, và việc Công ty làm ăn có lãi nhưng không trả cổ tức mà đem tiền cho cổ đông lớn nội bộ vay. Tuy nhiên, cả 2 câu hỏi đều nhận về “sự im lặng khó hiểu của ban chủ tọa” - trích lời người này.
“Chủ tọa đã bỏ qua câu hỏi của tôi để tiến hành kiểm phiếu, và với phần vốn áp đảo 65%, đại hội đã thông qua việc không chia cổ tức. Công ty này, kể từ khi lên sàn, chưa một lần chi trả cổ tức dù năm nào cũng có lợi nhuận” - vị cổ đông tỏ ra bức xúc.
Thực tế, cổ đông dự đại hội thường mang theo nhiều câu hỏi, nhưng không phải lúc nào cũng được giải đáp cụ thể vì những lý do khác nhau. Có thể là thời gian hạn hẹp của buổi họp, có khi trả lời theo kiểu… có như không, và cũng có trường hợp chẳng vì lý do gì mà hẹn trả lời cổ đông bằng văn bản sau. Câu chuyện này đã diễn ra ở cả những đại hội trực tiếp, thì liệu những đại hội trực tuyến còn đến mức nào? Vấn đề là, dù không giải đáp thoả đáng, đại hội vẫn có thể kết thúc với toàn bộ tờ trình được thông qua vì tỷ lệ nắm giữ quá bán của các cổ đông lớn hoặc cổ đông chiến lược.
Đáng nói, những khó khăn từ chuyện tham dự đến quyền được giải đáp không trọn vẹn lại chỉ thường xảy ra với các cổ đông nhỏ. Họ, những người có thể đông về lượng, nhưng tiếng nói lại là nhỏ bé nhất, và để đảm bảo được quyền lợi cho nhóm cổ đông nhỏ bé này là câu chuyện đã kéo dài suốt nhiều năm mà không có dấu hiệu chấm dứt.
“Đừng để tiếng nói cổ đông nhỏ bị phớt lờ khi doanh nghiệp là công ty đại chúng” - vị cổ đông của doanh nghiệp phát hành sách trên chua chát nói.