Cách trái phiếu An Đông phục vụ Trương Mỹ Lan lừa đảo
Cách trái phiếu An Đông phục vụ Trương Mỹ Lan lừa đảo
Tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2, cơ quan cảnh sát điều tra xác định trong khoảng thời gian năm 2018-2019, Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã thực hiện hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” thông qua việc phát hành 25 gói trái phiếu của 4 Công ty gồm An Đông, Quang Thuận, Setra, Sunny World (đều thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) chiếm đoạt 30,082 tỷ đồng, của 35,824 bị hại.
Liên quan đến sai phạm trong việc phát hành trái phiếu “khống” của CTCP Tập đoàn Đầu tư An Đông đã gây hậu quả đặc biệt lớn về tài sản cho hàng ngàn nhà đầu tư.
Công ty An Đông thành lập vào tháng 04/2007; trụ sở tại 18 An Dương Vương, phường 9, quận 5, TPHCM. Ngành nghề kinh doanh nhà hàng, khách sạn, đầu tư bất động sản... Vốn điều lệ 9,000 tỷ đồng; cổ đông gồm Trương Mỹ Lan nắm 60%, Chu Duyệt Hằng 10%, Chu Duyệt Phấn 10%, CTCP Tập đoàn Đầu tư Thương mại Dịch vụ Hòa Thuận Phát (đại diện là Trương Huệ Vân) 8%, Công ty Quản lý và Phát triển Đô thị Vệ tinh Le Jardin Nam Sài Gòn (đại diện là Lê Thị Thục Trinh) nắm 0.11%. Ông Kwok Hakman Oliver (quốc tịch Úc) - Tổng Giám đốc làm đại diện pháp luật, Ngô Thanh Nhã làm Chủ tịch HĐQT.
Năm 2018 và 2019, An Đông thông qua Chứng khoán Tân Việt (TVSI) phát hành 3 mã trái phiếu ADC-2018.09, ADC-2018.09.1, ADC-2019.01 không có tài sản đảm bảo, tổng khối lượng gần 249.7 triệu trái phiếu, tổng trị giá trái phiếu và dư nợ hiện tại là gần 25 ngàn tỷ đồng. Thông qua đây, An Đông còn có hoạt động chuyển tiền quốc tế với giá trị lớn.
Năm 2018, Ngân hàng SCB trong tình trạng bị các Cơ quan quản lý thanh tra, kiểm tra; việc xin cấp tín dụng từ SCB gặp nhiều khó khăn, kèm theo tình hình nợ xấu kéo dài nên khoảng tháng 08/2018, Trương Mỹ Lan - Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã họp với Đinh Văn Thành - Chủ tịch HĐQT SCB, Võ Tấn Hoàng Văn - Tổng Giám đốc SCB, Nguyễn Phương Hồng - Phó Tổng Giám đốc SCB, Nguyễn Tiến Thành - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc TVSI và Hồ Bửu Phương - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát để ra chủ trương sử dụng Công ty An Đông và các công ty khác phát hành trái phiếu riêng lẻ huy động tiền từ người dân để xử lý khó khăn tài chính cho SCB.
Trên cơ sở đó, những người này đã lên phương án tạo lập trái phiếu và thông qua TVSI và SCB phát hành, chào bán cho người dân với lãi suất cao hơn lãi suất gửi tiết kiệm tại SCB.
Phương thức thủ đoạn gian dối của các đối tượng trong việc tạo lập trái phiếu khống là thành lập công ty “ma”, thuê người đứng tên công ty, sở hữu cổ phần, tài sản, khoản vay, ký khống tài liệu... phục vụ cho các hoạt động tài chính của Vạn Thịnh Phát.
Năm 2018, Trương Mỹ Lan ra chủ trương, bàn với các nhân sự cấp cao của SCB, TVSI và Vạn Thịnh Phát để lựa chọn Công ty An Đông phát hành trái phiếu với giá trị từ 10,000– 15,000 tỷ đồng, lựa chọn 5 công ty trái chủ sơ cấp là CTCP Phát triển Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam (VIPD), CTCP Tập đoàn Việt Nam (VN GROUP), CTCP Tập đoàn Quản lý Bất động sản WINDSOR (WMC), CTCP Dimension Universe (DUC), Tập đoàn Đầu tư Vạn Thịnh Phát, và 1 công ty đối tác là CTCP Tập đoàn Sài Gòn Peninsula (Công ty SPG) lên phương án dòng tiền “khống” tại SCB để hợp thức tư cách trái chủ sơ cấp và mục đích phát hành trái phiếu, từ đó tạo lập các gói trái phiếu “khống” để bán cho các nhà đầu tư thông qua TVSI – đại diện tổ chức phát hành.
Kết quả điều tra đối với Công ty An Đông cho biết lợi dụng “sự lỏng lẻo” của pháp luật, thay vì thực hiện đúng mục đích phát hành trái phiếu là tăng quy mô vốn hoạt động và thực hiện dự án đầu tư, các đối tượng tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và Chứng khoán TVSI đã che giấu mục đích chiếm đoạt tiền bằng việc ra chủ trương họp tác với Công ty SPG để đầu tư dự án khu công viên Mũi Đèn Đỏ và khu nhà ở đô thị tại phường Phú Thuận, quận 7, TPHCM với tổng chi phí đầu tư 119,600 tỷ đồng và điều khoản ràng buộc “Công ty An Đông chịu trách nhiệm huy động vốn bằng các hình thức vay của các tổ chức tín dụng, phát hành trái phiếu hoặc hình thức hợp pháp khác”, sau đó ký kết 5 Hợp đồng “khống” về việc An Đông cho SPG vay 29,206 tỷ đồng để thực hiện dự án, hợp pháp hóa mục đích sử dụng vốn từ trái phiếu trên hồ sơ phát hành trái phiếu của An Đông.
Đến nay, Công ty An Đông đã phát hành thành công 3 mã ADC-2018.09, ADC-2018.09.1 và ADC-2019.01 với tổng khối lượng 249.7 triệu trái phiếu, hiện còn 30,738 trái chủ gộp với tổng dư nợ gần 25 ngàn tỷ đồng, không có tài sản đảm bảo và không có khả năng thanh toán gốc và lãi đến hạn. Trong đó:
Mã ADC-2018.09 khối lượng 119.7 triệu trái phiếu, tổng trị giá 969 tỷ đồng, không có tài sản đảm bảo; phát hành ngày 10/09/2018, đáo hạn 10/09/2023. 5 công ty ký với An Đông các Hợp đồng đặt mua trái phiếu, sau đó chạy dòng tiền “khống” thanh toán để hợp thức tư cách trái chủ sơ cấp. Cụ thể: VIPD mua 20 triệu trái phiếu trị giá 2,000 tỷ đồng và thực hiện 13 giao dịch chuyển tiền thanh toán 5,000 tỷ đồng cho An Đông từ tài khoản mở tại Ngân hàng SCB.
VN GROUP mua 50 triệu trái phiếu, trị giá 5,006 tỷ đồng và thực hiện 14 giao dịch chuyển thanh toán 5,006 tỷ đồng cho An Đông từ tài khoản mở tại Ngân hàng SCB. WMC mua 30 triệu trái phiếu, trị giá 3,000 tỷ đồng, thực hiện 5 giao dịch chuyển thanh toán 3,000 tỷ đồng cho An Đông. Tập đoàn Đầu tư Vạn Thịnh Phát mua 4.7 triệu trái phiếu, trị giá 470.3 tỷ đồng, thực hiện 5 giao dịch chuyển thanh toán 470.3 tỷ đồng cho Công ty An Đông. Công ty DUC mua 15 triệu trái phiếu, trị giá 1,500 tỷ đồng, thực hiện 4 giao dịch chuyển thanh toán 1,500 tỷ đồng cho An Đông. Cơ quan điều tra xác định 17,388 trái chủ thứ cấp là người bị hại; tình trạng không có khả năng thanh toán.
Mã ADC-2018.09.1 khối lượng 30 triệu trái phiếu, trị giá 3,000 tỷ đồng, không có tài sản đảm bảo, phát hành ngày 10/09/2018, đáo hạn 10/09/2023. Trái chủ sơ cấp là VIPD mua toàn bộ và thực hiện 13 giao dịch chuyển thanh toán 5,000 tỷ đồng cho An Đông. Cơ quan điều tra xác định 5,093 trái chủ thứ cấp là người bị hại; tình trạng không có khả năng thanh toán.
Mã ADC-2019.01 khối lượng 100 triệu trái phiếu, trị giá 10,000 tỷ đồng, không có tài sản đảm bảo; phát hành ngày 22/01/2019, đáo hạn 22/01/2024. Công ty WMC mua toàn bộ và thực hiên 25 giao dịch chuyển 10,000 tỷ đồng cho An Đông. Có 15,530 trái chủ thứ cấp là người bị hại và không có khả năng thanh toán.
Quá trình hợp thức mục đích phát hành trái phiếu
Căn cứ hợp đồng hợp tác giữa An Đông và SPG về việc đầu tư dự án Mũi Đèn Đỏ, ngày 20/07/2018, Chủ tịch An Đông Ngô Thanh Nhã đã ký 2 biên bản họp HĐQT phê duyệt phương án huy động vốn bằng trái phiếu để bổ sung vốn cho Mũi Đèn Đỏ gồm 150 triệu trái phiếu ADC-2018.09 (trị giá 15,000 tỷ đồng), 150 triệu tp ADC-2018.09 (15,000 tỷ đồng) và 30 triệu tp ADC-2018.09.1 (3,000 tỷ) trong quý 3-4/2018, kỳ hạn 5 năm.
Ngày 17/12/2018, Ngô Thanh Nhã và TGĐ An Đông Kwok Hakman Oliver ký Biên bản họp và Quyết định ĐHĐCĐ về việc cho SPG vay tiền và phê duyệt phương án phát hành trái phiếu.
Để hợp thức mục đích sử dụng vốn huy động từ trái phiếu, kể từ ngày 15/08/2018 đến 05/12/2018, Kwok Hakman Oliver - đại diện An Đông và Trương Vincent Kinh - đại diện SPG đã ký kết 5 hợp đồng hợp tác việc An Đông cho SGP vay 29,206 tỷ đồng, lãi suất từ 11%/năm, thời hạn 5 năm, để sử dụng vào mục đích bổ sung nguồn vốn phát triển kế hoạch kinh doanh.
Ngày 25/12/2018, Kwok Hakman Oliver và Nguyễn Tiến Thành ký Hợp đồng cung cấp dịch vụ tư vấn phát hành và đại lý phát hành trái phiếu riêng lẻ; ngày 26/12/2018, 2 bên tiếp tục ký hợp đồng cung cấp dịch vụ đại lý đăng ký lưu ký và đại lý thanh toán trái phiếu do An Đông phát hành, và hợp đồng chỉ định TVSI là tổ chức đại diện cho quyền lợi của trái chủ.
Vào các ngày 30, 31/08/2018 và 28/12/2018, Kwok Hakman Oliver ký thông báo kế hoạch phát hành trái phiếu doanh nghiệp gửi Vụ Tài chính các Ngân hàng và Tổ chức tài chính, Bộ Tài chính và bản công bô thông tin về việc phát hành gần 25 triệu trái phiếu mã ADC-2018.09, ADC- 2018.09.1 vàADC-2019.1
Dòng tiền “khống” giữa các tài khoản mở tại Ngân hàng SCB để họp thức tư cách trái chủ sơ cấp của mã ADC-2018.09, ADC-2018.09.1
Việc đi lệnh dòng tiền trái phiếu Công ty An Đông được thực hiện với các tài khoản mở tại Ngân hàng SCB của các tổ chức, các nhân vào sau giờ hành chính (từ sau 18h00 đến tối muộn) tại Ngân hàng SCB - chi nhánh Sài Gòn trong 25 ngày, từ ngày 04/9/2018 đến ngày 28/12/2018, với nguồn tiền vốn thực có ban đầu là 1,980 tỷ đồng, giải ngân từ dự án Aqua City tại Ngân hàng SCB - chi nhánh Củ Chi.
Trong đó, dòng tiền liên quan đến VIPD và VN GROUP là 10,006 tỷ đồng được thực hiện trên cơ sở đi lệnh giải ngân, chuyển tiền, nộp, rút xoay vòng vốn ban đầu 1,980 tỷ đồng và số tiền này được rút dần để sử dụng vào các mục đích khác (rút tiền mặt hoặc đi lệnh cho việc khác); dòng tiền liên quan đến Tập đoàn Đầu tư VTP 470.43 tỷ đồng, gồm 260 tỷ đồng có nguồn gốc từ TVSI chuyển tiền theo Hợp đồng mua bán trái phiếu và 210.3 tỷ đồng tiền khống; dòng tiền liên quan đến các Công ty WMC và DUC là 4,510 tỷ đồng tiền khống.
Dòng tiền “khống” giữa các tài khoản mở tại Ngân hàng SCB để hợp thức tư cách trái chủ sơ cấp của mã ADC-2019.1 là các giao dịch trong hệ thống SCB nhằm tạo lập nguồn tiền 10,000 tỷ cho Công ty WMC mua 100 trái phiếu ADC-2019.01 trong thời gian từ ngày 05/3/2019 đến ngày 21/6/2019.
Sau khi mua sơ cấp trái phiếu An Đông, các trái chủ sơ cấp đã mua bán/chuyển nhượng qua lại trái phiếu trước khi chuyến nhượng cho TVSI để bán và thu tiền từ các nhà đầu tư, tổng giá trị thu về là 25,309 tỷ đồng; gồm mã ADC-2018.09 thu về 12,246 tỷ đồng, mã ADC 2018.09.1 thu về 3,025 tỷ đồng và mã ADC-2019.1 là 10,039 tỷ đồng.