Chủ tịch Kido chia sẻ lý do chọn ngành thực phẩm thiết yếu
Chủ tịch Kido chia sẻ lý do chọn ngành thực phẩm thiết yếu
Tại ĐHĐCĐ thường niên của CTCP Tập đoàn Kido (HOSE: KDC) diễn ra vào sáng ngày 19/06, ông Trần Kim Thành - Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Tập đoàn cho rằng những ngành nghề gắn liền với nhu cầu thiết yếu hàng ngày mới đủ tiềm lực vượt qua sóng gió.
Đây là lần hiếm hoi ông đích thân tham dự và có những chia sẻ trực tiếp với cổ đông. Trong phiên họp, ông Thành cũng trải lòng về quyết định đổi hướng từ mảng bánh kẹo truyền thống sang ngành thực phẩm thiết yếu.
Ông Trần Kim Thành, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Tập đoàn Kido, chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 diễn ra vào sáng ngày 19/06.
|
Tập đoàn Kido tiền thân là CTCP Kinh Đô và hoạt động chủ yếu trong mảng bánh kẹo. Đến năm 2014, Công ty bán lại mảng bánh kẹo cho đối tác ngoại, đổi tên thành Kido và chính thức thâm nhập vào mảng thực phẩm thiết yếu.
Theo ông Thành, bước chuyển dịch này thực tế xuất phát từ cách đây 16 năm, ngay thời điểm cơn bão tài chính vừa “càn quét” kinh tế toàn cầu. “Từ năm 2008, sau khi cơn bão tài chính càn quét thế giới, mọi thứ đã trở nên bất ổn và việc nhìn về vĩ mô trở nên càng ngày càng phức tạp. Đến nay, thế giới cũng chưa bao giờ ổn định trở lại”, ông nói.
Từ kinh nghiệm năm 2008, ông Trần Kim Thành nhận ra rằng chỉ những ngành nghề gắn liền với nhu cầu thiết yếu hàng ngày mới đủ tiềm lực vượt qua sóng gió.
Do đó, ông ấp ủ kế hoạch chuyển đổi Kido từ lĩnh vực kinh doanh từ bánh kẹo sang mảng hàng thiết yếu. Tuy nhiên, phải đến năm 2014, tập đoàn mới tìm được đối tác để nhượng lại mảng bánh kẹo.
Với "hầu bao" rủng rỉnh từ thương vụ trên, Kido rót tiền mua lại công ty sản xuất dầu ăn Vocarimex và bước chân vào lĩnh vực thực phẩm thiết yếu. Sau gần 10 năm, công ty giờ đã trở thành ông lớn ngành thực phẩm, với hàng loạt mặt hàng từ dầu ăn, bơ cho tới bánh tươi, bánh trung thu kem và gần đây cũng vừa thâm nhập vào thị trường bánh bao và gia vị.
Hiện tại, công ty giữ thị phần đứng đầu trong ngành kem với thị phần 47% (chủ yếu Celano và Merino), đứng thứ hai trong ngành dầu ăn với các thương hiệu Tường An, Marvela, Olita; dẫn đầu ngành bơ thực vật với gần 75% thị phần và đứng đầu sản xuất bánh bao với thương hiệu Thọ Phát...
Bán hàng mới là chìa khoá trong kinh doanh
Về cách kinh doanh, ông Thành cũng có cái nhìn khác biệt với một số công ty khác.
"Trong kinh doanh, chìa khóa thành công đôi khi không nằm ở sản phẩm hay quản trị mà chính là khả năng bán hàng. Việc giữ được kênh phân phối bằng nhiều sản phẩm đa dạng mới tạo ra đầu ra ổn định", ông Trần Kim Thành nhấn mạnh. "Nhờ nắm giữ lợi thế cơ bản này, Kido đã vượt qua đại dịch COVID-19 một cách nhẹ nhàng trong khi nhiều đại gia cùng ngành phải đóng cửa vì khó khăn".
Theo ông Thành, quá trình củng cố nội lực cũng nên được chú trọng. "Nếu không liên tục nâng cao năng lực cạnh tranh, chúng tôi sẽ khó lòng tồn tại trên thị trường", vị Chủ tịch nhấn mạnh.
Ông cũng nói thêm khối lượng công việc của Kido đã tăng rất nhiều so với trước đây vì thị trường trở nên khó khăn hơn và công ty thậm chí phải khai thác thị trường ở những vùng sâu vùng xa.
Tuy vậy, với mạng lưới phân phối rộng khắp và danh mục sản phẩm đa dạng, Kido tự tin đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 800 tỷ đồng trong năm 2024. “Dù cho 6 tháng đầu năm vẫn còn khó khăn, chúng tôi vẫn kỳ vọng đạt được mục tiêu năm 2024 nhờ vào nỗ lực của ban điều hành và sự phát triển của các ngành hàng. Chúng tôi mong muốn Kido khôi phục lại quy mô đáng có”, Chủ tịch Thành chia sẻ.