Công nghiệp văn hóa: Hãy bắt đầu từ phim trường, được không?
Công nghiệp văn hóa: Hãy bắt đầu từ phim trường, được không?
Trong đề án phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam, tại TP.HCM, mảng công nghiệp điện ảnh có ưu thế rõ nét nhất và cũng là “bằng chứng sống” cho thấy nếu khai thác đúng hướng, trúng đối tượng thì sẽ tạo nên thương hiệu cho thành phố, đạt lợi nhuận rất khả quan. Cụ thể với hai thương hiệu cá nhân là nhà đầu tư kiêm sản xuất Lý Hải - Trấn Thành đã xác lập “nhà làm phim ngàn tỷ”.
Đó là chưa kể, thành phố cũng sở hữu một lực lượng làm phim đông đảo, là nơi tiếp nhận và hấp thụ khá nhanh nhạy các luồng sáng tạo, các nghệ sĩ tài năng lớn ở khắp mọi nơi, trong lĩnh vực điện ảnh (cụ thể là có một thế hệ đạo diễn Việt kiểu đã làm nên những tác phẩm điện ảnh có giá trị).
Tuy nhiên, khi nhìn lại các cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa phục vụ cho mục tiêu lâu dài lẫn trước mắt, TP.HCM đang “bỏ quên” quá lâu phương thức đầu tư, dẫn tới hạ tầng thiếu cả về số lượng lẫn chất lượng - trong đó chẳng hạn phim trường để phục vụ cho quy trình sản xuất, hậu kỳ… đạt tầm khu vực (chưa nói là quốc tế) là hầu như chưa có.
Đã đến lúc thôi “dệt” những giấc mơ nghệ thuật xa vời nếu như không có hạ tầng, kỹ thuật phục vụ. Ngay cả khi Nghị quyết đặc thù 98 cho phép áp dụng phương thức đầu tư PPP (đối tác công tư) vào lĩnh vực văn hóa - thể thao thì việc kêu gọi nhà đầu tư vào lĩnh vực “kén chọn” này cũng rất khó, nhất là trong tình hình này. Việc đầu tư vào 2 lĩnh vực văn hóa - thể thao vốn rất chậm, thậm chí rất khó thu hồi vốn chứ chưa nói đến lời lãi. Các thủ tục ràng buộc, kiểm tra, kiểm kê… cũng rất nhiêu khê, ngay cả khi đã có “chìa khóa” 98.
Cụ thể với phim trường, hiện so với nhu cầu thị trường, số phim trường đạt chuẩn ở TP.HCM rất hiếm. Là không nói đến phim trường cho điện ảnh, mà chỉ nói đến phim trường dành cho sản xuất các chương trình truyền hình thực tế có quy mô lớn thì đều gặp không ít trở ngại, khó khăn. Đơn cử như để sản xuất kiểu chương trình Chị đẹp đạp gió rẽ sóng - nếu tuân thủ tuyệt đối với quy mô theo bản quyền mua lại từ Trung Quốc thì chắc chắn sẽ không thể. Cái không thể không phải do tài năng, kỹ năng và độ chịu chơi của các chị Đẹp lẫn nhà sản xuất mà là ở hạ tầng kỹ thuật, quy mô phim trường.
Hay sắp tới là chương trình Anh trai vượt ngàn chông gai, với mức độ thử thách cao hơn nhiều, vì thế đòi hỏi dàn kỹ thuật đi cùng độ bảo hiểm nhằm bảo toàn cho người tham gia lẫn công chúng dự khán, đội ngũ sản xuất… Vậy phim trường nào đủ sức đáp ứng công năng cho loại chương trình vừa nêu?
Chưa nói đến quy hoạch vượt tầm hay chờ đợi những tháo gỡ mang tính đột phá, bởi nếu tiếp tục trông cậy vào hai yếu tố đó thì sẽ khó có thể bắt tay vào để sản xuất ra các thành phẩm “minh họa” cho cái gọi là công nghiệp văn hóa mà chúng ta đang đặt ra đầy quyết tâm. Vậy, trong bước “quá độ” này, riêng tại TP.HCM nơi mà thị trường sản xuất, phân phối các sản phẩm thuộc công nghiệp văn hóa - kỹ nghệ tiêu khiển lớn nhất nước rất cần một phép giải linh hoạt, có tính “dám làm” vì lợi ích chung.
Đó là việc thành phố nên ưu tiên dành những khoảng đất trống, đất “treo” (do vướng các dự án đang không có lối ra), hoặc phải trích cả trong quỹ đất sạch của thành phố tiến hành mở cơ chế “98” cho thuê thời hạn 50 năm. Đất không nằm sâu trong khu dân cư, không nằm gần các cơ sở trường học, bệnh viện, các cơ sở tôn giáo để tránh tuyệt đối nguy cơ ô nhiễm tiếng ồn, nguy cơ cháy nổ, vào các giờ cao điểm dễ gây ùn tắc, kẹt xe. Hơn nữa, nó cũng cần được bảo vệ không gian khép kín, tránh gây thu hút sự tò mò, hiếu kỳ của các youtuber, tiktoker thường xuyên “bám đuôi” ngôi sao, người nổi tiếng.
Thời của thế giới số, nền tảng số nên rất cần quy hoạch và triển khai với tốc độ số hóa những phim trường nhằm phục vụ cho việc sản xuất các nội dung số để phủ sóng nhanh, rộng và sâu trên thị trường số lẫn công chúng số. Vì thế, phải tận dụng ngay nghị quyết 98 để tìm ra những “khe cửa hẹp” nhằm thiết kế một “bản đồ” phim trường - hạ tầng cơ bản để thực hiện sản xuất các sản phẩm công nghiệp văn hóa - giải trí - một thị trường tiềm năng, một nhu cầu đang rất lớn trước nguồn cung còn khá yếu và thiếu cũng như mục tiêu đã được xác lập.
TP.HCM đã thông qua nghị quyết về các lễ hội thường niên, trong đó có thể kể đến như Lễ hội sông nước, Lễ hội bánh mì, Liên hoan phim Quốc tế TP.HCM, Liên hoan âm nhạc Hò Dô… bên cạnh các diễn đàn kinh tế, tuần lễ du lịch vốn đã là chương trình truyền thống của thành phố. Một điểm dễ nhận ra là trong các lễ hội thường niên, thành phố chú trọng đến lĩnh vực văn hóa - du lịch, từ đó là đường dẫn đến đầu tư vào dịch vụ - thương mại, đúng với ưu thế của một thành phố đặc trưng công nghiệp - dịch vụ. Năm 2024 được xác định là năm công nghiệp văn hóa nên những bước khởi động với Liên hoan phim quốc tế, bước tiếp theo của Liên hoan âm nhạc Hò Dô và các hoạt động có liên quan đến ngành công nghiệp không khói đều hướng đến mục tiêu phát huy bản sắc văn hóa trong quá trình vận hành kinh tế và khai thác yếu tố kinh tế để phục vụ văn hóa. |