Vẫn bán ròng cổ phiếu, vì sao khối ngoại mua ròng trái phiếu trở lại?
Vẫn bán ròng cổ phiếu, vì sao khối ngoại mua ròng trái phiếu trở lại?
Trong khi vẫn đang bán ròng trên thị trường cổ phiếu, nhà đầu tư nước ngoài lại bất ngờ mua ròng trở lại trên thị trường trái phiếu trong tháng 5 vừa qua, giúp đảo chiều trạng thái từ bán ròng sang mua ròng tính chung cho năm tháng đầu năm nay. Điều gì đang dẫn dắt xu hướng này?
Ảnh: LÊ VŨ |
Bán ròng cổ phiếu
Tình trạng chênh lệch lãi suất giữa đô la Mỹ và tiền đồng kéo dài trong suốt thời gian qua đã góp phần gây áp lực lên tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng. Trong năm tháng đầu năm 2024, tiền đồng đã có lúc mất giá lên đến 5% so với đô la Mỹ. Tương tự, các đồng tiền của nhiều nền kinh tế khác cũng mất giá mạnh so với đô la Mỹ, khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chưa tỏ vẻ gì sẽ sớm hạ lãi suất trở lại.
Thêm vào đó, những căng thẳng địa chính trị leo thang kéo theo bất ổn kinh tế và thương mại toàn cầu, càng làm gia tăng áp lực rút vốn của các dòng vốn carry trade (kinh doanh chênh lệch lãi suất).
Diễn biến giá cước vận tải quốc tế tiếp tục tăng vọt trong những tuần qua, khi nhiều doanh nghiệp buộc phải chuyển hướng tàu ra khỏi Biển Đỏ do xung đột đang diễn ra, báo hiệu khả năng tiếp tục gián đoạn các hoạt động thương mại dẫn đến các chuỗi cung ứng bị tắc nghẽn.
Trong bối cảnh này, nhà đầu tư nước ngoài càng có xu hướng bán ròng trên thị trường cổ phiếu tại các thị trường chứng khoán (TTCK) mới nổi nói chung và Việt Nam nói riêng. Cụ thể, khối ngoại đã bán ròng đến 19.000 tỉ đồng trên toàn thị trường riêng trong tháng 5 vừa qua (trong đó bán ròng hơn 15.600 tỉ đồng riêng qua sàn HOSE), cao gấp 2,6 lần giai đoạn tháng 4 và là giá trị bán ròng theo tháng cao nhất từ trước đến nay tại TTCK Việt Nam.
Ngoài yếu tố rủi ro tỷ giá, dường như khối ngoại cũng cho rằng thị trường cổ phiếu đã có mạch tăng khá mạnh trong những tháng qua nên càng có động lực chốt lời, chuyển sang nắm giữ tiền mặt hoặc tạm trú ẩn vào các tài sản có thu nhập cố định là trái phiếu, như cách để bù đắp một phần rủi ro tỷ giá và chờ cơ hội để quay lại mua cổ phiếu. |
Nếu tính lũy kế năm tháng đầu năm 2024, lượng bán ròng của khối ngoại đã lập đỉnh hai năm qua với giá trị hơn 32.700 tỉ đồng trên toàn thị trường (trong đó bán ròng gần 35.329 tỉ đồng riêng qua sàn HOSE), vượt cả năm 2023. Trong những ngày đầu tháng 6 này, khối ngoại có sáu phiên bán ròng liên tiếp từ ngày 3 đến 10-6, với tổng giá trị gần 3.100 tỉ đồng trên cả ba sàn. Trong đó, khối ngoại tập trung bán ròng mạnh cổ phiếu ngành ngân hàng, chứng khoán, bất động sản trong khi mua ròng ngành bán lẻ, vận tải thủy, thép, điện.
Một thống kê khác cho thấy kể từ tháng 1-2020 (2020 là năm chứng kiến đại dịch Covid-19 xảy ra) cho đến nay, khối ngoại đã bán ròng hơn 110.000 tỉ đồng, xấp xỉ 4,4 tỉ đô la Mỹ. Đáng lưu ý, theo giới phân tích, xu hướng này hiện vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc hoặc đảo chiều, dù TTCK Việt Nam đang đứng trước cơ hội được nâng hạng. Trong cuộc họp ngày 8-6 vừa qua, Thủ tướng tiếp tục chỉ đạo các bộ ban ngành nỗ lực để nâng hạng TTCK Việt Nam, trong khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 nâng hạng TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.
…nhưng lại bất ngờ mua ròng trái phiếu
Trong khi vẫn đang bán ròng trên thị trường cổ phiếu, nhà đầu tư nước ngoài lại bất ngờ mua ròng trở lại trên thị trường trái phiếu trong tháng 5 vừa qua, giúp đảo chiều trạng thái từ bán ròng sang mua ròng tính chung cho năm tháng đầu năm 2024. Cụ thể, khối ngoại đã mua ròng 629 tỉ đồng trái phiếu chính phủ (TPCP) trong tháng 5, đưa lượng mua ròng của nhóm này trong năm tháng đầu năm 2024 lên 324 tỉ đồng, đồng nghĩa lũy kế bốn tháng trước đó vẫn đang bán ròng 305 tỉ đồng.
Dù quy mô mua ròng trên thị trường trái phiếu trong tháng 5 vừa qua không đáng kể nếu so với lực bán ròng trên thị trường cổ phiếu, nhưng động thái này cũng thu hút sự chú ý, đặc biệt trong bối cảnh lợi suất TPCP Mỹ trong tháng 5 vẫn đang cao hơn lợi suất TPCP Việt Nam, cụ thể khoảng cách là 248 điểm cơ bản ở kỳ hạn năm năm và 166 điểm cơ bản ở kỳ hạn 10 năm, theo dữ liệu thống kê từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam.
Diễn biến này cho thấy ngoài yếu tố rủi ro tỷ giá, dường như khối ngoại cũng cho rằng thị trường cổ phiếu đã có mạch tăng khá mạnh trong những tháng qua nên càng có động lực chốt lời, chuyển sang nắm giữ tiền mặt hoặc tạm trú ẩn vào các tài sản có thu nhập cố định là trái phiếu, như cách để bù đắp một phần rủi ro tỷ giá và chờ cơ hội để quay lại mua cổ phiếu.
Ngoài ra, dù lợi suất TPCP Việt Nam đang ở mức thấp trong nhiều năm qua, và gần như đi ngang trong tháng 5 vừa qua ở tất cả các kỳ hạn so với tháng trước, nhưng lực mua mạnh của các nhà đầu tư nước ngoài trong tháng vừa qua cũng cho thấy không loại trừ khả năng nhóm này dự báo lợi suất có thể tiếp tục xuống thấp hơn hoặc ít nhất là vẫn ổn định và khó tăng nhanh trở lại trong giai đoạn tới.
Phát triển thị trường trái phiếu luôn là một trong những mục tiêu hàng đầu của các cơ quan quản lý, khi quy mô của thị trường này đang còn thấp hơn nhiều so với các quốc gia trong khu vực. Theo Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030, dư nợ thị trường trái phiếu đạt tối thiểu 47% GDP (trong đó dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đạt tối thiểu 20% GDP) vào năm 2025 và đạt tối thiểu 58% GDP (trong đó dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đạt tối thiểu 25% GDP) vào năm 2030.
Trước đó, trong năm 2023, khối ngoại đã bán ròng đến 4.377 tỉ đồng TPCP, sau khi đã bán ròng 8.060 tỉ đồng TPCP trong năm 2022. Ngược lại, trong năm 2021, nhóm này mua ròng hơn 10.886 tỉ đồng và năm 2020 mua ròng 5.470 tỉ đồng. Có thể thấy động thái bán ròng của khối ngoại trong năm 2022 và 2023 khá tương đồng với chu kỳ tăng lãi suất của Fed. Cụ thể tính từ tháng 3-2022 đến tháng 7-2023, Fed đã có 11 lần tăng lãi suất, đưa lãi suất cơ bản đô la Mỹ từ 0-0,25% lên mức 5,25-5,5%.
Kỳ vọng Fed sẽ giảm lãi suất cơ bản trở lại ngay trong năm nay, từ đó giúp thu hẹp chênh lệch lãi suất đô la Mỹ so với tiền đồng, có thể sẽ thúc đẩy khối ngoại tiếp tục mua ròng trở lại trên thị trường TPCP Việt Nam trong thời gian tới.
Triệu Minh